Trong những ngày vừa qua, Caritas Quốc tế tổ chức một hội thảo trên web về chủ đề “Fratelli tutti-Tất cả anh em”, nhằm đào sâu những ích lợi của thông điệp cho hoạt động của tổ chức bác ái này. Mục đích của hội thảo trên web là khám phá thông điệp của Đức Thánh Cha để tài liệu có thể trở thành một hiện thực cụ thể cho các cộng đoàn trên toàn thế giới.
ĐHY Tagle và ĐTC Phanxicô
Phát biểu tại hội thảo, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, chủ tịch Caritas Quốc tế, khuyến khích mọi người đọc toàn thông điệp, bởi vì, theo Đức Hồng y, “Đức Thánh Cha Phanxicô đưa một số ý tưởng trước đây của ngài vào một tổng hợp mới như một đáp ứng với các điều kiện hiện tại của một thế giới khép kín. Khi làm điều này, Đức Thánh luôn kín múc từ truyền thống Kinh Thánh của Giáo hội và giáo huấn luân lý và xã hội của Giáo hội”.
Tiếp theo, Đức Hồng y suy tư về “những dấu hiệu rất đáng buồn của tình trạng thiếu tình thương” mà thế giới của chúng ta đang phải gánh chịu: Chúng ta có thể thấy rằng có nhiều biểu hiện rõ ràng là thế giới đang tự đóng mình lại. Và chính trong thế giới khép kín này, tất cả chúng ta đều đau khổ, nhưng người nghèo khổ nhất vì bị bỏ rơi, bị lãng quên. Mỗi chúng ta phải ghê tởm hậu quả của một thế giới sống khép kín, vì đây là những hệ quả ảnh hưởng đến con người, tương lai và tạo vật.
Đức Hồng y đề cập đến hai khía cạnh chính trong thông điệp. Đầu tiên là tình yêu phổ quát. Chủ tịch Caritas Quốc tế giải thích rằng trong thông điệp, hình ảnh của bác ái là hình ảnh của tình yêu phổ quát. Đây là tình yêu mà Chúa Giêsu thể hiện. Ngài yêu thương tất cả mọi người, đặc biệt là những người mà xã hội coi là không được yêu thương, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu cho chúng ta một bài học về tình yêu mang tính phổ quát này.
Điểm thứ hai được Đức Hồng y nhấn mạnh là văn hóa gặp gỡ: Tình yêu phổ quát có thể dễ dàng biến thành một khẩu hiệu, tính phổ quát chỉ có thể trở thành hiện thực nếu đi cùng với sự gặp gỡ và cụ thể. Đức Thánh Cha thường lặp lại rằng nếu một người tham gia vào cuộc đối thoại, cần phải biết căn tính của mình để không phủ nhận nó. Tương tự như vậy, mỗi quốc gia đều có quyền đối với hệ thống chính trị của mình, nhưng chính trị quốc gia phải dẫn đến bác ái chính trị quốc tế. Đức Hồng y bày tỏ hy vọng “thông qua một nền văn hóa gặp gỡ, con người có thể tìm ra một cách tốt hơn để làm chính trị, kinh tế một cách tốt hơn, để thiết lập tình bạn và giải quyết xung đột.
Cuối cùng, Đức Hồng y Tagle lưu ý một số bài học mà Caritas có thể học hỏi từ thông điệp, trong đó có sự tham gia cùng Đức Thánh Cha trong sự nhạy cảm với những dấu hiệu đóng kín cõi lòng, đôi tay, khối óc và các vùng lãnh thổ và nền văn hoá. Đức Hồng y kết luận rằng những dấu hiệu này rất tinh tế, nhưng thông điệp đòi hỏi chúng ta mở rộng đôi mắt, nhạy cảm và phân định trước những đe dọa đối với sự cởi mở toàn cầu.
Ngọc Yến
(vaticannews.va 13.11.2020)