Sự khác biệt giữa Truyền Giáo, Cải Đạo và Phúc Âm Hóa

Sau khi giới thiệu chủ đề Sống như Môn Đệ Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong bài trước, có một số người thắc mắc là “Tại sao Đức Phanxicô lại đưa ra những điều mâu thuẫn: Nếu ngài khuyến khích chúng ta làm môn đệ truyền giáo, thì tại sao gần đây ngài lại tuyên bố rằng ‘người Công Giáo không cần phải truyền giáo vì tryền giáo là một tội nặng’”?

Thực ra, đây là một hiểu lầm vì cách chuyển dịch không chính xác những từ ngữ chuyên môn liên quan đến việc truyền giáo.  Để tránh hiểu lầm, chúng tôi thấy cần phải phân tích ý nghĩa của một số từ chuyên môn như các từ “cải đạo”, “trở lại đạo”, truyền giáo, Phúc Âm (hay Tin Mừng) hóa và Tân Phúc Âm Hóa trước khi tiếp tục trình bày về việc Làm Môn Đệ Truyền Giáo

1. Truyền Giáo

Khi nói đến việc truyền bá đức tin, đặc biệt là ở Việt Nam và Á Châu, nhiều người cho rằng việc sử dụng từ “truyền giáo” không thích hợp, bởi vì ở những vùng đất ấy, việc truyền giáo bị coi như một nỗ lực mở rộng tổ chức tôn giáo của mình, và như thế không những mất thiện cảm mà còn gây hận thù đối với những người theo các tôn giáo khác.  Thêm vào đó, một số thần học gia chủ trương Tôn Giáo Đa Nguyên còn cho rằng chỉ cần đối thoại với các tín đồ của những tôn giáo bạn để cảm thông chứ không cần truyền giáo cho họ, vì đạo nào cũng có giá trị cứu độ riêng của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Quan niệm này không hoàn toàn đúng theo giáo huấn của Hội Thánh, nhưng ảnh hưởng khá lớn đến quan niệm truyền giáo ở Á Châu khiến nhiều người cho rằng việc truyền giáo là lỗi thời.  

Thực ra truyền giáo là một thuật ngữ thông thường được dùng để dịch từ missio của tiếng La-tinh hay mission của tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.  Missio có nghĩa là sứ vụ.  Vì sứ vụ mà Chúa truyền cho Hội Thánh trước khi về Trời là “Hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Mt 28:19) hoặc “Hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15), nên đối với Hội Thánh, truyền giáo luôn luôn là sứ vụ hàng đầu.  Chính vì thế mà người Việt dịch mission là truyền giáo, hay đúng hơn là sứ vụ truyền giáo.  Trong tiếng Việt, các nhà truyền giáo cũng được gọi là các nhà thừa sai, nghĩa là những người được Chúa sai đi để thừa hành sứ vụ truyền giáo mà Người trao phó.  Mục đích chính của việc truyền giáo là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. 

Ngay từ thủa ban đầu, các Tông Đồ và các cộng sự viên của các ngài đã ra đi “rao giảng Tin Mừng” khắp nơi để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.  Vì thế việc rao giảng Tin Mừng hay truyền giáo được coi là sứ vụ thường trực của Hội Thánh.  Công Đồng Vaticanô II gọi truyền giáo, cách chung, là những cố gắng rao giảng Tin Mừng và trồng “Hội Thánh vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Đức Kitô” (x. Ad Gentes [AG], 6).  Thực ra, truyền giáo không chỉ là thuyết phục người khác theo đạo, mà là việc “các chi thể của Hội Thánh được lòng bác ái thúc đẩy vì nhờ đó họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao san sẻ cho mọi người các ân huệ thiêng liêng đời này và đời sau” (AG, 7).  Vì muốn san sẻ cho mọi người các ân huệ thiêng liêng, nên ngoài sứ vụ truyền giáo, Hội Thánh còn có sứ vụ bí tích, được biểu thị bằng mệnh lệnh “làm Phép Rửa”, để người ta được thông phần vào chính sự sống của chính Thiên Chúa.  Kết quả bề ngoài của việc chịu Phép Rửa là người được rửa tội “trở lại đạo” hay “cải từ đạo cũ của họ sang đạo Công Giáo”.  Như thế, nếu hiểu đúng nghĩa nguyên thủy thì việc “trồng Hội Thánh và các dân tộc” hay “cải đạo những người chưa tin Đức Kitô” là kết quả tất nhiên của việc Truyền Giáo.  Cho nên nhiều người đã đồng hóa việc truyền giáo với việc cải đạo và coi nó như mục đích của việc truyền giáo.  

