Tình thân là chuyện dễ nói mà khó làm. Có người kể về những câu chuyện tình thân giữa bạn bè hồi nhỏ. Câu chuyện ấy rất tươi đẹp và trong sáng, nhưng giờ chỉ còn là kỷ niệm của tuổi thơ.
Có người kể về tình thân với những người trong gia đình họ hàng làng xóm, nhưng tình cảm ấy cũng cũng chỉ là trong một khoảng thời gian, rồi có nhiều sứt mẻ, và chẳng còn mặn mà nữa. Có người muốn kết nối tình thân, nhưng sau vài lần bị chơi xấu, thì lòng tin trở thành nghi ngờ, và tình thân chỉ còn bằng mặt chứ không bằng lòng.
Thế đấy! Tình thân giữa trẻ thơ là điều tự nhiên đến, và cũng tự nhiên đi, khi các em khôn lớn và thay đổi môi trường. Tình thân giữa những người trong gia đình tự nhiên nảy sinh, nhưng có phát triển hay không thì còn tùy. Tình thân giữa làng xóm tự nhiên hình thành nhưng cũng chẳng dễ lớn mạnh. Tình thân giữa người lớn không dễ phát sinh chút nào!
Xin được điểm tên 7 phong cách sống chưa phải là tình thân, để thấy rằng lời Thầy Giêsu nói “Ai tìm thì sẽ thấy” vẫn rất mang tính thời sự, để thấy rằng tôi chưa có tình thân vì tôi thường tìm cái gì đó chứ chưa tìm tình thân.
- Lợi dụng và khai thác
Đây là phong cách lấy bản thân và tư lợi làm số một. Nói ra thì chẳng ai ưa phong cách này. Khi sống, cũng chẳng ai thích kẻ sống như thế. Nhưng thực tế buồn là hầu như ai cũng dễ sống như thế. Cứ thử nghĩ đến những cuộc xâm lược và bóc lột. Cứ thử nghĩ đến tương quan giữa người chủ và người làm công. Cứ thử nghĩ đến những chiến lược kinh tế chính trị. Cứ thử nghĩ đến những cuộc tình mưa gió. Cứ thử nghĩ đến rừng vàng biển bạc mà bị khai thác triệt để. Càng nghĩ, càng thấy đời hình như đen tối hơn. Kinh Thánh kể về ông chủ giàu có với đầy kho lẫm và ông ta mơ về sự giàu mạnh hơn nữa, mơ về tương lai đảm bảo mà quên mất ngày mai ông sẽ chết.
- Dựa dẫm và bám víu
Người ta lợi dụng và khai thác người khác được, là do có những kẻ sẵn sàng dựa dẫm và bám víu. Người ta thích dựa thế này nọ về tiền bạc về danh tiếng về tình cảm. Có những người luôn muốn có chốn an toàn nương thân. Những kẻ ăn theo, chắc chắn suy sụp khi cái mà họ cậy nhờ không còn nữa. Nói ra, chẳng ai thích mình là kẻ ăn bám, nhưng khi sống, có lẽ ăn bám là cách mà mỗi người thường nghiêng chiều. Cứ thử nghĩ về chuyện Hitle diệt chủng người Do Thái. Nếu một mình ông ta thì đâu làm được những tội ác lớn như thế. Phải có bao nhiêu con người ăn theo để tiếp tay cho ông. Cũng thế, những chuyện tham nhũng hối lộ, phải có cả một hệ thống bè phái mới có thể lãng phí bao nhiêu ngàn tỷ này nọ. Tác giả Thánh Vịnh trải qua bao sóng gió cuộc đời, đã rút ra được kinh nghiệm xương máu: Lạy Chúa, chỉ có Ngài là nơi chúng con trú ẩn.
3. Ăn cây nào rào cây ấy
Đây là phong cách sống lấy lợi ích và danh tiếng của nhóm làm số một. Đại loại như, gia đình tôi là số một, làng tôi là số một, công ty tôi là số một, dân tộc tôi là số một, đảng tôi là số một, đạo tôi là số một… Và cứ thế, ra sức thủ thế và đối phó với những gì là khác. Đây là kiểu biết ơn một cách cực đoan, một dạng méo mó về lòng biết ơn, một kiểu biết ơn bắt buộc. Nhu cầu thuộc về một nhóm là nhu cầu tự nhiên, là xã hội tính của con người. Nhưng một khi chỉ lo bảo vệ cho nhóm mình, thì tình người bị gạt ra ngoài lề, thì lương tâm không còn tiếng nói.
4. Đèn nhà ai nhà ấy rang
Đây là phong cách chỉ lo vun đắp xây dựng cho nhà mình, cho nhóm của mình mà thôi. Sự quan tâm không vượt ra khỏi nhóm mình. Đây cũng tựa như kiểu đau đớn quá đáng của đứa con nhà giàu bị gai mùng tơi đâm vào tay, mà anh ta không biết người nghèo bên cạnh phải lao động cực nhọc với đầy vết thương và chai sạn trên tay. Đây cũng tựa như kiểu vô tình của đứa con nhà nghèo dửng dưng và giễu cười trước những khổ tâm của đứa con nhà giàu khát khao tình gia đình và tình thân.
- Đôi bên cùng có lợi
Đây là tiêu chí hiện đang rất phổ biến giữa các đối tác làm ăn, giữa các đối tác trên trường chính trị. Đây cũng là phong cách thường thấy giữa những người chơi đẹp trong cuộc sống. Chúng ta cùng sống, cùng làm việc, cùng trao đổi, cùng hưởng lợi. Thế nhưng, nếu chỉ như thế, tình thân sẽ mất khi lợi ích chẳng còn. Người ta có thể là người giàu có, quyền thế, ngay cả là một người rất tốt, chơi đẹp, nhưng thiếu tình thân, thiếu tình bạn, thiếu niềm vui hồn nhiên và thanh cao.
- Cả hai cùng thắng
Đây có lẽ là điều gì đó là rất tích cực khi nhấn mạnh sự phong phú mà việc hợp tác và mối liên hệ song phương tạo nên. Trong tầm nhìn này, không còn sự thắng thua, được mất, mà luôn là cùng thắng, cùng được, cùng vui. Có thất bại chăng nữa, thì cũng không phải do tôi do anh hay do chúng ta, mà là vì từng lý do cụ thể. Tầm nhìn này luôn đánh giá tốt và tích cực về bản thân và người khác. Thất bại trở thành một phần của thắng lợi mới. Thất bại củng cố mối liên hệ bền chặt. Thế nhưng, nếu chỉ như thế, hình như vẫn chưa thấy tình thân.
- Ai là người thân của tôi?
Nhà thông luật nắm rất rõ Luật Chúa và sống rất tốt, thế mà ông thấy vẫn còn gì đó thiếu. Sự sống đời đời là điều nằm ngoài tầm với của ông. Thầy Giêsu hỏi lại ông: Tóm lại trong Luật Chúa, điều gì là quan trọng nhất? Ông ấy hiểu rõ là mến Chúa và yêu người thân cận. Thầy Giêsu nói: Hãy sống như thế. Nhưng ông ấy thắc mắc: Ai là người thân cận của tôi? Một bậc thầy tốt lành như ông vẫn đang khao khát và chưa hiểu được tình thân là gì!
Giải pháp của Thầy Giêsu: Tôi là người thân của ai?
Để đáp lại, Thầy Giêsu kể về câu chuyện một người bị cướp dọc đường. Có một thầy tư tế và một thầy Lêvi đến, thấy và đi qua. Còn người dân ngoại Samari thì đến, thấy và cứu giúp. Người Samari đã thực thi lòng thương người, và tự trở thành người thân của người bị hại. Vấn đề của nhà thông luật chính là ở câu hỏi của ông, ở điều ông đang tìm kiếm. “Ai là người thân của tôi?” có nghĩa: tôi là trung tâm và người khác cần làm gì đó để tỏ ra là người thân của tôi. Thế nhưng, Thầy Giêsu đã đảo chiều câu hỏi để thành “Tôi là người thân của ai?” và lời mời “Hãy đi và làm như vậy!” Tình thân nảy sinh từ sự quan tâm vô vị lợi, từ hành động thương yêu đồng loại, từ sự vun đắp của tôi cho người cho đời.
(Tứ Quyết SJ, dongten.net 29.11.2016)