Mẹ Maria lên trời

Có hai đoạn Kinh thánh được sử dụng nhiều nhất để “bác bỏ” việc Đức Maria lên trời.

  1. Gioan 3:13:“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”.

Nếu “không có người nào” lên trời, thì chẳng phải bao gồm cả Đức Trinh Nữ Maria đó sao?

  1. 1 Côrintô. 15: 22-23:“Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người”.

Nếu không có ai ngoại trừ Chúa Kitô được phục sinh về thể xác trước khi Chúa Kitô tái lâm, thì điều đó lại không loại trừ khả năng Đức Ma-ri-a đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác sao?

Câu trả lời của người Công giáo 

Đoạn Kinh Thánh Gioan 3:13 không loại trừ khả năng Đức Ma-ri-a đã được đưa lên trời vì bốn lý do.

  1. Thánh Gioan đã trích dẫn những lời nói thực sự của Chúa Kitô khi ngài viết, “Không ai đã lên trời, ngoại trừ … Con người.” Chúa Giê-su chỉ nói rằng không ai đã lên trời trước thời điểm Ngài đưa ra lời tuyên bố đó. Chuyện đó đã xẩy ra từ rất lâu trước khi có sự kiện Đức Ma-ri-a đã được đưa lên trời.
  2. Chúa Giêsu không thể nói rằng không ai khác sẽ được đưa lên thiên đàng. Nếu đúng như vậy, thì tất cả những gì mà Kitô giáo này rao truyền là nói về cái gì? Bạn biết đấy, nói về thiên đàng và về tất cả.
  3. Nếu một người giải thích đoạn Kinh thánh Gioan 3:13 là nói về Chúa Kitô là Đấng duy nhất lên trời, điều đó có thể chấp nhận được. Thế thì, chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi: việc về trời của Chúa Giêsu là duy nhất, đó là việc gì? Chà, việc Chúa Giêsulên trờilà duy nhất. Mẹ Maria đã không lên trời. Mẹ đã được đưa lên trời. Có một sự khác biệt lớn. Chúa Giêsu thăng thiên bằng thần lực của chính mình như Ngài đã nói tiên tri trong Gioan 2: 19-21: “Phá Ðền thờ này đi! và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại!… Ngài đã nói về đền thờ thân thể mình.” Mẹ Maria không có quyền năng gì để tự nâng mình lên trời; Mẹ phải được đưa lên trời. Tất cả các Kitô hữu cũng có thể được như vậy. Chúa Giêsu đã tự chỗi dậy từ cõi chết. Còn các Kitô hữu sẽ hoàn toàn thụ động vào lúc họ cùng nhau “phục sinh”.
  4. Thánh Gioan chứng minh thần tính của Chúa Kitô trong Gioan 3:13. Trong lịch sử, chúng ta biết Thánh Gioan đã viết thư chống lại kẻ thù không đội trời chung của mình, lạc giáo Cerinthus, kẻ đã phủ nhận thần tính của Chúa Kitô. Thánh Gioan đã trích dẫn những lời này của Chúa Giêsu để chứng minh rằng Đấng Cứu Độ đã “giáng trần” từ trời xuống, ở trên trời và dưới đất với tư cách là “Con một” (3:16) chia sẻ bản tính của Cha Ngài (5:17-18). Vì vậy, Ngài thực sự là Thiên Chúa. Thánh Gioan cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi “Con Người” bước đi trên Trần Thế với các môn đệ ở Galilê, Người đã có được sự hưởng kiến vinh phúc trong nhân tính của mình. Theo nghĩa đó, nhân tính của Ngài (Con Người) đã “lên trời” bởi vì nhân tính đó đã có được sự hưởng kiến vinh phúc, đó là cốt lõi của những gì là thiên đàng. Đó là chủ đề của Gioan trong bản văn, chứ không phải việc liệu có một người nào đó có thể được đưa lên thiên đàng nhiều năm sau Chúa Kitô hay không.

1 Côrintô. 15: 22-23 

  1. Chúng ta phải nhớ rằng đôi khi có những ngoại lệ đối với các quy tắc thần học chung trong Kinh thánh. Ví dụ, hãy xem Mátthêu. 3: 5-6: ” Bấy giờ Giêrusalem và tất cả xứ Giuđêa và khắp vùng giáp cận sông Giócđan trẩy đến với ông và người ta nhờ ông thanh tẩy cho trong sông Giócđan mà xưng thú tội lỗi.” Chúng ta biết rằng “tất cả” ở đây không có nghĩa là “tất cả” theo nghĩa chặt chẽ bởi vì chúng ta biết, ít nhất, Hêrôđê, Hêrôđia và con gái bà ta, là những trường hợp ngoại lệ đối với câu này (Mátthêu 14: 1-11). Họ âm mưu đưa Thánh Gioan vào chỗ chết. Không phải là những ứng sinh tốt nhất cho phép rửa tội! Điểm mấu chốt: Có những ngoại lệ đối với Mátthêu. 3: 5-6. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không rửa tội cho tất cả mọi người ở ” Giêrusalem, Giuđêa và vùng xung quanh Giócđan.” Vì vậy, Mẹ Maria có thể (và như chúng ta sẽ thấy bên dưới) là một ngoại lệ đối với đoạn Kinh Thánh I Côrintô 15: 22-23.
  2. Có những ngoại lệ đối với các tiêu chuẩn chung khác, cụ thể là những ngoại lệ được quy định là đúng cho “tất cả” trong Kinh Thánh. Hípri 9:27 tuyên bố, “Và cũng một thể như đã định cho người ta là phải chết một lần, còn sau đó thì có phán xét.” Tuy nhiên, chúng ta thấy nhiều chỗ ngoại lệ đối với tiêu chuẩn này nhiều chỗ trong Kinh thánh khi nói về sống lại từ cõi chết. Trong Kinh thánh, chúng ta không chỉ thấy Êlia, Êlisê, Chúa Giê-su, Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô làm cho kẻ chết sống lại, mà sau khi Chúa Giê-su Phục sinh, “các ngôi mộ cũng được mở ra, và nhiều thi hài của các thánh đã ngủ yên được sống lại, và [ra] khỏi mồ ”(Mátthêu 27: 52-53). Những người này rõ ràng đã không “chết một lần.” Họ đã chết ít nhất hai lần!
  3. Chúng ta có các ví dụ về việc “được đưa lên trời” khác trong Kinh thánh. Cả Hênóc (Sáng thế Ký 5:24) và Êlia đều được đưa lên “thiên đàng” (II Các Vua 2:11) theo một cách khá khác thường. Và “hai nhân chứng” của Khải Huyền 11: 11-13 cũng vậy, “Sau ba ngày rưỡi, sinh khí từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài đứng dậy được. Những kẻ đang nhìn các ngài đều kinh hãi. Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ trời bảo: “Hãy lên đây! ” Và các ngài lên trời trong đám mây, trước mắt thù địch của các ngài”. Tại sao Chúa không thể làm điều này với Mẹ Maria?
  4. Chúng ta biết rằng Mẹ Maria là một ngoại lệ đối với “chuẩn mực” của I Côrintô. 15: 22-23 bởi vì Mẹ được miêu tả là đã được lên trời trong Khải huyền 12. ” Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời… Bà có thai… Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân.” (12: 1-5). Người phụ nữ sinh ra Chúa Giêsu là ai? Mẹ Maria! Và Mẹ đang ở trên thiên đàng!

Có phải người phụ nữ trong Khải Huyền 12 là Mẹ Maria không? 

Nhiều người sẽ phản đối vào điểm này và phủ nhận “người đàn bà” trong Khải Huyền chương 12 là Mẹ Maria. Họ tuyên bố đó là Giáo hội, hoặc, như những người theo thuyết thiên mệnh, họ sẽ tuyên bố đó là Ítraen xưa.

Giáo hội thừa nhận Kinh thánh có bản chất đa giá trị. Nói cách khác, có thể có nhiều mức độ ý nghĩa đối với các bản văn Kinh thánh khác nhau. Vậy, có nhiều cấp độ ý nghĩa đối với Khải huyền chương 12 không? Chắc chắn là có rồi! Ítraen thường được miêu tả là cô dâu của Chúa trong Cựu Ước (Bài ca của Salômôn, Giêrêmia 3: 1, v.v.). Vì vậy, có tiền lệ quy chiếu Ítraen là “người đàn bà.” Và Chúa Giêsu được sinh ra từ Ítraen.

Hơn nữa, Sách Khải Huyền mô tả Giáo Hội Giao Ước Mới là “cô dâu của Chúa Kitô” và là “Giêrusalem Mới” (Khải huyền 21: 2). “Người đàn bà” trong Khải Huyền chương 12 cũng được mô tả là tiếp tục sinh con cho đến ngày nay và những đứa con này được mặc khải là tất cả “những người tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa và nhờ lời họ làm chứng về Đức Ki-tô:” (Khải Huyền 12, 11). Giáo hội chắc chắn phù hợp với mô tả này.

Thực ra, chúng ta, với tư cách là những người Công Giáo, cho rằng “người đàn bà” là đại diện cho dân Chúa qua nhiều thế kỷ, dù là Ítraen trong Giao ước Cũ hay Giáo hội trong Giao ước Mới, là “dân Ítraen của Thiên Chúa” (Galata 6:16). 

Ý nghĩa đầu tiên và nghĩa đen 

Tất cả những gì chúng ta đã nói về “người đàn bà” trong Khải Huyền 12 đại diện cho dân Chúa qua hàng thiên niên kỷ không làm giảm đi bất kỳ cách nào ý nghĩa đầu tiên và nghĩa đen của bản văn là đại diện cho Đức Maria. Trên thực tế, có ít nhất bốn lý do khiến người ta không thể thoát được, trong đó bao gồm cả Đức Maria khi chú giải sách Khải Huyền chương 12 và đặc biệt là căn tính của “người đàn bà”.

  1. “Người đàn bà” trong Khải huyền 12 “đã sinh ra một đứa trẻ trai, là người dùng cây gậy sắt để cai trị mọi quốc gia; con trai bà được rước lên cùng Thiên Chúa và lên ngôi của Ngài.” Đứa trẻ này rõ ràng là Chúa Giêsu. Nếu chúng ta bắt đầu ở cấp độ nghĩa đen, chắc chắn rằng Mẹ Maria là người đã “sinh ra” Chúa Giêsu.
  2. Mặc dù chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng nhiều mức độ của sự trốn chạy của “người đàn bà” trong Khải Huyền 12: 6, 14, Mẹ Maria và Thánh Gia đã chạy trốn sang Ai Cập theo đúng nghĩa đen trong Mátthêu 2: 13-15 với sự trợ giúp của Thiên Chúa.
  3. Mẹ Maria được tiên tri là “người đàn bà” trong Sáng thế ký 3:15, Giêrêmia 31:22, và bởi Chúa Giêsu cũng giống như trong Gioan 2: 4 và 19: 26. Đặc biệt khi xét đến cũng một tông đồ, Gioan, đã viết Phúc âm Gioan và sách Khải huyền, không có gì là thổi phồng khi nói rằng Thánh Gioan nghĩ đến Đức Mẹ khi ngài sử dụng thuật ngữ quen thuộc “người đàn bà” để mô tả về Người Phụ Nữ trong sách Khải Huyền.
  4. Có bốn nhân vật chính trong chương này: “người đàn bà”, ác quỷ, Chúa Giêsu và Tổng lãnh thiên thần Micae. Không ai phủ nhận rằng ba người khác được đề cập là người thật. Điều đó phù hợp với bối cảnh về mặt chú giải để giải thích “người đàn bà” cũng là một con người thật (Mẹ Maria).

Làm sao chúng ta biết Đức Mẹ hiện ở trên thiên đàng cả xác hồn? 

Một số người có thể thừa nhận Mẹ Maria là người phụ nữ trong Khải Huyền chương 12, nhưng câu hỏi hợp lý tiếp theo là: “Điều này có nghĩa là Mẹ ở trên thiên đàng như thế nào? Có rất nhiều linh hồn trên thiên đàng, nhưng họ không có thân xác của mình.”

Rõ ràng là “người đàn bà” được miêu tả là có “mặt trăng dưới chân bà, và trên đầu bà đội một chiếc vương miện” (Khải Huyền câu 1). Ở những nơi khác trong Khải huyền và trong các phần khác của Kinh thánh, các thánh trên thiên đàng được gọi là “linh hồn của những người đã bị giết” (Khải huyền 6: 9) hoặc “linh hồn của những người đã được làm nên hoàn thiện” (Hípri 12: 23). Tại sao? Bởi vì họ không có cơ thể! Họ là những “linh hồn” hay “tinh thần.” Nhưng “người đàn bà” trong Khải huyền 12 được miêu tả là có cơ thể với đầu và chân.

Nhưng có lẽ còn quan trọng hơn điều này là thực tế “Hòm Giao ước” được mặc khải là đang ở trên trời trong sách Khải huyền 11:19. Đây chỉ là một câu trước khi mặc khải về “người đàn bà” trong sách Khải huyền chương 12:1. 

Một số người có thể phản ứng điểm này: “Ai quan tâm đến việc ‘Hòm Giao ước’ được cho là ở trên trời?” 

Điều này rất quan trọng, bởi vì thư Hípri 9: 4 cho chúng ta biết những gì được chứa trong hòm: một phần mana, “bánh từ trời” nhiệm mầu nổi tiếng trong Cựu Ước, cây trượng của Aarôn và bia đá Mười Điều Răn. Trên thực tế, chính vì những vật thánh thiêng này mà chiếc hòm trở nên thánh thiêng , và đó chính là lý do tại sao ở đây nó được mô tả như đã được đưa lên thiên đàng.

Câu hỏi đặt ra là: Hòm Giao ước được miêu tả là đang ở trên trời là “cái gì” (một chiếc hộp trong Cựu ước làm bằng gỗ keo phủ vàng trong sách Xuất Hành chương 25), hay là “ai?” Tôi cho rằng nó không chỉ phải là “ai” mà còn phải là Đức Trinh Nữ Maria vì những lý do sau: 

Trước tiên, hãy xem đoạn văn của sách Khải huyền 11:19: “Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn”.

Để đánh giá cao căn tính của “chiếc hòm”, trước tiên chúng ta hãy nhìn vào căn tính của “ngôi đền” mà Thánh Gioan coi là nơi chứa chiếc hòm. Gioan 2:19-21 và Khải huyền 21:22 cho chúng ta biết khá rõ ràng rằng ngôi đền mà Thánh Gioan nói đến không phải là một ngôi đền bằng gạch và vữa.

Chúa Giêsu đáp rằng: “Hãy phá đền thờ này đi, ba ngày nữa ta sẽ dựng đền thờ lại…” Nhưng Ngài nói về đền thờ thân thể của mình (Gioan 2:21).

“Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành.” (Khải huyền 21:22).

Khi Thánh Gioan xem đền thờ trên trời, ngài không xem đền thờ trong Cựu Ước. Ngài đang xem đền thờ thật sự, đó là thân thể của Chúa Kitô. Theo cách tương tự, Thánh Gioan không nhìn thấy hòm Giao ước Cũ. Ngài nhìn thấy Hòm Giao ước mới và thật sự. Và hãy nhớ rằng: điều này sẽ không chỉ nói về Mẹ Maria mà còn là thân xác của Mẹ Maria! Chính thân xác của Mẹ Maria là nơi chứa đựng Con Thiên Chúa, sự thành toàn của nhiều kiểu loại tiên trưng Kitô khác nhau được chứa đựng trong hòm bia Giao ước cũ.

Kết luận là không thể tránh được. Thân xác của Mẹ Maria ở đâu? Ở trên trời, theo Sách Khải Huyền! 

Một phản đối cuối cùng 

Một số người có thể tranh luận điểm này, sức lực của chúng ta bị lãng phí khi khẳng định rằng Mẹ Maria được đồng nhất với “người đàn bà” trong Khải Huyền chương 12 bởi vì “người đàn bà” này được mô tả là “đang khó nhọc” với những cơn đau đẻ trong câu 2. Vì vậy, đây không thể là Mẹ Maria của “Công giáo” được. 

Hai điểm để trả lời: 

  1. Bất kể bạn chọn cách giải thích nào – Ítraen, Giáo Hội, Đức Maria, hay tất cả những cách giải thích trên – tất cả cách giải thích đều đồng ý: cơn đau đẻ trong Khải huyền chương 12: 2 không phải là cơn đau theo nghĩa đen khi một em bé đi qua đường sinh. Điều này thực sự không phải là một vấn đề gì cả.
  2. Ngay từ đầu khi Mẹ Maria được kêu gọi làm Mẹ của Đấng Mêsia, rất có thể là Mẹ đã biết Con của Mẹ được kêu gọi làm “người đầy tớ đau khổ” theo sách tiên tri Isaia chương 53, Thánh vịnh 22 và sách Khôn ngoan chương 2.

“Cơn đau đẻ” của Mẹ Maria bắt đầu từ lúc Truyền tin và sẽ tiếp tục từ máng cỏ cho đến thập giá, nơi Mẹ đau khổ cùng với Con Mẹ như đã được nói tiên tri trong Luca 2: 34-35 và được hoàn thành một cách đau thương trong Gioan chương 19. Tình yêu sâu sắc và sự hiểu biết của Mẹ Maria về Người con thần linh, Con của Mẹ, tự nó mang nơi mình những nỗi đau sâu sắc hơn bất cứ đau đớn thể xác nào có thể gây ra. Cơ thể có thể trở nên tê liệt và hết cảm thấy đớn đau. Nhưng bạn không thể làm chết một trái tim đang yêu thương, chừng nào trái tim đó vẫn tiếp tục yêu thương. Mẹ Maria rõ ràng đã chọn yêu thương. Mẹ là người duy nhất đã có mặt cùng Chúa Giêsu của chúng ta, từ khi Nhập thể theo Tin Mừng Luca 1: 37-38, đến khi khai sinh ra sứ vụ của ngài theo Tin Mừng Gioan chương 2, đến thập giá trong Gioan chương 19, và đi vào cõi đời đời theo sách Khải Huyền chương 12.

