Hành trình phi thường của bức tranh Ðấng Cứu Thế

Trước khi được ghi vào lịch sử nghệ thuật thế giới, bức họa Chúa Giêsu của họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci đã trải qua vận mệnh trầm nổi trong hơn 500 năm tồn tại.

Bức tranh có tên Salvator Mundi, tức Ðấng Cứu Thế, đã lập kỷ lục mới khi được chốt với giá 450.312.500 USD (hơn 10.234 tỷ đồng) trong phiên đấu giá đầy căng thẳng và gây chấn động tại nhà Christie’s ở TP New York (Mỹ). Ðây cũng là bức tranh đắt nhất từng được bán tại một cuộc đấu giá, theo tờ The New York Times. Mức giá cao nhất từng giữ kỷ lục thế giới trước đó là 179.364.992 USD cho bức “Les Femmes d’Alger” của Picasso vào năm 2015.

Cuộc “đấu” để tranh quyền sở hữu Salvator Mundi kéo dài gần 20 phút, với 4 người tham gia ban đầu, trước khi 2 người khác góp mặt qua điện thoại. Việc phát giá diễn ra sôi nổi và nhanh chóng, từ 100 triệu USD lao lên khoảng 330 triệu USD, và từ đây bắt đầu những khoảng lặng dài, do nhiều người từ bỏ. Ðến khoảng 370 triệu USD, chỉ còn lại hai người đeo bám cuộc chơi từ xa cho đến khi người thắng cuộc cuối cùng với giá 400 triệu USD. Cộng thêm các chi phí liên quan, bức tranh chính thức được bán với giá hơn 450 triệu USD cho người mua giấu mặt.

Bức họa cuối cùng của da Vinci

Ðấng Cứu Thế là một trong số 16 bức tranh còn sót lại đến ngày nay của bậc thầy hội họa thời Phục Hưng Leonardo da Vinci, bao gồm cả bức “Mona Lisa” nổi tiếng. Ðược nhà Christie’s gọi là “Bức họa cuối cùng của da Vinci”, bằng cách nào đó bức tranh trải qua nhiều thế kỷ mà không gây nên bất kỳ sự chú ý nào suốt các thế hệ, cho đến khi một lần nữa được phát hiện vào năm 2005. Suốt 6 năm sau đó, nó được phục chế vô cùng tỉ mỉ và cuối cùng thông qua quy trình xác nhận thật giả đầy gian nan. Có kích thước khiêm tốn hơn so với Mona Lisa, bức tranh có khổ 45 cm x 66 cm vẽ Chúa Giêsu nâng bàn tay phải để ban phép lành, còn tay trái giữ một quả cầu thủy tinh, đại diện cho thế giới.

Vài tuần trước khi cuộc đấu giá diễn ra, khoảng 27.000 người, bao gồm tài tử hạng A của Hollywood là Leonardo di Caprio, những người nổi tiếng như Alex Rodriguez, Patti Smith, Jennifer Lopez, đổ xô đến các phòng triển lãm ở Hồng Kông, London, San Francisco và New York để được chiêm ngưỡng “báu vật” của nhân loại. Những khách may mắn được thưởng lãm như bà Nina Doede đều cảm thấy rung động khi tận mắt ngắm tuyệt tác: “Ðứng trước tác phẩm đó thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi không thở nổi, mắt trào lệ”.

