Gioan Lê Quang Vinh
WHĐ (20.11.2020) – Trong những ngày cuối năm phụng vụ và bước vào năm phụng vụ mới, hình ảnh Đức Maria xuất hiện khá rõ nét qua những bài Tin Mừng và qua những ngày Lễ kính Mẹ rất ý nghĩa: Lễ Đức Mẹ Dâng Mình ngày 21 tháng 11 và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8 tháng 12. Trong dịp này, chúng ta cùng gợi lại chỉ hai nét về Mẹ được huấn quyền Hội Thánh đề cao.
- Đức Maria là môn đệ đầu tiên của Đức Kitô.
Tông huấn Catechesi Tradendae (Việc Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta) của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi Đức Maria là “môn đệ đầu tiên của Chúa”. Mẹ là môn đệ đầu tiên trong thời gian “bởi vì ngay cả khi Mẹ tìm thấy Người Con còn niên thiếu của Mẹ trong đền thờ, thì Mẹ đã học được nơi Người bài học mà Mẹ giữ kín trong lòng” (Số 73). Mẹ là môn đệ đầu tiên trên những người khác, “vì không ai đã ‘được Thiên Chúa dạy’ ở một chiều sâu như thế” (Số 73). Mẹ là môn đệ đầu tiên cho dù “Chúa Giêsu ngồi trong lòng Mẹ, và sau này khi Người nghe lời Mẹ trong suốt đời ẩn dật tại Nazareth, người Con này, là “Con Một từ Chúa Cha”, “đầy ân sủng và chân lý”, được Mẹ đào luyện kiến thức nhân loại về Thánh Kinh và lịch sử của chương trình Thiên Chúa dành cho dân Ngài, và trong sự tôn thờ Đức Chúa Cha.” Không chỉ Đức Maria “vừa là Mẹ vừa là môn đệ” như Thánh Augustinô đã nói về Mẹ, mà Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn nói thêm rằng đối với Mẹ, “việc làm môn đệ của Mẹ quan trọng hơn làm Mẹ.”
Thiết tưởng những lời súc tích của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói lên tất cả tầm quan trọng của chức vị “môn đệ Chúa Giêsu”. Môn đệ Chúa Giêsu là những người đi theo Người: “Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,17-18). Đi theo Người là từ bỏ tất cả và bước theo. Nhưng như thế chưa đủ, người môn đệ thật sự của Đức Kitô phải là người “vác thập giá mình mà đi theo” (Lc 9,23).
Đức Maria, Mẹ chúng ta, không chỉ từ bỏ mọi sự Mẹ có, mà còn từ bỏ chính ý riêng, cùng những dự phóng cho cuộc đời của Mẹ, để thực hiện một cuộc mạo hiểm với lòng tin vào Đấng đã gọi Mẹ. Trên con đường đi theo Chúa, Mẹ đã gánh vác không biết bao nhiêu là thánh giá. Con số 7 sự thương khó là con số tượng trưng, diễn tả biết bao đau khổ mà Mẹ đã vui lòng đón nhận vì yêu mến Đấng đã chọn gọi Mẹ.
Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống” viết: “Chắc chắn Mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy không phải là thứ khó khăn bởi sự hèn nhát làm người ta tê liệt vì mọi sự không rõ ràng hoặc không được bảo đảm trước. Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ! Mẹ đã mạo hiểm và vì thế Mẹ trở nên mạnh mẽ” (CKĐS số 44). Tông huấn miêu tả thái độ môn đệ của Mẹ với những lời lẽ rất đẹp: “Đó là người phụ nữ ân cần, mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình, chẳng bận tâm về các kế hoạch của mình, nhưng “vội vã” ra đi đến miền đồi núi (Lc 1,39).” (CKĐS số 46)
- Đức Maria là ngôi sao của công cuộc Tân Phúc Âm hóa.
Bởi vì Mẹ là môn đệ đầu tiên và ưu tuyển của Chúa, nên Mẹ cũng là một ngôi sao sáng. Tông huấn Gaudium Evangelii (Niềm Vui của Tin Mừng) dạy cho chúng ta “Đức Maria là ngôi sao của công cuộc Tân Phúc Âm hóa.” Từ số 287, Tông huấn quảng diễn hình ảnh Ngôi sao này.
Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (giáo phận Đà Nẵng), cách đây mấy năm, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã giảng đại ý như sau: Trong lãnh vực điện ảnh nghệ thuật, người ta hay nói đến những ngôi sao. Trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, Mẹ Maria của chúng ta là ngôi sao. Mẹ không chỉ là “ngôi sao nổi bật”, mà Mẹ còn là ngôi sao chỉ đường cho mỗi người môn đệ đang cùng Mẹ dấn bước theo Chúa Giêsu là con của Mẹ.
Mẹ là ngôi sao bởi vì Mẹ có một “phong cách” nổi bật mà mọi người phải dõi theo và bắt chước. Tông huấn Gaudium Evangelii viết: “Công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh có một phong cách “Maria”. Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng. Nơi Mẹ ta thấy rằng lòng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của kẻ những kẻ yếu đuối, nhưng của những người mạnh không cư xử tồi tệ với người khác để cảm thấy mình là quan trọng.”
Tác giả Richard Hinckley Allen trong cuốn Star Names and Their Meanings viết rằng “Stella Maris “sao biển” là tên của chòm sao Polaris hay sao Bắc Đẩu (còn được gọi là “kim chỉ nam”, “sao của con tàu”, “ngôi sao dẫn đường”, vv). Ngôi sao này đã được biết đến như một dấu hiệu chỉ đường từ thời cổ đại. Tên này được áp dụng cho Maria là do Thánh Giêrônimô dịch sang tiếng La tinh cuốn Onomasticon của Eusebius thành Caesarea”.
Thánh Paschasius Radbertus vào thế kỷ thứ chín đã viết về Đức Maria Sao Biển, như một sự dẫn đường để đến với Chúa Kitô “vì sợ chúng ta bị ngã nhào giữa sóng gió biển khơi”. Tại thời điểm này bài thánh ca “Ave Maris Stella “(“Kính chào Mẹ Sao biển”) cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Trong thế kỷ thứ 12, Thánh Tôma Aquinô (Aquinas) nói: “Maria nghĩa là Sao Biển vì những người đi biển được Sao Biển hướng dẫn về bến bờ như thế nào thì Kitô hữu cũng đạt đến vinh quang nhờ sự can thiệp từ mẫu của Đức Maria như vậy”.
Giáo hội của Chúa Kitô không phải là Giáo hội dừng chân nơi trần thế này, mà là một Giáo hội lữ hành. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng “Cuộc lữ hành là hành trình con người tìm kiếm Thiên Chúa ngay trong đời sống trên trần thế, mà đích điểm là chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống” (x GLHTCG 1013).
Từ Điển Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xác định “Cuộc lữ hành còn được hiểu như một cuộc hành hương”. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 2691 dạy: “Đời sống trần gian là cuộc hành hương về Nước Trời”.
Điều tuyệt diệu là trong cuộc hành hương ấy, chúng ta có Mẹ là Ngôi sao dẫn đường. Người tín hữu đi tìm Chúa, bước theo Chúa thì đồng thời cũng loan báo Tin Mừng, bởi vì Hội Thánh dạy rằng “Bản chất Giáo hội là truyền giáo” (x. Ad Gentes 2).
Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuốn sách “Không có Người chúng ta không thể làm được việc gì” được biên tập bởi nhà sách Vatican và nhà xuất bản thánh Phao-lô, đã khẳng định rằng “Giáo hội hoặc là loan báo Tin Mừng hoặc là không còn là Giáo hội”.
Và trong công cuộc loan báo Tin Mừng “tự bản chất” ấy, Giáo hội có Mẹ là ngôi sao sáng, để tất cả con cái Mẹ an tâm hướng theo và tin tưởng rằng mình không lạc lối.
Thay lời kết
Xin được kết thúc bài viết ngắn này với lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống (số 48). Chúng ta cùng suy ngẫm từng lời để ngày càng gắn bó với Mẹ và nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu (Ad Jesum per Mariam):
“Ngày nay, Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta, những người con của Mẹ; trên hành trình cuộc đời chúng ta thường gặp mệt mỏi và thiếu thốn, nhưng mong sao ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Đó là điều chúng ta mong ước: ánh sáng hy vọng sẽ không tàn lụi. Mẹ của chúng ta đoái nhìn đoàn dân lữ hành này, một dân gồm những người trẻ mà Mẹ yêu thương, một dân kiếm tìm Mẹ trong cõi lặng của tâm hồn, ngay cả khi trong cuộc hành trình có nhiều ồn ào, nhiều huyên náo và phân tâm. Nhưng dưới ánh nhìn của Mẹ, chỉ còn sự thinh lặng chất đầy hy vọng. Thế nên Đức Maria soi sáng tuổi trẻ của chúng ta luôn mãi.”