Giáo hội Công giáo tiếp tục hỗ trợ người tị nạn trong cuộc khủng hoảng Covid-19

Bản tin hàng tuần của Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện, chuyên mục dành cho người di cư và tị nạn, cho thấy các tổ chức Giáo hội tiếp tục hỗ trợ người tị nạn trong cuộc khủng hoảng Covid-19.


Người tị nạn Rohingya ở Bangladesh 

Do đại dịch, một số tổ chức phi chính phủ đã phải đóng cửa văn phòng ở châu Phi và các nơi khác. Quyết định này đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người tị nạn. Tình trạng quá tải trong các trại, xung đột vũ trang và nhu cầu kiếm sống là những khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn lây lan virus. Hơn nữa, việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và trung tâm hỗ trợ tâm lý xã hội ở các nước châu Phi đã làm cho nhiều trẻ em phải lao động, tham gia chiến tranh và phải chịu các hình thức bóc lột khác, cũng như nguy cơ gia tăng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ nữ.

Tại các khu vực Tây Phi và Ngũ Đại Hồ, Tổ chức phục vụ người tị nạn Dòng Tên (gọi tắt là JRS) đang cố gắng đảm bảo an toàn cho những người tị nạn. Mặc dù các nhân viên của JRS đã bị buộc giảm bớt việc đi lại và hiện diện tại trại, nhưng qua các nhân viên và lãnh đạo địa phương, tổ chức vẫn giám sát người tị nạn trong cộng đồng và can thiệp trợ giúp. Để tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho các sinh viên tị nạn, JRS tiếp tục hỗ trợ họ qua hình thức đào tạo từ xa. JRS cũng sử dụng đài phát thanh và các nhóm Whatsapp để cung cấp các khóa học và hỗ trợ tâm lý xã hội và khởi xướng “các hoạt động phòng ngừa Covid-19”, bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức, quyên góp cho các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa và phân phối các vật dụng vệ sinh ở các vùng lân cận và các trung tâm giáo dục, cũng như xây dựng các điểm tiếp cận nước và nhà vệ sinh mới tại các cơ sở giáo dục.

Tại đảo Lesbos, Hy Lạp, virus corona đang thử thách việc hỗ trợ nhân đạo. Trong những tháng gần đây, nhiều tổ chức phi chính phủ đã đình chỉ hoạt động và rời khỏi đảo do sự gia tăng các hành vi bạo lực chống lại họ. Hiện có khoảng 15 ngàn người tị nạn sống trong điều kiện vô cùng khó khăn trong các trại. Tuy nhiên, Cộng đoàn Thánh Egidio chưa bao giờ ngừng hỗ trợ cho các cộng đồng người tị nạn dễ bị tổn thương này. Bắt đầu tháng 8, Cộng đoàn Thánh Egidio đã mở “nhà hàng liên đới” đầu tiên cho những người tị nạn bị mắc kẹt ở đảo Lesbos. Bên cạnh đó, nhờ các tình nguyện viên đến từ các nước châu Âu, mỗi ngày, Cộng đoàn Thánh Egidio giúp cho ít nhất 300 người tị nạn có thể rời trại để tham gia các hoạt động. Ngoài ra, Cộng đoàn còn tổ chức khóa học tiếng Anh cho người lớn và tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi.

Tại Bangladesh, theo Caritas Bangladesh, có khoảng 1,1 triệu người Rohingya sống trong các trại tị nạn của Bangladesh. Họ là nạn nhân của bốn thảm trạng: nạn nhân của bạo lực và tổn thương từ quê hương Myanmar; nạn nhân của các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe như bệnh kiết lỵ, đậu mùa; nạn nhân của những tình huống khẩn cấp về khí hậu khi lốc xoáy và gió mùa đổ bộ vào Bangladesh; và giờ đây họ cũng là nạn nhân của đại dịch toàn cầu đang ảnh hưởng đến Bangladesh. Caritas Bangladesh, với sự hỗ trợ của Giáo hội Úc, đang làm việc ở khắp nơi và trong các trại Cox’s Bazar để giáo dục hàng chục ngàn người về phòng ngừa đại dịch, cũng như cung cấp xà phòng và bộ dụng cụ vệ sinh cho hàng ngàn gia đình và lắp đặt các trạm rửa tay ở những nơi công cộng.

Ngọc Yến

(VaticanNews Tiếng Việt 27.08.2020)