01/06/16
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Thánh Giút-ti-nô, tử đạo
Mc 12,18-27
CHO ĐỜI SAU HƯỞNG PHÚC
“Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.” (Mc 12, 26-27)
Suy niệm: Nhóm Xa-đốc chủ trương không có sự sống lại, đã vận dụng hiểu biết của họ về Cựu Ước để vẽ ra một trường hợp hóc búa hòng cài Chúa Giê-su vào thế bí: Làm sao mà một người đàn bà lại có thể là vợ của cả bảy người chồng được?! Nan đề không có đáp án đó chứng tỏ không thể có sự sống lại và sự sống đời sau được. Thế nhưng Chúa Giê-su đã dùng chính những bản văn Cựu Ước để bác bỏ lập luận của họ và chứng minh rằng Thiên Chúa của các tổ phụ của họ là “Thiên Chúa của kẻ sống” và cuộc sống đời sau không còn cảnh dựng vợ gả chồng vì người ta lúc ấy giống như các thiên thần.
Mời Bạn: Như người Xa-đốc xưa, nhiều người hôm nay sống như thể không có đời sau. Đó cũng là lý do sự dữ và tội ác gia tăng, bởi một khi không tin vào Thiên Chúa và vào đời sau, người ta có thể phạm bất cứ tội ác nào. Lời Chúa mời gọi chúng ta học hiểu Thánh Kinh để nhận biết Thiên Chúa cùng với Đưc Ki-tô là Đấng được sai đến chính là “Thiên Chúa của kẻ sống”, và những ai tin vào Ngài cũng được sự sống. Đức Ki-tô phục sinh bảo đảm rằng cho những ai tin vào Ngài cũng sẽ được sống lại như Ngài; sự chết không còn quyền gì trên họ vì sau cái chết ở đời này Chúa Ki-tô sẽ ban lại cho họ sự sống đời đời.
Sống Lời Chúa: Xác tín rằng mọi việc tôi làm với niềm tin vào Đấng Phục Sinh có giá trị đưa tôi đến sự sống đời đời trong Đức Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin cho con ngày càng kính mến Chúa và luôn tìm làm đẹp lòng Chúa.
02/06/16
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Thánh Mác-se-li-nô và Phê-rô, tử đạo
Mc 12,28b-34
ĐẠO CHÚA LÀ ĐẠO YÊU THƯƠNG
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình.” (Mc 12,33)
Suy niệm: Câu hỏi của vị kinh sư về điều răn trọng nhất nghe có vẻ hấp dẫn.Và Đức Giê-su đã trả lời bằng cách chỉ ra chính cốt lõi Lề Luật mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en. Yêu thương là điều răn đứng đầu của đạo cũ và là điều răn duy nhất của đạo mới. Nhìn vào Giáo Hội của Đức Giê-su hôm nay người ta dễ có ấn tượng về một tổ chức thật cồng kềnh, phức tạp với bao nhiêu là cơ cấu, qui chế, luật lệ…; nhưng chính đạo của Đức Giêsu thì rất đơn sơ và rõ rệt: đạo đó là YÊU THƯƠNG! Và dĩ nhiên, mọi sự trong Giáo Hội phải được định hướng để phục vụ cho đạo Yêu Thương này. Yêu thương bao giờ cũng cần một tấm lòng. Nhưng lắm khi ta cảm thấy lòng mình thờ ơ, lạnh lẽo, không đủ ‘lửa’ để yêu thương; đó là lúc chúng ta thất bại, và Giáo Hội cũng đang thất bại nơi chúng ta.
Mời Bạn: Thất bại duy nhất đáng kể trong đời người Ki-tô hữu là không thể yêu thương (Cha Flor McCarthy). Khi yêu thương chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa rõ nét và sáng ngời nhất. Khổ nỗi, ngay cả những khi ta cảm thấy mình đang yêu thương thì cũng rất thường là ta đang yêu thương một cách thiên vị: chỉ yêu những người yêu mình, những người xinh đẹp, hiền lành, dễ thương… Còn những người xa lạ, nghèo khó, cau có, lạnh lùng với ta thì… khó quá, ta không yêu thương được! Đây cũng không phải là tình yêu Kitô giáo chính hiệu (x. Mt 5,46-47).
Sống Lời Chúa: Bày tỏ cử chỉ thân ái với người mà bạn đang ác cảm nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi tâm hồn con, để con biết yêu người như Chúa yêu. Amen.
03/06/16
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su
Lc 15,3-7
NIỀM VUI TÌM ĐƯỢC CHIÊN LẠC
“Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15,7)
Suy niệm: Thường tình chúng ta nghĩ rằng hễ là người tốt thì không giao du với những kẻ xấu. Con cái mà chơi với bạn xấu thì cha mẹ sẽ lo lắng. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà! Chúng ta chia xã hội làm hai loại người – người tốt và người xấu – và chúng ta cẩn thận tránh người xấu, chỉ giao du với người tốt thôi, để cho được ‘bằng an vô sự’. Đức Giê-su thì có một cung cách hành động khác. Dụ ngôn về ‘người chủ bỏ lại 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc’ được Đức Giê-su kể trong bối cảnh những người Pha-ri-sêu bực tức vì Người hay lui tới với những kẻ tội lỗi. Và cái lý của Đức Giê-su là: “trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” Thì ra, Đức Giê-su không phân biệt giữa ‘người tốt’ và ‘người xấu’. Người ghét tội, nhưng Người yêu thương tội nhân, và yêu đến cùng, yêu không tính toán thiệt hơn, để sẵn sàng bỏ lại 99 con chiên mà đi tìm cho bằng được con chiên bị lạc.
Mời Bạn: Cảm nhận mình được yêu thương và được tìm kiếm bởi Chúa. Mỗi chúng ta, không trừ ai, đều là tội nhân. Và chính vì là tội nhân nên chúng ta có cải khả năng tuyệt vời là trao tặng niềm vui cho cả thiên đàng. Bằng cách nào? Rất đơn giản: chúng ta sám hối và quay về với Chúa, mặc lấy con người mới, sống tinh thần mới.
Chia sẻ: Chúa đi tìm từng con chiên lạc; còn chúng ta, nhiều khi chỉ quanh quẩn với sự ‘thánh thiện’ của mình. Chúa có hài lòng không? Tại sao?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày có những giây phút xét mình để chân thành sám hối và tặng cho Chúa niềm vui.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.
04/06/16
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
TRÁI TIM TÌNH YÊU CỦA ĐỨC MẸ
“Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48)
Suy niệm: Nơi trái tim của Đức Ma-ri-a, Đấng được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, chan chứa một tình yêu trong trắng và mãnh liệt. Tình yêu ấy làm cho Mẹ phản ứng trước sự việc xảy ra ngoài ý muốn một cách dịu hiền đối với con mình: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Mẹ không la mắng, không cáu gắt khi gặp lại con sau ba ngày lo âu bồn chồn và vất vả tìm con.
Cách diễn tả tình yêu dịu hiền của Mẹ đối với nhân loại phát xuất từ tấm lòng từ bi, nhân ái vô biên của Mẹ. Mẹ Ma-ri-a nghiêng mình trên nhân loại với tấm lòng từ bi, nhân hậu, thông cảm và chia sẻ những đau khổ của họ. Tình yêu này có sức thức tỉnh, chỉ dạy và nâng đỡ những ai đang trên đường về quê trời.
