Từ ngày 25.12 đến ngày 30.12.2017 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

25.12.2017

Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Ga 1,1-18

Lời Chúa:

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)

Câu chuyện minh họa:

Hôm ấy, vào đêm vọng Giáng Sinh, trong một trường giáo dục trẻ em tàn tật ở Mỹ, người ta cho các trẻ em diễn một hoạt cảnh Giáng Sinh, trước sự hiện diện của phụ huynh và ân nhân. Vở kịch có ba màn. Màn đầu diễn ra ở Nagiaret, với sắc lệnh của Hoàng đế Cêsarê Augustô. Màn hai diễn lại cảnh Thánh Giuse và Mẹ Maria vào quán trọ, bị chủ quán xua đuổi. Màn ba là cảnh hang lừa máng cỏ. Ban giám đốc và các phụ huynh rất lo âu cho các trẻ, sợ chúng diễn xuất vụng về. Nhưng màn đầu diễn tiến khá lắm. Qua màn hai, người ta thấy Giuse và Maria gõ cửa quán trọ. Nhìn Giuse thì nghèo nàn, Maria thì bụng mang dạ chửa, chủ quán đưa tay xua đuổi lia lịa, miệng thao thao:

Không có chỗ, không có chỗ! Hai vợ chồng năn nỉ, với nét mặt âu sầu. Chủ quán hơi lưỡng lự, những rồi cũng đọc hàng chữ ghi trên quán: Không còn chỗ. Cảnh van xin và từ chối lại diễn ra một lần nữa. Và lần này hai ông bà có vẻ tha thiết nài xin. Chủ quán trẻ cũng vẫn đưa tay từ chối. Nhưng vừa bắt đầu mấy tiếng: “Tôi đã nói rằng hết… thì em không tiếp tục nói thêm được nữa. Tay em giựt xuống tấm bảng: Không còn chỗ. Và nghẹn ngào thổn thức trong nước mắt: “Con xin nhường phòng con cho hai ông bà!”.

Trước cảnh bất ngờ đó, giáo viên đạo diễn tỏ ra bực bội, lúng túng và cho ngưng diễn. Nhưng toàn thể khán giả đều cảm xúc ra mặt, vì cái vẻ hồn nhiên trong trắng của em bé tốt bụng. Cử chỉ, ngôn ngữ và cung cách của em nói cho mọi người hay ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh.

Suy niệm:

Mỗi người chúng ta bằng nhiều cách cũng là những người đang đóng vai chủ quán. Thường khi chúng ta quay lưng với những người nghèo khổ, giả điếc làm ngơ trước những đau khổ của người khác và ân cần với những người chức quyền, giàu có. Những người trong thành Bêlem năm xưa vì ham tiền mà xua đuổi Chúa, vì nơi họ thiếu vắng sự quan tâm đến người khác, không cảm thông với những nỗi thống khổ của những người khách lỡ đường. Thế nên Con Thiên Chúa đã không mạc khải cho họ nhưng mạc khải cho những kẻ bé mọn, là các mục đồng, những người chăn chiên.

Vì tình yêu nhân loại, Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm nhỏ bé, sinh ra nơi hang đá nghèo hèn, mặc lấy thân phận yếu hèn như chúng ta, Ngài cúi xuống thật gần với con người để nâng con người sa ngã lên. Ngài đã cứu độ chúng ta bằng con đường tự hạ, tự hủy mình ra không. Hiểu được ý nghĩa đó, mỗi người chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Chúa đang tuôn tràn trên mỗi người qua mầu nhiệm nhập thể, và trao ban cho tha nhân bằng những hành vi chia sẻ, những lời cảm thông, và những cách đối xử đầy tình người hơn.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình yêu vô biên của Chúa đang đến với con người qua mầu nhiệm nhập thể, không những thế, Người đến với chúng con qua nhiều cách thức, nhất là nơi những người nghèo khổ đang cần đến chúng con.

.

 

 

 

 

26.12.2017

Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi

Mt 10,17-22

Lời Chúa:

“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)

Câu chuyện minh họa:

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:

“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì, nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

Suy niệm:

Là chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta cần phải xả thân dù mất cả mạng sống. Và đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân, mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ, như sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”: Ngài nhắc nhở và động viên chúng ta phải tin tưởng, chịu đựng và lấy đó làm cơ hội để “làm chứng cho Thầy”; và trong những hoàn cảnh ấy, “hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được, và một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Xin cho mỗi người chúng ta biết kiên trì và vững tin vào quyền năng của Chúa trước những biến cố, thử thách trong cuộc đời, và can đảm làm chứng cho Chúa như thánh Stêphanô đã anh dũng làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.

 

 

 

 

 

27.12.2017

Thứ Tư trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Thánh Gioan Tông đồ, tác giả sách Tin mừng

Ga 20,2-8

Lời Chúa:

“Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8)

Câu chuyện minh họa:

Cuốn sách “Ngang qua thung lũng sông Kwai” cho chúng ta thấy: Vào thời đệ nhị thế chiến, những người lính đồng minh bị quân đội Nhật bắt làm tù binh, được đem tới vùng biên giới Miến Điện và Thái Lan để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển vũ khí. Cuộc sống ở đây thật là khắc nghiệt. Họ bị cưỡng bức lao động dưới cái nóng như đổ lửa, có khi lên tới những 49 độ. Họ bị đối xử một cách tàn thệ. Chính cuộc sống khắc khổ này đã làm cho họ trở nên độc ác. Họ lấy luật rừng mà cư xử với nhau. Họ trộm cắp của nhau, nghi ngờ và chỉ điểm lẫn nhau.

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra: Có hai tù nhân nọ, đã tổ chức cho những bạn tù của mình trở thành một nhóm để cùng nhau học hỏi Lời Chúa. Và nhờ sự học hỏi này, mà Lời Chúa bắt đầu thấm vào tâm hồn họ, để rồi chính họ khám phá ra Đức Kitô đang sống giữa họ. Ngài hiểu và cảm thông với họ, bởi vì Ngài cũng đã từng sống vất vưởng, đã từng chịu đói khát mệt mỏi, đã từng bị phản bội và bị đánh đòn. Tất cả những lời Ngài nói, những việc Ngài làm đều mang một ý nghĩa mới và trở nên sống động đối với họ. Đám tù nhân không còn nghĩ rằng mình là nạn nhân của một cuộc chiến dã man. Họ không còn chỉ điểm và trộm cắp của nhau, nhưng bắt đầu đối xử với nhau bằng thương yêu và nhất là họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau.

Từ đó, trong trại bắt đầu có những tiếng hát vui tươi thay thế cho sự thinh lặng oi bức và căng thẳng, giống hệt sự khác biệt giữa cái chết và sự phục sinh. Hay nói một cách khác, sự biến đổi xảy ra trong trại tù là một lễ phục sinh, là một phép lạ làm cho họ tin tưởng lẫn nhau thay vì trước đó đã nghi ngờ nhau. Làm cho họ biết chia sẻ với nhau thay vì trước đó chỉ biết trộm cắp của nhau. Làm cho họ biết giúp đỡ nhau thay vì trước đó chỉ tìm cách chỉ điểm lẫn nhau.

Suy niệm:

Sự phục sinh của Chúa giúp mỗi người chúng ta tiếp tục hy vọng khi niềm tin đang dần tan vỡ. Ngài sẽ giúp chúng ta hàn gắn những mãnh vụn khi mọi sự dường như bị xóa bỏ. Điều cần thiết là chúng ta biết cộng tác với Ngài để làm cho cuộc đời mỗi ngày trở nên mới hơn. Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì dù cái chết của Chúa có giá trị đến đâu đi nữa cũng giống như cái chết của nhiều người, nhưng nhờ sự phục sinh của Chúa, cái chết của Ngài có giá trị cứu rỗi.

Là những chứng nhân của Chúa, chúng ta hãy loan báo tin mừng của Chúa, và hãy hiệp thông với nhau trong cùng một niềm tin, là tin vào sự chết và phục sinh của Chúa.

Lạy Chúa, giữa những đau thương của cuộc sống, xin giúp chúng con luôn tin vào sự phục sinh của Chúa, niềm tin mang lại ý nghĩa, và nhờ đó hướng dẫn chúng con bước qua tăm tối, vượt qua những nghịch cảnh và can đảm bước đi trong niềm tin yêu.

 

 

 

 

 

28.12.2017

Thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Các thánh anh hài tử đạo

Mt 2,13-18

Lời Chúa:

“Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,18)

Câu chuyện minh họa:

Một hôm, Đức Ala gọi một thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có bốn đứa con thơ”.

Thiên sứ ra đi. Ngài gặp người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với bốn đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết như xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách biệt người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng ánh mắt van xin của sứ thần chẳng được mảy may chút nào. Cuối cùng, sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đem về trời.

Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị sứ thần lại có vẻ buồn, phải vui làm sao được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con. Thấy sứ thần buồn, Đức Ala mới gọi đến và đưa vào giữa sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra.

Tảng đá vừa vỡ, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong lòng tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên:

– Ôi! Lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn ngài cũng sẽ không quên được bốn đứa trẻ mồ côi là con cái của ngài.

Suy niệm:

Các thánh anh hài đã dùng cái chết để đáp lại tình yêu cao cả của Đấng Tạo Dựng. Dù các ngài còn thơ bé, nhưng Chúa đã cho các ngài góp tay vào công việc cứu thế của Người. Máu của các ngài đổ ra để minh chứng cho Chúa Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội. Mỗi người chúng ta được dựng nên đều nằm trong chương trình yêu thương và quan phòng của Chúa. Nên mỗi người chúng ta cũng cần phải có những hy sinh để dâng cho Chúa và làm chứng cho Tin mừng của Ngài trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được rằng: Qua những đau khổ, những mất mát, Ngài đang nhào nặn nó để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho chúng con.

 

 

 

 

 

29.12.2017

Thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Lc 2,22-35

Lời Chúa:

“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân…” (Lc 2,30-31)

Câu chuyện minh họa:

Nhà hoạ sĩ Holman Hunt vẽ bức hoạ “ánh sáng thế giới” diễn tả Chúa Giêsu đứng trước ngôi nhà trong một quang cảnh buổi tối. Tay trái Chúa cầm đèn dầu, tay phải đang gõ lên cánh cửa đóng kín của căn nhà.

Khi bức tranh họa được trưng bày, nhiều người yêu chuộng nghệ thuật đến thưởng lãm, khen ngợi. Một người trong những người xem tranh đã lên tiếng:

Này hoạ sĩ, bức vẽ chưa xong. Vì cánh cửa căn nhà không có nắm tay cầm để mở cửa.

Nhà họa sĩ trả lời:

Đó là cánh cửa của trái tim con người. Cánh cửa đó chỉ mở được từ phía trong thôi.”

Suy niệm:

Con Thiên Chúa đã đến trong trần gian nhưng có mấy ai nhận biết. Cụ già Simêon là người công chính và sùng đạo nên đã nhận ra Ngài chính là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại là vinh quang của Israel”. Ông thật có phúc vì được tận mắt nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa trước khi lìa đời, có lẽ vì ông là người hằng khao khát gặp Chúa, ăn ở ngay lành và sống công chính thánh thiện…, có sự thân thiện với Thiên Chúa qua đời sống tâm linh.

Mỗi Kitô hữu ngày nay muốn nhận ra Chúa, chúng ta cũng cần phải biết sống cuộc đời công chính, ước ao được gặp Chúa, lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, biết mở lòng mình ra, để Người soi sáng cho chúng ta nhận ra ánh sáng của ơn cứu độ.

Lạy Chúa, Chúa hiện diện dưới muôn ngàn dáng vẻ, qua nhiều cảnh đời, nơi những người đang cần đến con… Xin cho con nhận ra Chúa đang ở rất sâu trong tâm hồn con, để trong mọi biến cố buồn vui của đời thường Chúa luôn là đấng song hành cùng con.

 

 

 

 

 

30.12.2017

Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Lc 2,36-40

Lời Chúa:

“Bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay, cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.” (Lc 2,37)

Câu chuyện minh họa:

Có một chàng thanh niên đến xin thọ giáo với một sư tổ về ngọc thạch. Sau khi đã chấp nhận người môn sinh, vị sư tổ trao cho chàng một viên ngọc thạch quí giá, và bảo chàng hãy nắm chặt lấy nó ở trong tay. Thế rồi ông nói thao thao với người môn sinh về triết lý nhân sinh, về thiên văn địa lý. Sau hơn một giờ đồng hồ, ông bảo người môn sinh, trả lại ông viên ngọc thạch, rồi cho chàng về nhà.

Hôm sau, chàng thanh niên trở lại, và cái cảnh hôm trước lại tái diễn. Thế rồi ngày này qua ngày khác, tháng nọ qua tháng kia, không có một điều gì khác lạ cả.

Một hôm vị sư tổ bảo chàng thanh niên nhắm mắt lại, rồi trao cho chàng một viên đá thay vì một viên ngọc như mọi khi, và bảo chàng nắm tay lại.

Vừa nắm bàn tay lại chàng thanh niên nói:

– Thưa Thầy, đây không phải là viên bảo ngọc.

Vị sư tổ về ngọc thạch reo lên:

– Khá lắm, khá lắm, thế là con đã thành tài rồi đó.

Suy niệm:

Qua biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa đã trao cho nhân loại một viên ngọc vô cùng quí giá, là Chúa Giêsu, để nhờ đó mà nhân loại được sống.

Thế nhưng chúng ta có biết giơ tay ra để nhận lấy viên ngọc quí đó không? Trong nhân loại vẫn còn nhiều người thờ ơ khi Chúa đến: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,11). Vì nhân loại không nhận ra Chúa chính là viên ngọc quý nên chỉ mải mê chọn những viên ngọc giả hiệu là danh vọng, lạc thú, giàu sang, chức quyền thay vì chọn viên ngọc thật, vô cùng quí giá là Chúa Giêsu.

Xin Chúa cho con biết kết hợp mật thiết với Chúa trong chay tịnh, trong cầu nguyện để con nhận ra Chúa chính là lẽ sống, và để cuộc đời con không trở nên vô nghĩa trước mặt Chúa, vì có Chúa là khiên thuẫn chở che con.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho