Tại sao người Do Thái và người Samari bất hòa với nhau?

Luôn cần đến một bối cảnh để hiểu được tại sao người ta lại khinh miệt kẻ khác.

Khi trở thành kẻ thù, hiếm khi chúng ta có suy nghĩ chín chắn. Chúng ta thường đáp lại bằng cảm xúc và phản ứng. Nếu họ có làm điều gì, chúng ta cũng chống lại họ. Họ có nói gì đi nữa cũng là nói sai. Mọi thứ họ mong muốn đều xấu xa. Cần phải ngăn chặn bất kỳ điều gì họ đang thực hiện.

Chúng ta dùng thái độ này đối với những kẻ địch của đất nước mình, cũng như với những người cạnh tranh tại nơi làm việc, những đối thủ chính trị, những người hàng xóm khó chịu, và cả những thành viên gia đình chèn ép chúng ta. Những kẻ này không đủ khả năng để làm điều gì đó tốt đẹp. Mọi thứ sẽ được cải thiện nếu họ biến mất lập tức.

Vào thời Kinh thánh, tư tưởng này gần như tóm lược mối quan hệ giữa người Do Thái và người Samari. Tình trạng căng thẳng giữa những nhóm người này quá phổ biến trong cả hai Giao ước đến nỗi khiến chúng ta không còn đặt câu hỏi: Chuyện gì xảy ra với người Samari? Tại sao họ bị ghét như vậy?

Luôn cần đến một bối cảnh để hiểu được tại sao người ta lại khinh miệt kẻ khác. Từ thời dân Israel tiến vào Canaan cho đến thế hệ Đức Giêsu, chuỗi sự kiện trong Kinh thánh tập trung vào mẩu chuyện về các chi tộc sinh sống ở dải đất kéo dài từ Galilê đến Biển Chết. Chúng ta gọi vùng đất này là Israel và ngỡ rằng 12 chi tộc gắn kết trong quan hệ huyết thống và sự trung thành – nhưng hãy rút lại quan điểm này.

Saul, vị vua đầu tiên của Israel, chỉ cai trị trên một số người. Đavít, người kế vị ông, đã đưa toàn bộ các chi tộc về dưới quyền mình. Salomon, con của Đavít, bất lực trong việc gìn giữ sự thống nhất. Khi Salomon qua đời vào năm 930 TCN, vương quốc chia cắt thành vùng Israel rộng lớn miền bắc và vùng Giuđa nhỏ bé ở phương nam. Miền bắc lấy Samari làm kinh đô của mình. Còn các vua của phương nam vẫn giữ lại kinh đô của Đavít tại Giêrusalem.

Như học giả Raymond Brown lưu ý, khoảng cách giữa Samari và Giêrusalem là 35 dặm – gần hơn khoảng cách giữa hai bang dùng chung một sân bay là Baltimore và Washington. Nhưng lân cận không hề đồng nghĩa với giao hảo.

Sau cùng, Samari trở thành tiêu ngữ để chỉ toàn bộ miền đất phía bắc. Tuy nhiên, cả thành phố và vùng đất được biết đến như là Samari đều không biểu thị cho lãnh thổ của “người Samari”. Họ xuất hiện sau này. Vào lúc ấy, những cuộc chạm trán xảy ra giữa hai miền bắc nam trong khoảng 200 năm, với các giai đoạn hợp tác ngắn ngủi.

Hãy nhớ rằng những người ở cả hai bên biên giới đều tuyên bố Abraham là cha và Môsê là nhà giải phóng của mình. Tất cả họ đều thờ phượng Thiên Chúa của Giacóp. Tất cả họ là con cái nhà Israel. Thuở ban đầu, những khác biệt giữa họ chỉ mang tính chính trị. Nhưng rồi chúng lại trở thành vấn đề văn hóa, vì thời gian phân ly khiến hai vương quốc ngày càng xa cách nhau.

Trở lại thời điểm Israel còn là một quốc gia thống nhất, Vua Đavít đã thiết lập Giêrusalam làm trung tâm chính trị và văn hóa. Salomon đã xây dựng Đền thờ tráng lệ ở đây. Sau khi vương quốc chia cắt, Giuđa vẫn còn Đền thờ. Vậy lúc này, các chi tộc Israel ở phương bắc sẽ thờ phượng tại đâu?

Vị vua đầu tiên của họ, Giêrôbôam, đã thiết lập các trung tâm thờ phượng tại Bethel và Đan với một con bê vàng lộng lẫy ở mỗi địa điểm. Con bê tượng trưng cho vị trí của Thiên Chúa – được hiểu tương đương với nơi đặt hòm bia giao ước tại Giêrusalem. Dĩ nhiên, con bê cũng nhắc nhớ chúng ta về câu chuyện thờ ngẫu tượng rất đáng tiếc trong sách Xuất hành. Tất nhiên những người Giuđa buộc tội những người phương bắc vì việc thờ tượng vàng. Trong thực tế, chẳng có điều gì tốt đẹp để những người Giuđa nói về các dân miền bắc, và vì người Giuđa viết ra phần lớn cuốn Kinh thánh mà chúng ta có, nên thật khó để biết liệu những chỉ trích của họ chính xác hay phóng đại. Đây là vấn đề của việc có kẻ thù: Sau một thời gian, thật khó để biết đâu là điều chiếm ưu thế giữa những mục tiêu khách quan và sự thù ghét.

Hãy đến với câu chuyện về đế chế Assyria tàn bạo. Chúng ta có thể tin vào đặc tính này, vì các ghi chép lịch sử thời kỳ này trình bày chi tiết những hành vi độc ác của người Assyria. Vào khoảng năm 722 TCN, Assyria thôn tính vương quốc Israel phương bắc, trục xuất 27.290 người từ Samari đến những nơi xa xôi. “Mười chi tộc thất lạc nhà Israel” chính thức bị lạc mất ở đây khi các chi tộc phương bắc phân tán. Tại quê nhà họ, Assyria gieo mầm lãnh thổ bằng những người Babylon và các dân vùng Lưỡng Hà khác. Những người Assyria bẻ gãy ý chí của các nhóm người bị chinh phục theo cách này, xóa bỏ căn tính, văn hóa và tôn giáo của họ.

Còn ở phương nam, nhà Giuđa chứng kiến địch thủ phương bắc bị tàn phá – nên nhớ, Giêrusalem chỉ cách đó 35 dặm. Chẳng có nhiều thời gian thanh thản để hả hê. Một thế kỷ sau, sức mạnh của Assyria suy yếu, và Babylon bước lên vị trí siêu cường mới trong khu vực. Năm 587 TCN, Babylon đè bẹp Giêrusalem, đưa tất cả những người giỏi nhất đi lưu đày.

Vậy điều gì xảy ra trong khi những người Giuđa còn đang lưu đày? Người khác đến cư trú. Giêrusalem là một đống đổ nát, chắc chắn, nhưng vẫn còn nhiều nơi hữu dụng nằm xung quanh. Khi những người Giuđa ở Babylon rốt cuộc cũng được tự do nhờ người Ba Tư vào năm 538 TCN, họ vẫn quan tâm đến Giêrusalem và trở về để tìm kiếm những người còn sót lại trong vùng. Họ khinh miệt “những người Samari” ở đây. Điều tồi tệ hơn nữa là những người trở về từ cuộc lưu đày chịu phụ thuộc bởi lãnh địa của người Ba Tư ở Samari lúc bấy giờ. Việc tranh giành quyền hành giữa Giuđa và Samari lại xuất hiện.

Một số học giả cho rằng những người Samari có lẽ là những người Israel đến từ xứ Samari, tản ra khắp lãnh thổ khi những người Giuđa vắng mặt. Một số lại cho rằng những người Samari không phải là dân Israel nhưng là hậu duệ của các sắc dân vùng Lưỡng Hà – những người ngoại quốc – do Assyria gieo rắc lên xứ sở. Những người khác mô tả những người Samari như hậu duệ của người Giuđa không bị lưu đày với những người còn lại – vì họ đã chạy trốn rồi quay về khi nguy hiểm qua đi. Hoặc bởi vì họ không có đủ kỹ năng hay học vấn để Babylon sử dụng, và do đó bị bỏ lại. Trong bất kỳ trường hợp nào, những người không bị lưu đày đã không chịu nỗi đau khổ của họ hàng và không đáng được xem như một phần trong số họ.