Mời Bạn: Tình yêu có khả năng cảm hóa lòng người. Lòng chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nếu thường xuyên ở bên Mẹ Ma-ri-a. Giáo Hội luôn cổ võ việc sùng kính Đức Ma-ri-a. Nếu chúng ta khát khao và nhiệt tâm thực hành những việc sùng kính Đức Ma-ri-a là chúng ta đang ở gần trái tim yêu thương của Mẹ Ma-ri-a và lòng chúng ta cũng sẽ được biến đổi và phản ánh lại lòng yêu thương diệu hiền của Đức Ma-ri-a.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Mẹ Ma-ri-a đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho chúng con biết năng chạy đến trái tim cực sạch Đức Mẹ, để qua M?, chúng con đón nhận dồi dào ơn Chúa, nhờ đó chúng con sống xứng đáng là người con của Chúa và con của Đức Mẹ.
05/06/16
CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – C
Lc 7,11-17
CHẠNH LÒNG THƯƠNG VỚI CHÚA
[Trông thấy] người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá…, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,12-13)
Suy niệm: Trên cung đường “tử thần” hai xe khách chạy ngược chiều đâm trực diện, bốc cháy, nhiều thi thể cháy đen, nhiều hành khách khác bị thương nguy kịch… Đàng sau đó là tiếng khóc thảm thiết của bao người trước sự ra đi đột ngột và thảm khốc của thân nhân họ. Các tin tức như thế khiến cho người đọc, dẫu không trực tiếp chứng kiến, cũng phải xúc động rơi lệ. Trước cảnh não lòng của người đàn bà goá mất đi người con trai duy nhất, Chúa Giê-su chạnh lòng thương không chỉ bằng tình cảm của một con người mà còn bằng trái tim của Người Con Một của Thiên Chúa Tình Yêu nữa. Chúa dừng lại an ủi: “Bà đừng khóc nữa!” Ngài còn hiện thực lời an ủi đó bằng lệnh truyền đầy quyền năng của Thiên Chúa: “Hỡi thanh niên, hãy chỗi dậy!”
Mời Bạn: Phải chăng bạn cảm bất lực trước những đau khổ, bất công mà con người chung quanh bạn, và có khi cả chính bạn, đang phải hứng chịu? Thực ra, bạn có thể làm nhiều hơn bạn tưởng: Trước hết, bạn đừng để lòng mình vô cảm trước thảm cảnh của người khác. Một câu nói tích cực, một nụ cười cảm thông có thể vực dậy một linh hồn đang tuyệt vọng. Hơn nữa, trước khi bạn làm một nghĩa cử tốt đẹp cho người khác, bạn còn có một nguồn trợ giúp vô song đó là lời cầu nguyện của bạn dâng lên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài sẽ lắng nghe và đáp lời bạn.
Sống Lời Chúa: “Không bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng Thương Xót, con tín thác vào Ngài.
06/06/16
THỨ HAI TUẦN 10 TN
Thánh No-be-tô, giám mục
Mt 5,1-12
THẾ NÀO LÀ PHÚC THẬT?
“Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4)
Suy niệm: Nhìn thấy một gia đình có con cái ngoan ngoãn hiếu thảo, thành đạt, chúng ta thường nói gia đình đó có phúc. Tuy nhiên, để hình dung thế nào là ‘phúc’ thì thật không dễ dàng. ‘Phúc’ là gì? Thời cha ông ta còn dùng chữ nho, các cụ thường dùng phép chiết tự để giải thích ý nghĩa từ ngữ, theo đó từ “phúc” gồm bộ “kỳ” có nghĩa là thần đất, bên cạnh là tượng hình đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Như thế, từ “phúc” có nghĩa là được ơn trên ban cho có nhiều ruộng vườn. Hôm nay, Chúa Giê-su nói cho ta về “phúc”, không chỉ một mà tới tám điều phúc. Các điều phúc ấy cũng liên quan tới “đất” nhưng không giới hạn ở cuộc đời này mà là “Đất Hứa”, là “Nước Trời” mai sau. “Phúc” thật không phải là hoa màu ruộng đất hay tài lộc đời này mà được Thiên Chúa ủi an, thương xót, được Ngài cho no thoả, hoan lạc nơi Ngài; và hạnh phúc đó là không giới hạn và tồn tại mãi.
Mời Bạn: Bạn băn khoăn tìm kiếm con đường dẫn đến hạnh phúc thật. Chúa Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống dẫn đưa chúng ta đến đó. Mời bạn tiến bước trên con đường của Ngài. Đó chính là con đường Chúa đã đi qua, đi trước và mời gọi chúng ta bước theo, để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài, để chúng ta được hạnh phúc có Chúa làm gia nghiệp.
Sống Lời Chúa: Tôi chọn một mối phúc và tích cực thực hiện mối phúc đó trong ngày sống hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa thế gian này vàng thau lẫn lộn, xin cho con sống theo lời Chúa dạy, vì Lời Chúa là chân thật, Lời Chúa mang lại hạnh phúc đích thực cho con. Con cám ơn Chúa, con ngợi khen Chúa. Amen.
07/06/16
THỨ BA TUẦN 10 TN
Mt 5,13-16
HƯƠNG VỊ CHO TRẦN GIAN
“Chính anh em là muối cho đời…. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)
Suy niệm: Cơn khủng hoảng lớn về đức tin trên thế giới hiện nay không phải vì Giáo Hội thiếu thốn phương tiện, cơ sở hay tổ chức ban bệ, cũng không phải vì bị cấm cách bách hại cho bằng vì chính cuộc sống của các Ki-tô hữu lắm khi trở nên “thiếu hương vị, thiếu một niềm tin trọn vẹn, thiếu cảm nghiệm về Thiên Chúa, thiếu phẩm chất của Tin Mừng, thiếu tinh thần triệt để của người môn đệ”(Felicisimo Diez Martinez,OP. Refounding Religious Life, p. 19). Nơi người môn đệ Chúa phải mặn mà chất Tin Mừng, và phải có sức toả lan chất Tin Mừng ấy CHO TRẦN GIAN. Nếu không mặn, không thể toả sáng, thì sự hiện diện của người Ki-tô hữu trở thành vô vị, mờ tối, “chỉ đáng quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (c. 13).
Mời Bạn: Chúng ta đã là muối mặn, đã là ngọn đèn cháy sáng rồi khi chúng ta được mai táng và sống lại với Đức Ki-tô qua Bí Tích Thánh Tẩy. Để tiếp tục là muối, là ánh sáng cho trần gian, chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng ân sủng qua đời sống bí tích và cầu nguyện. Các cơn khủng hoảng đức tin luôn gắn liền với hiện tượng bỏ bê việc lãnh nhận các bí tích, lơ là việc cầu nguyện, coi nhẹ việc học hỏi giáo lý…
Chia sẻ: Làm thế nào để bảo toàn căn tính ‘muối cho đời, ánh sáng cho trầngian’ của mình và gia đình mình?
Sống Lời Chúa: Chấn chỉnh lại một thực hành đang bị xao nhãng (dự lễ, suy niệm Lời Chúa, giờ kinh gia đình…).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con lời hằng sống và chính Mình Máu Thánh Chúa để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận hồng ân đó với tâm tình biết ơn.
08/06/16
THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Mt 5,17-19
ĐỂ CHU TOÀN THÁNH Ý
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: Chúa Giê-su không đến để hủy bỏ “Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ” là những điều được dạy trong Cựu Ước. Ngài đến trong thế gian để thực hiện điều Thiên Chúa đã hứa và các ngôn sứ đã báo trước trong Cựu ước, đó là hoàn thành sứ mạng của Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Chuộc thế gian. Thật vậy, Chúa Giê-su sinh ra trong một gia đình Do Thái yêu mến Lề Luật. Thánh cả Giu-se, “người công chính”, cùng với Đức Ma-ri-a, người “đẹp lòng Thiên Chúa” luôn chu toàn Lề Luật. Nếu như sự bất tuân của A-đam và E-và đã đem sự chết đi vào thế gian, thì Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa theo như sách Luật dạy, đã đem lại sự sống cho toàn thể nhân loại. Trong Cựu Ước, con chiên dùng để tế lễ phải là con chiên không tì vết, thì chính Chúa Giê-su là “Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích” (1Pr 1,19), là Đấng tự nguyện làm lễ tế cứu độ dân mình. Cuộc đời của Chúa Giê-su hoàn tất những gì đã nói về Ngài trong Cựu Ước; và Lề Luật chỉ nhờ Ngài mới có được đầy đủ ý nghĩa. Chính vì lý do đó mà động từ “kiện toàn” được sách Tin Mừng thánh Mát-thêu sử dụng 14 lần nhằm nhấn mạnh vai trò kiện toàn Lề Luật của Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Những điều Chúa dạy trong Thánh Kinh được bạn thực hiện đến mức nào? Bạn làm ở mức tối thiểu hay ở mức cao nhất?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc theo lời Chúa dạy với tinh thần vâng phục cao độ.
Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin hãy làm chủ tâm hồn con và cho con say mê thực hiện thánh ý Chúa.
09/06/16
THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Thánh Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT
Mt 5,20-26
ĐẠO CỦA YÊU THƯƠNG
“Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã.”(Mt 5,24)
Suy niệm: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh…, hãy đi làm hòa với người anh em ấy đã…” Chưa khi nào Chúa Giê-su nối kết tôn giáo và tình bác ái huynh đệ chặt chẽ như vậy. Quả thật, hiểu sâu sắc thì mỗi thánh lễ và lời cầu nguyện của tôi phải đẩy tôi tiến thêm một bước nữa trong tình yêu thương huynh đệ. Về điều này, Lời Chúa hôm nay đòi tôi phải thực hiện hai cái trước:
1) Sống tốt mối tương quan huynh đệ trước, rồi mới có thể sống đẹp mối tương quan với Chúa sau.
2) Chúa muốn tôi đi bước trước, khi dạy: “Hãy làm hòa với người anh em ấy đã.” Ngay cả dù tôi là kẻ vô tội trong chuyện này, hay tôi là kẻ đang bất bình với người anh em đã gây ra sự việc, Chúa đều muốn tôi đi bước trước để hòa giải. Như thế của lễ tôi dâng lại càng đẹp lòng Chúa vì thơm hương nhân ái, tha thứ, quảng đại.
Mời Bạn: Nhớ lại những lần chúng ta dự lễ, rước lễ mà trong lòng còn chất chứa ghen ghét, bất bình với người anh em, lúc đó trong tâm hồn chúng ta chẳng còn chỗ cho Chúa, và Chúa không vui thích được đón tiếp trong một tâm hồn hẹp hòi nhỏ nhen như vậy.
Chia sẻ: Đạo Chúa dạy ta sống nhân ái từ trong tư tưởng, đến lời nói và việc làm. Nguyên sự giận dỗi trong lòng, mắng chửi ngoài miệng đã là lỗi phạm nặng nề đức yêu thương rồi (c.22).
Sống Lời Chúa: Tập làm người kiến tạo hoà bình nơi chính tâm hồn mình, không nuôi lòng giận hờn ghen ghét ai.
Cầu nguyện: Hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đó có ân sủng người…”
10/06/16
THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Mt 5,27-32
DỨT KHOÁT TẬN CĂN
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném nó đi, vì thà mất một phần thân thể còn hơn cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục.” (Mt 5,29)
Suy niệm: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Lời Chúa không dạy chúng ta sống cực đoan, nhưng là dạy phải có một thái độ dứt khoát tận căn đối với tội lỗi:Muốn tránh tội phải khử trừ nguyên nhân và phương tiện phạm tội. “Thà mất một phần thân thể còn hơn là cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục.”
Mời Bạn: Nhìn vào thực tế, chưa có lúc nào những giá trị của đời sống hôn nhân gia đình bị xâm thực trầm trọng đến như vậy. Hiện tượng gia đình chia rẽ, bất hoà nhan nhản khắp nơi. Các vụ ly dị ngày càng nhiều, đặc biệt nơi các gia đình trẻ. Các giải pháp của xã hội và cả Giáo Hội nữa sẽ không có hiệu quả nếu không có thái độ dứt khoát tận căn. Trước tiên đó là thái độ tôn trọng hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa: một vợ một chồng bất khả phân ly. Tiếp đến phải tiêu diệt tận gốc rễ lòng ham muốn hưởng thụ ích kỷ nơi mỗi người. Có lẽ trong đời sống gia đình bạn cũng có những lúc xào xáo, xung đột, thậm chí cả những lần có nguy cơ bị tan vỡ. Những lúc như vậy bạn hãy nhớ lại liệu pháp trị bệnh tận căn này.
Chia sẻ: Khi có những vấn đề mâu thuẫn trong gia đình, bạn có đối thoại trong tinh thần cảm thông tôn trọng lẫn nhau để tìm phương giải quyết không?
Sống Lời Chúa: Xét xem mình có thói xấu nào phương hại đến đời sống gia đình, ví dụ như thói lắm lời, đam mê cờ bạc, thích uống rượu say, đam mê lạc thú… Hãy tìm cách dứt khoát với nó, để duy trì và gìn giữ Hội Thánh tại gia của bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình với tâm tình sốt sắng.
11/06/16
THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Thánh Ba-na-ba, tông đồ
Mt 10,6-13
RAO GIẢNG NIỀM VUI TIN MỪNG
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,6)
Suy niệm: Tên Ba-na-ba, có nghĩa là “người có tài an ủi” (Cv 4,36) và “là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11,24). Chính ngài đứng ra bảo lãnh cho Phao-lô trước cộng đoàn An-ti-ô-ki-a và cả hai cùng đồng hành trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất tại Tiểu Á; rồi sau đó lại cùng tham dự Công Đồng tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem, với thành quả là đem lại cho Giáo Hội sự hiệp nhất: “không còn là Do Thái, nô lệ hay tự do,”… nhưng “chúng ta đều chịu cùng một phép rửa trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Tuy không thuộc về Nhóm Mười Hai, nhưng thánh Ba-na-ba xứng danh là vị tông đồ luôn sẵn sàng “đi ra” đến với các dân ngoại để rao giảng Tin Mừng “Nước Trời đã đến gần.”
Mời Bạn: Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “Giáo Hội đi ra” (tông huấn Niềm Vui Tin Mừng) là lời thúc giục mọi thành phần Dân Chúa phải thoát ra khỏi vỏ cứng của cái tôi ích kỷ và vô cảm để chia sẻ với những người nghèo khổ bất hạnh, không chỉ những của cải vật chất mà còn bằng tất cả tấm lòng, để nhờ đó họ có thể nhận ra “họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha.”
Sống Lời Chúa: Đồng thời với việc lần chuỗi Lòng Thương Xót hoặc đọc Kinh Năm Thánh, bạn giảm bớt một chi tiêu nào đó để chia sẻ cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con để chúng con có được trái tim, ánh mắt, và đôi tay và của Chúa, nhờ đó chúng con trao cho tha nhân lòng thương xót của Chúa để đem lại cho họ niềm vui của Tin Mừng.
12/06/16
CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – C
Lc 7,36-8,3
XIN CHO CON YÊU CHÚA NHIỀU
“Dầu ô-liu ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị này thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay, tội chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,46-47)
Suy niệm: Vừa qua, một nhiếp ảnh gia Mỹ đã gây sửng sốt khi công bố bộ ảnh chụp cảnh dùng máy cưa nát chiếc túi Birkin trị giá trên 100.000 đô la. Giải thích lý do tiêu hủy đồ vật đắt tiền đó, người bạn thân của nhà nhiếp ảnh cho biết: họ muốn chống lại thói lệ thuộc của con người vào những giá trị vật chất. Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay có một hành động tương tự, đổ cả chai dầu thơm hảo hạng để xức chân Chúa. Chị không chỉ bày tỏ quyết định chấm dứt lệ thuộc vật chất, những thứ mà suốt những năm dài qua chị đã bán mình để kiếm lấy và dùng nó để bôi thơm cho con người tội lỗi của chị, mà còn bày tỏ sự dứt khoát đối với tội lỗi. Chính Chúa là động lực để chị đi đến quyết định gây sửng sốt đó. Sự thay đổi như thế xuất phát từ lòng yêu mến Chúa.
Mời Bạn: Có những thứ vật chất nào đang lôi kéo bạn xa Chúa? Những quyến luyến bất chính nào đang ràng buộc bạn? Bạn có dám rời khỏi những dan díu ấy để bày tỏ đức tin và lòng yêu mến của bạn vào Chúa Giê-su không?
Chia sẻ với nhau một kinh nghiệm bày tỏ lòng yêu mến Chúa có ấn tượng với bạn nhất.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một tật xấu để bày tỏ lòng yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã không chê ghét người phụ nữ tội lỗi, xin cũng đừng bỏ rơi chúng con, nhưng xin cho chúng con biết sẵn sàng bày tỏ lòng yêu mến Chúa trong những hành động của chúng con. Amen.
13/06/16
THỨ HAI TUẦN 11 TN
Thánh An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 5,38-42
SỨ GIẢ LÒNG THƯƠNG XÓT
“Còn Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,39)
Suy niệm: Trong xã hội cổ thời, giữa các bộ lạc thường xảy ra những cuộc trả thù dã man. Luật Mô-sê trong Cựu Ước đã cho phép báo thù, nhưng giới hạn việc “ăn miếng trả miếng” ở mức tương đương: “Nếu ai làm cho người đồng bào phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta: chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24,19-20). Như vậy, luật Cựu Ước không cho phép hành động theo bản năng trả thù mù quáng vô độ nhưng theo sự công bằng. Đây là khởi điểm của lòng thương xót. Chúa Giê-su còn đi xa hơn. Ngài xóa bỏ mọi hình thức trả thù và công bố luật mới về lòng thương xót. Chính Ngài đã tha thứ cho những kẻ sỉ nhục, đánh đập, đóng đinh Ngài và dạy chúng ta lấy tình thương xóa bỏ hận thù.
Mời Bạn: Theo ý của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô: Năm Thánh Lòng Thương Xót là thời gian để mọi người cùng nhau học tha thứ và thương xót như Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Mỗi người phải trở nên một tia ánh sáng, một sứ giả lòng xót thương của Thiên Chúa cho anh em qua cách sống quảng đại của mình.
Sống Lời Chúa: Chúa đã tha thứ cho tôi rất nhiều, nên tôi sẵn sàng tha thứ cho người xúc phạm đến tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng nào khác hơn là biết con đã làm theo thánh ý Chúa. Amen.
14/06/16
THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48
TRỞ NÊN CON CÁI CHÚA
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,44-45)
Suy niệm: Trở nên con cái, không chỉ một lần lúc được sinh ra, mà phải trở nên mỗi ngày và suốt đời trong sự thảo hiếu với mẹ cha. Trở nên con cái Chúa, cũng không chỉ một lần lúc chịu phép Thánh Tẩy, mà phải trở nên mỗi ngày và suốt đời trong phận làm con đối với Chúa, Cha trên trời. Sống phận làm con đích thực là “nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Con cái Chúa thì không được sống theo kiểu thế gian, “chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình,… chỉ chào hỏi anh em mình thôi”; trái lại, phải sống “lạ thường”, “sống khác đi” nghĩa là yêu cả kẻ thù, và cầu nguyện cho cả những kẻ ngược đãi mình.
Mời Bạn: Thiên Chúa đã yêu con người ngay khi con người còn là tội nhân (x. Rm 5,8). Ngài đã trao nộp chính Người Con Một của Ngài để chết mà đền tội cho chúng ta (x. Rm. 4,25). “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh,” là con cái Chúa, chúng ta phải trở nên giống Ngài mỗi ngày và suốt đời, đó là biết hy sinh, quên mình, yêu thương kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ làm hại mình, quảng đại với những ai ích kỷ, làm ơn cho kẻ chơi xấu mình, vui tươi với kẻ mắng chửi hoặc dửng dưng, nói tốt cho kẻ nói xấu mình…
Sống Lời Chúa: Để làm chứng cho Lòng Thương Xót, bạn hãy làm một cử chỉ tỏ lòng thân ái với một người mà bạn không thích hoặc người không thích bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp và dạy con biết “yêu người như Chúa yêu con.” Amen.
15/06/16
THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Mt 6,1-6.11-16
PHẦN THƯỞNG LỚN NHẤT
Đức Giê-su nói: “Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)
Suy niệm: Kết thúc mùa giải bóng đá, những đội tuyển giành được cúp vàng, bạc, hay đồng được thưởng những món tiền hậu hĩnh. Ngoài ra, các cầu thủ xuất sắc chẳng những sẽ tăng mức giá chuyển nhượng, mà còn nhận được những lời khen tặng từ báo chí và người hâm mộ. Đây cũng là một phần thưởng không kém quan trọng đối với họ. Người con cái Chúa trong “90 phút thi đấu của cuộc đời” cũng giống như những vận động viên xuất sắc, qua ba “môn điền kinh phối hợp” truyền thống là cầu nguyện, ăn chay và bác ái. Nếu có ý làm để khoe khoang, nhằm cho khán giả thấy, thì phần thưởng của họ là lời khen tiếng phục và rồi chấm hết! Còn nếu thực hiện cách âm thầm, chỉ qui hướng về Chúa, được Đức Giê-su diễn tả qua kiểu nói “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” hay “vào phòng, đóng cửa lại”, thì chính Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu cho họ.
Mời Bạn: “Sau một ngày làm được nhiều việc, giấc ngủ sẽ ngon lành. Sau một đời làm được nhiều việc, cái chết sẽ bình thản” (L. Da Vinci). Đối với người Ki-tô hữu, “nhiều việc” vẫn chưa đủ, vì còn phải kể đến ý hướng khi làm các việc đó. Ý hướng trong sáng, quy hướng về Chúa, thì các việc lành phúc đức của bạn mới được chúc lành và ghi nhận.
Sống Lời Chúa: Điều chỉnh lại ý hướng khi làm các việc cầu nguyện, ăn chay và bác ái cho đúng thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường thích được người khác khen ngợi. Xu hướng này thâm nhập cả vào các việc đạo đức và làm hỏng các việc đạo đức ấy. Xin cho chúng con biết điều chỉnh lại ý hướng là chỉ biết làm vì lòng yêu mến Chúa mà thôi. Amen.
