Từ ngày 19.12 đến ngày 24.12.2016 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

19.12.2016

THỨ HAI TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,5-25

Lời Chúa:

“Thiên Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1,25)

Câu chuyện minh hoạ:

Người Nhật Bản thường kể câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đi qua một cánh đồng, thình lình bị cọp đuổi… Anh ta chạy bán sống bán chết mà vẫn không tìm ra chỗ dung thân. Anh chạy mãi để rồi cuối cùng thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Phía sau lưng, con cọp vẫn không buông tha. Không còn biết làm gì nữa, người đàn ông phải lấy sức để đu lên một cành cây bắc qua vực thẳm. Nhìn xuống dưới thung lũng, anh ta lại thấy một con cọp khác cũng đang nằm chờ chực. Người đàn ông đáng thương chỉ còn niềm hy vọng duy nhất: đó là nằm chờ đợi cho đến khi hai thú vật mệt mỏi bỏ đi… Chờ đợi trong lo sợ vẫn là cực hình lớn lao nhất đối với con người.

Giữa lúc anh ta đang phải chiến đấu với sợ hãi và mệt mỏi, thì tình cờ bỗng có hai con chuột bỗng từ đâu xuất hiện trên chính cành cây anh đang đu vào. Hai con vật bắt đầu gặm nhấm lớp vỏ xung quanh cành cây. Bình thường, chuột là một trong những loài thú mà anh gớm ghiếc nhất vì sự dơ bẩn của nó. Tiếng kêu của nó cũng là một âm thanh làm cho lỗ tai anh khó chịu. Thế nhưng, trong cơn sợ hãi tột cùng này, người đàn ông bỗng nhìn thấy hai con chuột thật đáng yêu. Những hàm răng mũm mĩm của chúng trông dễ thương làm sao! Tiếng kêu của hai con vật cũng trở thành một âm thanh êm dịu hơn tiếng gầm thét của hai con cọp.

Giữa lúc anh đang theo dõi từng động tác của hai con chuột, thì một con chim bỗng từ đâu bay lại, thả rớt trên cành cây một trái dâu rừng. Anh đưa tay nhặt lấy trái dâu và thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái rừng bỗng nên thơ đáng yêu lạ lùng.

Suy niệm:

Theo quan niệm của người Do Thái, vợ chồng cưới nhau mà không có con là điều bất hạnh. Hai ông bà Dacaria và Êlisabeth ngày ngày vẫn kiên nhẫn cầu xin cho mình có được một người con. Và Thiên Chúa đã lắng nghe, cất nỗi hổ nhục nơi hai ông bà. Thời gian chờ đợi quá lâu, có lẽ ông không còn tin vào việc mình sẽ có con nên khi thiên thần báo tin có vẻ ông đã không tin; vì thế, ông đã bị câm cho tới ngày Gioan chào đời.

Mỗi người chúng ta có mặt trên đời này đều nằm trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa, và mỗi người mang một sứ mạng riêng. Vì thế, chúng ta cần ý thức và chu toàn trách nhiệm của mình trong niềm hy vọng, vì đối với Thiên Chúa không gì là không thể làm được.

Xin cho con luôn tin tưởng và nhận ra rằng mỗi ngày đời con đều có sự hiện diện và ơn lành của Chúa hằng ở cùng con, để con biết cất lời ca tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh.

20.12.2016

THỨ BA TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,26-38

Lời Chúa:

Bấy giờ, Bà Maria nói với sứ thần: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Câu chuyện minh hoạ:

Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”

– Được, ta sẽ xẻ anh ra làm đôi.

Nghe thế, cây tre phản đối:

– Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng… Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra…

– Nếu không xẻ anh ra thì anh chả được việc gì.

Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.

Người nông dân nói tiếp: “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”

– Ông tước cành tôi? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi ? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…

– Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.

Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.

Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn; nếu không, ta không thể dùng bạn”.

Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.

Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.

Suy niệm:

Nhờ lòng tin tưởng và phó thác vào tình yêu Chúa, Đức Maria đã dám bỏ mình, xin vâng theo thánh ý Chúa để Ngôi Lời được nhập thể trong thế giới này. Nếu cuộc đời của mỗi chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực thi trong cuộc đời, thì Chúa sẽ đi vào thế giới hôm nay. Khi Mẹ xin vâng, Mẹ cũng chưa hiểu rõ con đường Chúa muốn nhưng Mẹ tin tưởng để Chúa làm chủ cuộc đời Mẹ. Nhìn vào gương Mẹ, chúng ta có dám thưa tiếng xin vâng ngay trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời không?

Lạy Chúa, xin biến đổi trái tim chúng con để chúng con biết sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc cuộc đời chúng con tưởng chừng như vô vọng.

 

 

 

 

 

21.12.2016

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,39-45

Lời Chúa:

“Tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. (Lc 1,44)

Câu chuyện minh họa:

Năm 1876, khi Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại, có một vấn đề được đặt ra là phải nói lời gì khi bốc máy trả lời điện thoại. Ông Bell đề nghị người trả lời nên chào là “Ahoy!” Tiếng này nghe hơi lạ tai! Có lẽ cũng từ tiếng “Ahoy” và Hello” phát sinh ra tiếng “Alô”?

Tiếng “Hello” sau này mới xuất hiện do Thomas Edison, người khám phá ra điện và là một người bạn thân đang giúp ông Bell cải tiến kỹ thuật điện thoại. Tiếng “Hello” đầu tiên xuất hiện trong văn chương vào năm 1880. Nhà văn Mark Twain đã gọi những thiếu nữ làm ở tổng đài điện thoại là những “hello girls”. Sau cùng, vào năm 1883, tiếng “Hello” được đưa vào tự điển. Và bây giờ, trên 100 năm sau, nó là một trong những tiếng được sử dụng phổ thông nhất trên thế giới.

Suy niệm:

Lời chào mang nhiều ý nghĩa: có thể đó là một lời chào xả giao, một lời chào thể hiện sự tôn trọng nhau… Nhưng lời chào của sứ thần khi vào nhà trinh nữ Maria mang lại một sứ điệp vô cùng quan trọng: Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Lời chào của Maria khi đến viếng thăm người chị họ là Êlisabeth đã làm cho người con trong bụng nhảy lên vui sướng, vì được Thiên Chúa viếng thăm.

Đức Maria đã mang đến cho bà Êlisabeth niềm vui, khiến bà nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa nơi Mẹ. Nơi cung lòng thánh thiện, Con Thiên Chúa đã ngự trị, được sống bằng sự sống của Mẹ.

Xin cho mỗi người chúng con cũng là đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự trị để mỗi ngày chúng con mang Tin Mừng, niềm vui và sự bình an của Chúa đến nhiều người nhất là những người chưa nhận biết Chúa.

 

 

 

 

 

22.12.2016

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,46-56

Lời Chúa:

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,49).

Câu chuyện minh hoạ:

Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell trong tâm trạng bối rối: “Này anh, xin anh nói cho tôi hay; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa?” Nhà giảng thuyết trầm ngân một lúc rồi nói: “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi!”

Suy niệm:

Hạnh phúc là điều mà ai cũng mơ ước và tìm mọi cách để đạt được. Thế nhưng, khi chúng ta làm cho người khác điều tốt đẹp thì đó là hạnh phúc cho chúng ta. Những hạnh phúc mà chúng ta tìm nơi vật chất, giàu sang, thú vui sẽ mau qua và đó cũng không phải là hạnh phúc thật.

Hạnh phúc mà Đức Maria cảm nhận được chỉ có nơi Thiên Chúa vì những ân huệ Chúa đã dành cho Mẹ. Và Mẹ đã dành suốt cuộc đời mình để đáp lại ân huệ đó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra những ân ban mà Chúa đã dành cho chúng con, để chúng con biết trân trọng và trao ban những ân ban ấy cho những người xung quanh. Có như thế, chúng con mới thật sự hạnh phúc.

 

 

 

 

 

23.12.2016

THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA VỌNG

Lc 1,57-66

Lời Chúa:

“Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.” (Lc 1,57-58)

Câu chuyện minh họa:

Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau: Mùa Vọng là mùa của thai nghén…

Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần kinh qua thời kỳ thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau… Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn lẫn lộn…

Vui vì sự sống và niềm hi vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không lường trước được. Những đột biến trong người cũng khiến cho người đàn bà mang thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con người. Tất cả mọi cử động, chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thai… Có nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không? Có được hút một điếu thuốc như trước không? Có nên dùng càfê không? Có nên dùng một chút bia rượu không? Có nên thức khuya không?… Tất cả đều được cân nhắc từng li từng tí.

Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng thêm… Và khi đến ngày nở nhụy khai hoa, như Chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui của người đàn bà khỏa lấp được tất cả những chờ đợi trong khi mang thai và những đớn đau trong khi sinh con.

Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc  thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.

Suy niệm:

Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.

Trong Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta cũng đang cưu mang Thiên Chúa trong tâm hồn. Như người phụ nữ cảm nhận được sự tăng trưởng của bào thai, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự hiện diện mỗi lúc một thêm thân mật và gần gũi của Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Xin cho mỗi người chúng con biết chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để chào đón Chúa, và để cho Ngài lớn lên trong cuộc đời chúng ta mỗi ngày.

24.12.2016

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA VỌNG

Lc 1,67-79

Lời Chúa:

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.” (Lc 1,68)

Câu chuyện minh họa:

Hôm ấy là chiều ngày áp lễ Giáng Sinh (24.12.1946) trong một trại tập trung những người lính Đức bị Nga bắt làm tù binh mọi vật đều im lặng, một sự im lặng chết chóc, buồn thảm. Các tù nhân mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc trong mỏ than. Lúc này, họ không mong ước gì hơn là được cởi bỏ bộ đồ lem luốc, bẩn thỉu để lên giường tìm những phút thư giãn. Chỉ còn có mấy người đi đi lại lại, ngó trước ngó sau, như là để tìm kiếm một thứ gì đó. Thì ra những người này đang tìm cách để lén mừng lễ Giáng Sinh. Họ đang moi ra từ trong trí nhớ của họ một vài bản thánh ca Giáng Sinh quen thuộc, rồi se sẽ ngâm nga với một giọng khàn khàn.

Những âm thanh phát ra tuy nhỏ và khàn khàn như thế đó, nhưng vẫn đủ để làm cho cả hàng trăm tù binh đang nằm trên giường, trong một dãy nhà dài, được soi sáng bằng một ngọn đèn dầu leo lét, đều nghe thấy.

Thế là vô tình những âm thanh đó đã đưa hồn của những người tù binh này đi vào một thế giới khác, thế giới của hoài niệm. Bao nhiêu những hình ảnh thương mến của gia đình, của quê hương đã được quay lại trong tâm trí họ. Kèm theo những hình ảnh đó là những tình cảm dạt dào yêu thương. Thế nhưng khi chợt nhớ ra là mình đang nằm trên một chiếc giường trong một trại giam, thì tất cả những hình ảnh, những tâm tình tuyệt vời kia đã biến mất để nhường chỗ cho một thực tế thật đáng lo âu buồn tủi.

Tất cả người và vật trong trại giam đều như đang chìm đắm trong một thế giới riêng tư của mình như thế, thì bỗng cánh cửa nhà giam mở tung ra. Một người lính Nga, nét mặt hằm hằm, nện gót giày thật mạnh bước vào. Anh ta ra lệnh cho mọi người ra sân tập họp. Tuy biết đây chỉ là một lệnh có ý hành hạ người tù binh trong đêm khuya khoắt giá lạnh, nhưng không một ai dám trái lệnh.

Ánh đèn pha trong các chòi canh của trại giam quét đi quét lại trên những khuôn mặt xanh xao vì đói và rét, của những người tù binh, làm cho người ta nhìn thấy thật rõ nét những hàm răng của những người tù đang dập vào nhau.

Viên sĩ quan coi nhà tù ra lệnh cho người thông dịch nói với đám tù binh: Hôm nay tại quê hương các anh, bọn phản động đang bắt đầu tưng bừng mừng lễ của bọn chúng, liên tiếp trong mấy ngày. Nhưng tại Liên Xô này không có việc đó, bởi vì chúng ta dồn nỗ lực vào việc xây dựng hạnh phúc cho giới vô sản. Và để cho giờ phút vinh quang huy hoàng đó  mau chóng, điểm ở khắp nơi, chúng ta phải tận dụng thời gian để lao động. Để tỏ tình liên đới với giai cấp lao động trên thế  giới, các anh hãy hát thật lớn “bài ca cách mạng lao động quốc tế”.

Thông dịch xong những lời trên đây, người thông dịch cất cao giọng bắt câu đầu của bài hát: “Hãy chỗi dậy, hỡi những người bị chúc dữ của thế giới này”.

Sau lệnh 2,3 bắt vào nhịp của bài hát, toàn thể đám tù binh vẫn đứng im. Thế rồi giữa đám đông có vài người cất nhẹ lên bài “Đêm thánh vô cùng”. Thế là như một ngòi pháo được châm lửa, đột nhiên hàng trăm tiếng hát đã đồng loạt vang lên, thật đẫy đà và hùng tráng. Đặc biệt là mấy tiếng sau cùng của bài hát, đã được đám tù binh hét thật lớn: “Đức Kitô, Đấng Cứu Thế đã đến”. Sau đó mọi người im lặng. Viên sĩ quan cai tù hỏi người thông dịch:

– Bọn chúng hát gì thế?

Người thông dịch tỉnh khô trả lời:

– Bài ca cách mạng vô sản, nhưng lời và nhạc là của Đức

“Đêm thánh vô cùng”

Suy niệm:

Người thánh là người của riêng Thiên Chúa, người để cho Thiên Chúa lớn lên trong mình, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, nên người thánh phải là người để cho “Tình yêu” ngự trị và chiến thắng tất cả, tin tưởng phó thác, an vui, thuận hoà, tha thứ, và để cho Thiên Chúa lớn lên trong mình. Người là Đấng đem đến cho nhân loại một tương lai hứa hẹn vượt quá mọi khả năng tiên đoán.

Ước gì cuộc sống của chúng ta được dệt nên bằng những “Đêm thánh vô cùng”, như thế là chúng ta đang hát lên khúc ca đêm thánh tuyệt vời, tuyệt vời không phải bởi lời ca ý nhạc, nhưng tuyệt vời bởi những cử chỉ tin yêu, phó thác.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho