Từ ngày 31.08 đến ngày 05.09.2020 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

31.08.2020

THỨ HAI TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 4,16-30

Lời Chúa:

“Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” (Lc 4,29-30)

Câu chuyện minh hoạ:

Một trong những cuốn phim do diễn viên tài ba về kịch câm, Marxel Marxor thủ diễn có kể câu chuyện như sau:

Một thanh niên đang lim dim đôi mắt tận hưởng những giây phút tắm nắng tuyệt vời trong một ngày đẹp trời. Nhưng rồi bỗng nhiên niềm vui của anh bị gián đoạn do tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó, tiếng người qua lại và cả tiếng chim hót. Mọi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó. Tuy nhiên, đối với chàng thanh niên, tất cả đã trở thành cực hình.

Để chống lại sự phiền muộn ấy, anh ta xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh. Mỗi tiếng động vụt tới là mỗi lần anh gắng sức xây, cứ thế mà bức tường lớn dần, cao dần cho đến khi ngưng tất cả mọi tiếng động thì bức tường ấy che mất ánh nắng mặt trời tuyệt vời kia. Bức tường biến thành một chiếc mồ giam chặt, nhốt kín anh vào trong đó.

Suy niệm:

Chàng thanh niên trong câu chuyện trên đây đã tự xây bức tường bảo vệ mình nhưng đã tự nhốt chặt mình. Đó là thái độ của những người ích kỷ, đóng khung mình với thế giới xung quanh, không chịu mở lòng với mọi người và từ đó không còn sức sống nữa.

Những người trong làng quê của Chúa Giêsu đã quá quen với Ngài khi còn thời thơ ấu tại làng Nadareth, giờ đây khi Ngài trở về làng quê họ cũng đóng khung Ngài trong một gia đình con bác thợ mộc nghèo và cũng không có gì đặc biệt, nên những gì Chúa nói họ lắng nghe nhưng rồi lại tìm cách chống đối vì họ chỉ nhìn Chúa với khía cạnh nhân loại. Khi Chúa giảng dạy, họ chú ý lắng nghe, quan tâm đến những gì Chúa nói, nhưng họ không kiên nhẫn đi đến cùng đường với Chúa, họ không chấp nhận Chúa Giêsu vì họ chỉ nhìn Chúa như một con người. Họ quyết định tẩy chay Chúa và không muốn nhìn nhận Chúa nữa. Thế rồi Chúa băng qua giữa họ mà đi, nghĩa là Ngài mạnh mẽ vươn lên trên những chống đối, trở ngại, khước từ… nhưng bình tĩnh bước đi trong chương trình của Chúa. Ngài không ngã lòng, trước những chống đối cản trở đó, chỗ này không đón nhận, Ngài đi nơi khác.

Mỗi chúng ta có thái độ nào trước những lời rao giảng của Chúa? Trong hành trình truyền giáo của chúng ta, chúng ta có nản lòng khi gặp sự chống đối, phản kháng, khước từ không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn vững lòng trong vai trò và sứ vụ của mình và luôn tin rằng có Chúa đồng hành với chúng con trên mọi bước đường.

01.09.2020

THỨ BA TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 4,31-37

Lời Chúa:

“Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất.” (Lc 4,34b)

Câu chuyện minh hoạ:

Nhận thấy rằng rao giảng bằng lời nói suông chưa đủ, Weizemann, thần học gia, mục sư, nhạc sĩ, bác sĩ đã dấn thân phục vụ những người nghèo nhất ở châu Phi. Làm việc không mệt mỏi, trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng Weizemann vẫn không bao giờ mãn nguyện vì những hy sinh của mình. Năm 1952 khi được trao giải Nobel hòa bình, ông đã tuyên bố: “Không ai có quyền tự phụ mình đã phục vụ cho hòa bình quá nhiều, cũng không ai có quyền nói rằng mình đã mãn nguyện.” Gương phục vụ của Weizemann là một cố gắng họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng chỉ bằng lời nói, nhưng luôn kèm theo hành động, gương sáng và cả cái chết nữa.

Suy niệm:

Vai trò của Đức Giêsu là thực hiện lời Thiên Chúa đã hứa với nhân loại, Đấng phải đến để cứu độ con người, Ngài chính là Đấng Mêsia. Do đó, tất cả những phép lạ, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu điều minh chứng về Ngài là Con Thiên Chúa, nên Lời giảng dạy của Chúa Giêsu luôn có sức mạnh và uy quyền, đến nổi khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân.

Ngày nay, vẫn còn những thần ô uế và sự dữ nên chúng ta cần phải đến bên Chúa, không chỉ để chiêm ngưỡng nhưng còn để được Chúa giữ gìn và che chở. Có như thế, chúng ta mới vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa một xã hội có nhiều điều xấu và cả sự dữ. Xin Chúa giúp chúng con biết tránh xa mọi điều nghịch lại Lời Chúa dạy, để chúng con xứng đáng được gọi là người Kitô hữu, là con của Chúa. Amen.

02.09.2020

THỨ TƯ TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 4,38-44

Lời Chúa:

“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43)

Câu chuyện minh hoạ:

Soeur Marie Simon Phêrô, Dòng Tiểu Muội bảo sanh viện tại Pháp Quốc mang bệnh Parkinson, cùng một loại bệnh mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng mắc phải. Soeur đã không đi đứng được, thân mình đau nhức và hai tay bị run đến nỗi không cầm bút được nữa. Mẹ bề trên đề nghị chị hãy cầu nguyện và viết tên của Đức Gioan Phaolô II lên một mãnh giấy, theo bà “vì ngài cũng mắc chứng bệnh Parkinson này, nên Soeur cảm thấy có một mối liên hệ với Ngài”. Soeur đã cố gắng nhưng chữ viết chỉ nguệch ngoạc không đọc được. Các chị em trong dòng “đã cầu nguyện không ngừng” cho Soeur Marie Simon Phêrô qua lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II.

Hai tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II trở về nhà Cha, một buổi sáng chị thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng, đi ra khỏi giường không còn đau đớn. Chị thấy rất nhạc nhiên khi thấy những chữ mình viết ra rất dễ đọc. Buổi sáng hôm sau, Soeur nhảy ra khỏi giường: bệnh Parkinson đã biến mất – một việc kỳ lạ được kiểm chứng và xác nhận bởi một nhóm các bác sĩ y khoa tại địa phương. Soeur Marie Simon Phêrô, bây giờ đang làm việc tại một bệnh xá ở Paris…

Suy niệm:

Tin mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu vào nhà ông Simon và chữa hết cơn sốt cho bà mẹ vợ của ông cùng với những người bệnh được mang tới khi Người rao giảng tại miền Galilê. Người Do Thái không chỉ xem cảm sốt như là một hình phạt của Thiên Chúa, mà thường còn gán cảm sốt cho ma quỷ. Cho nên, bệnh tật được coi như bắt nguồn từ ma quỷ và việc chữa lành bệnh tật cũng được coi như là sự chiến thắng ma quỷ.

Chúa Giêsu ra lệnh cho cơn sốt, cũng như trước đó Người đã trừ quỷ bằng cách truyền lệnh cho ma quỷ “câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Lc 4,35). Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu uy quyền trên sự dữ và giải thoát con người khỏi mọi sự dữ.

Lạy Chúa, xin hãy chữa lành những cơn sốt thể xác và nhất là tâm hồn của chúng con, với những khuynh hướng xấu, các đam mê… nhiều lúc làm cho chúng con mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả. Xin giúp chúng con biết chạy đến Chúa, tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót của Ngài, để được Chúa chữa lành như khi xưa Chúa đã xót thương và chữa lành cho mẹ vợ của thánh Phêrô.

03.09.2020

THỨ NĂM  TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, TsHT

Lc 5,1-11

Lời Chúa:

“Các ông bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu” (Lc 5,11)

Câu chuyện minh hoạ:

Harry là một thiếu niên Canada được ca tụng là anh hùng dân tộc, vì đã biến đau thương và bác ái thành mối lợi cho công ích, đặc biệt là cho những người bất hạnh bị ung thư. Chính Harri cũng bị mắc bệnh ung thư và đã bị cưa một chân. Lúc ấy, ngân quỹ của viện ung thư Canada rất nghèo, dân chúng thì chẳng mấy lưu tâm đến căn bệnh này. Trước nỗi đau khổ ấy, cậu đã tự nguyện làm một cuộc chạy bộ hơn bốn ngàn cây số, nhằm đánh thức lương tâm mọi người và gây quỹ cho việc ung thư.

Hành động của Harry đã gây chú ý và đã thuyết phục được nhiều người. Kết quả là cậu đã dành được hai mươi ba triệu Mỹ kim để bỏ tất cả vào viện ung thư. Nhưng rồi, bệnh tình tái phát và cậu đã sớm qua đời trong sự thương tiếc của mọi người. Chính phủ Canada đã trao tặng Bảo quốc huân chương và ra lệnh treo cờ để tỏ dấu thương tiếc cậu.