Danh họa da Vinci đã hoàn thành bức tranh vào đầu thế kỷ 16, và nó nhanh chóng được sao chép. Qua nhiều năm, giới sử gia nghệ thuật tìm được khoảng 20 phiên bản, nhưng tác phẩm gốc dường như biệt tích trong dòng lịch sử. Có thời điểm, bức tranh thuộc bộ sưu tập hoàng gia của vua nước Anh Charles I, trước khi biến mất vào năm 1763 suốt gần một thế kỷ rưỡi. Vào năm 1900, ông Charles Robinson đã mua bức họa này cho bộ sưu tập Cook tại London, nhưng lúc đó nó được xem là tác phẩm của đồ đệ của da Vinci là Bernardino Luini. Ðến năm 1958, tới lượt bộ sưu tập Cook bị phân tán thông qua các phòng đấu giá, với bức Salvator Mundi được sang tay với mức giá bèo bọt 45 bảng Anh, theo đài CNN. Sau đó, bức tranh tiếp tục biến mất thêm 50 năm trước khi xuất hiện một lần nữa tại bang Louisiana vào năm 2005, và được chuyển giao cho nhà sưu tập ở New York Robert Simon với giá 10.000 USD, theo tờ New Orleans Advocate .

Khôi phục danh tính

Thoạt nhìn, ông Simon, chuyên gia về Leonardo da Vinci, chỉ nghĩ rằng đây là bức tranh sao chép của tác phẩm nổi tiếng. Lúc đó, bức họa lâm vào tình cảnh bị tô chồng chéo, có nghĩa là nhiều họa sĩ bổ sung thêm các nét vẽ trên tranh gốc để mang lại nét hiện đại hơn hoặc sửa chữa những chỗ bị bong, tróc trên bản gốc. Bà Dianne Dwyer Modestini, giáo sư chuyên ngành bảo tồn tranh của Ðại học New York, đã tìm cách phục hồi chân dung trong bức họa vào năm 2007, lúc đó người ta vẫn nghĩ đây là bản sao. Tuy nhiên, cái cảm giác quen thuộc ập đến khi bức tranh được bóc dần lớp sơn ngoài. Ðầu tiên, mái tóc uốn lượn của Chúa Giêsu rất giống những đường nét trên bức “St John the Baptist” (Thánh Gioan Tẩy Giả) đang được trưng bày ở Viện bảo tàng Louvre tại Paris. “Tay tôi run hết cả lên”, bà Modestini kể lại cảnh mình về nhà trong trạng thái như du hồn.

Các cuộc kiểm tra sau đó chứng minh linh cảm của nữ giáo sư người Mỹ. Một trong những chứng cứ then chốt nhất đã xuất hiện khi chiếu tia X vào bức tranh: dấu hiệu của một hình vẽ khác trùm lên đường nét ban đầu. Nó cho thấy ngón cái bên phải của Chúa Giêsu được đặt ở một vị trí khác so với nét vẽ sau cùng. Thế nhưng, trong lúc hoàn thành bức tranh, da Vinci ắt hẳn đã đổi ý và vẽ chồng lên để di chuyển ngón cái sang nơi mà nó có mặt hiện tại. “Nếu sao chép, bạn chẳng có lý do gì làm như vậy”, theo nhận định của nhà phê bình nghệ thuật người Anh Alastair Sooke. Ðến năm 2011, cộng đồng nghệ thuật đạt được sự thống nhất chung: Ðây đích thực là tác phẩm xuất phát từ bàn tay tài hoa của bậc thầy Phục Hưng, đánh dấu một phát hiện vượt xa mọi sự tưởng tượng của giới nghệ thuật.

Sau nhiều năm phục hồi và được xác nhận lại danh tính, Salvator Mundi công khai xuất hiện lần đầu tiên tại Phòng trưng bày quốc gia của Anh tại London vào năm 2011, và kể từ đó trở thành một trong những tác phẩm được bàn tán nhiều nhất trên thế giới, theo tạp chí The New Yorker. Nó được chuyển giao với giá 80 triệu USD vào năm 2013, và chỉ mất một năm để tăng lên 127,5 triệu USD. Ðến khi lên sàn giao dịch của nhà Christie’s, Salvator Mundi đã đạt mức giá “phỏng tay” là hơn 450 triệu USD, đánh bại mọi tính toán trước đó. Và lần này, tác phẩm của da Vinci lại lọt vào tay một người mua vô danh, chưa rõ sắp tới công chúng có thể được tiếp tục thưởng lãm Ðấng Cứu Thế hay không.

BẠCH LINH

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc