Bài V: Mục đích của Bí tích Hôn nhân

Đời sống hôn nhân không chỉ có mục đích duy nhất là sinh sản con cái, nhưng còn có những mục đích khác. Một trong những mục đích ấy chính là sự tương trợ lẫn nhau được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ : chăm lo săn sóc cho nhau đặc biệt khi đau yếu, đây cũng là một hình thức biểu lộ sự yêu thương của tình nghĩa vợ chồng, song song với việc chăn gối. Nói cách khác, đời sống và mục đích của hôn nhân không chỉ hạn hẹp trong việc sinh sản và các hành động hợp giao.

Tự bản tính, hôn nhân hướng về:

–      Ích lợi tinh thần và thể xác của đôi bạn

–     Bổn phận sinh dưỡng và giáo dục con cái (GL 1055).

1.Ích lợi tinh thần

Để đạt được và làm phát triển dồi dào những ích lợi tinh thần trong đời sống lứa đôi, đôi bạn phải ý thức và xác tín rằng:

1)Tình yêu của đôi bạn là tình yêu thánh thiện phát xuất từ Thiên Chúa.

 

2)Bước vào đời sống hôn nhân là đôi bạn tự do chọn lựa một ơn gọi “sống hạnh phúc và thánh thiện trong đời sống gia đình”.

 

3)Sự thánh thiện và hạnh phúc của đôi bạn, của gia đình trực tiếp ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự thánh thiện của Giáo hội và nhân loại.

 

4)Vì thế Giáo hội luôn cầu nguyện cho các đôi bạn, đề cao tình yêu và hạnh phúc gia đình, nhắc nhủ đôi bạn sống lương thiện và nên thánh.

 

5)Yêu nhau là đôi bạn chịu trách nhiệm về nhau toàn diện, không nguyên về đời sống thể xác và vật chất, mà cả đời sống tinh thần, đạo đức và luân lý.

 

6)Chịu trách nhiệm về nhau có nghĩa là mỗi ngày vợ chồng phải cầu nguyện cho nhau, cho tình yêu của hai người; vợ chồng phải biết xây dựng lẫn nhau, sửa lỗi và chỉ dẫn cho nhau, khích lệ nhau làm điều tốt. Vợ chồng cần biết dẹp tự ái để lắng nghe nhau….

 

Tóm lại, hãy sống lời dạy của thánh Phaolô: “Anh chị là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, những người thánh thiện và được yêu thương. Anh chị hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị, anh chị cũng hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh chị hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện. Nguyện xin bình an của Đức Kitô làm chủ trong lòng anh chị, sự bình an mà anh chị đã được kêu gọi tới hưởng thụ để làm nên một thân thể …” (Cl 3,12-15)

2. Ích Lợi  thể xác

Tình yêu của đôi bạn là tình yêu thánh thiện, nhưng đồng thời cũng là tình yêu nhân bản, tình yêu giữa một người nam với một người nữ. Nói khác, tình yêu của đôi bạn phải được bày tỏ ra qua những thể thức của con người bình thường. Vì thế, đời sống sinh lý, và những cử chỉ âu yếm là những điều hợp pháp, cần thiết.

Công đồng Vatican II dạy : ” Tình yêu vợ chồng cao cả, vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác bằng một tình cảm tự nguyện, do đó bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Nên tình vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thể xác và tâm hồn một phẩm giá đặc biệt, và khiến chúng trở nên cao qúi như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu đôi bạn. Bởi một ân huệ đặc biệt của ân sủng, và của tình lân mẫn, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu đôi bạn. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh, như thế phải thấm nhuần vào cả đời sống và hướng dẫn đôi bạn biết tự do trao hiến cho nhau, qua những tâm tình và cử chỉ trìu mến. Hơn nữa, chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được trọn vẹn và lớn thêm. Tình yêu vợ chồng do đó vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy, và xu hướng này, nếu được tôn thờ một cách ích kỷ, sẽ mau tan biến và kéo theo những hậu quả thảm hại. Sự âu yếm trên được biểu lộ và hoàn hảo cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao qúy và chính đáng. Được thi hành cách thật sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn nhau….”(MV 49)

3. Sinh dưỡng và giáo dục con cái

Đôi bạn nào cũng muốn có con. Gia đình không con như lồng không chim. Vì thế con cái là kết tinh của tình yêu vợ chồng, là tương lai của lứa đôi, là hồng ân và phúc lộc Chúa ban. Trời cho mới được.

Tuy nhiên không thiếu gì những trường hợp bất thường: cha mẹ coi con như một gánh nặng, một của nợ, một sự chẳng đặng đừng … Đôi bạn đừng quên rằng, ngay từ đầu Thiên Chúa đã nói với loài người “hãy sinh con cái cho đầy mặt đất ” (St 2,28), và địa vị cao cả của những người theo ơn gọi gia đình là trở thành những người cộng tác với Chúa trong việc truyền sinh, tức là việc tiếp tục tạo dựng con người. Tự nó “việc vợ chồng hiến thân cho nhau phải hướng về mục đích sinh sản con cái”. Đó là lý do tại sao Giáo hội khuyến khích vợ chồng đón nhận con cái.

Tuy nhiên, không phải là quyền hạn hay bổn phận Giáo hội ấn định cho đôi bạn phải sinh mấy con, hoặc sinh theo nhịp độ hai năm hay ba năm một đứa. Việc có con hay không, có bao nhiêu đứa, khi nào có con, là quyền lợi và bổn phận của đôi bạn. Giáo hội chỉ hướng dẫn, nhắc nhở. Đôi bạn phải lãnh nhận lấy trách nhiệm và quyền lợi của mình với một lương tâm có trách nhiệm.  Nghĩa là để quyết định sinh con hay không sinh con, đôi bạn phải cầu nguyện, cùng nhau suy nghĩ đắn đo, đối chiếu với Giáo huấn của Giáo hội và dựa trên những điều kiện thực tế của bản thân, của gia đình và của xã hội mà đôi bạn đang sống.

Trong Thông điệp “Sự Sống và Con Người” (Humanae Vitae), Đức Phaolô VI nhấn mạnh “lương tâm trách nhiệm” này :

1)        Theo phương diện sinh lý, là tôn trọng lề luật của các tiến triển sinh lý ;

2)        Theo phương diện chế ngự các xu hướng bản năng và dục vọng, là biết tự chủ theo lý trí;

3)        Theo phương diện hoàn cảnh kinh tế, tâm lý xã hội, là quyết định tùy theo hoàn cảnh cho phép thêm con hay không;

4)        Theo phương diện luân lý, là quyết định và thực hiện quyết định đó một cách thích hợp với nhiệm vụ đối với Chúa, đối với chính mình, đối với gia đình và xã hội.

5)        Theo phương diện kitô hữu, là cố trung thành với Giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân.