Tranh luận về cách thức tìm hiểu các vấn đề luân lý

Trong số đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập, tạp chí Theological Studies (Nghiên cứu Thần học) đã dành toàn bộ nội dung để viết về môn Luân lý học [2] . Đó là dịp để nhìn lại hướng đi của môn này kể từ sau Công đồng chung Vaticanô II cho tới nay.

Nếu bài Tổng  kết của tác giả Richard McCormick nhận định đúng  về hướng đi ấy, thì phải buộc lòng kết luận rằng  đúng là có một cuộc cách mạng luân lý học đã xảy  ra trong 25 năm vừa qua. [3]  

 

Các nhà luân lý học đã tranh luận sôi nổi, không  những về nhiều vấn đề cụ thể thuộc lãnh vực luân  lý, mà còn cả về những vấn đề liên quan đến  căn bản cũng như phương pháp nghiên cứu, và quan  trọng hơn cả là về tính cách tiêu chí của việc  bàn luận công khai (tức là chính việc bàn luận  này có đủ tư cách để làm tiêu chuẩn khách quan  cho hành động, không cần đến sự phán định của một  bề trên có thẩm quyền nào cả). Đồng ý với tác giả  McCormick là hiện nay, các cuộc tranh luận đang dịu dần  xuống; tuy nhiên, các phe phái tranh luận vẫn không nhượng  bộ hoặc thay đổi gì nhiều trong lập trường của mình. [4]  .

 

Trong khi thảo luận về những vấn đề cụ thể, các tác  giả đã đụng chạm đến một số nguyên tắc căn bản  và phương pháp nghiên cứu trong khoa thần học luân lý,  rồi từ đó, đã gây ra tranh luận và chia rẽ  giữa các phe phái. Liên quan đến các nguyên tắc căn bản  và phương pháp nghiên cứu, có những câu hỏi được  đặt ra để xem đâu là bản chất khách quan của các  quy tắc luân lý, và ai là người có thẩm quyền  đưa ra các quy tắc đó. Theo thiển ý của tôi, thì vì không  chịu đề cập thẳng và giải quyết nổi các câu hỏi  căn bản này, cho nên các nhà luân lý học khó  mà có thể hiểu nhau và đối thoại với nhau cho được.

 

Ở đây, tôi xin được góp phần của mình vào  trong nỗ lực thảo luận để tìm hiểu như đã nói  tới trên đây, bằng cách phân tích tiến trình nghiên cứu các vấn đề luân lý học trong lập trường của các bên,  và đặc biệt là bằng cách chọn lựa, xếp loại các  dữ liệu, để rồi từ đó rút ra những điểm chung  giữa các dữ liệu ấy. Tôi cũng xin đề nghị mở  ra lại, tất nhiên là trong một cách thức mới, cuộc thảo  luận đã diễn ra trong thập kỷ 60, giữa những  người nhấn mạnh đến nguyên tắc và những ai chú  tâm nhiều hơn tới những “hoàn cảnh.”

 

Tôi thiết nghĩ rằng trong khi “phái xét lại” chú tâm  nhiều hoàn cảnh, và “phái nghĩa vụ” nhấn  mạnh đến các quy tắc chung cho mọi hoàn cảnh, thì căn  nguyên thực sự gây ra mối xung khắc giữa hai phía, chính  là việc xác định tiêu chuẩn để dựa theo đó mà chọn  lựa các dữ liệu cụ thể làm yếu tố định nghĩa cho  hành động luân lý: cho dù đó là việc hết sức  quan trọng, nhưng lại ít khi thấy các nhà luân lý học  trực tiếp đề cập đến các tiêu chuẩn chọn lựa ấy. Và  sau cùng, tôi sẽ cố gắng tìm cách giải quyết những  bất đồng trong cách trả lời cho các nghi vấn hỏi  rằng: đâu là bản chất khách quan của các quy tắc  luân lý, và ai là người có thẩm quyền ban ra các  quy tắc khách quan đó.

 

 CUỘC TRANH LUẬN HIỆN NAY

 

 Hiên nay, đang diễn ra một cuộc tranh luận dữ dội giữa  hai phe phái các nhà luân lý học công giáo: một trong  hai phái tự hào cho là mình được Đức Giáo Hoàng  và Hồng Y Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin tán đồng.  Cuộc tranh luận chủ yếu quay chung quanh vấn đề xác định  đối tượng và phương pháp cho luân lý học kitô, tức là  của khoa thần học luân lý.

 

Trong vòng 25 năm qua, Đức Hồng Y Bộ trưởng Bộ Giáo  lý Đức tin đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo các nhà  luân lý học có lập trường “xét lại”, bởi  vì họ đã tìm cách giải quyết các vấn đề luân lý  thời đại đặt ra, theo một phương pháp riêng: tức là  áp dụng một quy tắc cổ truyền gọi là “nguyên tắc  hệ quả song đôi” (principle of double effect).[5] , Nguyên tắc  này được áp dụng trong những trường hợp cùng  một hành động mà làm phát sinh ra hai hậu quả:  một tốt, một xấu. Theo giáo lý truyền thống, thì mặc dầu  có hậu quả xấu, nhưng vẫn có thể chấp nhận (làm)  hành động có hậu quả song đôi ấy được, với bốn điều  kiện sau đây: (1) hành động tự nó phải là tốt  (intrinsically good), hay ít ra không phải là xấu  (vô thưởng vô phạt:  indifferent); (2) người hành  động chỉ nhằm đến kết quả tốt; (3) hậu quả xấu chỉ  phát xuất từ hành động một cách gián tiếp, chứ không  phải là trực tiếp (tức là hậu quả tốt không  phát xuất từ kết quả xấu),[6] và (4) kết quả tốt  phải tương đối (proportionately) quan trọng hơn kết quả xấu (tức là có lý do thực sự chính đáng để hành  động).

 

Cuộc cách mạng trong khoa luân lý học đã khởi đầu  từ hồi năm 1965, sau khi giáo sư Peter Knauer đăng một bài  viết về vấn đề “hệ quả song đôi”; từ đó,  phần đông các nhà luân lý học ở Âu châu và  Mỹ châu đã bỏ dần cách thức trình bày “nguyên  tắc hệ quả song đôi” theo lề lối truyền thống, và  không chịu nhận tư tưởng thần học cổ truyền làm hậu  thuẫn cho nguyên tắc đó nữa. [7]  Knauer đã  đặc biệt chú ý tới tiêu chuẩn thứ ba, tức là việc phân  biệt giữa những hậu quả trực tiếp và gián tiếp của hành động: ông cho rằng phân biệt  như thế không phải là một tiêu chuẩn tuyệt đối, vì  còn lệ thuộc vào ba tiêu chuẩn kia. Không thể hoặc  trực tiếp hoặc gián tiếp liên kết một hành động con  người với hậu quả xấu được, nếu không phân tích tỷ  mỷ đối tượng mô thể (formal object) của hành  động, đối tượng do con người muốn nhắm tới, trong một  hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống (điều kiện thứ  2); và nếu không đồng thời phân tích thái độ con người  đắn đo giữa hai hệ quả tốt/xấu như thế nào, để  nhận định về lý do chính đáng của hành động (điều  kiện thứ 4). Và ông đã kết luận rằng cần phải  dựa vào lý do chính đáng tương xứng mà con người  có, để quyết định hành động và chấp nhận hậu quả,  mà phán đoán về một hậu quả xấu phát sinh trực tiếp  hay gián tiếp từ một hành động cụ thể.

 

Và Knauer cũng nhận định rằng trong truyền thống luân  lý học công giáo, khi phân tích những trường hợp cụ  thể, các nhà luân lý học thường hay vi phạm đến nguyên  tắc hệ quả song đôi và đến cả bốn điều kiện  của nó. Đặc biệt, có những trường hợp, các nhà  luân lý học lấy phán đoán của người hành động  làm căn bản; để làm thí dụ, ông đã dẫn  chứng trường hợp của một người nhảy qua cửa sổ lầu cao cho khỏi chết thiêu khi nhà cháy. Trong  quá khứ, phần đông các nhà luân lý học đều tán đồng  hành động vừa nói; ông Knauer cũng đồng ý, nhưng  ông còn nhấn mạnh đến mối tương quan mật thiết giữa  việc nhảy với hậu quả là chết. Do đó, ông kết  luận rằng cần phải điều chỉnh lại nguyên tắc hệ quả  song đôi. Nói một cách khác, chỉ phân biệt hậu quả trực  tiếp và hậu quả gián tiếp của một hành động  không thôi thì chưa đủ; quan trọng hơn cả là phải  xét xem con người hành động đã phán đoán như thế  nào về những hậu quả xấu được coi là có thể  gánh chịu vì muốn có được hậu quả tốt to lớn hơn, hoặc  được coi là cần phải tránh vì kết quả tốt không  to lớn bằng. Nghĩa là, ngoài những hậu quả  khách quan, luôn luôn còn cần phải lưu ý đến sự phán  đoán của con người hành động cụ thể nữa.

Có một số tác giả đã chỉ trích lối lập luận của  Knauer; tuy nhiên, từ đó đã khởi đầu khuynh hướng  “xét lại,” tức là sửa đổi cách thức quan niệm  về bản chất và đối tượng của các hành động  luân lý, cũng như thay đổi phương pháp trong lề lối phán  định về các hành động này. Trong thời gian từ  năm 1970 cho đến 1972, một số tác giả đã đi thêm một  bước nữa. Giữa nhóm này, có các giáo sư Peter  Chirico, Bruno Schueller, Louis Jans-sens và Joseph Fuchs.  Họ nới rộng lãnh vực thảo luận ra, bao gồm hết cả  mọi trường hợp có xung khắc giữa các giá trị khác  nhau, và dồn nội dung cuộc tranh luận quy tụ vào trong  việc nhận định lại ý niệm về các hành động vốn tốt  hoặc xấu tự bản chất của chúng. Họ xem xét lại những  cấm lệ thường được gắn kèm theo các hành động  xấu, và kết luận cho rằng những cấm lệ như thế là  những trường hợp ứng dụng của các quy tắc luân  lý chung vào trong những hoàn cảnh cụ thể,  chịu ràng buộc bởi nhiều điều kiện; mà các nhà  luân lý thì thường để ý phân tích những trường  hợp đặc biệt ngoại lệ cho phép áp dụng các quy tắc luân  lý chung. Do đó, các nhà luân lý xét lại cho rằng nên  phân biệt giữa loại sự việc xấu phát xuất tự bản  chất của hành động, và loại sự việc xấu phát  xuất từ con người chủ ý chọn lựa, dù thấy  là không có lý do chính đáng. Họ chủ trương cho là  trường hợp thứ hai này mới thực sự đúng là xấu  về mặt luân lý; còn loại sự việc trong trường hợp  thứ nhất thì chỉ “vốn là xấu” (tự bản chất)  về phương diện vật chất (Chirico, Schueller), “hữu thể”  (Janssens), hoặc “tiền luân lý” (Fuchs) mà thôi,  vì nó vượt ra ngoài ý muốn, đầu óc phán đoán và  quyết định của con người. Do đó, ý niệm “điều vốn  xấu” (tự bản chất) trở thành một yếu tố thuộc  các phạm trù tiền luân lý trong tiến trình bên ngoài  của thế giới loài người. Hậu quả là, xưa  kia có một số điều “vốn xấu” đã bị lên án một  cách tuyệt đối và không có trường hợp miễn trừ,  thì hiện nay, cái “vốn xấu” đã được tương đối hóa  về mặt luân lý, để ở vào thế tùy thuộc vào  các điều kiện (contingent). Và đó chỉ là những  yếu tố hay là những tiêu chuẩn để giúp cho những  ai hiểu biết (về quy tắc luân lý) và có ý hướng ngay  chính, có điều kiện mà phán đoán về quyết định và  hành động của mình trong những hoàn cảnh  cụ thể mà thôi. Trên nguyên tắc, vẫn có thể có  những quy tắc luân lý chung cho tất cả, không-có-trường-hợp-miễn-trừ,  tuy nhiên, trong thực tế, khó mà phân tích cho được tất  cả mọi khía cạnh của vấn đề, và mọi chiều kích  của hành động trước khi phán đoán và quyết định.

 

Còn các nhà luân lý học thuộc phái “nghĩa vụ”  thì chỉ trích phái “xét lại,” và nhận định rằng  nếu cho “điều vốn xấu” là tương đối, phải lệ  thuộc vào sự phán đoán dựa theo lý do chính đáng, thì  coi như không còn tiêu chuẩn luân lý khách quan nữa,  và luân lý học không còn có một đối tượng đặc thù  nữa cả [8] luân lý sẽ trở thành một mớ “phán  đoán” hoàn toàn chủ quan. Mọi người đều  biết rằng khi muốn một điều gì, thì con người thường  dễ dàng tìm ra lý do “chính đáng” để quyết định  và hành động theo sở thích riêng của mình; nếu  không có một quy tắc khách quan nào cả, thì mỗi  cá nhân sẽ có quyền phán đoán và quyết định hành  động luân lý đơn thuần theo ý mình muốn.

 

Một trong những hậu quả cụ thể do trào lưu xét  lại đưa tới là thái độ nghi vấn về thẩm quyền giáo huấn  của Giáo Hội trong lãnh vực luân lý. [9] Nếu hành động luân  lý không còn cần phải dựa theo các quy tắc khách  quan, nhưng chỉ tùy thuộc vào sự phán đoán của  cá nhân trong từng hoàn cảnh cụ thể, thì Giáo  quyền không còn lý do để có quyền giáo huấn và thẩm  định về mặt luân lý nữa, mà chỉ có thể khuyên bảo  hay hướng dẫn mà thôi; bởi lẽ, một quyền bính  ở xa xôi làm thế nào có thể phán đoán về những  điều kiện cụ thể của một hành động luân lý đặc  biệt được?

 

Phái xét lại trả lời cho vấn nạn đó rằng: công việc  họ làm là chỉ muốn lần bước theo và nhận định  về đường hướng truyền thống mà các nhà luân lý  học công giáo đã theo đuổi suốt nhiều thế kỷ qua;  và mục đích của họ là làm cho sáng tỏ  thêm phương pháp nghiên cứu trong lãnh vực luân lý đôi  lúc không được chính xác cho lắm và thường hay bị hiểu  lầm. Còn đối với vấn đề quyền bính, thì trào lưu xét  lại giải thích rằng Tòa Thánh vẫn còn có thẩm  quyền và nhiệm vụ phê chuẩn hay kết án các loại hành  động luân lý tốt hay xấu. [10] Họ cũng nhắc lại rằng truyền thống công giáo  luôn luôn nhìn nhận vai trò của các cá nhân trong  trách nhiệm phán đoán về bản chất của các hành  động cụ thể để xem chúng có phù hợp với các quy tắc  luân lý hay không.[11] Truyền thống công giáo luôn luôn nhìn nhận điều này:  một hành động con người chỉ biến thành hành  động luân lý lúc nào nó được thực sự phán đoán khôn  ngoan và quyết định chính trực bởi một cá nhân, chứ  không phải là do bởi sự việc đơn thuần áp dụng  những quy tắc khách quan không thôi; việc phán đoán của  lương tâm cá nhân con người cũng được truyền thống  coi là yếu tố quan trọng số một đối với việc tìm hiểu  (nghiên cứu thần học luân lý về) tính chất đặc thù luân  lý của một quyết định và của một hành động. [12] 

 

Phái xét lại còn nhận định thêm rằng trong cuộc sống  cụ thể, con người phải đối phó với nhiều vấn đề  luân lý hết sức phức tạp, trực tiếp kéo theo những hậu  quả xấu: tuyệt đối cấm chỉ không bao giờ được chấp  nhận điều xấu, là có thể bị coi như hành động vô  trách nhiệm và bỏ rơi những người mình đang  giúp đỡ vào ngay giữa lúc họ cần nhiều nhất đến  sự hướng dẫn của mình. Khi phân biệt giữa điều  xấu tiền-luân-lý, tức là ngoài ý muốn, và điều  xấu chấp nhận qua ý muốn, các nhà luân lý học thuộc  phái xét lại, cố ý cho thấy rằng trong đời, có những  việc xấu mà người ta phải gánh chịu, và những  việc xấu do chính con người lựa chọn lấy. Trong quá khứ,  nhiều nhà luân lý học công giáo đã chấp nhận nhiều  trường hợp miễn trừ, tức là cho phép chấp  nhận những quyết định trực tiếp đưa đến hậu quả xấu,  bởi vì cuộc sống con người không cho phép làm cách  khác. Và đó chính là làm đảo lộn nguyên tắc  cổ truyền. Vì vậy, không còn nên tiếp tục duy trì tình  trạng mập mờ dối trá như thế nữa. Khi đòi phải  có đường lối trung thành hơn đối với truyền thống  công giáo đích thực, là phái xét lại muốn đặt lại vấn  đề đối với tính chất luân lý của một số hành động,  đặc biệt là đối với hành động dùng các phương  pháp nhân tạo để tránh thụ thai. Họ cho rằng giáo huấn thông  thường của Tòa Thánh có khi chưa thực tế đủ  và chưa trọn vẹn đạt tới mức hoàn bị, và do đó,  uy tín của Giáo Hội có thể bị giảm thiểu phần nào  ở giữa xã hội loài người. [13]

 

Phái nghĩa vụ thì nhận định rằng mặc dù phái xét lại  luôn luôn nhắc đến truyền thống, nhưng trong thực tế, họ  đã đổi khác truyền thống. Chính thế, trên lý thuyết cũng  như trong thực tế, họ đã thay đổi thật sự đối tượng và  phương pháp nghiên cứu của khoa luân lý học.

 

 TÌM HIỂU VỀ PHÁN ĐOÁN LUÂN LÝ

 

 Theo thiển ý, thì cuộc cách mạng của phái xét lại là  nhằm cả vào nỗ lực làm cho nổi bật tính cách  sáng tạo và xây dựng của “ý nghĩa” trong nhân  sự, và định nghĩa cho rõ đối tượng đặc thù của  luân lý học với phạm trù “ý nghĩa nhân cách”. [14]  Các quy tắc luân  lý thường được coi là những tiêu chuẩn khách quan,  ngoại giới, những yếu tố làm cho các hành động  khác nhau đáng được tán thành hay là đáng lên án;  tuy nhiên, có một điều lại thường bị quên lãng, đó  là: các quy tắc đó cũng đều là “hoạt động  ý vị” của một con người; ngay cả các quy tắc  do chính Thiên Chúa linh ứng cũng chỉ được đem ra áp dụng  sau khi con người quyết định chấp nhận chúng làm quy  tắc hành động ý vị cho mình. Các quy tắc luân lý thường  được truyền lưu lại từ thế hệ này đến thế hệ khác,  nhưng lại được nhìn nhận là đúng không phải do uy tín  của các thế hệ trước, mà là do những ý nghĩa  làm cho con người chấp nhận chân lý của chúng.  Do đó, tiêu chuẩn căn bản để phân định một hành động  là tốt hay xấu về mặt luân lý, chính là những  tiêu chuẩn thuộc phương pháp học định rõ hoạt động gì  có ý nghĩa luân lý; còn những tiêu chuẩn khác được  dùng đến để phê phán đối tượng của các quyết định  ấy (chẳng hạn như “trực tiếp/gián tiếp,” ý niệm về  các hành động “vốn xấu” tự bản chất) chỉ là  những tiêu chuẩn phụ hay là thứ yếu mà thôi.

 

Ngoài ra, phái xét lại ý thức rằng các hành động  được các quy phạm luân lý tán thành hay kết án, cũng  là sự kết tụ nhiều ý nghĩa, và có tính chất luân  lý tùy những “ý nghĩa tương quan” (realationships  of meaning) giữa người ta; là kết quả của  nhiều quyết định khác nhau và tùy thuộc vào nhiều  hoàn cảnh, nhiều mục tiêu hành động khác nhau,  cũng như vào nhiều điều kiện lịch sử và nhiều  kinh nghiệm rất phức tạp. Không có một hành động luân  lý nào có thể hiểu được, nếu trong khi tìm hiểu về chúng,  không biết để ý tới toàn bộ các điều kiện phức tạp  đi dính liền với chúng như thế.

Ngoài bối cảnh khách quan giữa cuộc sống xã  hội, còn cần phải để ý đến khả năng của  các cá nhân con người, với những mối tương quan mới  giữa người với người, cũng như với những  thái độ lượng định đối với các cơ cấu khách quan ấy dưới  ánh sáng của kinh nghiệm quá khứ, để đi tới chỗ quyết  định trong tự do và trách nhiệm. Đồng ý rằng những  “cơ cấu của ý nghĩa” phải phù hợp với những  đòi hỏi, những điều kiện của thế giới vật  chất và của thế giới các sinh vật; tuy nhiên, thể  cách phù hợp ấy luôn luôn là do ý nghĩa cấu tạo  xã hội và theo các tiêu chuẩn thích ứng với lãnh  vực thế sự. Không thể nào quan niệm được rằng hành  động luân lý chỉ là việc uốn nắn làm sao cho tư tưởng,  ý niệm của con người lồng gọn vào trong một khuôn  mẫu hoàn toàn phù hợp với những cơ cấu  sẵn có ở trong thiên nhiên, trong thế giới vật chất hay  sinh vật được. Khi nhận định rằng hành động luân lý đích  thực đòi hỏi con người phải đắn đo, phán đoán  và quyết định, là phái xét lại chỉ muốn làm nổi  bật chức năng này của “ý nghĩa.” Và khi  đòi phải xét lại những quy tắc luân lý cổ truyền  cùng những điều kiện lịch sử đã tạo ra những  quy tắc đó, là phái xét lại chỉ muốn làm nổi bật  tầm quan trọng của tính lịch sử của ý nghĩa (historicity  of meaning) cho thần học luân lý.

 

Tuy nhiên, phải nhìn nhận là phái nghĩa vụ có lý khi  chưa hoàn toàn đồng ý với các lý lẽ nói trên  đây. Thật vậy, dù đã làm nổi bật vai trò  chủ yếu của lãnh vực của ý nghĩa, thì phái  xét lại cũng vẫn chưa xác định rõ được tiêu chuẩn  để chọn dữ liệu cũng như để lượng định về tầm trọng  yếu và giá trị chung của các dữ liệu trong lãnh  vực ấy. Phái xét lại lý luận rằng trong một quyết định luân  lý cụ thể, có những chi tiết có thể làm thay đổi  bản chất của một hành động “vốn xấu” (thí  dụ: thủ dâm để lấy tinh dịch mà chẩn bệnh). Trong  trường hợp đó, bản chất luân lý của một hành  động thay đổi vì những chi tiết phát xuất từ hoàn  cảnh cụ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, cần phải  phân biệt để xem chi tiết nào là quan trọng và  chi tiết nào là không quan trọng. Căn cứ vào những  tiêu chuẩn nào để có thể phân biệt như vậy? Phái xét  lại chỉ trả lời mơ hồ rằng: cần phải có lý do  chính đáng để hành động như thế.

 

Điểm then chốt trong cuộc tranh luận về những phán đoán  cá nhân hay công cộng, chủ quan hay khách quan, tùy  hoàn cảnh hay theo quy tắc, là vấn đề chọn lựa,  xem xét và rút tỉa những dữ liệu chính có thể  làm nền tảng chung cho mọi trường hợp, mọi hoàn  cảnh. Nếu không xếp loại và không rút tỉa được các  dữ liệu làm nền tảng chung ấy, thì không thể nào  có được một quyền bính chung và phổ quát trong lãnh  vực luân lý được. Bao lâu chưa giải quyết được vấn đề  đó, thì phái nghĩa vụ có lý và có quyền để chỉ trích  phái xét lại, cho rằng phái này chỉ tìm cách chủ quan  hóa và tương đối hóa hết mọi phán đoán luân lý, cũng  như triệt hạ hết mọi thứ quyền bính chung và phổ quát  trong lãnh vực luân lý.

 

Qua nỗ lực tìm một giải pháp trung dung làm nhịp  cầu nối kết hai lập trường: một bên là luân lý tương  đối theo hoàn cảnh, và bên kia là luân lý  tuyệt đối theo quy luật, phái xét lại đã có dịp làm  nổi bật một thách đố lớn mà khoa luân lý học đang ra  sức giải quyết; đó là: một khi đã nhận thức được  rằng quy tắc luân lý không phải là những gì có  thể đem áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc và lạnh  lùng như trong trường hợp của các định luật thiên  nhiên đối với cỏ cây hoặc thú vật, nhưng là những  điều kiện sống, trực tiếp chi phối hành động tự do của  con người và các mối tương quan giữa các con người  với nhau, thì cần phải tìm cho ra những tiêu chuẩn thích  hợp để xác định bản chất và giới hạn của các  quyết định trong đời sống con người.

 

 Những Vấn Đề Phức Tạp Mới Được Đặt Ra

 

 Các nhà luân lý học chủ trương “luân lý tùy  hoàn cảnh” nhấn mạnh đến điểm này: các hoàn  cảnh cụ thể uốn nắn nên bản chất luân lý của  mỗi hành động. Nhưng “hoàn cảnh” nghĩa  là gì? Các nhà xã hội học, những người  tranh quyền cho nữ giới, những người vận động để  bảo vệ môi sinh, và các nhà thần học giải  phóng đã góp phần giúp cho nhân loại mở mắt để thấy  là các quyết định của con người mang lại những  hậu quả có tầm ảnh hưởng hết sức rộng lớn —  và có khi rất khốc hại nữa — đến cuộc sống của  nhiều người khác. Những hành động có khi xem ra  tầm thường nhất trong cuộc sống hằng ngày của  chúng ta, có thể có ảnh hưởng đến tương lai của  cả những vùng xa xôi trên thế giới, đến cuộc  sống của hàng triệu con người: chẳng hạn như là  bằng cách ủng hộ và xúc tiến những cơ cấu kinh  tế xã hội đè nén áp bức, gây phương hại và làm  ô nhiễm môi sinh của thế giới, hay là bằng cách  tung ra những ý thức hệ văn hóa và chính trị, cùng  những ý niệm tôn giáo… mê hoặc làm cho văn minh  của loài người phải lụn bại đi. Vậy, thử  hỏi khi quyết định “tùy hoàn cảnh,” con  người hành động có cần và có phải để ý đến  tất cả những hậu quả khôn lường như thế không?

 

Mặt khác, phái nghĩa vụ chủ trương là phải vâng  theo những quy tắc tuyệt đối, trong mọi hoàn cảnh,  chứ không phải tùy vào hoàn cảnh. Tuy nhiên,  làm như vậy tức là chỉ biết định đoạt một cách tiên  nghiệm và đơn thuần trên lý thuyết, dữ liệu nào  đáng chú ý tới và dữ liệu nào có thể bỏ  ra ngoài mỗi khi cần phải lấy một quyết định luân  lý. Nghĩa là, trong thực tế, phải loại bỏ rất  nhiều dữ kiện — có thể là quan trọng — đọc  thấy ở giữa những hoàn cảnh cụ thể phức  tạp trong cuộc sống, chỉ vì các quy tắc chung trong luân lý  học đã không đề cập hay là lưu ý tới các dữ  liệu như thế.

 

Liên hệ với vấn đề vừa nêu ra trên đây, còn có  vấn đề mức độ tham dự vào việc xấu. Buộc phải tránh  việc xấu. Nhưng, nghĩ đến những hậu quả to lớn và  sâu rộng do các ý thức hệ áp bức và các “cơ cấu  tội lỗi” trong xã hội loài người, không  ai mà không khỏi băn khoăn nghĩ rằng phần nào  đó, các hành động và thái độ của mình cũng  đã liên lụy vào trong các điều xấu ấy; phần nào  đó, các hành động của mình cũng vướng phải  dấu vết của ác độc, xấu xa? Quả thật, các việc xấu  trong môi trường sống chung quanh, ảnh hưởng sâu  đậm đến bản chất luân lý của mọi hành động con  người. Có được quyền lấy thể thức phân biệt giữa  “cách trực tiếp” và “cách gián tiếp” để  dựa theo đó mà chấp nhận hay là tham dự vào một  việc xấu, rồi từ đó đi đến chỗ chấp nhận cách thức  phân biệt giữa các “điều/việc xấu” không được  chấp thuận và các “điều/việc xấu” có thể chấp  thuận (hoặc gánh chịu) được (với lý do chính đáng), hay không?  Nếu được, thì lấy đâu ra những tiêu chuẩn để dựa vào  đó mà phân biệt giữa các cách thức trực tiếp và  gián tiếp trong hành động chấp nhận hoặc tham dự? Trường  phái nào cũng đều nhìn nhận là cần phải có  những tiêu chuẩn rõ ràng để phân định dữ liệu  nào là quan trọng, và dữ liệu nào là  không quan trọng, hầu tiến tới việc phán đoán và quyết  định trong một hành động luân lý. Nhưng, bao lâu chưa có  được những tiêu chuẩn chính xác và thích hợp, thì các  quyết định luân lý của con người vẫn còn xem  ra có phần vô cớ, và khó mà tránh khỏi được  tính cách tùy tiện.

 

 Phân Biệt Các Dữ Liệu

 

 Để làm nổi bật sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn  chung không lệ thuộc vào hoàn cảnh, và các  tiêu chuẩn tùy hoàn cảnh cụ thể, tôi xin đưa ra  một thí dụ mà hiện thường được nêu lên khi thảo  luận về luân lý học, đó là: phán đoán luân lý về việc  giết người. Có nhiều hoàn cảnh khác nhau khiến  cho phán đoán luân lý đối với việc giết người, thay đổi  hẳn tùy từng trường hợp. Sau đây là một số  trường hợp của thí dụ vừa trưng dẫn. Trong một  cơn bão tuyết, một đứa bé chết vì nhiều chiếc xe hơi đụng  nhau; một đứa bé chết vì bị một người say rượu lái xe  ẩu cán; một người đi cướp của chết vì bị chủ nhà  bắn để tự vệ; một người chồng nhiều năm đối xử  tàn nhẫn người bạn trăm năm của mình, chết  vì bị vợ bắn; những người lính chết trong một cuộc  chiến để bảo vệ tổ quốc bị xâm lược; một người chết  trong một vụ khủng bố; một người chết vì bị trúng  đạn do một người mất trí bắn loạn; một người chết  vì bị bắn trả thù.

 

Dĩ nhiên, các trường hợp kể trên đều mang những đặc  nét khác nhau trong bản chất luân lý của chúng. Muốn  phán đoán từng trường hợp, thì cần phải phân biệt  rõ các dữ liệu quan trọng với các dữ liệu phụ  thuộc. Thí dụ: người cán chết đứa bé, có say rượu thật  hay không? Đó là dữ liệu quan trọng. Đứa bé mặc quần  áo kiểu nào? Đó chỉ là dữ liệu phụ. Người  vợ có thật sự bị ngược đãi tàn nhẫn lâu năm  hay không? Đó là dữ liệu quan trọng. Bà ta đã  giết chồng vào ban sáng hay ban chiều? Đó chỉ là dữ  liệu phụ.

 

Cuộc tranh luận giữa hai phái xét lại và nghĩa vụ  xoay quanh sự việc bất đồng ý kiến về tiêu chuẩn phân biệt  giữa các dữ liệu quan trọng và không quan trọng.  Cho tới nay, chưa có phía nào đề xuất những tiêu chuẩn  rõ ràng để phán đoán về các hành động luân lý.

 

 LÀM SÁNG TỎ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

 

 Tôi không thể thảo luận về hết mọi khía cạnh của  vấn đề xác định tiêu chuẩn nhằm chọn lựa, sắp xếp cũng  như rút tỉa ra phần chung và chính yếu trong các dữ  liệu cần cho việc phân định tính chất luân lý của các  hành động con người. Tôi chỉ xin nhận định rằng muốn  tìm cho ra và minh định cho đúng các tiêu chuẩn, thì cần  phải xem xét lại ý niệm “hành động luân lý.”  Quyết định một hành động luân lý là một việc làm  phức tạp, bao gồm một số phán đoán khác nhau (những điều  kiện, hoàn cảnh, hậu quả, v.v.) và có liên  hệ mật thiết với nhau. Hễ cần suy tư về luân lý học,  hễ có dịp phán đoán và quyết định cho một hành  động luân lý, là thế tất phải lưu ý tới toàn  bộ các khía cạnh nói trên.

 

Sau đây, tôi muốn được góp phần làm sáng tỏ cho một  số những cuộc tranh luận về các vấn đề: — phân định  để biết hành động nào là “tiền luân lý”  và hành động nào là thực sự luân lý; —  phân biệt các cách trực tiếp và gián tiếp trong hành  động tham dự vào việc xấu; — xác nhận thẩm quyền  của một quyền bính trong lãnh vực luân lý.

 

 Tính Chất Tiền-Luân-Lý và Luân Lý

 

 Phái xét lại thường bị chỉ trích vì họ giữ lập trường  cho rằng một hành động luân lý có bản chất tốt hay  xấu là tùy ở chỗ lý do để quyết định hành  động trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, có chính đáng  hay không. Một việc xấu tiền -luân-lý chỉ có thể biết được  là xấu về phương diện luân lý sau khi con người đã  phán đoán và dùng tự do mà quyết định trong những  trường hợp thường là phức tạp bởi không rõ  đâu là phải đâu là trái. Phái nghĩa vụ không  chấp nhận phân tích luân lý này, vì cho rằng có những  điều/việc xấu về mặt luân lý, hay là “vốn xấu,”  có thể nhận ra được ngay mà không cần phải phân tích  hết mọi dữ liệu cụ thể của từng hoàn cảnh.[15] Họ nhắc đến cách phân biệt cổ truyền giữa  mục tiêu khách quan của hành động luân lý và  ý định của cá nhân người hành động. Như thế, có  nghĩa là người ta thường biết là có những  hậu quả/kết quả cụ thể luôn luôn đi kèm theo  một hành động luân lý nhất định, và không lệ thuộc  vào các điều kiện khác nhau của hoàn cảnh,  cũng như không lệ thuộc vào ý định — và ngay  cả ý thức nữa — của người hành động.  Do đó, về mặt luân lý, điều quan trọng đáng chú ý là  mối quan hệ giữa các hành động và hậu quả  tốt hay xấu của các hành động, chứ không phải  là các chi tiết của hoàn cảnh cụ thể.

 

Bên trong các lý lẽ phê bình trên đây, có tiềm ẩn một  sự thật, đó là: các quy tắc luân lý chung và không  lệ thuộc vào hoàn cảnh, quả là có tính  chất luân lý thật sự. Dù có đối diện với một hoàn  cảnh hết sức phức tạp, bởi lẽ hành động có  thể kéo theo nhiều hậu quả khác nhau và có phải  chịu ảnh hưởng của nhiều động cơ thúc đẩy chống  chọi nhau, thì mối quan hệ chung giữa các điều/việc tốt  và xấu bao giờ cũng vẫn có thể được biểu  đạt qua các quy tắc luân lý chung, là những quy tắc  có thể áp dụng được trong nhiều hoàn cảnh khác nhau,  mà không cần để ý đến các chi tiết phụ thuộc, không  mang ý nghĩa luân lý.

 

Tuy nhiên, phái xét lại có lý khi nhận định rằng tính chất  luân lý của hành động quyết định về một sự việc  trong cuộc sống chỉ được xác định một khi đã hiểu rõ  hoàn cảnh cụ thể với những giá trị chồng chéo  và xung đột lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu cần làm như  thế, thì không phải là vì bản chất luân lý của  hành động cụ thể này là một điều độc nhất, hoặc  vì chỉ có thể biết được qua bối cảnh, hoặc vì không thể  trở thành quy tắc luân lý chung và thực sự có  giá trị trong những hoàn cảnh khác; cũng không  phải là vì việc tốt hay xấu tiền-luân-lý có thể  biến thành luân lý nhờ các chi tiết của hoàn  cảnh cụ thể, hoặc là vì các quy tắc chung chỉ cho ta  thấy được việc tốt hay xấu ở mức tiền-luân-lý mà  thôi; nhưng là vì việc phán định luân lý phải dựa  lên trên toàn bộ kinh nghiệm luân lý, chứ không phải  chỉ dựa trên một vài phân đoạn của sự việc mà  thôi; cũng như là vì việc phán định về mặt luân lý  không phải là một cuộc suy luận về những hoàn  cảnh giả thiết, mà là một thái độ nhận định  về những thực tại cụ thể đang xảy ra trong cuộc sống  “ở đây và bây giờ” của từng cá  nhân con người. Khi được làm ở trong một hoàn  cảnh cụ thể, thì quyết định của một cá nhân mới có  thể trở thành một phán đoán luân lý, cho dù cá  nhân ấy chỉ có hiểu bản chất luân lý của hành  động mình quyết định qua kinh nghiệm phán đoán chính đáng của  những người có thẩm quyền trong lãnh vực luân  lý đã đưa ra cho những trường hợp tương tự như thế  mà thôi.

 

Để tránh ngộ nhận về ý nghĩa của từ “tiền-luân-lý”,  thì có thể nói cho rõ thêm rằng từ ấy hàm ngụ  tính cách chắp nối (fragmentary) trong tầm hiểu biết  luân lý, tức là hiểu biết về chi tiết này hay chi  tiết nọ của một thực tại rất phức tạp trong cuộc sống  cụ thể của con người, thay vì hiểu biết về toàn  bộ thực tại ấy. Do đó, tầm hiểu biết tiền-luân-lý mang  tính cách giả thuyết, giới hạn, và trước khi đem ra  áp dụng vào những quyết định cụ thể, thì cần phải  được điều chỉnh lại cho thích hợp với từng trường hợp.

Tuy vậy, trong phạm vi của nó, vốn liếng hiểu biết tiền-luân-lý  cũng vẫn có giá trị về mặt luân lý, bởi vì nó  cũng là tiêu chuẩn giúp cho con người trong cách  thức phán đoán về các việc xấu/tốt. Một hoàn cảnh  xã hội có phức tạp đến mấy đi nữa, thì đối tượng  của việc tìm hiểu và quyết định luân lý cũng vẫn  là một thực tại đơn nhất, nhất quán. Nhiệm vụ của  khoa luân lý học là tìm hiểu các thực tại đó trong những  hoàn cảnh khác nhau, và phác họa những tiêu  chuẩn cần cho công tác chọn lựa và xếp loại các dữ  liệu để rút tỉa ra phần chung làm căn bản cho việc  phán đoán luân lý. Các quy tắc tiền-luân-lý là kết  quả của việc tìm hiểu theo lương tri, theo lẽ thường  tình và theo hình thức mô tả,về các khía cạnh của  hành động luân lý, và có thể đến một mức nào  đó, giúp cho hiểu về chúng, nhưng lại không có đủ điều  kiện để làm căn bản cho việc phán đoán toàn diện  những thực tại luân lý phức tạp. Các quy tắc này  cũng có thể góp phần quan trọng vào trong công trình  tìm hiểu một số vấn đề mới và tế nhị, hầu giúp cho việc  phán đoán luân lý cũng như nỗ lực thiết đặt các  quy tắc luân lý được cụ thể và chính xác hơn.

 

Các quy tắc tiền-luân-lý có thể trở thành quy tắc  luân lý và ngược lại; như thế là vì bối cảnh  văn hóa trong loài người thay đổi làm cho các hoàn  cảnh sống con người ra phức tạp hơn hoặc là kém  phức tạp đi tùy những lãnh vực sinh hoạt khác  nhau. Nói tóm lại, các quy tắc tiền-luân-lý mang tính chất  đích thực luân lý, nhưng lại thiếu tính cách toàn diện  để có thể đáp ứng đầy đủ cho toàn bộ thực tại của  hành động luân lý.

 

Cách phân biệt giữa các quy tắc luân lý và tiền-luân-lý  có thể giúp cho hiểu các vấn đề: – điều/việc vốn xấu, –  và quy tắc tuyệt đối không-trường-hợp -miễn-trừ.  Nếu các quy tắc luân lý (đích thực) có thể được áp dụng  cho hàng loạt những hoàn cảnh và những  trường hợp khác nhau, thì chính là vì chúng đã thấu  triệt và quy gồm được giữa các dữ liệu của  hành động luân lý, những mối tương quan đồng dạng  cũng như trọng yếu về mặt luân lý, và ổn định, tức  là không thay trong những hoàn cảnh khác nhau.  Trong những trường hợp như thế, các quy tắc luân lý  có thể có tính cách tuyệt đối, không-trường-hợp-miễn-trừ,  và các điều/việc mà các quy tắc luân lý phán quyết  là xấu, có thể coi là xấu tự bản chất, tức là  “vốn xấu” thật sự.

 

 Trực Tiếp Và Gián Tiếp

 

 Các nhận định trên đây có thể giúp để hiểu tại sao lập  trường của phái xét lại và cách thức họ đặt  vấn đề về việc xấu trực tiếp hay gián tiếp, thường bị  chỉ trích. Trong cuộc sống con người, thường xuyên có  những việc xấu xảy ra. Nếu không chấp nhận quy tắc  về việc xấu trực tiếp/gián tiếp, thì làm sao phán định  được phần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với các  việc xấu ấy, sẽ là như thế nào? Mỗi người  buộc phải tự cân nhắc lấy từng hậu quả xấu —  cho dù nó có xa xôi gián tiếp bao nhiêu đi nữa —  có thể xảy ra trong mỗi trường hợp? Hay là  cần phải dựa vào những quy tắc chung để mà  phân định, để mà có thể phân định? Và nếu cần và  có thể dựa vào các quy tắc chung mà phân định, thì  có nghĩa là các quy tắc ấy có thể cung cấp những  tiêu chuẩn khách quan để phân định mức trách nhiệm liên lụy  trực tiếp hay gián tiếp của mỗi người đối với  việc xấu. Phái xét lại thường chủ trương là trong  một hoàn cảnh cụ thể, nếu một cá nhân xét thấy  mình có lý do chính đáng để chấp nhận hậu quả xấu của  một hành động, thì cá nhân ấy có quyền hành động  như mình đã nhận định. Nhưng cần phải hỏi lại: người  ấy sẽ dựa theo tiêu chuẩn khách quan nào để phán  định về lý do chính đáng? Cái gì là chính đáng, và  cái gì là không chính đáng? Vì sao lại chính đáng, và  vì sao lại không? Trong nhiều trường hợp, con người  không thấy rõ được việc mình làm sẽ trực tiếp  hay gián tiếp liên hệ thế nào đến các hậu quả xấu.

 

Đó là chưa kể tới xu hướng chủ quan cố hữu của  con người trong khi tiếp nhận và sử dụng các tiêu  chuẩn để phân định: ai cũng muốn dễ dãi bào  chữa cho việc mình làm, và dành phần lợi cho  chính mình.

 

Phân biệt giữa việc xấu-cố-tình (tham dự trực tiếp) và  việc xấu-gánh-chịu (tham dự gián tiếp) là phân biệt giữa  các dữ liệu cụ thể quan trọng và các dữ liệu  không đáng kể đối với tính chất luân lý của quyết định.  Khi nhận định rằng con người không bao giờ được trực  tiếp đi ngược lại với một điều tốt tự bản chất (vốn  tốt), dù là để nhằm một mục tiêu tốt, là phái  nghĩa vụ muốn xác định điều này: luôn luôn có một mối  quan hệ khách quan giữa phương tiện xấu và hậu quả  của hành động; và trong mọi trường hợp, chính  mối quan hệ ấy sẽ xác định ý nghĩa cho đối tượng của  một quyết định luân lý, mà không cần để ý tới các chi  tiết khác nhau của từng hoàn cảnh, cũng  như không cần để ý tới ý muốn của cá nhân người  hành động.[16]   Lý do  tại sao có quyền chấp nhận một hậu quả xấu, khi hậu  quả ấy chỉ là kết quả gián tiếp của một quyết  định luân lý, là vì hậu quả kia nằm ở ngoài  bản chất luân lý của quyết định.

Đối đáp lại lý luận trên đây, phái xét lại nhận định rằng  cũng có những trường hợp có thể chấp nhận được  phương tiện xấu để đạt đến mục tiêu tốt. Lý do là vì  có khi bản chất của một hành động sẽ tỏ  hiện rõ hơn khi biết để ý đến tất cả các dữ  liệu, chứ không chỉ tập trung vào một dữ liệu duy  nhất cho dù dữ liệu này có quan trọng đến mấy.  Về điểm này, hai phía có lập trường rất khác nhau.  Cả hai phía đều phân biệt dữ liệu chính (quan trọng)  và dữ liệu phụ, cũng như cân nhắc việc tốt và  việc xấu, nhưng lại áp dụng những tiêu chuẩn khác nhau.

 

Hai phía còn có những lập trường khác nhau về một  điểm khác nữa: phái xét lại sẵn sàng chấp nhận những  phương tiện xấu để đạt tới cứu cánh tốt, trong trường  hợp các giải pháp luân lý khác đều cho thấy là xấu  hơn nữa nói chung. Tuy nhiên, đó chỉ là những phương  tiện xấu không có đủ tầm quan trọng để biến đổi bản  chất luân lý của hành động: trong những trường  hợp như thế, cho dù có những phần xấu phụ thuộc mà  mình không tán thành, con người vẫn được quyền  chấp nhận toàn bộ hành động luân lý. Vì thế, phái  xét lại thường nói đến “các phương tiện gián tiếp  xấu,” nghĩa là không ảnh hưởng đến bản  chất luân lý của hành động, hoặc là ảnh hưởng,  nhưng không đến độ biến đổi bản chất của hành  động. Phái nghĩa vụ chấp nhận có một cơ cấu hành động/hậu  quả xấu không bao giờ có thể chấp nhận vào hành  động luân lý, vì cho rằng chỉ chấp nhận việc xấu không thôi,  thì cũng đã làm hư đi bản chất luân lý của  hành động mất rồi.

 

 Vai Trò Giáo Huấn

 

 Phái xét lại còn bị chỉ trích về một điểm thứ ba nữa,  đó là: vai trò của giới lãnh đạo trong Giáo  Hội. Nếu bản chất luân lý của một hành động  chỉ có thể được quyết định do từng cá nhân mỗi khi  phán đoán để hành động trong một trường hợp cụ thể,  thì trong lãnh vực luân lý, quyền giáo huấn của Giáo  Hội không còn có vai trò nào nữa. Về điểm  này, phái xét lại đưa ra một số nhận định. Thứ nhất,  các quy tắc luân lý do Huấn quyền đưa ra, không còn đáp  ứng được nhu cầu của thời đại với tất cả những  vấn đề phức tạp của nó. [17] Thứ hai, ngày nay, các tín hữu có  trình độ học vấn cao hơn xưa nhiều; do đó, họ không còn  sẵn sàng thụ động chấp nhận những giáo huấn, mà  chỉ muốn tham dự vào trong việc quyết định; ngoài ra,  đối với nhiều vấn đề phức tạp trong thế giới ngày nay,  một nhóm ít ỏi các nhà chuyên môn của Tòa  Thánh không đủ sức để đưa ra những quy tắc chung cho  tất cả và cho mọi trường hợp; do đó, nên để cho  nhiều người cùng góp phần đặc thù theo khả  năng chuyên môn sẵn có của mình, vào trong công tác  phân định, phán định và giáo huấn. [18] .

 

Một nhận định thứ ba còn đi xa hơn nữa: để có thể  trở nên thực sự trưởng thành về mặt luân lý,  thì các tín hữu cần phải lớn lên trong cách phán đoán  của mình, chứ không phải cứ tiếp tục phán đoán và  hành động một cách quy ước, theo khuôn khổ của các  quy tắc cổ truyền. Giáo Hội Công giáo không phải đơn  thuần là một tổ chức quy ước (theo tập quán cổ  truyền:conventional), [19] chỉ biết đưa ra những luật lệ để những ai tuân theo,  thì được coi là thành viên. Để Giáo Hội đi đúng đường  hướng đích thực, thì cần phải làm cho con số các tín  hữu công giáo hậu quy ước (tiến xa hơn mức khuôn  khổ cổ truyền: postconventional) — tức là những  người tích cực dấn thân vào trong công tác phân định  các quy tắc luân lý cụ thể và uốn nắn nên đường  hướng cho tác vụ của Giáo Hội ở trong thế giới –  tăng thêm nhiều lên.

 

Nhận định thứ tư cho rằng trong lúc này, một số người  lãnh đạo trong Giáo Hội có xu hướng hạn chế việc thảo  luận công khai về các vấn đề luân lý, và cấm không  cho phe đối lập tham dự vào cuộc bàn cãi. Trong  khi giữa thời đại này, người ta đòi mọi  người phải nêu lên ý kiến của mình, và phải  thảo luận để tìm cho được những giải pháp thích  hợp nhất. Hạn chế việc thảo luận tức là ngăn cấm  công trình tìm tòi, nghiên cứu: một công trình cần thiết  trong và cho Giáo Hội.

 

Theo thiển ý của tôi, thì các nhận định trên đây đều  tốt nhưng không nhất thiết đi ngược lại quyền giáo huấn của  Giáo Hội trong lãnh vực luân lý. Để các tín hữu tự  do, không bị thu hẹp giới hạn vào trong các quy tắc cổ  truyền, không có nghĩa là phải quan niệm rằng chỉ có  thể giải quyết được các vấn đề luân lý lúc chúng xuất  hiện, và mỗi lần một cách khác, mỗi người  một cách khác; cũng không có nghĩa là các cá nhân  khỏi cần để ý đến những đòi hỏi luân lý  của các quy tắc cổ truyền và các chỉ thị giáo quyền  đưa ra.

 

Theo thiển ý của tôi, thì cần phải giải quyết  vấn đề các quy tắc luân lý, tức là cần phải xác  định cho rõ ràng và cho chính xác, mức độ thích  đáng của chúng, để có thể áp dụng chúng một cách hữu  ích vào trong các hoàn cảnh cụ thể của hành  động luân lý; cũng như cần phải khuyến khích đông  đảo các cá nhân góp phần vào trong công tác minh  định nội dung của các quy tắc luân lý, xét vì tính cách  cầu kỳ của các hoàn cảnh phức tạp trong thế  giới ngày nay. Do đó, lề lối quan niệm về phương cách  hoạt động của giáo quyền sẽ thay đổi rất nhiều, và  quan niệm về tự do quyết định cũng sẽ rộng rãi  hơn nhiều.

Tuy vậy, mục tiêu của các thay đổi này không phải  là để dồn hết mọi trách nhiệm quyết định lên trên vai  của từng cá nhân hành động; mà trái lại,  là để cung cấp cho các cá nhân những chỉ dẫn đáng  tin cậy cũng như có uy tín và có sức đòi buộc  lương tâm cá nhân phải nghe theo. Nếu các đòi buộc  ấy được trình bày đàng hoàng, thì các cá nhân  không có quyền thay đổi chúng tùy ý mình hay là tùy  từng hoàn cảnh. Và nhờ đó, mọi người  sẽ nhận ra được rằng những người trong Giáo Hội  có phận vụ trình bày và minh định các quy tắc hành  động, quả thật là những người có khả năng  và thẩm quyền xứng hợp với chức vụ của mình.

 

 KẾT LUẬN

 

 Xưa nay, khoa luân lý học công giáo vẫn tiến mạnh trong  nỗ lực xếp loại và định giá các hành động, các  động cơ hành động, các hoàn cảnh cũng như hậu  quả của các hành động; trong cách thức đưa ra những  tiêu chuẩn nhằm cân nhắc về các mối tương quan giữa các  dữ liệu luân lý kia; cũng như trong lề lối xác định  những quy tắc cụ thể để phân định mỗi lần gặp xung  khắc giữa các giá trị hay là giữa các hậu quả  khác nhau trong những bối cảnh cụ thể khác nhau. Mục  đích của các nỗ lực và các cách thức vừa  nói, là tạo nên những khí cụ thích ứng cho mọi người  và cho mọi hoàn cảnh. Con đường đưa dẫn  đến tiêu đích phổ quát hóa ấy là con đường đã  khởi phát từ những hoàn cảnh lịch sử  cụ thể, và đã băng ngang qua một tiến trình rút tỉa  công phu để có được các quy tắc phổ quát.

 

Phải nhìn nhận rằng các thành quả của truyền  thống luân lý học công giáo là thật đáng khâm phục.  Tuy nhiên, đáng kể nhất không phải là tầm quan trọng  của các quy tắc, luật lệ và phương pháp xếp loại,  nhưng là chính những nhận định thực tế mà nhiều  nhà luân lý học xuất sắc đã rút tỉa ra được từ  cuộc sống cụ thể qua các thời đại. Nếu không hiểu rõ  điểm này, thì hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra  như đang thấy xảy ra hiện nay, đó là: nỗ lực của  những nhà luân lý học xuất sắc như thế sẽ còn  bị cản ngăn, gặp phải bế tắc, không thể tiếp tục  góp phần của mình vào trong đà tiến triển của  nền văn hóa nhân loại.

 

Tôi thiết tưởng rằng cần phải quan niệm về vai trò  và nhiệm vụ của khoa luân lý học công giáo theo một  cách thức mới: thay vì tập trung nỗ lực vào trong những  cố gắng để tổng quát hóa ở những mức độ cao nhất  nhằm rút tỉa ra những quy tắc trừu tượng, thì các nhà  luân lý học nên chú tâm vào việc tìm hiểu toàn bộ  cơ cấu của các mối tương quan giữa các mục tiêu hành  động, các quyết định và những hậu quả của  hành động, trong những điều kiện và hoàn cảnh  lịch sử cụ thể khác nhau; nghĩa là cần phải lưu  ý nhiều hơn đến đến các chi tiết cụ thể. Họ cũng cần  phải làm sao để tìm cho ra những quy tắc luân lý  tổng quát dính liền với các cơ cấu phối hợp như vừa nói,  theo một tầm cỡ bối cảnh chuyên biệt rộng lớn hơn  là trong quá khứ. Làm như vậy, họ sẽ có thể góp  phần đắc lực và hữu hiệu để giải quyết tình trạng  vô tổ chức, cũng như thái độ coi thường các quy tắc  và các tiêu chuẩn tuyệt đối của nền luân lý, như  đang thấy hiện nay.

 

Khi nghiên cứu về luân lý học, cần phải can đảm đối  phó với các thứ cám dỗ nhiều loại: Xếp loại các dữ  kiện, phác họa ra các hệ thống lý thuyết minh bạch… là  những hành động rất dễ biến dịch để trở thành  cứu cánh, khiến cho nhà luân lý học quên bẵng đi lợi  ích của con người. Phán đoán, kết án người khác  có thể là những việc rất hấp dẫn, nhưng đó không  phải là nhiệm vụ chính của khoa luân lý học. Tỏ  ra quá hãnh diện với những thành quả của  khoa luân lý học cổ truyền cũng có thể làm cho nhà  luân lý học không còn đủ sắc sảo để phân tích  và tìm hiểu các vấn đề hiện đại. Khám phá các vấn đề  luân lý mới, chú trọng nhiều đến quyền tự do phê phán của  cá nhân cũng dễ đưa tới chỗ quan niệm rằng mọi  vấn đề đều mới, và mọi quy tắc đều cổ hủ cả.  Đề xuất những lập trường “tiên tri,” lên án  các cơ cấu xã hội có vẻ áp bức, hay là những  khó khăn không lướt thắng nổi của một nền văn hóa thối  nát…là những hành động có một sức cám dỗ  rất mạnh…

 

Khoa luân lý học công giáo cần phải tránh cho khỏi  tất cả những thứ cám dỗ ấy. Nhiệm vụ của  nhà luân lý học – một nhiệm vụ hết sức khô khan và  khiêm tốn – là phục vụ cho toàn thể loài người  bằng cách chỉ đường đưa lối, dựa theo kinh nghiệm của quá khứ, và hướng theo cặp mắt nhìn thẳng đến các thử  thách tương lai. Để có thể góp phần đắc lực vào trong  tác vụ ấy, thì các nhà luân lý học cần phải say  sưa tìm hiểu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người,  cũng như cần phải biết say sưa mến yêu Thiên Chúa,  là Đấng hằng ban dồi dào ơn cứu độ cho trần gian.

 

 Kenneth R. Melchin [1]

 

[ Sesto Quercetti Hoàng Văn Lục Lược Dịch, HTTH SỐ 6, NĂM THỨ BA (1993)]

 

—————————————-

[1] Nguyên văn bài viết bằng  tiếng Anh, mang tựa đề Revisionists, Deontologists, and the  Structure of Moral Understanding, đăng trong tạp chíTheological  Studies (Washington D.C., U.S.A.), số 51, tháng 9, năm 1990,  tt. 389-416. Tác giả bài viết hiện đang dạy Thần học  luân lý tại phân khoa Thần học của Đại học Thánh Phaolô,  Ottawa, Canada

[2] Theological Studies50 (1989)1-167

[3] Richard A. McCormick, S.J., Moral  Theology 1940-1989: an Overview, ibid. tt. 6-7

[4] Ibid. t. 19

[5] Từ  ngữ “xét lại” (revisionist) đã được R. Gula  dùng tới trong tác phẩm nhan đề What are they Saying  about Moral Norms? (New York, Paulist Press, 1982), và cũng  được Lisa Sowle Cahill dùng tới trong bài viết “Contemporary  Challenges to Exceptionless Moral Norms”, đăng trong tác phẩm  Moral Theology Today: Certitudes and Doubts (St. Louis, MO.,  Pope John XXIII Center, 1984) tt. 121-135. Từ ngữ “xét  lại” đã được dùng lần đầu tiên hồi năm 1975 trong  tác phẩm của David Tracy nhan đề Blessed Rage for Order  (New York, Seabury, 1975) để miêu tả một phương thức hay  một lề lối nghiên cứu thần học. Các nhà thần học luân  lý sau đây được coi như là thuộc phái xét lại: P. Knauer,  B. Schueller, J. Fuchs, L. Janssens, T. O’Connell …

[6] Cũng có tác giả  ghi như sau về điều kiện thứ ba này: “ít nhất kết quả  tốt cũng phát sinh từ hành động một cách trực  tiếp không kém gì hậu quả xấu (chứ không phải là  gián tiếp, hoặc chỉ là kết quả phát sinh qua trung  gian của kết quả xấu)

[7] Peter Knauer, “La  Détermination du bien et du mal moral par le principe du double effet”,  Nouvelle revue théologique  87(1965)356-376

[8] Các nhà luân lý học “nghĩa vụ”  nổi bật nhất là: P. Ramsey, William E. May và Germain  Grisez. Xem Paul Ramsey,”Incommensurability and Indeterminancy  in Moral Choice” trong tác phẩm Doing Evil to Achieve Good,  tt. 69-144

[9] Xem bài  của Francis X. Di Lorenzo, “The Competency ođ the Church’s  Living Magisterium in Moral Matters”, đăng trong tạp chí Moral  Theology To-day, số 70, tt. 75-76.

[10] Xem Stephen Happel and James J.  Walter, Conversion and Discipleship (Philadelphia, Fortress,  1986).

[11] Xem J. Fuchs, “Absoluteness” trong  tác phẩm Readings in Moral Theology, số 1, tt. 109-110.

[12] Xem Walter E. Conn, Conscience: Development and Self-Transcendence  (Birmingham, Ala., Religious Education, 1981).

[13] Xem Bruno Schueller,  “Remarks on the Authentic Teaching of the Magisterium of the Church”,  trong tác phẩm Readings in Moral Theology, số 3, tt. 14-33.

[14] Xem Bernard J.F. Lonergan, S.J., Method in Theology (New York,  Herder and Herder, 1972), tt. 74-78, 178-180

[15] Xem ba bài viết sau đây đăng trong tác phẩm Readings  in Moral Theology, số 1: (1) W.E. May, “Moral Meaning”,  tt. 12-13; (2) John R. Connery, “Catholic Ethics”, tt. 247-250;  (3) Albert.  Thí dụ: trong việc phá thai, dữ liệu  then chốt để xác định ý nghĩa luân lý là việc trực tiếp  giết chết bào thai; còn tất cả các dữ liệu  khác, như là sức khỏe của người mẹ, ý định  của người mẹ muốn tự tử, bào thai có tật,  gia đình gặp khó khăn về mặt kinh tế, người mẹ mang thai  vì đã bị hiếp dâm, hoặc bào thai là hậu quả  của một hành động loạn luân, v.v… đều là phụ  thuộc cả. Xem G. Grisez, Abortion: the Myths, the Realities  and the Arguments (New York, Corpus, 1970), tt. 321-346. Di Janni, “The Direct/ Indirect Distinction in Morals”  tt. 224-225.

[16] Thí dụ: trong việc phá thai, dữ liệu  then chốt để xác định ý nghĩa luân lý là việc trực tiếp  giết chết bào thai; còn tất cả các dữ liệu  khác, như là sức khỏe của người mẹ, ý định  của người mẹ muốn tự tử, bào thai có tật,  gia đình gặp khó khăn về mặt kinh tế, người mẹ mang thai  vì đã bị hiếp dâm, hoặc bào thai là hậu quả  của một hành động loạn luân, v.v… đều là phụ  thuộc cả. Xem G. Grisez, Abortion: the Myths, the Realities  and the Arguments (New York, Corpus, 1970), tt. 321-346. Di Janni, “The Direct/ Indirect Distinction in Morals”  tt. 224-225.

[17] Xem Charles Curran, “Pluralism  in Catholic Moral Theology”, trong tác phẩm Readings,  số 3, tt. 364-387

[18] Xem Avery Dulles, “Doctrinal  Authority for a Pilgrim Church”, trong tác phẩm Readings,  số 3, tt. 247-270; và Daniel Maguire, “Morality and Magisterium”,  trong Readings, số 3, tt. 34-66

[19] Liên quan đến các từ conventional  và postconventional, xin xem Conn, Conscience