Lời cầu nguyện với Đức Mẹ Lên Trời của Đức Thánh Cha Piô X[1] 

Lạy Đức Trinh nữ Vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại, chúng con hết lòng tin tưởng vào sự lên trời chiến thắng của Mẹ, Mẹ được vào thiên đàng cả hồn và xác, nơi Mẹ được tất cả các ca đoàn thiên thần và tất cả các quân đoàn các thánh ca ngợi là Nữ Vương; chúng con hợp cùng với các thần thánh ca ngợi và chúc tụng Chúa, Đấng đã tán dương Mẹ trên tất cả các thụ tạo thuần khiết khác và trao cho Mẹ sự tôn vinh sùng mộ và tình yêu của chúng con.

Chúng con biết rằng ánh nhìn của Mẹ, nơi trần thế hằng dõi theo nhân tính khiêm hạ và đau khổ của Chúa Giêsu, thì trên thiên đàng được tràn đầy hưởng kiến nhân tính vinh quang và sự khôn ngoan Thiên Chúa thông ban, và chúng con biết rằng niềm vui của linh hồn Mẹ khi chiêm ngưỡng trực tiếp Ba Ngôi đáng yêu khiến trái tim Mẹ rộn ràng tràn ngập dịu dàng; và chúng con, những tội nhân đáng thương mang thân xác đè nặng lên linh hồn đang muốn nhẹ bay lên, xin Mẹ hãy thanh tẩy cõi lòng chúng con để, trong khi chúng con còn ở dưới thế này, chúng con có thể học biết cách nhìn thấy Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa trong vẻ đẹp của các thụ tạo của Ngài.

Chúng con tin cậy đôi mắt xót thương của Mẹ rủ lòng nhìn xuống những nỗi khốn cùng và thống khổ của chúng con, những cuộc đấu tranh và những yếu đuối của chúng con; chúng con tin cậy nét mặt Mẹ mỉm cười với niềm vui và chiến thắng của chúng con; chúng con tin cậy Mẹ nghe tiếng Chúa Giêsu nói với Mẹ về mỗi người chúng con, như Ngài đã từng nói với Mẹ về môn đệ yêu dấu của Ngài:

“Này con,” và chúng con, những người kêu đến Mẹ như Mẹ của chúng con, chúng con, như thánh Gioan, coi Mẹ như vị hướng dẫn, sức mạnh và niềm an ủi trong cuộc sống nguy tử của chúng con.

Chúng con được linh hứng chắc chắn rằng đôi mắt của Mẹ, từng khóc cho trái đất đỏ thắm bằng máu của Chúa Giêsu, vẫn hướng về thế giới này bị tàn phá bởi chiến tranh và bắt bớ, bởi sự đàn áp những người công chính và yếu đuối. Trong thung lũng tối tăm đầy nước mắt này, chúng con tìm kiếm sự trợ giúp từ trên trời của Mẹ, lòng thương xót dịu dàng, sự an ủi cho trái tim đau đớn của chúng con, và sự giúp đỡ trong những thử thách của Giáo hội và đất nước.

Cuối cùng, chúng con tin rằng trong vinh quang Mẹ ngự trị, mặc áo mặt trời và đội vương miện các vì sao, và sau Chúa Giêsu, Mẹ là niềm vui và hạnh phúc của tất cả các thiên thần và các thánh, và từ trái đất này, nơi chúng con bước đi như những người hành hương, được an ủi nhờ đức tin vào sự phục sinh mai ngày, chúng con tín thác nơi Mẹ cuộc sống của chúng con, sự ngọt ngào của chúng con, niềm hy vọng của chúng con; xin hãy lôi kéo chúng con tiến lên cùng với tiếng nói dịu ngọt của Mẹ, để một ngày sau, qua chốn lưu đày này, Mẹ cho chúng con được thấy Chúa Giêsu, con lòng Mẹ đầy phúc lạ.

Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

 

[1] ND: Bản dịch này chưa được Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố chính thức, catholicnewsagency.com

Tác giả: Tim Staples
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Nguồn: catholiceducation.org