2. Cải Đạo hay “Dụ dỗ theo đạo”

Ngày nay việc cải đạo mang một ý nghĩa phức tạp hơn.  Từ cải đạo bắt nguồn từ chữ Hy-lạp προσήλυτος hay proselytus của La-tinh, là danh từ trong Tân Ước dùng để chỉ một người ngoại giáo cải sang đạo Do Thái như được nhắc đến trong Matthêu 23:15 “οὐαὶ ὑμῖν, γραμματεῖς καὶ φαρισαῖοι ὑποκριταί, ὅτι περιάγετε τὴν θάλασσαν καὶ τὴν ξηρὰν ποιῆσαι ἕνα προσήλυτον, καὶ ὅταν γένηται ποιεῖτε αὐτὸν υἱὸν γεέννης διπλότερον ὑμῶν” (Hy-lạp) hoặc “Væ vobis scribæ et pharisæi hypocritæ, quia circuitis mare, et aridam, ut faciatis unum proselytum, et cum fuerit factus, facitis eum filium gehennæ duplo quam vos!” (La-tinh), nghĩa là “Khốn cho các người, bọn luật sĩ và Pharisêu giả hình kia, các người đi vòng khắp biển cả, và đất liền, để làm cho một người thành người cải đạo; nhưng khi người đó theo đạo rồi, các người lại làm cho nó đáng sa hỏa ngục gấp đôi các người!”  Chúng ta cũng tìm thấy từ này trong các câu 2:11; 6:5 và 13:43 của sách Tông Đồ Công Vụ với cùng một ý nghĩa.

Về sau, từ ấy được dùng cho những người ngoại giáo trở sang Công Giáo, mà chúng ta thường dịch là trở lại đạo.  Nhưng trong thời đại này, từ ấy đang bị hiểu theo một nghĩa xấu là “cố gắng thuyết phục người khác thay đổi tôn giáo bằng các phương tiện trái ngược với tinh thần của Tin Mừng, kể cả việc ép buộc, lừa đảo, dụ dỗ bằng tiền bạc hay các phương tiện vật chất, hoặc lạm dụng hoàn cảnh khó khăn của họ để lôi kéo họ theo đạo”.  Ở Á Châu, việc phát triển của đạo Công Giáo được đồng hóa với các cuộc chiến tranh xâm lược của các đế quốc Tây Phương, nên bị nhiều dân bản xứ coi Công Giáo như một đạo ngoại lai.  Hiện nay ở Nam Mỹ và Phi Châu, nhiều giáo phái Tin Lành cũng đang dùng cách trợ giúp xã hội và kinh tế để dụ dỗ những người Công Giáo nghèo bỏ đạo mà theo họ.  Cho nên việc dùng ảnh hưởng kinh tế hay chính trị, và ngay cả việc bác ái, để lôi kéo người khác cải đạo là điều cần phải tránh xa. 

Không những Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại cách cải đạo này mà chính Đức Bênêđictô XVI cũng đã quả quyết rằng: “Hội Thánh không tham gia vào việc cải đạo, nhưng thay vào đó phát triển nhờ sự thu hút của nó.” (Bài giảng tại Aparecida, ngày 13-5-2007).  Ngài cũng nhắc lại điều này trong thông điệp Deus Caritas Est (DCE).

