Hình: Huấn thị 1659, Léon Réni-Mel, 1968, bộ sưu tập MEP
Ngày 22 tháng 6 năm 1622, với sắc chỉ Inscrutabili divinae providentiae (Do sự quan phòng lạ thường của Thiên Chúa), Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã long trọng thành lập De Propaganda Fide (Thánh bộ Truyền bá Đức tin), cơ quan đầu tiên thuộc quyền giáo hoàng dành riêng cho “công cuộc truyền giáo” và đến năm 1967 đã trở thành Congrégation pour l’Evangélisation des peuples (Thánh bộ Phúc âm hóa các dân tộc).
Thực tế, từ ngày 6 tháng 1 năm 1622, Đức thánh cha đã công bố việc thành lập này và đã triệu tập 13 hồng y, 2 giám mục và thư ký để lập thánh bộ. Từ tháng 3, những vùng được biết đến trên hành tinh đã được phân chia là 13 khu vực được giao cho một trong 13 hồng y trong thánh bộ mới này. Sắc chỉ vào tháng 6 ra đời để tạo một nền tảng cuối cùng cho việc thành lập này mà mục đích được tuyên bố là “củng cố tính chất giáo hội của việc truyền giáo”.
Làm sao mà công cuộc truyền giáo của Công giáo thấy cần phải có mối liên hệ với Giáo Hội, và do đó với Rôma? Nếu ta lấy trường hợp của Á châu, ta thấy các tu sĩ Công giáo Âu châu đã đến đấy từ thời Trung cổ. Vào đầu thế kỷ XVIIe, từ Philippines cho đến Nhật bản, một bức tranh ghép các dòng tu truyền giáo đang hoạt động. Sự hiện diện này được quản lý bởi một khuôn khổ pháp lý được gọi là Padroado từ năm 1514, ngày mà giáo hoàng đã thương lượng để chuyển giao trách nhiệm truyền giáo cho vua Bồ Đào Nha.
Thừa hưởng hàng loạt những đặc quyền lâu đời và quyền thiêng liêng rộng lớn, hàng giáo sĩ của hệ thống Padroado hầu như hoàn toàn độc lập với Tòa Thánh. Hệ thống có quyền rất cụ thể trên miền truyền giáo: không thừa sai nào có thể đi đến Á châu mà không có sự đồng ý của nhà vua Bồ Đào Nha; mọi vi phạm đều bị trừng trị nghiêm khắc. Chuyện đến tai Rôma là các nhà truyền giáo bị những người dân địa phương cho là những ủy viên chính trị hay chỉ là những thương nhân, không quan tâm gì đến nền văn hóa hay các ngôn ngữ bản địa vì họ chỉ ở lại một thời gian ngắn. Dù sao, tình trạng chung là thiếu hụt các nhà truyền giáo. Về phần hàng giáo sĩ gọi là “bản địa”, chỉ có một vài linh mục bản địa nhập vào các dòng tu Âu châu.
Thêm vào tình hình này là cuộc bách hại chung nổ ra tại Nhật bản vào năm 1614. Đối với F. Buzelin, “thảm họa này bộc lộ một thiếu sót lớn của tổ chức truyền giáo: các Kitô hữu địa phương, thần phục các linh mục ngoại quốc, đã bị xem như đồng lõa của những kẻ xâm lăng tiềm năng. Trước vấn đề này, một giải pháp được đặt ra: đào tạo các linh mục xuất thân từ bản địa và có thể hoàn toàn hòa nhập vào dân cư địa phương”. Vì thế, Rôma thấy mình có bổn phận thiết lập một cơ quan quản trị tập trung các công cuộc truyền giáo lại nhưng cũng xây dựng các nguyên tắc cho hoạt động truyền giáo nhằm thành lập một hàng giáo sĩ địa phương. Do đó, vào năm 1622, Đức Grêgôriô XV có sáng kiến “lập các giám mục hoàn toàn trung thành với quyền bính của ngài, nhằm thành lập hệ thống các địa phận truyền giáo”, theo như cách nói của G. Pizzorusso.
Nhằm đến mục đích này, hành động đầu tiên của Francesco Ingoli, vị thư ký mới của thánh bộ Truyền giáo, là phát động một cuộc điều tra rộng lớn về tình hình Công giáo trên toàn thế giới. Cuộc điều tra này được xuất bản dưới tiêu đề Rapport sur les quatre parties du monde (Tường trình về bốn phần thế giới), nghĩa là Phi châu, Mỹ châu, Á châu và Âu châu. Thật vậy, người ta có khuynh hướng xem thánh bộ này chỉ là một dụng cụ dành cho Tân Thế Giới (Nouveaux Mondes), cho các miền truyền giáo ad extra (ở bên ngoài). Đó là quên đi rằng, ngoài các miền truyền giáo của Padroado, bối cảnh của cuộc phản- cải cách (contre-réforme) và bắt đầu Cuộc chiến Ba mươi năm (Guerre de Trente Ans) buộc phải nói đến các dân tộc “không tin” và đặc biệt là những người Thệ phản ở Bắc và Đông Âu.
Vào thời kỳ thứ hai, một phương pháp truyền giáo mới mà Rôma mong muốn để canh tân công cuộc truyền giáo đã được William Lesley, quản thủ văn khố của thánh bộ truyền giáo, soạn thảo ra. Năm 1659, dưới tiêu đề Instructions aux vicaires apostoliques des royaumes du Tonkin et de la Cochinchine (Huấn thị gởi các đại diện tông tòa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong), ông đã liệt kê các nguyên tắc hành động được trông đợi nơi các vị giám mục truyền giáo đầu tiên trực thuộc Rôma. Đây có là những nguyên tắc mới không? Không hoàn toàn như thế, theo như sử gia Y. Essertel, người nói rằng đúng hơn đó là sự hài hòa các phương pháp: “Chúng ta đi ra khỏi chủ nghĩa duy nghiệm là đặc điểm của công cuộc truyền giáo dưới chế độ Bảo hộ. (…) Huấn thị Instructions do Lesley soạn thảo là kết quả công trình nghiên cứu của một nhà quản thủ văn khố thu gom lại những thực hành khác nhau của mục vụ truyền giáo từ tông đồ Phaolô cho đến các tu sĩ dòng Tên”.
Chính các vị Đại diện Tông tòa của hội MEP là những người đầu tiên thực thi các huấn thị này của Thánh bộ Truyền giáo, trong các miền truyền giáo của họ là Xiêm La, Đàng Trong, Đàng Ngoài và Trung Hoa, trong những năm 1660. Khởi đầu của một lịch sử bốn thế kỷ luôn nối kết hai thể chế này trong cùng một nhiệt tình truyền giáo!
Marie-Alpais Dumoulin