Bà Sally Axworthy, Đại sứ của Vương quốc Anh tại Tòa thánh sẽ rời đi sau 5 năm công tác tại đây. Năm năm qua, bà đã chứng kiến sự phát triển lớn trong mối quan hệ giữa Anh Quốc và Vatican.
Bà Sally Axworthy, Ảnh: CNS, Paul Haring
Là một nhà ngoại giao với kinh nghiệm 5 năm làm việc tại Vatican dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô, bà Sally Axworthy đã chọn một cách thức thích hợp để trở về nhà. Thay vì lên máy bay đắt tiền, vị Đại sứ sắp mãn nhiệm này dự tính sẽ đi bộ dọc theo cung đường hành hương mang tên Francesco, một tuyến đường hành hương mới theo dấu chân của Thánh Phanxicô, cũng là tên gọi của Đức Giáo hoàng. Bà sẽ có sự đồng hành của một trong những cô con gái của bà và cộng thêm hai chú chó cưng. Sau khi đi bộ trên cung đường Francesco, bà sẽ bắt tàu để về nhà trong suốt quãng đường còn lại.
Việc lựa chọn hành trình về nhà như vậy cho thấy tấm gương lãnh đạo của Đức giáo hoàng Phanxicô đã gây ảnh hưởng đáng kinh ngạc đối với nhà nữ ngoại giao 56 tuổi này. Trước khi đến Rome, bà Axworthy đã bị ngập chìm trong các báo cáo truyền thông về Vatican, nơi bị cho là có liên quan tới các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ và các vụ bê bối tài chính. Tôi (phóng viên Christopher Lamb) hỏi bà, ấn tượng của bà về Tòa Thánh đã thay đổi như thế nào?
“Vâng, điều bạn tìm thấy ở đây là điều mà báo chí không hề nhắc đến, đó là một môi trường làm việc mà bạn hoàn toàn được bao quanh bởi những người có đức tin và chính những người có đức tin truyền cảm hứng cho người khác hoành thành tốt công việc họ làm. Điều đó gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi,” Bà ấy nói với tôi trong cuộc thảo luận của chúng tôi qua ứng dụng Zoom từ văn phòng của bà. “Tôi đã không biết đến những điều tốt đẹp này nhưng đó đích thực là những gì tôi tìm thấy ở đây.”
Bà ấy đã ấn tượng bởi những cuộc gặp gỡ của mình với những người đang thực hiện những công việc thầm lặng của Giáo hội, chẳng hạn như các chị em nữ tu làm việc trong “tình trạng bấp bênh”, cố gắng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người dân, các linh mục mang gánh nặng việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục, và các cơ quan Tòa Thánh vất vả giải quyết chủ nghĩa cực đoan thông qua đối thoại liên tôn. “Tôi tin rằng tôi đã gặp những người truyền cảm hứng nhất và khích lệ nhất mà tôi chưa từng gặp ở bất cứ đâu,” bà nói thêm.
Quê hương của bà Axworthy ở Cornwall; bà ấy có bốn người con. Bà gia nhập Bộ Ngoại giao vào năm 1986 và sự nghiệp của bà đã đưa bà đến Kiev, Moscow và Đức trong khi những năm sau này, bà tập trung vào các vấn đề liên quan tới châu Phi. Việc được bổ nhiệm tới Vatican là lần đầu tiên bà nắm trọng trách là vị đại sứ. Bà giải thích, đại sứ quán Vương quốc Anh tại Tòa thánh không giống như một đại sứ quán ở nơi nào khác bởi vì “chúng tôi làm việc với một tổ chức tôn giáo,” và điều đó đôi khi có thể khiến vai trò này trở thành một thách thức.
Trong thời gian ở Rome, Axworthy đã tập trung vào các lĩnh vực chung giữa chính phủ Anh và Tòa Thánh trong khi tận dụng tối đa những khoảnh khắc lịch sử như lễ phong thánh năm 2019 cho Thánh John Henry Newman, với sự tham dự của Hoàng tử xứ Wales. Kỹ năng phân tích sắc sảo và sự hiểu biết về sức mạnh của đức tin đã khiến bà trở thành một trong những nhân vật được kính trọng nhất trong số các đại sứ đại diện cho 183 quốc gia mà Tòa thánh có quan hệ chính thức. Bà cũng rất đặc biệt, khi là nữ phái viên duy nhất ở Vatican mặc đồng phục ngoại giao được thiết kế riêng, bao gồm một thanh kiếm nghi lễ và chiếc mũ lông vũ.
Tuy nhiên, chính tinh thần của Dòng Phanxicô nơi triều đại giáo hoàng hiện nay, phản ánh sự quan tâm của vị thánh đến từ Assisi tới hòa bình, nghèo đói và chăm sóc tạo vật, đã giúp thúc đẩy bánh xe ngoại giao. Bà Axworthy nói rằng Đức Giáo hoàng đã tạo ra một “môi trường rất được khích lệ để làm việc”, trong khi việc “tái định hướng” Giáo hội của ngài để tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất đã nâng cao quyền lực mềm của giáo hoàng.
Hai lĩnh vực hợp tác giữa Tòa thánh và chính phủ Vương quốc Anh nổi bật: biến đổi khí hậu và giải quyết xung đột. Từ ngày 1-12 tháng 11 năm nay, Vương quốc Anh, hợp tác với Ý, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow, nơi Đức Giáo hoàng dự kiến sẽ tham dự.
Axworthy nói: “Chúng tôi mong đợi Đức Thánh cha tới tham dự, mặc dù cô cho biết thêm về mặt ngoại giao rằng Vatican chưa đưa ra xác nhận chính thức. Chính phủ Anh Quốc muốn có sự hiện diện của Ngài ở Glasgow vì những can thiệp của Đức Phanxicô vào môi trường, bao gồm cả thông điệp Laudato si ’của ngài, là rất quan trọng trong việc xây dựng động lực trước hội nghị thượng đỉnh Paris mang tính bước ngoặt. Bà Axworthy cũng tin rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo trên thế giới và do đó, bà và người đồng cấp Ý đã giúp tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học để thảo luận về biến đổi khí hậu. Nó sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 10, ngày lễ của Thánh Phanxicô.
“Khoa học cung cấp cho chúng ta bức tranh về hiện thực, nó cung cấp cho chúng ta dữ liệu, nhưng chúng ta cần một điều khác để thúc đẩy chúng ta thay đổi,” bà giải thích. “Các nhà lãnh đạo tôn giáo là những chuyên gia về động lực sống, vì vậy tôn giáo có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Công việc tiếp theo của Axworthy tại Bộ Ngoại giao là giải quyết xung đột và cô cho biết thời gian ở Vatican đã giúp cô hiểu sâu sắc hơn về vai trò của tôn giáo trong việc mang lại hòa bình, đặc biệt là ở một quốc gia như Nam Sudan.
Người kế nhiệm của bà, Chris Trott, cũng là một chuyên gia về châu Phi và là cựu đặc phái viên của Vương quốc Anh tại Nam Sudan.
“Điều tôi học được là các nhà ngoại giao có thể tham dự vào tôn giáo,” bà nói. “Có thể đôi khi chúng tôi hơi sợ hãi khi làm điều đó, đặc biệt khi đó không phải là tôn giáo của riêng chúng tôi, nhưng với sự hướng dẫn đầy đủ của chuyên gia, tôi nghĩ có thể thực hiện điều đó”, bà giải thích. “Tôi đã thấy rất rõ vai trò tích cực của các tôn giáo [trong việc thách thức] kiểu khuôn mẫu tôn giáo gây ra xung đột.”
Bà nói, đại sứ quán tại Tòa thánh đã trở thành một trung tâm để suy nghĩ về vai trò của tôn giáo trong chính sách đối ngoại, và Bộ Ngoại giao ngày càng nhận thức được tác động của đức tin đối với ngoại giao. Sau báo cáo năm 2019 của Đức Giám mục Truro về cuộc đàn áp Ki-tô hữu, các nhà ngoại giao đã được cập nhật chương trình đào tạo tôn giáo.
Mặc dù Axworthy đã hợp tác với Vatican trong các lĩnh vực chính sách khác nhau, bao gồm ngăn chặn nạn buôn người, giải quyết bạo lực tình dục và ủng hộ tự do tôn giáo, bà ấy không ngại nêu ra các vấn đề khi có bất đồng. Mặc dù trong quá khứ, các nhà ngoại giao của Tòa thánh có thể chỉ đơn giản là tránh những các lãnh vực nhạy cảm hoặc dễ gây tranh cãi về giáo huấn của Giáo hội, nhưng tôi phát hiện ra sự chuyển hướng sang một cách tiếp cận tích cực, thẳng thắn hơn trong thời của Axworthy. Ví dụ, vào năm 2018, Penny Mordaunt, khi đó là Bộ trưởng Phát triển Quốc tế, đã thúc giục các quan chức Vatican nới lỏng lệnh cấm tránh thai của Giáo hội.
“Nếu bạn so sánh giáo huấn của Giáo hội với chính sách của chính phủ Anh, rõ ràng chúng không giống nhau. Có những lĩnh vực mà chúng tôi có sự khác nhau,” Axworthy nói. Các lĩnh vực bất đồng bao gồm “sức khỏe tình dục và sinh sản [và] ở một mức độ nhất định về quyền của người LGBT” và chính sách về “giải trừ vũ khí hạt nhân”, dựa trên quan điểm chống vũ khí hạt nhân của Đức Giáo hoàng.
Việc thiếu sự lãnh đạo của phụ nữ ở các vị trí cấp cao ở Vatican là một vấn đề khác mà vị đại sứ đã nêu ra sau những cánh cửa đóng kín. Mặc dù bà cho rằng Đức Giáo hoàng đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng bà nói rằng Đức Phanxicô cần phải làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này, và có thể sử dụng tốt hơn tài năng của nữ tu có chung tầm nhìn với ngài. “Tôi nghĩ Đức Giáo hoàng nên bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn,” bà nói.
Bà cảm thấy thế nào khi làm việc với tư cách là một nữ đại sứ ở Vatican, nơi đa phần là nam giới? “Tôi thực sự rất thích làm việc ở đây. Một trong những đề tài chúng tôi dành nhiều cuộc thảo luận là về sự lãnh đạo của phụ nữ. Nhưng trước tiên, bạn được đối xử như một đại sứ,” Bà nói. Bà ấy đã làm việc hiệu quả với Đức Giáo hoàng (người đã dành cho bà rất nhiều cuộc tiếp kiến) và gần đây chính ngài ấy đã chỉnh sửa tiếng Ý cho bà “một cách nhẹ nhàng”. Bà đại sứ nói thêm: “Mọi người khác ở đây đều siêu lịch sự về tiếng Ý của tôi – nhưng không phải Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô!”
Chỉnh sửa thân thiện về tiếng Ý của nhau và cởi mở trao đổi về những bất đồng là một phần của những gì Axworthy coi là mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Tòa thánh ở một “nơi lành mạnh”. Điều này được thể hiện bằng quyết định gần đây chuyển các văn phòng đại sứ quán và tư dinh của Vương quốc Anh đến một địa điểm trên Via della Conciliazione, cách Vatican chỉ một đoạn ngắn.
Vào tháng 3 năm 2019, chồng của bà là ông Michael, một nhà sử học và chuyên gia về Iran, đã qua đời sau một thời gian dài mắc bệnh. Chính trong giai đoạn này, bà đã nhìn thấy một khía cạnh khác của các nhân viên tại Vatican. “Tôi nghĩ trước hết họ đều là linh mục, và chính những bản năng mục vụ của họ đã phát huy tác dụng trong công việc ngoại giao,” bà nói.
Xây dựng mối quan hệ Vương quốc Anh – Tòa thánh là một nhiệm vụ phức tạp. Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa cá nhân và chính trị và cởi mở cho một cuộc đối thoại mà nhận thức của mỗi bên có thể được thay đổi. Trong năm năm qua, các đại sứ sắp mãn nhiệm này đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều thách thức.
Duc Trung VU, CSsR (Theo The Tablet)