Tòa Thánh mong đợi Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện có hiệu lực

Tại cuộc họp trực tuyến của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào ngày 26/8, kỷ niệm và quảng bá Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân, đại diện Tòa Thánh, Đức ông Frederik Hansen tuyên bố: Tòa Thánh sẵn sàng hỗ trợ mọi nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện, được ký kết năm 1996, có hiệu lực.


Vụ nổ liên quan đến các vụ thử hạt nhân

Đức ông Hansen khẳng định: “Đã 3/4 thế kỷ trôi qua kể từ khi vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên được thực hiện trên sa mạc New Mexico ở Hoa Kỳ. Kể từ đó, hơn 2.000 cuộc thử nghiệm đã được thực hiện. Các cuộc thử nghiệm hạt nhân hủy hoại môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của những người ở gần các địa điểm thử nghiệm hoặc tiếp xúc với phóng xạ lan rộng trong không khí theo hướng gió. Mọi người hy vọng vụ thử hạt nhân ba năm trước là lần cuối cùng được tiến hành”.

Đức ông giải thích, vì lý do này, điều cần thiết là Ủy ban Chuẩn bị của Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện phải làm việc cùng với 8 Quốc gia có sự phê chuẩn để hiệp ước có hiệu lực. Và các Quốc gia này phải tin rằng an ninh quốc gia và quốc tế sẽ chỉ được củng cố khi Hiệp ước có hiệu lực.

Đức ông nói thêm: “Trên thực tế, các vụ thử hạt nhân tiếp theo sẽ chỉ làm suy giảm an ninh toàn cầu, hòa bình và ổn định của tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc và các dân tộc mà họ đại diện. Do đó, Hiệp ước là một bước cơ bản để tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Năm nay, kỷ niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử, nhân dịp này, Đức ông Hansen đã mời gọi các thành viên của Liên Hiệp Quốc đòi lại quyền sở hữu tinh thần của tổ chức. Vì với quyền này Liên Hiệp Quốc được thành lập. Đức ông còn mời gọi mọi người cùng hợp tác để tất cả cùng đạt tới “không chỉ nghĩa vụ vĩnh viễn và ràng buộc không bao giờ thử vũ khí hạt nhân nữa, mà còn là mục tiêu của một thế giới không có vũ khí hạt nhân: một mục tiêu càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch toàn cầu”. Thật vậy, với hoàn cảnh thế giới hiện nay, nhiều người đang phải đấu tranh để sống còn, càng làm nổi bật sự vô lý của việc sử dụng các nguồn lực quý giá để bảo trì vũ khí hủy diệt.

Trích lời của Đức Thánh Cha tuyên bố trong chuyến thăm Hiroshima vào tháng 11 năm ngoái, Đức ông Hansen nhắc lại rằng: “Ngày nay hơn bao giờ hết, việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là một tội ác không chỉ chống lại phẩm giá con người, mà còn chống lại bất kỳ tương lai nào có thể xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta, và việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh cũng như sở hữu vũ khí hạt nhân là phi đạo đức”. (CSR_6191_2020)

Ngọc Yến

(VaticanNews Tiếng Việt 28.08.2020)