Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Peru diễn ra vào lúc quá 4 giờ chiều tại căn cứ không quân Las Palmas ở thủ đô Lima, cách tòa Sứ Thần 13 cây số và ở cạnh phi trường quốc tế. Khi đến đây, ngài đã đi xe bọc kính tiến qua các lối đi để chào các tín hữu, trong bầu không khi tưng đừng. Dọc đường có một người lọt qua được hàng rào an ninh, chạy lại gần xe của ĐTC, như muốn trao một vật gì đó, nhưng ông ta bị các nhân viên chặn lại, xe của ĐTC cũng phải dừng lại vài phút trước khi tiếp tục hành trình.
Trong 1 triệu 300 ngàn tín hữu dự lễ cũng có Tổng thống Peru, Ông Kuszinski và 7 vị đại diện của các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô không Công Giáo. Đây là thánh lễ đông người tham dự nhất trong chuyến viếng thăm của ĐTC tại hai nước Chile và Peru.
Trên bàn thờ có đặt bản sao Ảnh Chúa Phép Lạ, bổn mạng của thành Lima. Đồng tế với ĐTC có 60 GM Peru và đông đảo các GM khác, cùng với hàng trăm linh mục. Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn các bài đọc của Chúa nhật thứ 3 thường niên, đặc biệt là sách Giona nói về sự tích ngôn sứ, khi được Chúa bảo tới thành Nivive rao giảng thống hối cho dân thành, thì ông bỏ trốn vì dân thành này nổi tiếng là gian ác, sa đọa. ĐTC nói:
”Nhiều khi cũng xảy ra với chúng ta như xảy ra cho Giona. Các thành thị của của chúng ta, với những tình cảnh đau thương và bất công hằng ngày tái diễn, có thể khiến chúng ta bị cám dỗ chạy trốn, ẩn núp và rút lui. Cũng như Giona, chúng ta cũng không thiếu lý do. Khi nhìn thành thị và những khu phố của chúng ta, những nơi lẽ ra phải là môi trường gặp gỡ và liên đới, vui mừng, nhưng chúng lại tạo nên điều mà chúng ta có thể gọi là ”hiệu chứng Giona”: một nơi khiến người ta phải trốn chạy và không còn tín thác” (Xc St 1,3). Đó là một nơi dửng dưng, biến chúng ta thành những người vô danh, trở nên điếc đối với những người khác, thành những con người không có tương quan với tha nhân và có trái tim không nhạy cảm..
ĐTC cũng nhận xét rằng trong Tin Mừng, khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, thì Chúa Giêsu đến miền Galilea để rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Khác với Giona, Chúa Giêsu, khi đứng trước một biến cố đau thương và bất công như vụ bắt Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu vào thành, vào miền Galilea và bắt đầu từ nhóm dân nhỏ ấy, gieo vãi điều sẽ là khởi đầu của một niềm hy vọng lớn hơn, đó là ”Nước Thiên Chúa đã gần, Thiên Chúa ở giữa anh chị em”. Và chính Tin Mừng cho chúng ta thấy niềm vui và hậu quả dây chuyền mà điều đó tạo nên: bắt đầu với Simon và Anrê, rồi Giacôbê va Gioan (Xc Mc 1.14-20)
Từ những điều trên đây, ĐTC nói: ”Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài sống trong hiện tại một điều có hương vị vĩnh cửu: đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân: Chúa thực hiện điều đó theo thể thức mà chỉ Ngài có thể làm được, một cách thần linh, đó là khơi dậy sự dịu dàng và lòng thương xót, khơi lên sự cảm thương và mở mắt để người ta học nhìn thực tại như Chúa nhìn.”
Chúa Giêsu rong ruổi trong thành với các môn đệ và bắt đầu nhìn, nghe và quan tâm tới những ngừơi đã quỵ ngã dưới dự dửng dưng, bị ném đá vì tội hư hỏng trầm trọng. Chúa bắt đầu vạch rõ bao nhiêu tình trạng bóp nghẹt niềm hy vọng của dân Ngài và khơi lên niềm hy vọng mới. Chúa gọi các môn đệ và sai các ông ra đi, trong thành, nhưng với một nhịp tiến khác: Chúa dạy họ nhìn điều mà cho đến nay họ chỉ lướt qua, và Ngài cho cho thấy những điều cấp thiết mới. Chúa nói: ”Các ngươi hãy hoán cải, Nước Thiên Chúa là gặp thấy trong Đức Giêsu Vị Thiên Chúa đang chia sẻ cuộc sống với dân Người, dấn thân can dự và làm cho ngừơi khác cũng can dự để họ không sợ biến lịch sử này thành một lịch sử cứu độ”.
Và ĐTC kết luận rằng ”ngày hôm nay, Chúa cũng đang kêu gọi anh chị em đi với Ngài, trong thành thị của anh chị em. Chúa gọi anh chị em hãy trở thành môn đệ thừa sai của Ngài, và qua đó tham gia vào tiếng thì thầm lớn mà Ngài muốn nó tiếp tục âm vang trong mọi góc của đời sống chúng ta, đó là: “Anh chị em hãy vui lên, Chúa đang ở cùng anh chị em!”
Lời cám ơn
Cuối thánh lễ, ĐTC đã cám ơn ĐHY, các anh em GM, Tổng thống Kuszinski và chính quyền Peru, cũng như hàng ngàn người thiện nguyện đã làm việc âm thầm và hy sinh để cuộc viếng thăm của ngài có thể tiến hành được. Và ngài nói:
”Tôi đã khởi sự cuộc hành hương nơi đất nước anh chị em và nói rằng ‘Peru là một miền đất hy vọng. Miền hy vọng vì có những loại sinh vật khác nhau cùng với vẻ đẹp của các nơi có thể giúp chúng ta khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa. Peru miền đất hy vọng vì các truyền thống phong phú và các phong tục của dân tộc này. Đây là miền đất hy vọng cho người trẻ, không những là tương lai nhưng còn là hiện tại của Peru. Tôi đã kêu gọi họ hãy khám phá ra trong sự khôn ngoan của ông bà và người cao niên căn tính đã hưng dẫn các vị đại thánh của Peru. Các bạn đừng mất gốc. Hỡi các ông bà và những người cao niên đừng ngưng truyền lại cho các thế hệ trẻ căn cội dân tộc của anh chị em và sự khôn ngoan của con đường để tới nước trời.
”Anh chị em Peru thân mến, anh chị em có bao nhiêu lý do để hy vọng, tôi đả thấy và đã động chạm đến được trong những ngày này. Hãy bảo tồn niềm hy vọng. Không có cách nào tốt hơn để giữ gìn hy vọng cho bằng tiếp tục đoàn kết hiệp nhất vơi nhau, để tất cả những lý do nâng đỡ niềm hy vọng được tăng trưởng thêm mỗi ngày”.
Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 6 giờ chiều, ĐTC đã ra phi trường quốc tế Lima. Tại đây Tổng thống cùng với phu nhân và các quan chức đạo đời đã có mặt để tiễn biệt ĐTC, trước sự hiện diện của đội quân danh dự..
Chiếc máy bay Boeing 767 của hãng Latam đã cất cánh lúc 7 giờ 10 phút tối chúa nhật vừa qua, giờ địa phương. 3 phi cơ Mirage 2000 của không quân Peru đã tháp tùng tiễn biệt máy bay chở ĐTC cho đến khi ngài rời khỏi không phận nước này.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn tin: Vatican