Bài IV: Đặc tính của Bí tích hôn nhân

Theo Tin mừng Mt, sau khi tuyên bố:”Bởi lẽ đó, người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ, và luyến ái người vợ của mình, và cả hai sẽ thành nên một huyết nhục, như thế họ không còn phải là hai, nhưng là một huyết nhục”, Chúa Giêsu kết luận: “Vậy điều gì mà Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19, 4-6).

 

Dựa vào đó, Giáo Luật điều 1056 quy định: “Những đặc tính căn bản của Hôn phối là sự duy nhất bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí Tích, những đặc tính ấy được kiện toàn trong Hôn phối Kitô giáo”. Hôn phối duy nhất là chỉ một vợ một chồng (nhất phu nhất phụ). Hôn phối bất khả phân ly là không có vấn đề ly dị.

 

1.   Nhất phu nhất phụ

Thiên Chúa đã ấn định đặc tính này của hôn nhân ngay trong việc sáng tạo loài người. Ngài chỉ dựng nên một Ađam và một Eva. Do đó, một vợ, một chồng là quy luật của Thiên Chúa. Luật này đã bị vi phạm rất nhiều lần, kể cả bởi các tổ phụ trong thời Cựu Ước. Đức Kitô đã tái lập lại trật tự của thuở ban đầu và ban ơn thánh để giúp vợ chồng sống chung thủy với nhau. Nghịch với đặc tính nhất phu nhất phụ là đa thê hay đa phu, hiện đang có ở nhiều tôn giáo và nhiều phần đất trên thế giới. Dân luật của nước Việt Nam chỉ chấp nhận chế độ “nhất phu nhất phụ”.

 

2.   Bất khả phân ly

Để trung thành với lệnh truyền của Chúa Giêsu :”Điều mà thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly”, mỗi người trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân xác tín sống chung thủy trọn đời với nhau, không chấp nhận việc ly dị. Đây là điều đã được khẳng định trong Giáo Luật điều 1141: “Hôn phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào khác ngoại trừ sự chết”. Hôn phối thành nhận (conclu) là khi đôi bạn đã làm hôn thú, đã lãnh bí tích. Hôn phối hoàn hợp (consommé) là sau ngày cưới, đôi bạn đã giao hợp với nhau.

 

3.Tại sao Giáo hội không cho phép ly dị ?

Có nhiều lý do:

a/ Trung thành với luật của Chúa, Đấng đã ấn định tính cách vững bền của hôn nhân khi truyền lệnh :”Điều mà Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

b/ Bảo đảm hạnh phúc cho đôi bạn,bằng cách giúp đôi bạn giữ trọn lời đã giao ước với nhau cách long trọng và công khai trong ngày lễ thành hôn, trước sự chứng giám của linh mục, hai nhân chứng và cả cộng đoàn. Người nam giao ước với người nữ: “Anh nhận em làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”. Người nữ cũng giao ước với người nam như vậy. Sống trọn lời giao ước đó mỗi ngày là chìa khóa tạo hạnh phúc cho nhau.

 

Việc ly dị đánh mất ý nghĩa và mục đích của sự tự hiến của hai người cho nhau và lòng trung tín trong tình yêu. Mục đích của việc bảo vệ và chăm sóc lẫn nhau là một điều tối cần thiết (nhất là trong khi gặp hoàn cảnh khó khăn). Điều này chỉ có thể đảm bảo trong bậc sống hôn nhân khi quan hệ vợ chồng là một quan hệ vĩnh viễn. Tình yêu chân thật trong đời sống hôn nhân không thể giới hạn trong một khoảng khắc nào đó, nghĩa là hôm nay thì tôi yêu em, nhưng ngày mai thì không yêu nữa. Việc khẳng định mối dây ràng buộc bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân tạo nên uy lực rất mạnh nhằm bảo vệ tình yêu vợ chồng và lòng trung thành. Nó đem lại một động lực giúp đôi vợ chồng chấp nhận chịu đựng những khuyết điểm của nhau trong kiên nhẫn và bảo tồn sự hiệp nhất, hoà thuận với nhau. Nếu định chế hôn nhân và gia đình không có một nền tảng vững chắc, thì xã hội sẽ trở nên nghèo nàn, và điều đó đã làm mất đi cái nét yêu kiều của bộ mặt con người. Con người sẽ trở nên cô lập, tính toán so đo với nhau và những mối liên hệ giữa con người với nhau chẳng qua là để vụ lợi. Nó còn làm cho sự đoàn kết mỗi ngày một rạn nứt lớn hơn. Quả là chí lý khi nói rằng : “Mẹ đẻ của tình yêu chân thật là lòng trung thành.”

 

c/ Bảo đảm hạnh phúc cho con cái. Càng thương nhau, càng chung thủy với nhau, đôi bạn càng chung sức trong trách nhiệm sinh dưỡng và giáo dục con cái. Kinh nghiệm thực tế minh xác điều đó. Một khi mối dây liên hệ ràng buộc trong đời sống hôn nhân bị lỏng lẻo, con cái bị tước đoạt đi tình cảm của bố hoặc của mẹ, hay cả hai; và điều ấy hiển nhiên ảnh hưởng đến sự tự tin của chúng, việc học hành và gây sự bất ổn trong tâm hồn. Sự mất mát với trẻ em thì không thể bồi hoàn lại được. “Có thể nói không ai chịu nhiều đau khổ hơn các em khi ba mẹ chúng ly dị. Các em là nạn nhân chính trong các cuộc ly dị… Thật vậy, các em là của hy sinh cho sự yếu hèn của cha mẹ. Ly dị được cảm nhận bởi các em như là một sự khước từ của cha mẹ đối với chúng.” (Thư mục vụ của HĐGM Ái Nhĩ Lan, 1985). Lợi ích của con cái ít khi được sử dụng để coi đó như một sự ép buộc cha mẹ không được phép ly dị. Nhưng ngược lại, nó dùng để đấu tranh cho sự bền vững của mái ấm gia đình.

 

d/  Lợi ích của xã hội.Chỉ có phương cách ấy thì việc giáo dục lành mạnh cho các thế hệ trẻ có thể được bảo đảm; và sự tương thân, tương trợ đoàn kết lẫn nhau trong cùng một cộng đoàn mới được bảo vệ và nâng đỡ. Chính quyền không những chỉ có trách nhiệm và bổn phận giải thể những cuộc hôn nhân bị trục trặc, nhưng họ còn phải có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ tư vấn về phương diện gia đình hầu giúp đỡ việc hoà giải và tái lập những hôn nhân đã bị đổ vỡ.

 

Những điều trên đây được đúc kết trong giáo huấn của Công đồng Vatican II: “Bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ ‘không còn là hai nhưng là một xương thịt’ (Mt 19,6) phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (MV 48).

 

Kết luận: Hôn nhân Kitô giáo có những đặc tính sau đây.

1/ Đơn nhất và bất khả đoạn tiêutrong cả cuộc đời (Mt 19,6). Vợ chồng được kêu gọi luôn hiệp thông với nhau bằng sự trung tín hằng ngày với lời cam kết vĩnh thệ. Chế độ đa thê là trái nghịch với phẩm giá bình đẳng giữa người nam và người nữ, trái nghịch với tình yêu phu phụ là tình yêu độc nhất và độc chiếm.

 

2/ Trung thành: Tình yêu hôn nhân đòi phải chung thủy trọn vẹn suốt đời không phản bội lời cam kết dưới bất cứ hình thức nào.

 

3/  Chu toàn nghĩa vụ sinh sản và giáo dục:Tự bản chất, định chế hôn nhân và tình yêu phu phụ hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái. Đây là đỉnh cao và là kết quả hôn nhân (MV 48, 1). Sự từ chối sinh sản làm cho hôn nhân mất đi hồng ân tuyệt hảo nhất của đời sống phu phụ là con cái (MV 50, 1)