Lời Chúa: Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên

Con mắt đức tin

Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên
Lời Chúa: 

 Lc 18,35-43

35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức Giê-su nói : “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HÐGMVN)

Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 18,42)

 
Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống…)
 
Chuyện này có 3 vai:
 
1. Người mù: 
 
– Ban đầu anh “ngồi” (thụ động) “ăn xin” (sống bám) “bên vệ đường” (ở ngoài rìa xã hội) (câu 35). Sau khi được Chúa Giê-su chữa, anh “đi” (chủ động), “tôn vinh Thiên Chúa” (rao giảng) và “đi theo” (làm môn đệ) Chúa Giê-su (câu 43).
 
– Thái độ của anh: “hỏi xem có chuyện gì” (câu 36) – khi biết là có Chúa Giê-su đi ngang qua, anh “kêu lên” xin Ngài dủ lòng thương (câu 38) – người ta quát nạt anh, bảo anh im đi, “anh càng kêu lớn tiếng” (câu 39) – khi gặp Chúa Giê-su, anh nói rõ điều muốn xin “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” (câu 41). Thái độ ấy được Chúa Giê-su đánh giá là có đức tin (câu 42).
 
2. Đám đông:
 
– Lúc đầu quát nạt anh mù, bảo anh im. Họ tưởng làm như thế là vừa lòng Chúa Giê-su (vì Chúa Giê-su khỏi bị quấy rối khi đang bận đi đường).
 
– Mc 10,49 cho biết thêm: khi Chúa Giê-su cho gọi anh đến thì dân chúng khuyến khích anh “Cứ yên tâm, đứng dậy, Ngài gọi anh đấy”.
 
– Sau khi anh khỏi bệnh, họ “cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” 
 
3. Chúa Giê-su:
 
– Dù “đang đi” (bận rộn) và ở giữa đám đông, Ngài cũng để ý đến tiếng kêu xin của một người mù.
 
– Đối xử rất ưu ái với người mù: Ngài “dừng lại”, “truyền dẫn anh ta đến”, ân cần hỏi han, khen ngợi đức tin của anh mù và cứu chữa anh.
 
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
 
1. Anh mù đáng làm gương cho chúng ta: anh ý thức mình cần Chúa, anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn ; anh còn thay đổi được những tấm lòng hẹp hòi của những người chung quanh. Nếu chúng ta làm như anh mù này thì mặc dù mọi người ngăn cản chúng ta và mặc dù ban đầu xem ra Chúa không nghe tiếng chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dừng lại, ưu ái gọi chúng ta đến và biến đổi đời sống chúng ta.
 
2. “Khi người mù thành Giê-ri-khô lên tiếng tỏ ý muốn gặp Chúa Giê-su thì người ta đã quát mắng anh ta phải im đi. Phải chăng đó là tình trạng trong nhiều cộng đoàn Giáo Hội chúng ta: có biết bao người không có cơ may gặp gỡ Chúa vì chưa thấy được tình yêu thương của Giáo Hội… Có biết bao người vẫn tuyệt vọng vì chưa cảm nhận được tình thương từ nơi những môn đệ Chúa Giê-su… Chúa Giê-su truyền lệnh cho các môn đệ dẫn người mù đến với Ngài. Ngày nay Ngài cũng tiếp tục đưa ra cùng một mệnh lệnh: Hãy để cho những người đau khổ, những kẻ đang kiếm tìm được đến gần Ngài…” (trích “Mỗi ngày một tin vui”)
 
3. Chúa Giê-su là Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium).  Đây là một chủ đề lớn, được chọn làm đề tựa cho một hiến chế của Công Đồng Vaticanô II. Ánh sáng của Chúa soi thẳm lòng người. Giúp con người nhìn ra ánh sáng của con tim. Giúp con người tìm về nhà  Cha. Có những người mù loà, nhưng với lòng tin tưởng phó thác, đã nhìn được ánh sáng này. Ngược lại, có những con người tự phụ rằng mình sáng suốt lại chẳng nhìn ra được ánh sáng của Chúa.  
 
4. Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận: “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả.” Vợ ông bước ra tiếp lời: “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”. Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein). 
 
5. “Anh muốn tôi làm gì cho anh. Anh ta đáp: Lạy Ngài xin cho tôi được thấy” (Lc 18,41)
Một thiền sư hỏi các đồ đệ rằng “Lúc nào là lúc đêm tàn và ngày đến?” Nhiều câu trả lời được đưa ra: kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau; người thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một con bò với một con trâu… Cuối cùng chỉ có một câu trả lời làm vừa lòng thiền sư, đó là: khi ta nhìn mọi người và nhận ra đó là anh em của ta. 
Quả thật, có những thứ ta không thể thấy được bằng mắt, nhưng chỉ thấy bằng con tim, bằng tình yêu…
 
Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên ngọn lửa nơi tâm hồn anh mù để anh nhận ra Chúa. Xin Chúa cũng nhóm lên ngọn lửa tình yêu nơi trái tim con, để con thấy Chúa và nhận ra Ngài nơi những người quanh con. (Hosanna) 

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Xem thêm:

Bài đọc 1: 1Mcb 1,10-15.41-43.54-57.62-64
10 Từ trong bọn này, một mầm mống tội lỗi đã nảy sinh: đó là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê, con vua An-ti-ô-khô; vua này đã phải làm con tin ở Rô-ma, trước khi làm vua năm một trăm ba mươi bảy theo lịch triều Hy-lạp. 11 Lúc bấy giờ, từ trong Ít-ra-en đã nảy sinh những đứa vô lại, chúng đã dụ dỗ nhiều người như sau: “Nào chúng ta đi ký kết giao ước với các dân tộc láng giềng, vì từ khi sống cách biệt họ, chúng ta gặp phải nhiều tai hoạ.” 12 Những người này thấy lời ấy thật vừa lòng. 13 Một số người trong dân vội đi yết kiến nhà vua. Vua đã cho phép họ sống theo các tập tục của dân ngoại. 14 Thế là họ đã xây một thao trường ở Giê-ru-sa-lem theo thói các dân ngoại; 15 họ huỷ bỏ dấu vết cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để mang chung một ách với dân ngoại và bán mình để làm điều dữ.
41 Rồi vua An-ti-ô-khô ra chiếu chỉ trong toàn vương quốc truyền cho mọi người phải nhập thành một dân duy nhất 42 và ai nấy phải bỏ tục lệ của mình. Mọi dân tộc đều chấp hành lệnh vua. 43 Trong dân Ít-ra-en, có nhiều người hưởng ứng việc thờ phượng vua đã truyền; họ dâng lễ tế cho các ngẫu tượng, vi phạm luật sa-bát. 54Ngày mười lăm tháng Kít-lêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua cho dựng Đồ ghê tởm khốc hại trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu và cho lập các bàn thờ trong các thành miền Giu-đa chung quanh Giê-ru-sa-lem. 55 Trước cửa nhà và ngoài quảng trường, người ta dâng hương. 56 Gặp sách Luật ở đâu, thì đem xé và quăng vào lửa. 57 Bắt gặp sách Giao Ước ở nhà ai và biết ai còn tuân giữ Lề Luật, thì đem ra xử tử theo phán quyết của vua. 62 Nhưng nhiều người trong dân Ít-ra-en vẫn kiên tâm vững chí, nhất định không ăn những thức ăn ô uế. 63 Họ thà chết chẳng thà để cho mình ra ô uế vì thức ăn, vi phạm Giao Ước thánh. Cuối cùng họ đã chết. 64 Một cơn thịnh nộ lớn đe doạ Ít-ra-en.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HÐGMVN)