Suy niệm:

Tin Mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đến gặp và kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên, trong khi các ông đang làm các công việc thường ngày để kiếm sống, đó là đánh bắt cá. Thế nhưng, họ đã thức suốt đêm đánh bắt mà không được con cá nào. Chúa Giêsu bảo ông Phêrô: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Phêrô tỏ vẻ không tin vào sự thành công, nhưng có lẽ vì nễ lời Chúa Giêsu nên ông mới thả lưới.

Một mẻ lưới nhiều cá hơn những gì các ông tưởng tượng, nhờ đó làm cho Phêrô và mọi người trong thuyền phải kinh ngac và khám phá ra quyền năng của Chúa Giêsu, đồng thời cũng nhìn nhận sự kém lòng tin, nhìn nhận con người tội lỗi của mình. Chúa Giêsu đã không trách các ông nhưng còn mời gọi các ông theo Chúa, làm môn đệ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con theo Chúa, để phục vụ anh em. Thế nhưng, có khi chúng con sống không chu toàn sứ mạng ấy. Xin Chúa tha thứ cho sự bất toàn và mở rộng tâm hồn của chúng con, giúp chúng con can đảm vững tin vào Chúa, để theo Chúa và làm chứng cho Chúa. Amen.

04.09.2020

THỨ SÁU TUẦN 22 TN

Lc 5,33-39

Lời Chúa:

“Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, khách dự tiệc mới ăn chay” (Lc 5,35).

Câu chuyện minh hoạ:

Một phụ nữ bước vào nhà băng để xin đổi tiền từ một tấm séc.

Viện dẫn qui định của nhà băng, anh nhân viên ở quầy yêu cầu người phụ nữ xuất trình thẻ căn cước.

Người phụ nữ há hóc miệng, kinh ngạc. Cuối cùng, chị cũng thốt ra được mấy tiếng: “Nhưng Jonathan, má là má của con mà!”

Suy niệm:

Lời Chúa hôm nay nói đến những người kinh sư và biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện. Theo quan niệm Do Thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, những người Biệt Phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách họ.

Chúa Giêsu đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do Thái để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Lc 5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận ra rằng: Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần phải mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm vui, nên con người không còn phải chay tịnh với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có Chúa trong  đời. Để đời sống của chúng con không chỉ có niềm vui, mà còn là dấu chỉ mang Tin Vui của Chúa đến với những ai chúng con gặp gỡ. Amen.

05.09.2020

THỨ BẢY TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 6,1-5

Lời Chúa:

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát” (Lc 6,1-5)

Câu chuyện minh hoạ:

Có người kia lúc sinh thời rất tự hào về đời sống luân lý, liêm sỉ, chính trực của mình. Rồi một hôm ông bị bệnh nặng và qua đời, linh hồn ông bay thẳng đến trước cửa Thiên đàng và xin được trình diện trước tòa Chúa.

Tới nơi ông phủ phục và thưa: “Lạy Chúa, Chúa quá biết rõ đời con, suốt đời con luôn trung thành tuân giữ luật Chúa, không hề bỏ sót hoặc lỗi phạm điều gì bất lương bất chính cả. Này đây con xin Chúa thương nhìn xem bàn tay trong trắng của con”.

Thiên Chúa nhân từ nhìn ông và nói: “Con ơi, con nói đúng, hai bàn tay con trong sạch, không vướng mắc tội gì cả. Nhưng đáng tiếc con chỉ có hai bàn tay trắng, không chút việc lành phúc đức nào cả”.

Suy niệm:

Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc tranh luận của người Pharisêu với Chúa Giêsu về luật ngày Sabat. Ta thấy có hai quan niệm khác nhau về cách thức giữ luật:

Đối với người Pharisêu, họ chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày Sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án.

Đối với Chúa Giêsu hiểu luật Sabát là nhằm giải phóng con người, nên trách người Pharisêu giữ luật cách hình thức bên ngoài mà thiếu đi ý nghĩa bên trong của luật, đó là vì tình yêu.

Thật thế, “con người làm chủ ngày Sabát” (Lc 6,5). Hay nói đúng hơn, lề luật vì con người chứ con người không vì lề luật. Đó là ý nghĩa luật pháp mà Chúa Giêsu muốn cho người Pharisêu hiểu và sống đúng với tinh thần ấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có lòng yêu mến Chúa thật sự, để chúng con giữ luật Chúa không chỉ vì luật mà vì lòng mến Chúa và tha nhân. Amen.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho