Được phép đưa thêm tên trong Kinh Nguyện Thánh Thể không? Tên Giám mục được đọc thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Ba kinh nguyện Thánh Thể đầu đều có cơ hội để đề cập đến tên riêng của người tín hữu còn sống hay đã qua đời, cụ thể là tại Memento (“Lạy Chúa, xin nhớ đến …”). Khi nào linh mục thực hiện các cơ hội này? Liệu linh mục được phép bỏ qua các tên trong Lễ Qui Rôma không? Ngoài ra, các Kinh Nguyện Thánh Thể nhắc lại cách tuyệt vời sự sống của các thánh trên trời. Thỉnh thoảng, một linh mục sẽ thêm tên của vị thánh vào ngày lễ, mà chúng ta có thể cử hành cho Ngài, và/hoặc tên của vị thánh sáng lập Dòng tu, mà linh mục ấy thuộc về (nếu linh mục là tu sĩ Dòng). Trong khi điều này có vẻ phù hợp, liệu nó là đúng chăng (đặc biệt là khi Kinh Nguyện Thánh Thể III nêu rõ ràng sự tùy chọn thêm tên của “vị thánh trong ngày hay vị thánh bổn mạng”, trong khi các Kinh nguyện Thánh Thể khác không cho phép sự tùy chọn này)? – J. G., Lewisville, Texas, Mỹ.

Đáp:
Như một nguyên tắc chung, tên của người đã khuất, cùng với các công thức cụ thể có liên quan, được tưởng nhớ đến trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chỉ khi có một lý do đặc biệt để làm như vậy. Trên hết, đó là Thánh Lễ an táng hay kỷ niệm ý nghĩa của ngày qua đời.

Trong các dịp khác, nếu Thánh Lễ đang được dâng cầu cho linh hồn người đã qua đời, tên người ấy được nhắc đến tốt nhất ở đầu Thánh Lễ, hoặc trong lời cầu nguyện của các tín hữu. Còn tên cụ thể của người quá cố không nên được nhắc thường xuyên trong Kinh Nguyện Thánh Thể.

Một tiêu chuẩn tương tự áp dụng cho người còn sống. Với ngoại lệ là Giáo hoàng và

Giám mục, những người sống chỉ được nhắc đến trong các dịp hiếm hoi. Thí dụ, nhân dịp một lễ rửa tội, cha mẹ đỡ đầu được nhắc đến trong Memento (“Lạy Chúa, xin nhớ đến …”), trong khi các tân tín hữu trưởng thành được nhắc đến trong Hanc Igitur (“Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con…”). Các tân tín hữu thường được nhắc chung vào thời điểm này trong tuần bát nhật Phục Sinh. Đôi tân hôn cũng được nhắc đến trong một Hanc Igitur đặc biệt, và có các công thức tương tự cho dịp khác, như lễ ban phép thêm sức và lễ truyền chức thánh, mặc dù không phải tất cả đều có khả năng nhắc đến tên cụ thể. Các công thức này thường được tìm thấy trong Sách nghi lễ cho mỗi bí tích, chứ không trong Lễ Qui Thánh Lễ.

Một số Hội đồng Giám mục cũng đã soạn thảo các sự can thiệp tương tự cho các Kinh Nguyện Thánh Thể khác.

Về việc nhắc đến tên các thánh, mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể có đặc điểm riêng của mình, và chúng phải được tôn trọng. Trước khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thêm tên Thánh Giuse, Lễ Qui Rôma truyền thống liệt kê 24 vị thánh (12 tông đồ và 12 tử đạo) ở hai nhóm riêng biệt. Danh sách này hiện nay có thể được rút ngắn còn 7 vị, bằng cách bỏ qua các thánh sau thánh Anrê trong nhóm đầu tiên, và sau Thánh Banaba trong nhóm thứ hai.

