Từ ngày 30.10 đến ngày 04.11.2017 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

30.10.2017

THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lc 13,10-17

Lời Chúa:

“Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.” (Lc 13,13)

Câu chuyện minh họa:

Đến thăm Rôma, nếu được vào bên trong Vatican, du khách không thể bỏ qua một tác phẩm nghệ thuật mà người ta thường gọi là ‘viên ngọc quý’ của nghệ thuật thời văn nghệ phục hưng ở Âu Châu:  Đó là nguyện đường SIXTINA bởi vì đã được xây cất và dâng tặng cho ĐGH Sixtô IV vào những thập niên cuối thế kỷ XV. Được gọi là “viên ngọc quý” của nền nghệ thuật văn nghệ phục hưng, bởi vì bốn bức tường và trần nhà là bộ tranh có nội dung Kinh Thánh, do các hoạ sĩ thời danh thực hiện. Nổi tiếng hơn cả là các bức tranh trên trần nhà do chính danh hoạ Michael Angelo thực hiện.

Trong suốt 7 năm ròng rã ngày đêm, Michel Angelo nằm trên những chiếc giàn gỗ, mắt nhìn lên trần, để vẽ lại những chương đầu trong sách Sáng Thế Ký. Thông thường, sau khi hoàn thành một tác phẩm, nhà nghệ sĩ nào cũng ký tên lên tác phẩm để tên tuổi của mình lưu truyền cho hậu thế. Thế nhưng, nhìn kỹ những bức tranh trên trần nhà nguyện Sixtina, không ai có thể tìm thấy bất cứ một dấu vết nào của danh hoạ M.Angelo. Thay vào đó, người ta chỉ đọc được hai chữ ALPHA và OMEGA, nghĩa là Nguyên Thuỷ và Cùng Đích. Qua hai chữ này, M.Angelo muốn dành tất cả danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng là Nguyên Thuỷ và là Cùng Đích của mọi sự. Tất cả cho Thiên Chúa. Tất cả vì Thiên Chúa!”

Suy niệm:

Mọi sự Chúa Giêsu làm đều là vinh danh Cha, và cho Thiên Chúa, Ngài không tự tôn vinh mình. Người phụ nữ bị còng lưng đã 18 năm, gương mặt bà chỉ nhìn xuống đất, hay cúi xuống mà thôi. Nhưng Chúa Giêsu đã thấu hiểu nỗi khổ của bà, nên đã nâng bà lên, giải thoát bà khỏi cảnh khổ nhọc ấy. Khi nghe Chúa gọi, bà tiến gần Chúa hơn, với sức mạnh từ nơi bàn tay Chúa đã nâng bà dậy, sức nặng đè trên lưng bà đã được cất khỏi, và bà tôn vinh Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta đều bị ràng buộc, bị sức nặng của tội lỗi, đam mê trói buộc, nên không còn khả năng lắng nghe tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta cần có những giây phút tĩnh lặng, xét duyệt lại bản thân, nhìn lại đời sống, lắng đọng tâm hồn; nhờ thế tiếng Chúa mới có thể len lỏi vào tâm hồn chúng ta, để chúng ta tiến gần Chúa hơn, lắng nghe tiếng Chúa, và mở lòng để Chúa chữa lành những bệnh tật nơi chúng ta.

Xin cho con biết nhìn vào những khuyết điểm, những giới hạn của bản thân, để con cần đến lòng thương xót của Chúa.

 

 

 

 

 

31.10.2017

THỨ BA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lc 13,18-21

Lời Chúa:

“Nước Thiên Chúa giống cái gì đây?” (Lc 13,18)

Câu chuyện minh họa:

Malcolm Dolkoff là một cậu bé nhút nhát, dễ bị tổn thương. Cậu có rất ít bạn và luôn phải lủi thủi một mình.

Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn. Loài vật là bạn thân của con người, sau đó phân công mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện. Dolkoff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình. Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào buổi học tuần sau.

Những gì cậu viết cũng như điểm số mà cô giáo đã cho không hề quan trọng. Đối với cậu, điều quan trọng nhất mà cũng là điều cậu nhớ nhất lại chính là 4 chữ cô giáo đã phê: “Em viết hay lắm!” Chỉ 4 chữ mà cũng đủ thay đổi toàn bộ cuộc đời cậu bé. Trước khi nhận được 4 chữ đó, cậu chưa bao giờ có khái niệm về bản thân hay những điều mình đã làm. Còn sau buổi học hôm ấy, cậu đã chạy thật nhanh về nhà, ngồi ngay vào bàn và bắt đầu viết một câu truyện ngắn, một câu truyện về tất cả những điều cậu đã từng mơ tới và không bao giờ dám nghĩ mình có thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực.

Cậu viết ngày càng nhiều hơn và cứ được một truyện cậu lại mang ngay tới cho cô giáo của mình nhận xét.

Nhiều năm trôi qua, Malcolm Dalkoff đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thay cho cậu bé tự ti ngày nào. Cậu trở về thăm trường cũ và thăm lại cô giáo ngày xưa của mình. Điều cậu phải cảm ơn cô không phải vì cô đã trở thành một người bạn của cậu mà chính là 4 chữ đầu tiên cô đã từng phê “Em viết hay lắm!”, bởi những chữ ấy đã có thể thay đổi cả một cuộc đời.