16/06/16
THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Mt 6,7-15
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA KI-TÔ HỮU
“Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9)
Suy niệm: Có thể nói rằng niềm tin vào “Ông Trời” là tín ngưỡng bình dân của người Việt Nam. Những câu ca dao như: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,..” cho thấy việc tưởng nhớ, thở than với “Ông Trời” không phải là thái độ xa lạ với tâm hồn người Việt nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý: việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu rất khác biệt với việc “cầu Trời” trên đây. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện với Chúa như người con thân thưa với Cha. Trước hết, với tấm lòng tin tưởng và yêu mến Cha, chúng ta xin những gì tốt đẹp nhất, thánh thiện nhất cho Cha, và sau đó, chúng ta xin cho cuộc sống của chúng ta được am hợp theo điều Cha mong muốn.
Mời Bạn: Như vậy, chúng ta thấy rõ: cần phải học để biết cầu nguyện theo cách thức Chúa dạy; làm sao để mỗi người có thể nói: lời kinh của Chúa là lời nguyện của tôi. Cha mẹ và các giáo lý viên cần quan tâm dạy cho trẻ em biết và yêu mến việc cầu nguyện. Muốn thế, chính họ phải là những người siêng năng cầu nguyện với lòng xác tín nơi hiệu quả của lời cầu xin.
Chia sẻ: “Đọc kinh” là một trong những cách cầu nguyện chung rất phổ biến. Thử xét lại cung cách đọc kinh của chúng ta: có điểm nào chúng ta cần chỉnh đốn để việc đọc kinh trở thành một giờ cầu nguyện ấm cúng, tràn đầy tình Chúa tình người.
Sống Lời Chúa: Gia đình tôi cố gắng duy trì giờ kinh tối trong gia đình. Cần có những thích nghi cần thiết (ví dụ: thay đổi kinh hay giờ đọc kinh) để giờ kinh được sốt sắng, sống động.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha.
17/06/16
THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Mt 6,19-23
CỦA Ở ĐÂU, LÒNG TRÍ Ở ĐÓ
“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất,… Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời.” (Mt 6,19-20)
Suy niệm: Khi người ta đang chú tâm tìm kiếm hay tập trung suy nghĩ về một điều gì thì ngay cả những cái sờ sờ trước mắt có khi vẫn không nhìn thấy. Vì thế, không ít người bị hiểu lầm là sao thấy người quen mà làm lơ hoặc sao gật đầu chào mà không đáp lại. Tương tự như vậy, chúng ta thường nghĩ “những sự trên trời” là những gì quá xa vời; nhưng một khi chúng ta quá lo lắng tích trữ cho mình kho tàng ở dưới đất thì còn tâm trí đâu mà để ý tới kho tàng thiêng liêng ấy nữa. Bởi vì kho tàng của chúng ta ở đâu thì lòng trí của chúng ta sẽ ở đó.
Mời Bạn: Tiền của, danh vọng, kiến thức là những điều thế gian đang tìm kiếm, là những cái khó tìm nhưng lại dễ mất, tưởng rằng đem lại sự bảo đảm vững chắc, nhưng thực ra lại rất mong manh. Thế mà chúng lại có sức hút rất mạnh, chiếm được rồi thì không muốn nhả, đã có rồi lại muốn có thêm. Chỉ khi nào bạn dám “bán tài sản của mình đi mà bố thí” thì lúc ấy tâm trí của bạn mới hoàn toàn thanh thản để tìm kiếm “kho tàng trên trời,” nơi không còn trộm cắp, mối mọt (Lc 12,33).
Chia sẻ: Điều gì khiến bạn bậm tâm nhất và chiếm phần lớn thời gian trong ngày sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Hoạch định lại chương trình sống cho bản thân theo tiêu chí:“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (x. Lc 12,31).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, suốt cả ngày con toàn bận rộn với những chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Xin cho con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và luôn tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.
18/06/16
THỨ BẢY TUẦN 11 TN
Mt 6,24-34
TÍN THÁC VÀO CHÚA
“Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ ban thêm cho.” (Mt 6,33)
Suy niệm: Trong những nhu cầu căn bản của con người thì ăn, uống, được an toàn… là lớn hơn cả. Và con người ra công tìm kiếm với nhiều hình thức khác nhau để bảo đảm cho nhu cầu này. Nhưng kinh nghiệm cho thấy là trong quá trình chạy đua để nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó, con người lại quên đi vai trò của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài trong cuộc sống của họ. Bằng những hình ảnh cụ thể như đời sống của con chim sẻ, hay hoa huệ ngoài đồng, Chúa Giê-su cho thấy sự quan phòng chăm nom của Thiên Chúa đối với vạn vật và con người, rồi Ngài khẳng định: Cha trên trời thừa biết rằng anh em cần tất cả những thứ đó. Nhưng việc ưu tiên cần làm trước hết là tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa, và tìm kiếm điều quan trọng và căn bản nhất của đời người đó là chính Ngài.
Mời Bạn: Trong cuộc sống con người có nhiều điều phải chọn lựa, nhưng đối với người ki-tô hữu, điều ưu tiên một phải là chính Thiên Chúa và sự công chính của ngài. Chúng ta cần ý thức điều đó khi đặt ra những ưu tiên trong việc chọn lựa hàng ngày của mình.
Chia sẻ: Bạn có thái độ nào, và bạn đã đặt để Thiên Chúa ở vị trí nào trong những lo toan tính toán và hành động trong cuộc mưu sinh hàng ngày?
Sống Lời Chúa: Chúng ta hãy sống bình an, tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong tư cách là người con Chúa – ki-tô hữu – ta cần biết chọn lựa đâu là điều chính yếu, đâu là lẽ phụ thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
19/06/16
CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – C
Lc 9,18-24
CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG
“…Dân chúng nói Thầy là ai ?” – “Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ bảo là ông Ê-li-a,…” – “Còn anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9,18-24)
Suy niệm: Chỉ cần một câu trả lời đúng và đắc ý người phỏng vấn là người đi xin việc được chấp thuận ngay. Khổ nỗi có quá nhiều phương án trả lời mà chỉ có một cách làm đắc ý người phỏng vấn thì biết làm thế nào đây?! Các môn đệ không ở trong hoàn cảnh này vì Chúa Giê-su đã chọn và nhận các ông vào làm việc cho mình trước khi các ông được hỏi. Hôm nay Chúa hỏi các môn đệ là để dần tỏ cho các ông khuôn mặt và sứ mệnh của Đấng-được-Chúa-Cha-xức-dầu. Sứ mệnh đó là cứu thế trong đau khổ-tủi nhục-vinh quang: hai mặt của một đồng xu!
Mời Bạn: Mãi đến khi Chúa Giê-su sống lại, các môn đệ mới hiểu nội dung của những lời Tin Mừng hôm nay. Còn chúng ta bây giờ chẳng khó khăn gì để hiểu những lời đó, nhưng vẫn còn một thách đố lớn đó là thực thi điều mình đã hiểu, đó là dám hy sinh từ bỏ chính mình để bước theo Chúa Giê-su-vác thập giá-liều mạng sống. Đó chính là câu trả lời phỏng vấn đẹp ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống hằng ngày, bạn đã làm gì để tỏ ra mình đang sống điều mình tin vào Chúa? Có nhiều cách, bạn hãy quyết làm một trong những đề nghị này: bỏ rượu chè, dẫn con cái đi dự lễ ngày thường, nhắc bảo chúng học giáo lý ngày Chúa Nhật, thăm viếng người đau ốm trong xóm…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ mình Chúa mới có lời ban sự sống đời. Xin cho con tin và làm theo lời Chúa dạy, nhờ đó cuộc sống của con sẽ là câu trả lời đúng ý Chúa cho những ai muốn hỏi con như Chúa đã hỏi các môn đệ ngày xưa.
20/06/16
THỨ HAI TUẦN 12 TN
Mt 7,1-5
ĐỪNG XÉT ĐOÁN!
“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7,1)
Suy niệm: Chuyện Khổng Tử kể rằng thời ông và các đồ đệ lâm cơn bĩ cực, Nhan Hồi là môn sinh sủng ái nhất nấu cơm cho thầy trò ăn. Đang đọc sách nhà trên, ông bắt gặp Nhan Hồi xới cơm đưa vào miệng. Ông cho rằng học trò tín cẩn của mình là kẻ ăn vụng. Hỏi ra mới biết, khi mở vung, Nhan Hồi đã sơ ý để một cơn gió thổi bụi vào nồi. Thay vì xới phần bẩn bỏ đi, Nhan Hồi đã quyết định ăn, coi như mình đã ăn xong phần mình, không được bỏ phí trong hoàn cảnh cơm ít, người đông. Hiểu được sự thật, Khổng Tử than rằng: “Trên đời có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không thể hiểu được đúng sai!” Kinh nghiệm này của Khổng Tử cũng được gặp thấy trong giáo huấn của Đức Giê-su: “Đừng xét đoán!” Thực tại thì muôn vẻ, cái nhìn của ta về thực tại thì phiến diện; do đó, các suy diễn và kết luận của ta rất bấp bênh. Chính vì thế Đức Giê-su nói chỉ Thiên Chúa, Đấng “thấu suốt mọi bí ẩn” (Mt 6,6) mới đủ tư cách xét đoán; “còn tôi là ai mà dám xét đoán anh em mình”(Gc 4,12)?
Mời Bạn: Nếu có một ai đó cần được tôi xét đoán, thì người đó chính là tôi, như lời Chúa nhắc nhở: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi mới lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
Chia sẻ một kinh nghiệm đáng tiếc của bạn vì đã phán đoán sai lệch về ai đó.
Sống Lời Chúa: Để tránh tật xét đoán tha nhân, ta tập nhân đức ngược lại: cắt nghĩa tốt, giải thích tốt cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng săm soi những thiếu sót nhỏ của người khác trong khi không nhận ra bao điều tốt đẹp nơi họ. Xin cho con biết nghiêm khắc hơn với mình và độ lượng hơn với tha nhân. Amen.
21/06/16
THỨ BA TUẦN 12 TN
Thánh Lu-y Gon-da-ga, tu sĩ
Mt 7,6.12-14
ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ SỐNG
“Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,14)
Suy niệm: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi; nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.” Câu nói của Nguyễn Bá Học có thể giúp minh hoạ cho Lời Chúa hôm nay. Con đường bị sông núi cản ngăn chẳng khác chi con đường chật hẹp, muốn vượt qua ta phải oằn mình, lách mình hoặc tìm phương thế vượt chướng ngại vật. Đó là con đường chẳng mấy ai muốn đi vì nó đòi ta phải lao nhọc, khép mình vào kỷ luật nghiêm ngặt, mà lắm khi không thấy kết quả tức thời. Đức Giê-su dạy ta đi con đường của Ngài mới có thể đạt đến sự sống đời đời. Đó là đường khổ giá mà Chúa cũng trải qua rồi mới được vinh quang phục sinh. Ngược lại, chọn “cửa rộng và đường thênh thang” là tự mình đi vào chỗ đến diệt vong.
Mời bạn: Chí sĩ Phan Bội Châu đã an ủi linh mục Mai Lão Bạng: “Ví phỏngđường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Lời khuyên của ông minh giải thâm thúy cho lời dạy của Chúa trong Tin Mừng hôm nay, giúp ta đón nhận cách dễ dàng hơn, dẫu biết rằng “ít người tìm được lối ấy.”
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín rằng cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su có thể được tóm gọn trong châm ngôn này: “Đau thương là đường lên ánh sáng; gian khổ là đường về vinh quang.” Đó cũng phải là châm ngôn cuộc đời tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết khôn ngoan chọn lựa cho mình con đường sống: con đường hẹp của hy sinh từ bỏ, của nghị lực can trường. Con đường ấy chính là con đường Chúa đã chọn và khuyên dạy con bước theo. Xin giúp con trung thành đi trên con đường hẹp này đến cùng. Amen.
22/06/16
THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Thánh Gio-an Phi-sơ, giám mục và Tô-ma Mô, tông đồ
Mt 5,15-20
HÃY LÀ NGÔN SỨ THẬT
“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 5,15-16)
Suy niệm: Ngôn sứ là người được Thiên Chúa tuyển chọn, sai đi thay mặt Ngài để nói với dân Chúa. Khi sai ngôn sứ đi, Thiên Chúa luôn đồng hành với họ qua lời hứa “Ta ở với ngươi” (St 31,3; Xh 3,12…). Thế nhưng, để nhận biết ngôn sứ có được sai đi, có Thiên Chúa ở cùng hay không, chẳng hề đơn giản chút nào. Để phân biệt, Chúa Giê-su dạy: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào”. Nếu hoa quả của họ là nói mà không làm (Mt 23,2), và nếu có làm thì hành động ấy chỉ gây nên chia rẽ, xáo trộn hoặc bất an cho cộng đoàn: đó là ngôn sứ giả. Còn hoa trái của ngôn sứ thật hay của Thần Khí là bác ái, hoan lạc và bình an (x. Gl 5,22).
Mời Bạn: Ngôn sứ không chỉ rao giảng bằng lời nói, đời sống của họ cũng phải là chứng từ để xác minh lời rao giảng. Vì thế, một trong những dấu chỉ nhận biết ngôn sứ thật chính là sự nhất quán giữa nói với làm. Theo lời của Chân phước giáo hoàng Phao-lô VI, thì “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy cũng là những chứng nhân”.
Sống Lời Chúa: Hãy làm chứng bằng một đời sống lương thiện, chân thật, từ cách suy nghĩ đến lời nói, cũng như trong hành động.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, vì không muốn chúng con thuộc về thế gian, nên Chúa đã xin Chúa Cha “lấy sự thật mà thánh hiến chúng con.” Xin gìn giữ chúng con khỏi mọi điều gian dối, để nhờ đó thế gian nhận biết rằng Chúa đã sai chúng con. Amen.
23/06/16
THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Mt 7,21-29
YÊU VÀ HÀNH ĐỘNG
“Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.” (Mt 7,24)
Suy niệm: Mẹ Têrêsa Calcutta kể lại câu chuyện sau đây: Khi thấy các nữ tu của mẹ ân cần chăm sóc vết thương cho bệnh nhân, một người giàu có nói:“Cho tôi một triệu đô la để làm việc này, tôi cũng chịu thua”. Mẹ trả lời: “Cho chúng tôi mười triệu đô la để thôi không làm những việc này, chúng tôi cũng không làm. Chúng tôi chỉ làm vì tình mến Chúa.” Hình ảnh mẹ Têrêsa cùng với các nữ tu của mình trong màu áo trắng xám viền xanh đã trở nên quen thuộc trên các đường phố Ấn Độ, tìm kiếm và chăm sóc những người nghèo khổ. Khi được hỏi bí quyết thành công, Mẹ đã trả lời: “Chúng tôi không phục vụ để đòi thành công, chúng tôi phục vụ để làm chứng cho công việc của Chúa”.
Mời Bạn: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được bày tỏ không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động dấn thân trải dài trong lịch sử, đỉnh cao nơi con người của Đức Giê-su, qua lòng yêu thương, săn sóc và cứu độ con người bằng chính cái chết của mình. Do đó, yêu mến Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở việc nói lời yêu mến Ngài, nhưng bạn được mời gọi dấn thân để trở nên chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Chúa, qua những hành động cụ thể, thực hành lời dạy của Đức Giê-su trong đời thường của mình.
Sống Lời Chúa: Thực hành một việc hy sinh để bày tỏ lòng yêu mến Chúa, hoặc thể hiện một cử chỉ yêu thương cụ thể với một người mình gặp trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con không chỉ biết yêu mến Chúa trong nhà thờ, mà còn biết sẵn sàng quảng đại và hy sinh để sống Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
24/06/16
THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả
Lc 1,57-66.80
NIỀM VUI CHÀO ĐỜI
Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Vì quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em…” (Lc 1,66)
Suy niệm: Cứ sự thường, mỗi em bé chào đời luôn mang lại niềm vui lớn lao cho cha mẹ và những người thân. Thế nhưng, cũng có thể nói rằng trước hết và trên hết, đó phải là niềm vui của chính em. Thật vậy, không phải em bé nào cũng may mắn được chào đời trên thế gian, cũng chẳng phải mọi bậc cha mẹ đều mong muốn có con cái ra đời. Đã có bao em bé không hưởng được niềm vui ấy, chỉ vì người ta không muốn sự hiện diện của các em. “Người ta” ấy không ai xa lạ mà là chính cha mẹ của các em. Thật đau đớn! Phần chúng ta, những người may mắn được chào đời, chúng ta phải biết đáp đền hồng phúc ấy bằng thái độ luôn sống tín thác trong vòng tay hộ phù của Thiên Chúa, như thánh Gio-an Tiền hô, trở thành sứ giả đem tin vui cho mọi người.
Mời Bạn: Là người đang được hưởng niềm vui của Thiên Chúa ban tặng, bạn hãy luôn nỗ lực để bảo vệ sự sống quý giá mà Thiên Chúa đã làm nên. Bạn đã làm gì để góp phần hạn chế tối đa tình trạng các thai nhi bị “trục xuất” ra khỏi lòng mẹ trong xã hội “thiếu văn minh sự sống” này?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần mừng sinh nhật, không chỉ là cơ hội để tôi nhớ ngày ra đời, mà còn là cơ hội để tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời nỗ lực sống đúng với điều Chúa kỳ vọng nơi mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con món quà sự sống, là món quà quý giá hơn mọi sự trên thế gian. Xin cho chúng con luôn sống trong tâm tình tạ ơn ấy, biết trân quý và bảo vệ hồng ân tuyệt vời này. Amen.
25/06/16
THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Mt 8,5-17
NIỀM THƯƠNG CẢM GẶP NHAU
“Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy.” (Mt 8,13)
Suy niệm: Hẳn viên đại đội trưởng phải thương mến người đầy tớ của mình lắm, nên mới đích thân đến gặp và nài xin Đức Giê-su chữa cho anh ta. Ông không chỉ có lòng thương cảm, mà còn có niềm tin vào lời nói đầy quyền năng của Thầy Giê-su: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (c.8). Tuy niềm thương cảm người đầy tớ thôi thúc ông, nhưng ông cũng đủ tế nhị để hiểu rằng người Do Thái không bước vào nhà dân ngoại vì sợ ô uế. Ông lại khiêm tốn nhận rằng mình không đáng để Ngài đến nhà. Ông tin rằng chỉ cần lời nói quyền năng của Thầy là đủ, có thể đáp ứng niềm khát khao mong mỏi. Nhìn nhận sự cao cả của Thầy Giê-su, nhưng ông cũng nhận biết lòng thương cảm của Thầy đối với người nghèo hèn, bệnh tật.
Mời bạn: Trong trái tim của Thầy Giê-su luôn có chỗ cho tất cả mọi người. Thầy trân trọng tình nghĩa của viên đại đội trưởng đối với người đầy tớ, cũng như ca ngợi lòng tin lớn lao của ông. Từ đó, có thể nói không sai rằng: lòng thương cảm giữa con người+lòng thương xót của Chúa=phép màu xảy ra: niềm vui, hạnh phúc. “Thương xót là nhịp cầu nối Thiên Chúa và con người, mở trái tim chúng ta cho niềm hy vọng rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương đến muôn đời, bất chấp tội lỗi của chúng ta.”
Sống Lời Chúa: Thực thi một điều trong “Kinh Thương Người Có 14 Mối”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin sai Thần Khí Chúa đến, xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm hồng ân cho chúng con.
26/06/16
CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – C
Lc 9,51-62
THEO CHÚA
“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” (Lc 9,57)
Suy niệm: Dứt khoát đi theo Chúa Giê-su như đòi hỏi của Ngài nghĩa là gì trong bối cảnh cuộc sống hôm nay? – Là gắn bó, kết hợp với Chúa mọi nơi mọi lúc, trong nhà thờ cũng như ngoài phố chợ, khi bình an cũng như lúc gian nan. – Là quên mình, hạ bệ cái tôi, ra khỏi những bận tâm về mình, để có thể đón nhận hy sinh, chịu thương chịu khó vì Nước Chúa và tha nhân. – Là chấp nhận cuộc sống tích cực: từ bỏ thói tham sân si, tính hư tật xấu để sống thánh thiện, siêu thoát về vật chất, hăng say kiến tạo lòng thương xót, an bình và hạnh phúc trong xã hội. – Làø đừng để nỗi lo lắng sự đời lấn át đến nỗi quên nhiệm vụ chính của chúng ta là thờ phượng Chúa, thi hành Lời Chúa và loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Mời Bạn: Nếu chọn Chúa làm gia nghiệp, lấy Nước Chúa làm giá trị tuyệt đối và cùng đích đời mình, bạn hãy buông mình cho Chúa, để Lời Ngài chi phối mọi suy tính, lời nói, hành động, và mọi quan hệ trong cuộc sống. Kết quả là nhờ ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ, bạn sẽ sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa và tiết độ (Gl 5,22-23).
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm chọn Chúa, đặt Ngài hơn tất cả mọi người, cũng như hơn bất cứ cái gì trên trần gian này. Vì ngoài Chúa ra, có ai bảo đảm được thân xác, linh hồn được sống đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã chọn gọi con đi theo Chúa. Xin cho con biết mến yêu, phụng sự Chúa trong mọi người. Xin cũng cho con luôn biết sống hết mình, hết tình cho Chúa và tha nhân. Amen.
27/06/16
THỨ HAI TUẦN 13 TN
Thánh Sy-ri-lô, gm A-lê-xan-ri-a, tiến sĩ HT
Mt 8,18-22
ĐIỀU KIỆN NÀO ĐỂ THEO CHÚA?
“Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo… nhưng xin phép Thầy cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8,19.22)
Suy niệm: Thần học gia người Đức Jurgen Moltmann viết: “Thiên Chúa khóc với ta để rồi có ngày ta cùng cười với Ngài.” Theo Chúa, bỏ cha bỏ mẹ, cả khi cha mẹ chưa qua đời, theo Ngài về những nơi vô định quả là điều kiện rất khó thực hiện. Thế nhưng, đã có bao người làm được, đó là các nhà truyền giáo đã và đang bôn ba khắp năm châu bốn bể. Điều kiện để có thể đi theo Chúa, làm môn đệ của Ngài là chấp nhận mạo hiểm và từ bỏ. Từ bỏ giúp ta trút bỏ những vướng bận của thế gian để toàn tâm toàn ý cho Ngài. Mạo hiểm đòi ta dám đánh cược đời mình cho Chúa, Đấng dám chết cho chúng ta là những người được Ngài gọi là bạn hữu. Đó chính là động lực thúc đẩy nhiều người dấn thân theo Ngài.