Không được dùng việc bác ái như phương tiện cho điều mà ngày nay người ta gọi là dụ dỗ cải đạo (proselytismus).  Tình yêu phải là nhưng không; không được dùng tình yêu để đạt được các mục đích khác.  Điều này không có nghĩa các việc bác ái phải bằng một cách nào đó bỏ Thiên Chúa và Đức Kitô qua một bên.  Vì nó luôn liên hệ đến trọn vẹn con người. Thường thì nguyên nhân sâu xa nhất của đau khổ là việc vắng bóng Thiên Chúa.  Những ai hoạt động bác ái nhân danh Hội Thánh, sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt niềm tin của Hội Thánh trên người khác. (DCE, 31c). 

Trong các cộng đồng Công Giáo Việt Nam ngày nay, việc bắt người vợ hay chồng (con dâu hay con rể) tương lai phải theo đạo là một hình thức “ép buộc cải đạo” sai lầm mà chúng ta nên tránh.  Đã có biết bao gia đình đổ vỡ vì “người ta theo đạo chỉ để lấy vợ lấy chồng”.  Thậm chí có người chỉ giả vờ theo đạo để lấy được vợ hay chồng rồi sau đó đã bất mãn, không những bỏ đạo mà còn cấm cả con cái theo đạo.  Cách hay nhất để thuyết phục người khác theo đạo là chính mình phải là những người thực sự sống đạo.  Nghĩa là người Công Giáo phải là môn đệ của Đức Kitô trước, rồi chính cách sống đức tin của mình làm cho người khác nhận ra tình yêu của Đức Kitô và tình nguyện đi theo Chúa.  Bắt người khác theo đạo mà mình không thực sự sống đạo sẽ đẩy họ xa lìa Thiên Chúa và Hội Thánh. 

Từ thời các Tông Đồ, Hội Thánh đã truyền đạo bằng cách rao giảng Tin Mừng và làm gương sáng bằng đời sống chứng nhân của mình, chứ không bằng cách ép người khác theo đạo (Cv 2:42-47).  Chính nhờ việc làm chứng bằng cả lời nói lẫn việc làm của các tín hữu thời sơ khai mà Hội Thánh thời ấy đã phát triển rất mạnh bất chấp những giai đoạn bắt bớ khủng khiếp.  Theo lịch sử, vào cuối thế kỷ thứ nhất, có khoảng nửa triệu Kitô hữu, đến cuối thế kỷ thứ ba số Kitô hữu đã lên trên ba triệu, và giữa thế kỷ thứ tư, thì số Kitô hữu đã lên đến 10 triệu. 

Ngày nay, chúng ta được tự do sống đạo và truyền giáo, nhưng tỷ số người Công Giáo không phát triển nổi vì chúng ta vẫn còn sống trong tình trạng “giữ đạo” chứ chưa thực sự sống trong tình trạng “làm môn đệ của Chúa Giêsu.”  Muốn làm môn đệ chân chính của Chúa Giêsu thì trước hết phải để cho mình được thấm nhuần Tin Mừng của Chúa ngõ hầu có thể sống Tin Mừng ấy và làm chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người; tức là mình phải được Phúc Âm hóa trước.