Điều chắc chắn là “những người ở xứ sở này” rất kỳ quặc. Họ không cử hành đúng các nghi lễ tôn giáo và có đủ thứ ý tưởng không thích hợp về Thiên Chúa. Những người Samari xem núi Garizim phương bắc thánh thiêng hơn núi Sion ở Giêrusalem. Họ chỉ thừa nhận Ngũ thư của Môsê – từ Sáng thế đến Đệ nhị luật – như là kinh thánh của họ. Những người hồi hương từ Babylon đã soạn tác các sách lịch sử và sưu tập các sách ngôn sứ để thêm vào sách thánh của mình. Một số các ngôn sứ – Amos, Isaia, Hôsê, Edêkien và Mica – chẳng có lời nào tốt lành về dân gốc Samari.

Những người lãnh đạo Giuđa cũng đã cố gắng giải quyết xung đột. Tư tế Étra nghĩ rằng có thể hòa giải hai nhóm người này. Nhưng thống đốc Giơrúpbaben lại tiếp cận theo lối phân biệt chủng tộc: Máu của chúng không tinh sạch. Chúng đơn giản “không phải là chúng ta”. Tranh cãi bằng lời nói dẫn tới sự xúc phạm, sự xúc phạm lại dẫn tới bạo lực.

Hai nhóm người chia rẽ. Những người Samari tập trung lại ở khu vực phía bắc Sikhem. Kế tiếp người Ba Tư, khi người Hy Lạp, rồi đến Ai Cập, và cuối cùng là Rôma kiểm soát khu vực này, xứ Samari ngày càng trở nên Hy hóa; nghĩa là càng giống với đế quốc hơn. Những người Giuđa bài xích những ảnh hưởng bên ngoài bằng mọi giá. Vào thế kỷ thứ I, “một tên Samari” là điều kinh khủng nhất bạn có thể gọi người Dothái – điều mà những kẻ gièm pha Đức Giêsu gọi Ngài trong Tin mừng Gioan.

Vậy nên thật táo bạo biết bao khi Đức Giêsu kể câu chuyện về người Samari nhân hậu! Ngài cũng tham gia cuộc trao đổi kéo dài với một phụ nữ Samari mà Ngài gặp bên bờ giếng, rồi sau đó chào đón cả cộng đoàn của cô khi họ tìm gặp Ngài. Cư dân Giuđa đã mất hàng thế kỷ để tách những người Samari ra khỏi xã hội của mình bằng luật lệ và sự ngược đãi. Đức Giêsu khởi xướng triển vọng đã đến lúc phải thừa nhận những kẻ bên lề này. Một ngàn năm cãi vả và chia rẽ có lẽ đã quá đủ. Khi thế hệ đầu tiên của Giáo hội sai Philipphê đi loan báo Tin mừng ở Samari, đó là một chủ trương đầy táo bạo và gây kinh ngạc. Và điều này đưa đến “niềm vui lớn lao trong thành ấy” (Cv 8,8).

Chúng ta căm ghét kẻ thù của mình vì nhiều lý do: chính trị, lịch sử, tôn giáo, huyết thống, sự lập dị, cảm giác bất bình, sự đối lập được kế tục.

Chúng ta ghét người khác vì họ không giống chúng ta, và điều đó làm chúng ta khó chịu. Chúng ta không bằng lòng việc họ lấy điều gì đó của chúng ta, hay điều mà họ có thể lấy nếu chúng ta để cho họ có cơ hội. Sự thù ghét bắt đầu từ đâu đó. Sự thừa nhận cũng vậy.

ALICE CAMILLE

 Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

(gpquinhon.org / uscatholic.org)