Mời Bạn: Quyết định theo một người đòi ta cân nhắc kỹ lưỡng; nếu không, ta sẽ bị lừa dối, lâm vào tình huống thả mồi bắt bóng. Đó là sự khôn ngoan vốn phải có. Đứng trước những sự hấp dẫn của thế gian và những lời “khó nghe” của Chúa Giê-su, bạn chọn ai để có được sự sống đời đời?
Sống Lời Chúa: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo”. Tôi xác tín và tập sống như câu Lời Chúa trên đây mỗi ngày. Nhờ vậy, khi gặp điều chọn lựa mang tính sống-còn, tôi dễ dàng đứng về phía Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã mời gọi con đi theo làm môn đệ Chúa. Xin dạy con biết khôn ngoan phân định cứu cánh của đời con. Nhờ vậy, con có thể trung thành theo Chúa qua những chọn lựa hằng ngày. Amen.
28/06/16
THỨ BA TUẦN 13 TN – C
Thánh I-rê-nê, giám mục, tử đạo
Mt 8,23-27
TIN VÀO QUYỀN NĂNG CHÚA
“Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,27)
Suy niệm: Người ta thường ví cuộc đời con người, từ khi sinh cho đến lúc chết, tựa như một cuộc vượt biển, đi từ bến bờ này sang bến bờ bên kia. Thế nhưng, biển cuộc đời chẳng mấy khi phẳng lặng. Không sóng gió, đá ngầm, băng sơn thì cũng bão nổi giông gào. Những lúc ấy, ai sẽ chia sẻ, nâng đỡ ta, nếu không phải là chính Chúa? Tin là hoàn toàn tín thác cuộc đời cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, để lúc an vui hạnh phúc, ta biết dâng lời tạ ơn; khi gặp đau thương thử thách, ta xin Chúa ủi an nâng đỡ. Trên chuyến đò cuộc đời, Chúa là bạn đồng hành đưa ta cặp bến đến bờ an toàn. Có Ngài hiện diện hộ phù, chúng ta được vui sống bình an.
Mời Bạn: Nhớ lại, chính những lúc mọi phương thế nhân loại đã phải bó tay, bạn mới thấy rõ bàn tay của Thiên Chúa vẫn che chở bạn. Nhìn lại đời sống đức tin của mình, bạn có thấy Chúa thực sự là điểm tựa vững vàng, giúp bạn bình an vui sống không? Khi bình an, bạn có nhớ đến Chúa, hay chỉ khi gặp thử thách đau khổ, bạn mới chạy đến với Ngài?
Chia sẻ: Bạn hiểu thế nào là Thiên Chúa quan phòng? Hãy chia sẻ một lần nào đó trong đời, bạn cảm nhận được sự quan phòng của Chúa đối với bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi dâng lên Chúa những dự định, kế hoạnh, vì tin Chúa có đủ quyền năng để giúp đỡ mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin cậy vào Chúa, nhưng xin thương lòng tin còn quá yếu kém của con. Xin ban cho con niềm trông cậy vững vàng, để con dám trao cả vận mạng đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Vì có Ngài ở bên, lòng con chẳng nao núng bao giờ. Amen.
29/06/16
THỨ TƯ TUẦN 13 TN
Thánh Phê-rô và Phao-lô, tông đồ, tử đạo
Mt 16,13-19
CẢM NGHIỆM ĐỨC TIN
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: Có những chân lý người ta “ngộ” ra như trong một tia chớp của một phút xuất thần nhưng lại có tác động sâu xa, định hướng cả một đời người. Đó chính là cảm nghiệm của thánh Phê-rô khi ngài tuyên xưng Thầy mình là“Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,” lời tuyên xưng “không phải do phàm nhân mạc khải” mà là do Thiên Chúa. Điều đó lại càng đúng với thánh Phao-lô khi ngài “ngộ” ra Đức Ki-tô qua lời phán trong “luồng ánh sáng” trên đường đi Đa-mát: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (x. Cv 9,1-9). Dù cảm nghiệm đức tin của hai ngài có nhiều khía cạnh khác nhau, cả hai đều cùng một niềm say mê Đức Ki-tô, lẽ sống của đời mình: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mời Bạn: Niềm say mê Đức Ki-tô của các tông đồ cũng là động lực, là sức mạnh khiến các ngài hăng say rao giảng Tin Mừng và dũng cảm hy sinh mạng sống để làm chứng cho lời mình rao giảng. Chúa đã thương ban cho bạn ơn đức tin, để bạn trở thành chi thể của Hội Thánh, được xây trên máu của các thánh Tông Đồ và Tử Đạo. Với nhận thức đó, bạn hãy mạnh dạn sống niềm tin và lòng trung tín của mình.
Sống Lời Chúa: Nuôi dưỡng đức tin của mình bằng việc siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì gương anh hùng của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Xin cho con hôm nay trung kiên theo bước các ngài sống chứng nhân Tin Mừng trong đời sống ki-tô hữu thường nhật.
30/06/16
THỨ NĂM TUẦN 13 TN
Các thánh tông đồ tiên khởi giáo đoàn Rô-ma
Mt 16,13-19
CÒN CON, CON BẢO THẦY LÀ AI?
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)
Suy niệm: Vốn không ưa thích gì Ki-tô giáo, nhưng triết gia Pháp E. Renan cũng phải thốt lên: “Đức Giê-su là thiên tài tôn giáo vĩ đại nhất của lịch sử.”Người Do Thái thời Đức Giê-su cũng dành cho Ngài những danh hiệu cao quý nhất: là Ê-li-a, bậc tôn sư lỗi lạc trong hàng ngũ ngôn sứ; là Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ giúp quốc gia trong cơn khốn khó. Cả hai vị này bất quá chỉ là người dọn đường cho Đấng Ki-tô. Vì thế đối với người đương thời, Đức Giê-su cao lắm chỉ được coi là người dọn đường, chứ không phải là chính Đấng Cứu Thế. Chỉ có Phê-rô, đại diện cho các môn đệ, mới có thể nhận diện đúng chân tướng của Chúa: Ngài là chính Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Ngày hôm nay, bạn có tuyên xưng Ngài là Cứu Chúa đời bạn như Phê-rô không?
Mời Bạn: “Vấn đề cấp bách nhất về niềm tin là liệu một người văn minh có thể tin Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa hay không, vì toàn bộ niềm tin của ta dựa trên điều ấy” (nhà văn Nga F. Dostoievski). Ngày hôm nay, Đức Giê-su cũng hỏi bạn: “Còn con, con bảo Ta là ai?” Bạn sẽ trả lời Ngài thế nào? Đây là câu trả lời mang tính sinh tử với bạn, vì sẽ quyết định vận mạng đời bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, là Anh Cả, là bậc Thầy có lời ban sự sống đời đời, là người bạn thân thiết nhất, và sẽ nỗ lực sống điều mình tuyên xưng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như thánh Phê-rô, con cũng tuyên xưng Chúa là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con muốn sống với trọn con tim điều mình tuyên xưng: Chúa có vị trí quan trọng nhất trong những chọn lựa hằng ngày của con. Amen.