3. 
“Phúc Âm hóa” hay “Tin Mừng hóa”

Thuật ngữ này là cách phiên dịch hiện nay của từ evangelization.  Từ evangelization cũng được nhiều người dịch là truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng.  Ở đây, chúng ta lại một lần nữa phải đối diện với những cách dịch không mấy hoàn chỉnh của một từ ngữ gốc La-tinh hay Hy-lạp.  Thực ra, dịch từ evangelization là truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng thì chưa lột được hết ý nghĩa của nó.  Cách dịch chính xác nhất phải là Phúc Âm hóa hay Tin Mừng hóa

Theo Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI thì “Hội Thánh hiện hữu để Phúc Âm hóa’ (Evangelii Nuntiandi [EN], 14).  Và ngài định nghĩa:

Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào mọi tầng lớp nhân loại để rồi, nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nó được đổi mới…. Nhưng không có một nhân loại mới nếu trước hết không có những người mới được canh tân nhờ bí tích Thánh Tẩy và nhờ sống cuộc sống theo Tin Mừng.  Như thế mục đích của Phúc Âm hóa chính là sự thay đổi nội tâm, và nếu phải diễn tả bằng một câu thì cách diễn tả hay nhất là nói rằng Hội Thánh Phúc Âm hóa khi tìm cách hoán cải lương tâm của cả cá nhân lẫn tập thể dân chúng, các hoạt động mà họ tham gia, và đời sống cùng các phương tiện cụ thể mà họ có, chỉ bằng thần lực của sứ điệp mà Hội Thánh rao giảng mà thôi (EN, 18).

Do đó mục đích chính của việc Phúc Âm hóa không nhằm đem nhiều người vào đạo, nhưng nhằm biến đổi con người và não trạng của họ theo tinh thần của Tin Mừng, để đời sống của họ có thề phản ánh Lời Chúa và kế hoạch cứu độ của Người (x. EN, 19).  Theo định nghĩa này, đối tượng đầu tiên của việc Phúc Âm hóa không phải là những người chưa biết Chúa nhưng chính là mỗi người chúng ta, gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta và toàn thể Hội Thánh.  Sau khi đã được Phúc Âm hóa rồi chúng ta mới có thể truyền giáo một cách có hiệu quả, không chỉ bằng nói nhưng bằng chính cuộc sống của mình.

4. Tân Phúc Âm hóa

Tân Phúc Âm hóa
 là nỗ lực tái Phúc Âm hóa những người Công Giáo chưa thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và chưa sống Tin Mừng bằng một cách thức rao giảng mới.  

Ngay từ năm 1975, Đức Phaolô VI đã nhìn thấy cần phải có một thời kỳ Phúc Âm hóa mới, bởi vì “Việc việc tách biệt giữa Tin Mừng và văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta… nên cần phải tìm mọi nỗ lực để đảm bảo việc Phúc Âm hóa nền văn hóa, hay đúng hơn là các nền văn hóa” (EN, 20).  

Đến lượt Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài thấy rằng Hội Thánh cần phải có một cuộc Tân Phúc Âm hóa, chứ không phải chỉ tái rao giảng Tin Mừng.  Hội Thánh phải tìm những cách thức mới để công bố và làm chứng cho Tin Mừng bởi vì quá nhiều người đang sống trong một nền văn hóa mà cách rao giảng Tin Mừng cũ không còn hiệu lực nữa.  Trong Tông Thư Novo Millenio Ineunte, ngài mời gọi mọi Kitô hữu hãy tha thiết yêu mến Đức Kitô một lần nữa và can đảm ra khơi đem Tin Mừng đến tận đáy lòng của nền văn hóa hiện đại.  Ngài nói “Chúng ta phải khơi dậy trong mình động lực của thủa ban đầu và cho phép mình tràn ngập thái độ hăng say của việc rao giảng tông đồ ngay sau Lễ Hiện Xuống.  Chúng ta phải hồi phục trong chính mình niềm xác tín nóng bỏng của thánh Phaolô khi ngài kêu lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” [1 Cor 9:16] (Novo Millennio Inuente [NMI], 40).  Theo Thánh Gioan Phaolô II thì việc Tân Phúc Âm hóa là trách nhiệm của toàn thể Hội Thánh, nghĩa là của cả giáo sĩ lẫn giáo dân (x. Redemptoris Missio, 3).  Và “nòng cốt của nó phải là việc công bố về con người Chúa Giêsu Kitô một cách rõ ràng và dứt khoát” (Ecclesia in America, 66).  Đồng thời Chúa Thánh Thần “phải là tác nhân chính của việc Tân Phúc Âm hóa” (Tertio Millenio Adveniente, 45).

Ngày 28 tháng 6 năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã công bố thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm hóa nhằm đẩy mạnh việc Tân Phúc Âm hóa.  Trong Tông Thư Ubicumque et semperđể thành lập Hội Đồng mới này, ngài ghi nhận những khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng trong một xã hội bị tục hoá vả tầm quan trọng của việc tái rao giảng Tin Mừng cho nền văn hóa hiện đại, đặc biệt là ở Tây Phương.  Ngài nhấn mạnh rằng “Ở cội rễ của tất cả việc Phúc Âm hóa không phải là kế hoạch mở rộng (Hội Thánh) của con người, nhưng là ao ước chia sẻ hồng ân vô giá mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta, là làm cho chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Ngài”.  Muốn như thế thì người rao giảng Tin Mừng mới trước hết phải có một “cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa”.  Ngài nhắc lại rằng, “Làm Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao quý, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (DCE, 1).  Chính để giúp chúng ta, ngài đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa để Thông Truyền Đức Tin trong năm 2012 cùng với việc công bố Năm Đức Tin.  Trong Tự Sắc Porta Fidei [PF], ngài viết: 

Chúa Giêsu Kitô dùng tình yêu thu hút con người thuộc mọi thế hệ đến với Người: trong mọi thời đại, Người gọi Hội Thánh đến và trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, với một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ.  Vì thế, ngày nay Hội Thánh phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc Âm hóa, để tái khám phá ra niềm vui đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức Tin” (PF, 7).

Và kết quả cuả những nỗ lực này là Tông Huấn Evangelii Gaudium [EG]  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành, trong đó ngài gọi Hội Thánh là một “cộng đồng các môn đệ truyền giáo”(EG, 24), trong cộng đồng này mỗi tín hữu phải luôn luôn là một môn đệ truyền giáo.  Bởi vì chìa khóa của việc Tân Phúc Âm hóa là chứng từ của từng cá nhân Công Giáo, mà cuộc sống của họ “tỏa sáng lòng nhiệt thành, như người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trong mình trước” (EG, 10).  Nhờ sống đức tin, người ấy sẽ “mở trí khôn và tâm hồn” những người chung quanh mình và làm cho họ hướng về Đức Kitô và từ từ hoán cải.  

Tóm lại, đối với từng người Công Giáo, việc Phúc Âm hóa phải đi trước việc truyền giáo vì Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng của Chúa Giêsu vào chính cuộc sống của mình và để thần lực của Lời Chúa biến đổi mình từ bên trong.  Các Giám Mục Hoa Kỳ nói trong phần mở đầu của tài liệu Disciples Called to Witness – Các Môn Đệ được Mời Gọi Làm Nhân Chứng, rằng: “Việc Tân Phúc Âm hóa mời gọi chúng ta canh tân đức tin của mình để có thể chia sẻ nó với người khác.  Một người phải được Phúc Âm hóa trước rồi mới có thể Phúc Âm hóa người khác”.  Khi đã được Phúc Âm hóa rồi, chúng ta có thể biến đổi gia đình và giáo xứ mình thành cộng đồng của các môn đệ truyền giáo.  Kết quả đương nhiên là chúng ta sẽ “được lòng mọi người” (x. Cv 2:47) và Hội Thánh sẽ tự động “phát triển nhờ sức thu hút của nó” như Đức Bênêđictô nhắc đến ở trên, mà không cần phải sử dụng những thủ đoạn dụ dỗ hoặc ép buộc theo đạo trái ngược với tinh thần Tin Mừng.  Và đây chính là cách truyền giáo hữu hiệu nhất.

Phaolô Phạm Xuân Khôi