TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HÀ TĨNH
Thạch Trung, Tp. Hà lĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Website: http://giaophanhatinh.com
Email: vanphongtgm@giaophanhatinh.com
Phone: (+84) 865 165 167
Số 26/2021/T-GM
Văn Hạnh, ngày 20 tháng 7 năm 2021
Thư ngỏ gửi các ông, bà của các gia đình trong Giáo phận
Kính thưa quý ông quý bà,
Chúa Nhật tuần XVII Thường Niên năm nay, ngày 25 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định là ngày thế giới của các ông bà và người cao tuổi, lần đầu tiên được cử hành với chủ đề “Thầy ở cùng các con mọi ngày” (x. Mt 28,20). Đó là lời hứa Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người trước khi lên trời, nhưng cũng là lời hứa của Người với chúng ta ngày nay, với các ông bà nội ngoại trong các gia đình, những người cao niên, và cả với tôi nữa. cả Hội Thánh hướng về chúng ta đặc biệt trong ngày hôm nay. Mọi người quan tâm đến ông, bà, không muốn để ai phải cô đơn, bị cách li.
Chúng ta đang sống trong một thời kì rất khó khăn vì đại dịch. Cơn bão đại dịch dữ dội đã bất ngờ ập tới tàn phá thế giới gần hai năm qua. Những ngày này, các tỉnh thành miền Nam đất nước chúng ta, nhất là thành phố Sài Gòn hoa lệ, trở nên vắng vẻ đìu hiu. Những người nghèo xa quê phải chịu đựng thiếu thốn thực phẩm, không một mái nhà, da diết nhớ thương mái ấm quê hương mà mình không thể về đoàn tụ. Trong số đó có chính chúng ta, những người ông, người bà nhớ thương con cháu phải đi làm ăn xa quê, những người già đơn thân lây lất ở những phòng trọ, hay ngoài hè phố, những người phải sống cách li trong những điều kiện tồi tàn, những người đang mắc bệnh và nhiều người qua đời, từ giã cõi tạm này cách đơn độc không người thân gần gũi, hoặc chứng kiến người bạn đời hay người thân yêu ra đi vì bệnh dịch.
Chúa biết mỗi người chúng ta đang trong cảnh ngộ đau đớn buồn khổ này. Người ờ kề bên những ai đang chịu đau khổ vì phải bị cách li trong cô đơn. Đức Giáo hoàng đã chia sẻ rằng, theo một truyền thống, chính thánh Gioakim, ông ngoại của Chúa Giêsu, cũng bị loại trừ khỏi cộng đồng vì ông bà không có con. Cuộc đời ông bà bị xem là vô dụng. Nhưng Chúa đã sai một thiên thần đến an ủi. Khi ông đang đứng buồn bã ở cổng thành, sứ giả của Chúa hiện ra với ông nói “Gioakim, Gioakim! Đức Chúa đã nhậm lời ông cầu nguyện liên lĩ’ (Phúc âm ngụy thư Giacôbê).
Quả thật, kính thưa quý ông bà, ngay cả trong những ngày đen tối nhất, nhưng những tháng ngày đại dịch này, Chúa vẫn tiếp tục gửi các thiên thần đến để an ủi chúng ta và Người nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày”. Người nói với tôi, Người nói với ông, bà và với mọi người chúng ta! Tôi nghĩ đến những con người thiện nguyện chia sẻ công của cho chúng ta: những bó rau, củ quả, gạo mì… những chuyến xe Bắc-Nam, Nam-Bắc, từ tỉnh lên thành phố, đi qua bão táp đại dịch đầy tình người, những dòng chảy âm thầm của hi sinh sẻ chia của anh chị em ở xa nhớ đến quê nhà. Đó là ý nghĩa của Ngày hôm nay mà Đức Thánh cha muốn mọi người cử hành lần đầu tiên trong lịch sử, sau một thời gian dài bị cô lập, các cộng đồng xã hội bị giãn cách, nơi này nơi kia đang có những dấu hiệu hi vọng được dần hồi sinh. Ước gì mỗi người ông, người bà, người già, nhất là những người đơn thân, bệnh tật, bị cách li xa cộng đồng, gia đình con cháu, được một thiên thần như thế viếng thăm!
Chúa cũng gửi đến với chúng ta những sứ giả mang Lời của Chúa. Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một đoạn Phúc Âm, thánh vịnh, các tiên trì. Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta hiếu Chúa đang đợi chờ chúng ta. Người gửi các người thợ làm vườn nho của Người ở mọi giờ khắc trong ngày làm việc (x. Mt 20,1-6), mọi thời điểm trong cuộc đời. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ “Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy anh em” (Mt 28,19-20). Chúa cũng truyền lệnh đó cho chúng ta ngày nay nữa. Đối với những người cao niên như chúng ta, những lời ấy cho ta hiểu rằng ơn gọi của chúng ta là gìn giữ cội rễ, thông truyền đức tin cho người trẻ và chăm lo giáo dục cháu chắt trẻ nhỏ.
Ông, bà, anh chị dù ở tuổi nào, còn làm việc hay nghỉ hưu, đang sống một thân một mình hay với gia đình con cháu, đã làm ông làm bà hay chưa, đang tự đảm đương cuộc sống mình hay phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, điều đó không quan trọng, vì không hề có tuổi nghỉ hưu đối với sứ vụ Loan báo Tin Mừng và việc thông truyền đức tin truyền thống cho các con cháu. Chúng ta vẫn phải lên đường và nhất là, đi ra khỏi bản thân mình để đảm nhận một cái gì đó mới mẻ. Thật đẹp trong cảnh mùa hè, ông bà hiện diện bên cháu chắt để kể chuyện Kinh Thánh xưa nay. Thật đẹp việc một linh mục già mắc covid nhường máy thở cho một bệnh nhân khác đang cần kíp vì tình trạng nghiêm trọng hơn. Thật đẹp cảnh bà cụ già 90 tuổi ngày ngày hiện diện trước bàn thờ Chúa lần hạt Mân côi, nguyện hết chuỗi này đến chuỗi khác cầu cho con cháu và cho mọi người trong cơn hoạn nạn đại dịch này. Tất cả mọi người chúng ta, không phân biệt già hay trẻ, giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay bệnh tật, đều cần nhau, chúng ta nợ nhau trong ân tình và tín nghĩa. Không ai được cứu rỗi một mình. Tất cả chúng ta là con nợ của nhau và là anh chị em của nhau, như lời Đức Giáo hoàng đã nói (x. Fratelli tutti, 35).
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta góp phần xây dựng thế giới này, một thế giới cần hồi phục vì bị nhiều thương tổn, dựa trên ba cột trụ sau đây: ước mơ, kí ức và cầu nguyện. Chúa ở cùng chúng ta sẽ ban cho ta sức mạnh để đảm nhận con đường mới, ngay cả những người yếu đuối nhất.
Chúa đã hứa qua tiên tri Gioel xưa rằng: “Ta sẽ đổ Thần Khí To trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các người sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (Ge 3,1). Giấc mộng của người già bơm sức mạnh tình yêu cho người trẻ thực hiện tiếp tục. Kí ức kinh nghiệm của người già đi qua chiến tranh làm bài học khôn ngoan của lịch sử dạy dỗ người trẻ biết quý trọng hòa bình. Làm kí ức và thông truyền cho nhân loại thế hệ mới qua con cháu là sứ mạng của người cao niên, của ông bà trong gia đình. Kí ức giúp xây dựng một thế giới nhân văn và hiếu khách hơn. Không kí ức, không thể có xây dựng. Không nền móng, chúng ta không bao giờ xây được nhà. Và sau cùng, lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể giữ gìn thế giới, có lẽ còn giúp đắc lực hơn những hành vi vọng động mà vô nghĩa hoặc có tính hủy diệt của nhiều người. Lời cầu nguyện của ông, bà, là nguồn mạch vô cùng quí giá, là lá phổi mà Giáo hội và nhân loại cần để thở. Nhất là lúc này, nhân loại, đất nước chúng ta đang trên cùng một con thuyền đi qua bão tố, sóng gào gió thét của đại dịch, lời cầu nguyện của ông bà cho thế giới, cho Giáo hội không vô ích, nhưng là bản chỉ đường cho mọi người thấy đâu là bến bình yên chúng ta tin tưởng đến neo đậu.
Kính thưa quý ông bà,
Kết thúc thư này tôi xin nói lại lời của Đức Thánh Cha nhắn nhủ hãy theo gương của chân phước Charles Foucauld (sắp được tuyên thánh). Người đã sống như ẩn sĩ trong sa mạc nước Angêri, là chứng tá của một con người “khát khao cảm thấy mọi người đều là anh em” (Fratelli tutti, 287). Hạnh của Người cho thấy ngay cả khi sống trong cô tịch nơi hoang mạc, chúng ta cũng có thể khẩn cầu cho những người nghèo trên toàn thế giới và thực sự trở thành là anh chị em với mọi người.
Theo gương chân phước tôi cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở rộng con tim, mẫn cảm với những người đau khổ và khẩn cầu cho họ. Xin qúy ông bà chúng ta hãy cùng học biết nói lại với con cái cháu chắt, nhất là với những người trẻ, những lời động viên: “Thầy ở cùng các con mọi ngày” ! Xin Chúa chúc lành cho quý ông bà anh chị em.
Thân ái trong Chúa Kitô!
(đã ấn ký)
Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: giaophanhatinh.net