Danh sách đầy đủ là:

Nhóm đầu tiên: thánh Phêrô và Phaolô, Anrê, (Giacôbê, Gioan, Tôma, Giacôbê, Philiphê, Bartôlômêô, Matthêô, Simon và Tađêô [tông đồ], Linô, Clêtô, Clêmentê, Xistô, Cornêliô [5 giáo hoàng], Xyprianô [giám mục Carthage] , Laurensô [phó tế], Crisôgônô, Gioan và Phaolô, Cosma và Đamianô [5 giáo dân])

Nhóm thứ hai: thánh Gioan Tẩy Giả, Têphanô [phó tế tử đạo đầu tiên], Matthia, Banaba [tông đồ], (Inhaxiô [Giám Mục Antioch], Alexandrô [Giáo hoàng], Marcellinô [linh mục], Phêrô [trừ quỷ], Phêlixita, Perpetua [2 nữ giáo dân có gia đình ở Carthage], Agata, Luxia, Anê, Xêxilia [4 trinh nữ], Anastasia [nữ giáo dân ở Sirmium]). (bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Do đó, hai danh sách này đại diện cho toàn thể Giáo Hội hiệp nhất trong việc dâng lễ hy sinh bàn thờ thánh thiện nhất, khi Kitô hữu thuộc mọi tầng lớp được xem là xứng đáng với sự tử đạo, làm hy lễ cuối cùng cho Chúa Kitô. Bằng cách này, việc sử dụng các danh sách đầy đủ, ít nhất là thỉnh thoảng, là rất hữu ích, trong số các sứ điệp khác, trong việc minh họa lời mời gọi phổ quát cho việc nên thánh.

Trong các Kinh nguyện khác, chỉ có Kinh Nguyện Thánh Thể III và các lời nguyện Thánh Thể cho các nhu cầu khác nhau, có khả năng thêm tên của các vị thánh bổn mạng của nhà thờ hoặc vị thánh trong ngày. Trong trường hợp này, nó có thể là một tập tục hợp pháp cho một linh mục tu sĩ nhắc đến tên của đấng sáng lập Dòng tu của mình, đặc biệt là nếu cử hành trong một nhà thờ, do một cộng đoàn Dòng tu của mình quản lý.

Tuy nhiên, sẽ là không hợp pháp, cho bất cứ linh mục nào đưa thêm tên của các thánh, nếu khả năng này là không dự kiến trong chính lời nguyện riêng. Điều này có nghĩa rằng một linh mục, khi sử dụng Lễ Qui Rôma có thể dọc danh sách bảy vị thánh, hoặc tất cả 24 vị thánh, nhưng không thể thêm bất kỳ tên khác không nằm trong danh sách này. Tương tự như vậy, linh mục không thể đưa thêm tên tên của vị thánh vào Kinh Nguyện Thánh Thể II, IV, hoặc các kinh nguyện Thánh Thể cho sự hòa giải.

Tóm lại, nếu linh mục muốn nêu tên một vị thánh bổn mạng, thì ngài phải chọn kinh tiến hiến (Anaphora) thứ ba, hoặc, nếu dịp này bảo đảm nó, một trong các lời nguyện cho các nhu cầu khác nhau.

Sau khi tôi trả lời vấn đề trên, có hai câu hỏi được gửi đến tôi, liên quan đến việc nêu tên của Giám mục địa phương.

Một độc giả Canada hỏi: “Giáo phận của con hiện nay không có một Giám mục chính tòa. Vị Giám quản Tông tòa của chúng con là một Giám mục. Câu hỏi của con là, con phải đọc như thế nào trong Kinh Nguyện Thánh Thể?. Liệu con cứ tiếp tục như bình thường – “Ðức Giáo Hoàng T., Ðức Giám Mục T., chúng con”, hoặc con đọc ‘N. Giám quản Tông tòa của chúng con” hay chỉ đơn giản là ‘Giám quản’? Tương tự như vậy, đối với Kinh Nguyện Thánh Thể III, “cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo Hoàng T. và Ðức Giám Mục T. [‘Giám quản Tông tòa’ hoặc đơn giản là ‘Giám quản’] chúng con”?.

Một độc giả khác, cũng từ Canada, hỏi: “Câu hỏi của con liên quan đến lời nguyện, mà trong đó linh mục cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và Giám mục địa phương, sau khi truyền phép. Cha xứ của chúng con đã thực hiện thứ tự đảo ngược. Nói cách khác, thay vì nhắc đến Đức Giáo Hoàng trước và Đức Tồng Giám mục địa phương của chúng con sau, thi cha lại đảo ngược nó, bằng cách nhắc đến Đức Tổng Giám mục địa phương của chúng con trước, và tên của Giáo hoàng sau. Điều này đã làm phiền một số người lớn tuổi trong giáo xứ của chúng con, và con muốn biết thứ tự nào là đúng. Con đã hỏi cha xứ, và ngài trả lời rằng lòng trung thành đầu tiên của ngài là với Giám mục của mình, và tất cả các Giám mục, trong đó có Đức Giáo Hoàng, đều là bình đẳng, vì vậy việc ngài đề cập đến ai trước là không thành vấn đề. Con đã đi lễ ở nhiều nhà thờ trong tổng giáo phân, và không nơi nào làm theo thứ tự như cha xứ của con. Thưa cha, liệu việc đảo ngược thứ tự như thế là đúng chăng?”

Đáp: Mặc dù không có quy tắc tuyệt đối ở đây, các sách hướng dẫn phụng vụ cũ khuyên bạn chỉ đơn giản bỏ qua cụm từ “N. giám mục của chúng con”, khi tòa giám mục trống ngôi. Nguyên tắc tương tự cũng được tuân giữ khi Tòa Thánh trống ngôi, cho nên cụm từ “N. Đức Giáo Hoàng của chúng con” cũng được bỏ trong thời gian ấy.

Vị giám quản tông tòa, ngay cả khi ngài là một Giám mục, thường không được nhắc tên, mặc dù các giám chức khác, tức những vị là tương đương trong luật với Giám mục giáo phận (như vị đại diện Giám mục, giám quản (prefect), và vài viện phụ tòng thổ) được nhắc đến lúc này.

Một ngoại lệ là có thể được, là khi Giám mục địa phương đã được đổi qua tòa Giám mục khác, nhưng vẫn là Giám quản tông tòa của giáo phận cũ của mình, trong khi chờ bổ nhiệm vị kế nhiệm. Trong các trường hợp như vậy, rất khó để thực hiện một sự đoạn tuyệt rõ ràng, khi Giám mục cũ vẫn còn phụ trách công việc.

Cuối năm 2008, Tòa Thánh công bố một số thay đổi kỹ thuật cho Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 149, liên quan điểm này. Các thay đổi qui định rằng nếu một Giám mục cử hành Thánh lễ ngoài của giáo phận của mình, ngài nhắc trước tiên tên của đẩng bản quyền, và sau đó dùng công thức “và con là tôi tớ bất xứng của Cha”.

Sự việc, rằng Giáo Hội gần đây đã đi đến việc sửa đổi văn bản để đảo ngược thứ tự, mà trong đó Giám mục nhắc đến tên mình và tên của đấng bản quyền, cho thấy rằng thứ tự này là không dửng dưng đâu.

Điều này là do “cùng với” (una cum) của Giáo luật Rôma không chỉ đơn thuần là một lời cầu nguyện “cho” Giáo hoàng và Giám mục, và ít nhiều nó thể hiện một hình thức nào đó của lòng trung thành chính trị.

Linh mục đọc Kinh nguyện Thánh Thể không phải nhân danh bản thân mình, nhưng như là đại diện của Chúa Kitô và Giáo Hội. Do đó công thức này diễn tả một thực tại thần học sâu hơn, mà trong đó linh mục và cộng đoàn diễn tả việc họ thuộc về Giáo Hội phổ quát, thông qua sự hiệp thông phẩm trật với Đức Giáo Hoàng và Giám mục. Đức Giáo Hoàng là đại diện của sự hiệp nhất này ở cấp phổ quát; Giám mục là nguyên tắc của sự hiệp nhất ở cấp địa phương. Sự hiệp thông với cả Giáo hoàng và Giám mục là cần thiết, nếu Thánh lễ của chúng ta là Công Giáo thật sự.

Tôi không có ý kiến về các động cơ cho sự đảo ngược thứ tự thông thường, mà linh mục ấy thực hiện, nhưng các lập luận cho việc bênh vực sự đảo ngược phải dựa vào “lòng trung thành”, và sự hàm ý rằng thứ tự là không quan trọng, cho thấy một sự thiếu chắc chắn của sự quen thuộc với một số phạm trù của thần học phụng vụ và Giáo Hội học.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 17-2-2009, 3-3-2009)