Suy niệm:

Chỉ một câu nói khích lệ đã làm thay đổi cuộc đời của một con người, đưa người đó vào một tương lai rộng mở. Nếu không có một lời phê tích cực của cô giáo ngày ấy, thì làm sao có được một nhà văn nổi tiếng Malcolm Dalkoff. Vì thế, một lời nói hay, không làm cho chúng ta mất mát gì, nhưng mang lại cho người khác một sự phấn khởi hơn, vậy sao chúng ta không biết dùng những lời khích lệ nhau, để giúp nhau thăng tiến? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta gieo vãi hạt giống Lời Chúa, hạt giống đức tin để những hạt giống ấy được nhiều người đón nhận và sinh hoa trái. Những kết quả trước mắt có khi lại là những thất bại, nhưng Chúa muốn chúng ta kiên nhẫn và đem hết khả năng phục vụ, yêu mến, nghị lực và tất cả con người chúng ta, chắc hẳn đó là kết quả tốt đẹp mà Chúa mong muốn.

Lạy Chúa, hạt giống Lời Chúa được gieo vãi vào trong tâm hồn mỗi người, xin cho con biết làm cho hạt giống ấy trổ sinh hoa trái, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

 

 

 

 

 

01.11.2017

THỨ TƯ TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Các thánh nam nữ

Mt 5,1-12a

Lời Chúa:

“Phúc thay….” (Mt 5,1)

Câu chuyện minh họa:

Người đàn ông chán đời đứng nhìn xuống giòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông ta đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời bất hạnh không còn lối thoát nào nữa. Ông ta đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường. Ông đã đi đây đi đó, đã tìm lạc thú trong những cuộc vui chơi, đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng nỗi chán chường càng thêm chất ngất.

Ông ta thử thời vận lần cuối bằng một cuộc hôn nhân. Nhưng không có người đàn bà nào ở với ông được vài tháng. Ông ta đòi hỏi quá nhiều, mà lại chẳng biết nghĩ đến ai cả. Ông ta nhận ra rằng ông đã chán chường và chẳng ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có giòng sông may ra mới đem lại cho ông sự thanh thoát.

Ông ta chưa kịp hút xong điếu thuốc thì thấy có người hành khất đi qua cầu. Con người rách rưới đó đứng nhìn ông và đưa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán đời không ngần ngại rút cả ví tiền trao cho người hành khất và bảo:

– Thôi, ông cầm lấy cả đi. Tôi đâu cần tiền làm chi nữa.

Người hành khất cầm lấy chiếc ví, nhìn thẳng vào mắt kẻ chán đời và nói với giọng vừa ôn tồn vừa nghiêm nghị:

– Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế này. Tuy là một người đi xin ăn, nhưng tôi không phải là kẻ hèn nhát. Tôi cũng không muốn nhận tiền của một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ ví tiền mà đem qua thế giới bên kia với ông.

Nói xong, người hành khất ném cái ví xuống giòng nước rồi lặng lẽ bỏ đi, để mặc kẻ chán đời với nỗi đắng cay chua xót đang gặm nhấm cõi lòng.

Đã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn chưa muốn kết liễu đời mình. Ông ta nhìn theo người hành khất đang từ từ mất dạng. Tự nhiên, ông ta không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt ví tiền trao tặng lại cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông ta biết trao tặng cho ai bất cứ điều gì. Giờ phút này, ông ta muốn mở rộng tâm hồn, giang rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống.

Suy niệm:

Thiên Chúa đến đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng khi con người sống không định hướng, không nhận ra Chúa là cùng đích cuộc đời sẽ cảm thấy cuộc đời buồn chán. Trong Chúa, dù chúng ta có đau khổ nhưng vẫn thấy hạnh phúc vì Chúa đã đi qua những đau khổ trong cuộc đời của Ngài: bị chống đối, bị khước từ, và chết trên thập giá… Những mối phúc hôm nay Chúa nói đến, Ngài đã sống triệt để trong cuộc đời Ngài, vì Ngài đã từ bỏ bản thân mình, thương xót người, ngay thẳng, xây dựng hòa bình, và chịu bách hại. Và kết quả của những mối phúc ấy là “phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao”. Vì thế, giữa những đau khổ chúng ta gặp trong cuộc đời này, chúng ta hãy vui mừng nhận ra mình là người hạnh phúc vì chúng ta từng bước họa lại con đường Chúa đã đi, và chắc chắn rằng Chúa sẽ giang tay chờ đón ta phía trước, và Nước Trời sẽ không còn xa chúng ta nữa.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống trọn vẹn ơn gọi của mình mỗi ngày, sống giây phút hiện tại và phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa.

 

 

 

 

 

02.11.2017

THỨ NĂM TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lễ các đẳng, cầu cho các tín hữu đã qua đời

Ga 6,37-40

Lời Chúa:

“Chúa phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”. (Ga 6,25)

Câu chuyện minh họa:

Người ta kể rằng: Có một người duy nhất sống sót trong một tai nạn đắm tàu và trôi dạt trên một hoang đảo nhỏ. Kiệt sức, nhưng cuối cùng anh đã gom được những mẫu gỗ trôi dạt và tạo cho mình một túp lều nhỏ để trú ẩn và cất giữ một vài đồ đạc còn sót lại. Ngày ngày anh nhìn về chân trời cầu mong được cứu thoát, nhưng dường như vô ích.

Thế rồi một ngày, như thường lệ anh rời khỏi chòi để tìm thức ăn trong khi bếp lửa trong lều vẫn cháy. Khi anh trở về thì túp lều nhỏ đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao. Điều tồi tệ nhất đã xảy đến. Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh chết lặng trong sự tuyệt vọng: “Sao mọi việc lại thế này lại xảy đến với tôi hở trời!”.

Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết được tôi ở đây?” – Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi thấy tín hiệu khói của anh”.

Suy niệm:

Các linh hồn đã qua đời luôn trông mong nơi những người còn sống nhớ đến họ và cứu họ thoát sự trầm luân, bằng những hy sinh, lời cầu nguyện và lòng quảng đại. Ngọn lửa vô tình bốc cháy của người thanh niên đã trở thành dấu hiệu cho người lái tàu đến cứu anh. Cũng vậy, Giáo hội dành tháng 11 như dấu hiệu để chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, cách riêng trong ngày lễ hôm nay. Họ là những người thân của chúng ta, đang tha thiết trông chờ những lời kinh, hy sinh, thánh lễ… của chúng ta mỗi ngày. Đó cũng là cách chúng ta đền ơn họ, báo hiếu công ơn cha mẹ, những người thân yêu của chúng ta đã qua đời.

Lạy Chúa, xin thánh hóa những hy sinh, những công việc chúng con làm hôm nay như của lễ dâng lên Chúa, và xin Chúa thương cứu rỗi các linh hồn.

 

 

 

 

 

03.11.2017

THỨ SÁU TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lc 14,1-6

Lời Chúa:

“Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.” (Lc 14,4)

Câu chuyện minh họa:

Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do Thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.

Suy niệm:

Gilgal Zamir nhân danh Chúa về lề luật, nhưng anh không cảm thông trước nỗi đau của người khác, đó cũng là hình ảnh của những biệt phái thời Chúa Giêsu. Đối với Chúa Giêsu, lề luật của Ngài chính là tình yêu thương, bằng chứng là Ngài đã chữa lành bệnh nhân, đem tình yêu và niềm vui cho người nghèo, người đau khổ, bệnh tật… Ngày sabat, Chúa chữa lành bệnh nhân không phải nhằm chống đối lề luật, nhưng để cho họ biết ý nghĩa của ngày sabat là ngày giải thoát con người khỏi tội lỗi và bệnh tật.

Lạy Chúa, xin cho con sống đúng lề luật Chúa trong ý hướng của Ngài là hướng đến tha nhân bằng tình yêu thương.

 

 

 

 

 

04.11.2017

THỨ BẢY TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Lc 14,1.7-11

 

Lời Chúa:

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)

Câu chuyện minh họa:

Tối hôm ấy, ông nhà văn quyết định đem vợ và 4 đứa con của mình đi xem phim tại một rạp hát. Khi họ đến thì trong rạp mới chỉ có sáu người. Và khi họ bước vào thì cả sáu người trong rạp đều đứng lên vỗ tay. Ông nhà văn mỉm cười đáp lễ. Sau khi ngồi vào chỗ, ông nhà văn bèn quay sang bà vợ và nói: – Có lẽ họ đã nhận ra anh vì hình ảnh của anh được đăng trên báo và những tác phẩm của anh được quảng cáo một cách rộng rãi.

Ngay lúc đó, có một chàng thanh niên tiến đến bắt tay ông. Ông nhà văn bèn hỏi: – Làm sao anh nhận ra tôi.

Thế nhưng, chàng thanh niên đã trả lời:

– Tôi chẳng hề biết ông là ai cả. Sở dĩ chúng tôi vỗ tay khi ông và gia đình bước vào rạp là vì viên quản lý rạp hát đã bảo: Nếu không có thêm bốn khán giả cho đủ mười người thì ông ta không thể chiếu xuất phim này.

Suy niệm:

Nhà văn trong câu chuyện này cũng là bài học cho mỗi người chúng ta, biết nhìn vào khả năng của mình mà sống khiêm tốn. Một mẫu gương khiêm tốn tuyệt vời cho mỗi Kitô hữu, đó chính là Chúa Giêsu, Ngài không sống cho riêng Ngài, nhưng cho người khác. Chúng ta cũng được mời gọi sống khiêm tốn trong mọi sự để được người khác yêu mến và trở nên cao cả hơn, xứng đáng là môn đệ Chúa. Nhiều khi chúng ta chưa sống triệt để tinh thần khiêm tốn khi giả vờ tự hạ mình để được người khác nâng lên.

Lạy Chúa, xin dạy con biết khiêm nhường thật sự để mỗi ngày con trở nên giống Chúa hơn, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho