Cuộc hành hương quốc tế tại Fatima năm 2021 của những người di cư và tị nạn

Fatima, ngày 12 và 13.08.2021 – “Thế giới đang khát, thế giới cần nhiều tình yêu hơn, thế giới đang khát tình yêu, hòa bình và công lý! – Giáo hội cần anh, cần chị!” – Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich.

Cuộc hành hương quốc tế hàng năm vào tháng Tám đến Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima, được coi là cuộc hành hương của những người di cư tị nạn, đã chính thức khai mạc lúc 21 giờ 30 tối thứ Năm ngày 12.08 với giờ đọc kinh Mân Côi quốc tế, sau đó là rước nến cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima và phụng vụ Lời Chúa kéo dài tới nửa đêm trên lễ đài chính ở mặt tiền Vương Cung Thánh Đường Thánh Mẫu Mân Côi. Cuộc hành hương tháng Tám ghi nhớ lần hiện ra thứ tư, lần hiện ra duy nhất không diễn ra tại đồi Cova da Iria mà diễn ra vào ngày 19 tháng 8 năm 1917 ở Valinhos, vì ba trẻ mục đồng bị bắt giam trước ngày 13.8.1917 ở nhà tù huyện Ourem, cách Fatima khoảng 10 cây số.

Đây là cuộc hành hương quốc gia của những người di cư và tị nạn diễn ra trong Tuần lễ Di cư Quốc gia lần thứ 49 tại Bồ Đào Nha, bắt đầu từ ngày 8 và kết thúc vào Chủ nhật 15.08. Chủ đề của Tuần lễ Di cư Quốc gia này là “Hướng tới một “chúng ta” ngày càng phát triển”, lấy lại chủ đề sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới của Người di cư và Tị nạn, được mừng vào ngày 26 tháng 9 sắp tới.

Cuộc hành hương quốc tế tháng 8 năm nay tại Đền Thánh Fatima, do Đức Tổng Giám Mục Luxembourg, Hồng y Dòng Tên Jean-Claude Hollerich chủ sự cùng với sự hiện diện của Đức Hồng Y Antonio Marto, chủ chăn giáo phận sở tại Leiria-Fatima, với 5 Giám Mục và khoảng 50 linh mục…

Chương trình bắt đầu với giờ lần hạt Mân Côi quốc tế suy niệm Năm Sự Sáng, với các ngôn ngữ Bồ, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan… Sau đó, đoàn hành hương cùng tham dự cuộc rước Thánh Tượng Đức Mẹ đội triều thiên có gắn viên đạn ám sát Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị tại quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 13.05.1981…

Theo tin của Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima, quảng trường Fatima mênh mông có sức chứa trên nửa triệu khách hành hương, đã mở cửa đón tiếp khoảng 12.000 khách hành hương tham dự,… tức 70% số lượng người tối đa được quy định cho mỗi cuộc hành hương quốc tế hiện nay là 15.000 người trong thời đại dịch… Dù ít ỏi so với hàng trăm ngàn ngọn nến trước đại dịch, nhưng quảng trường cũng chan hòa ánh nến, nhất là khi tất cả đoàn hành hương cùng dâng cao ngọn nến mỗi khi cùng xướng hát Ave Maria vang vọng khắp bầu trời đêm…

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng trong phần Phụng vụ Lời Chúa, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich đặc biệt nhắc nhớ tới những người phụ nữ rời bỏ đất nước của mình và đã tìm thấy niềm an ủi cho cá nhân mình và cho gia đình của mình nơi Đức Maria.

Sau đây là một vài ý chính trong bài giảng của Đức Hồng y chủ tế:

Nước này khơi nguồn từ Thân thể của Chúa Giê-su trên thập tự giá.

“Để sống, tất cả chúng ta đều cần nước. Không thể chịu đựng cái nóng như nung như đốt của mùa hè nếu không có nước. Nông nghiệp không có nước thì không sản xuất được gì. Công nghiệp không có nước thì không hoạt động được. Không có nước, chúng ta đành bó tay bất lực”.

“Đối với chúng ta, những người theo Kitô giáo, nước cũng nhắc nhở chúng ta về Phép Rửa Tội của chúng ta. Nước này rửa sạch lỗi lầm của chúng ta, nhờ nước này, ân sủng của Thiên Chúa tràn đổ vào trong tâm hồn chúng ta. Như Phúc âm cho chúng ta thấy, chúng ta đừng quên rằng nguồn mạch của nước này khơi nguồn từ Thân thể của Chúa Giê-su trên thập tự giá: Trái tim bị đâm thấu của Ngài.”

Tiếp đến, Đức Hồng y chủ tế đề cập tới các mục đích đặc biệt của cuộc hành hương năm nay:

“Thưa anh chị em di cư, những người tị nạn thân mến, những người hành hương của Fatima: mỗi người trong chúng ta đều có những thập giá nhỏ bé của mình. Đôi khi công việc không còn khiến chúng ta hài lòng, đó là sự khắc nghiệt của một thế giới mà chúng ta luôn bị coi là người “ngoại quốc”. Đôi khi nó có thể là trường hợp có người thân ốm đau, già yếu hoặc sắp qua đời ở Bồ Đào Nha, mà chúng ta không thể đi thăm hoặc hiện diện. Đôi khi chính sự thiếu hiểu biết của con cái chúng ta đã quên đi cội nguồn của mình và các giá trị văn hóa và lịch sử Kitô giáo của Bồ Đào Nha: Những giá trị đó là bảng chỉ đường cho chúng ta, là chiếc la bàn của chúng ta qua những vùng đất xa lạ của những người di cư. Đôi khi, chính căn bệnh sẽ gõ cửa nhà và gia đình chúng ta.”

Nhắc đến “nhu cầu dòng nước an ủi”, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich đưa ra ví dụ về nhiều nhà thờ trên khắp thế giới, nơi mà người di cư năng đến cầu nguyện, “thường có các ảnh tượng của Đức Mẹ Mân Côi của Fatima”.

“Muôn vàn ngọn nến cháy trước ảnh Đức Mẹ là chứng nhân cho lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng cũng là dấu chỉ của sự an ủi của Chúa Giêsu mà Đức Mẹ mang đến cho chúng ta. Đức Mẹ cho chúng ta thấy thân thể của Con Mẹ trên thập giá của chúng ta. Đức Mẹ cho chúng ta thấy trái tim của Chúa Giêsu mà từ đó nước và máu chảy ra.”

Sau đó, tập trung vào những phụ nữ rời khỏi đất nước của mình, vị hồng y nhắc lại rằng “tính cách của Đức Maria tương đồng với tính cách của nhiều phụ nữ Bồ Đào Nha, Bờ Biển Ngà và Brazil mà tôi quen biết ở Luxembourg”.

“Vì Đức Maria là người phụ nữ mạnh mẽ. Vì Đức Maria hợp nhất giáo hội sơ khai, vì vậy, phụ nữ Bồ Đào Nha gìn giữ gia đình của họ với nhau. Họ thực hiện được điều đó nhờ công lao của họ. Họ muốn đảm bảo một tương lai cho con cái của họ. Vào ban đêm, dầu mệt mỏi, họ vẫn bận rộn tại nhà và nấu thức ăn giúp tăng sức cả thể xác lẫn tinh thần cho gia đình mình. Giống như Mẹ Maria, nhiều khi lòng các bà mẹ này cũng bị sầu não và đắng cay, nhưng cố giữ kín trong lòng để bầu khí gia đình không bị buồn thảm và thêm nặng nề. Các bà mẹ này ước mong duy trì mối dây hiệp nhất để hướng tới một “chúng ta” vĩ đại hơn bao giờ hết, như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định trong thông điệp của mình cho Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn năm nay. Tôi chắc chắn rằng chính dưới chân của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những người phụ nữ Bồ Đào Nha này tìm thấy sức mạnh và niềm vui của họ.”

Đức Hồng y cũng gửi lời cảm ơn đến những người có mặt. “Hỡi những người phụ nữ thân mến, những người hành hương từ Fatima đang ở đây với gia đình của bạn: cảm ơn rất nhiều vì sự chứng tá tuyệt vời của bạn!”

“Thế giới đang khát, thế giới cần nhiều tình yêu hơn, thế giới đang khát tình yêu, hòa bình và công lý!”

Cuối bài giảng của mình, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich một lần nữa nhấn mạnh rằng “thế giới đang khát, thế giới cần nhiều tình yêu hơn, thế giới đang khát tình yêu, hòa bình và công lý!” Nước mà Chúa ban cho chúng ta để sử dụng cho chính chúng ta; chúng ta hãy chung tay góp sức với Thiên Chúa, để bằng đời sống, chúng ta phục vụ và chia sẻ nguồn nước này cho những người khác, những người đói và khát công lý của các mối phúc”.

“Xin cho phép tôi trích dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp của ngài cho Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn: ‘Đối với tất cả đàn ông và phụ nữ trên trái đất, tôi kêu gọi cùng nhau hướng tới một “chúng ta” vĩ đại hơn bao giờ hết, tái cấu trúc gia đình nhân loại, để cùng nhau chung vai sát cánh xây dựng vì tương lai công lý và hòa bình của tất cả chúng ta, quan tâm đến việc không một ai bị bỏ rơi'”.

“Tình huynh đệ phổ quát bắt đầu trong gia đình của chúng ta: cả ở Bồ Đào Nha và các quốc gia ở châu Âu và thế giới, nơi mà các bạn đặt chân tới để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Đức Tổng Giám mục Luxembourg cũng yêu cầu một cam kết đối với những người hành hương đang tham dự đêm canh thức: “Là Ki-tô hữu, chúng ta không được phép thụ động trong thế giới này. Thế giới được Thiên Chúa Tạo Thành giao phó cho chúng ta, chúng ta phải làm cho nó đơm hoa kết trái. Điều này có thể trở thành một cam kết với sinh thái, một cam kết cho một thế giới công bằng hơn, một cam kết cho một thế giới khác, thế giới chính nghĩa, một thế giới huynh đệ hơn, đúng với quan điểm của ‘một chúng ta vĩ đại hơn bao giờ hết’”.

Đức Tổng Giám mục kết luận: “Thưa các chị em, các anh em thân mến, những người di cư và tị nạn: hãy để Chúa biến các sa mạc của chúng ta thành đất canh tác vì chúng được tưới gội bởi vẻ đẹp và sự tốt lành của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta và Nước Hằng Sống của chúng ta”.

Quá nửa đêm, quảng trường Fatima lại chìm trong bóng đêm tăm tối, nhưng tâm hồn những lữ khách hành hương ra về để nghỉ ngơi, đang được thắp sáng ngọn nến đức tin và lòng cam kết muốn xây dựng gia đình và thế giới hôm nay tốt đẹp và huynh đệ hơn… Trong thinh lặng cầu nguyện giữa trăng thanh gió mát đêm hè, nhiều lữ khách còn quỳ lại bên Mẹ hiền Fatima hay đang lê gối trên con đường thống hối hòa giải… chờ mong một bình minh của ngày hành hương 13.08.

Tổng giám mục Luxembourg thách thức người di cư sử dụng đức tin của họ để đưa Chúa trở lại châu Âu: Giáo hội cần anh, cần chị!

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 13.08, ngày hành hương quốc tế lần thứ 4 trong năm, quảng trường Fatima lại chính thức bắt đầu với giờ lần hạt quốc tế suy niệm Năm Mùa Thương với các ngôn ngữ chính Bồ, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan… Đúng 10 giờ, khởi sự cuộc rước kiệu cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima quanh quảng trường bao la giữa đoàn hành hương như chiều lễ vọng đêm qua.

Thánh lễ do Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám Mục Luxembourg chủ tế cùng với sự hiện diện của Đức Hồng Y Antonio Marto, chủ chăn giáo phận Leiria-Fatima, với 5 Giám Mục và 47 linh mục đồng tế.

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm theo thánh sử Luca kể lại cuộc thăm viếng của Đức Maria đến thăm bà chị họ Isave (Lc, 1, 44-55), Đức Hồng Y chủ tế đã ca ngợi đức tin và lòng sùng đạo của dân nước Bồ Đào Nha, đang dấn thân để phục vụ Giáo hội.

“Anh chị em Bồ Đào Nha thân yêu, anh chị em di cư và tị nạn thân mến, với bàn tay, lao công, mồ hôi trên khuôn mặt, trí thông minh, sự hy sinh của gia đình, các bạn đã góp phần xây dựng sự giàu có về kinh tế và văn hóa của các quốc gia mà trên toàn thế giới tiếp đón các bạn ”

Anh, Chị: Giáo hội cần anh, cần chị!

Với ý tưởng khởi đầu ấy, Đức Hông y chủ tế thách thức và mời gọi những người di cư tại Bồ Đào Nha thực hiện điều tương tự khi đề cập đến đức tin của họ.

“Châu Âu ngày nay sống xa Chúa, đã quên Ngài! Với tinh thần phục vụ, với đức tin và tôn giáo của mình, hãy cố gắng tiếp tục giúp đỡ những quốc gia chào đón anh chị em đến sinh sống, đừng để mất hy vọng.”

“Các giáo xứ cần những người nam và người nữ, trẻ và già, sẵn lòng phục vụ Tin Mừng và những người khác; trong việc dạy giáo lý không nhất thiết phải có tiến sĩ thần học, nhưng một đức tin sống động quan trọng và hữu hiệu hơn nhiều trong việc truyền đức tin cho người trẻ nhất hoặc người lớn; trong các nhóm thân hữu Ki-tô giáo, cần có những người cởi mở, những người ủng hộ việc tiếp nhận những người tị nạn và di cư. Anh, Chị: Giáo hội cần anh chị! ”

Cả trong hai bài giảng tối hôm qua và hôm nay, Đức Hồng y đã hô hào và bày tỏ sự cảm thông lớn đối với người dân Bồ Đào Nha, những người mà Ngài hiểu rõ vì chính Ngài đang chủ trì một giáo phận có một phần sáu cư dân trong số cư dân của chính giáo phận mình.

“Bản thân tôi rất vui khi được thường xuyên gặp gỡ nhiều gia đình nói tiếng Bồ Đào Nha và Bồ Đào Nha đang sống tại tổng giáo phận Luxembourg. Các cộng đồng người Bồ Đào Nha là một dấu hiệu hy vọng cho Giáo Hội Chúa Kitô đang lữ hành ở Đại Công quốc Luxembourg”, Ngài đã diễn đạt như thế trong khi nhấn mạnh rằng người di cư là nền tảng cho sự phát triển của các quốc gia khác nhau.

Vị hồng y, một trong những thành viên trẻ nhất của Hồng y do Đức Thánh Cha Phanxicô chọn, đã nêu bật “sự hiệp thông và đa văn hóa” là những yếu tố cho công cuộc canh tân của Giáo hội, và vì thế, ngài cảm ơn sự phục vụ của tất cả những người di cư “cho lợi ích chung của xã hội và của Giáo hội ”.

Sức mạnh của lời cầu nguyện và ảnh hưởng của nó đối với việc hoán cải

Lấy ý từ các bài đọc phụng vụ được công bố trong thánh lễ hành hương kỷ niệm lần hiện ra thứ tư của Đức Mẹ với các Mục đồng nhỏ, lần duy nhất diễn ra bên ngoài Cova da Iria, ở Valinhos vào ngày 19 tháng 8, Đức hồng y nhấn mạnh sức mạnh của lời cầu nguyện và ảnh hưởng của nó đối với việc hoán cải, của trái tim. Ngài chất vấn:

“Chúng ta có thực sự tin vào sự sống lại của Chúa Giê-su và sự sống lại của kẻ chết không? Bạn sẽ nói với tôi: có chứ, tất nhiên, bởi vì nếu không, chúng tôi sẽ không hiện diện ở đây ở Fátima, mà ở lại nhà của chúng tôi”.

Vị giám mục chủ tế nhắc lại rằng với Đức Maria “chúng ta đã học cách tin tưởng”.

“Tôi chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta – những người hành hương về Fatima – đến Đền Thánh này với cùng một cách thức cầu nguyện: cầu cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình, vấn đề công việc, lo lắng cho sự thành công học hành của con cháu, những bất ổn của cuộc di cư, trong số những người khác ”.

“Chúng ta cũng như Mẹ Maria, có cơ hội hạnh phúc, bây giờ và ở đây – tại nơi thiêng liêng này – để tái khám phá Chúa Giêsu trong Lời Chúa, trong Thánh Thể long trọng này và trong việc Rước Lễ. Cuộc gặp gỡ này chứa đựng một sức mạnh thay đổi trong lời cầu nguyện của chúng ta: chúng ta được tràn đầy bởi cảm nghiệm về sự hiện diện thực sự của Chúa Giê-su, và lời cầu nguyện khẩn cầu của chúng ta có thể đạt đến lời cầu nguyện ngợi khen”.

Đức Hồng y nói và nhắc lại rằng: “Hỡi những người hành hương thân mến, những người di cư thân mến: chúng ta có thể sống cùng một kinh nghiệm ở đây về niềm an ủi, về hy vọng, nếu giống như Đức Maria, chúng ta muốn đạt được niềm an ủi của hy vọng, chúng ta phải đặt mình phục vụ khác”.

“Tôi kêu gọi anh chị em hãy mở rộng tinh thần phục vụ này cho những người hàng xóm của anh chị em, cho những người anh chị em thường gặp gỡ, cho bạn bè của anh chị em. Tại sao không dành thời gian để thăm hỏi những người anh em ốm đau hoặc lớn tuổi? Sự thật, đức tin mà không có tinh thần phục vụ thì chỉ là cảm giác… và tình cảm là phù du”.

Sự hiện diện của những người hành hương ngoại quốc đã được chú ý trong cuộc hành hương này.

Cuộc hành hương tháng 8 này đã đưa hàng nghìn người đến hành hương Fatima, bao gồm nhiều người di cư Bồ Đào Nha và ba nhóm hành hương người nước ngoài được tổ chức từ Tây Ban và Ba Lan. Quảng trường có sự hiện diện của hơn 13.000 khách hành hương, cùng với nhiều tu sĩ nam nữ, các thiện nguyện viên, hướng đạo sinh và 47 linh mục, 5 giám mục và 2 hồng y.

Nhấn mạnh vào việc cung cấp lúa mì, một sáng kiến bắt đầu vào ngày 13 tháng 8 năm 1940, khi một nhóm thanh niên thuộc Thanh niên Nông dân Công giáo, từ 17 giáo xứ trong giáo phận Leiria, đã dâng 30 giạ lúa mì để sản xuất bánh thánh được sử dụng tại Thánh địa Fatima. Kể từ đó, những người hành hương, không chỉ từ Leiria, mà còn từ các giáo phận khác trong nước, và thậm chí ở nước ngoài, đã tiếp tục, năm này qua năm khác, đáp lại lời đề nghị này.

Trong năm 2020, 4.973 kg lúa mì và 504,50 kg bột mì đã được cung cấp. Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima, khoảng 7000 tấm bánh miến cở trung bình, 50 tấm bánh miến cở lớn, khoảng 371.300 bánh miến cở nhỏ đã được làm phép trong 2784 thánh lễ được cử hành.

Trong phần dâng của lễ, hai hàng đông đảo những anh chị em di dân tị nạn cùng với nhiều trẻ em và thanh thiếu niên, cùng tiến về phía bàn thờ, dâng hoa mầu của ruộng vườn: nhiều phụ nữ đầu đội các giạ lúa mì, các ông vác trên vai các bao lúa miến, nhiều người dâng cả những chùm nho tươi và các chai rượu vang cùng với bánh mì… Lễ dâng lúa mì truyền thống đã được hoàn thành lần thứ 81 trong cuộc hành hương tháng 8 này.

Sau khi hiệp lễ, bằng lời cầu nguyện thông thường dành cho bệnh nhân, cô Eugénia Quaresma, từ Hiệp hội Di cư Công giáo Bồ Đào Nha, đã cảm tạ “Thiên Chúa Tình yêu, Đấng hiện diện trong các chuyến thăm, chăm sóc các thành viên gia đình, các chuyên gia và tình nguyện viên, bởi ơn gọi, họ có đang hiến thân để cứu mạng sống” và “vì sự tế nhị của rất nhiều người vô danh, những người trở nên thân thiết đến không ngờ, như Người Samaritanô nhân hậu và Người chủ quán trọ”.

Với đề cập đến chủ đề mục vụ tạo nên âm hưởng cho năm mục vụ này tại Đền thờ Fatima: “Ngợi khen Chúa là Đấng nâng đỡ những người yếu đuối”, cô Eugénia Quaresma đã mời những người bệnh cầu nguyện với mình để hiểu và chấp nhận sự tổn thương của con người mà bệnh tật mang lại, với ý nghĩa mà Chúa mong muốn nhất: một trái tim sẵn sàng nhân từ, hoán cải và yêu thương”. 

Kinh nghiệm sống động về tình anh em phổ quát tứ hải giai huynh đệ và lời cầu nguyện hiệp thông với toàn cầu:

Vào cuối thánh lễ đại trào kết thúc cuộc hành hương quốc tế 13/8 năm nay, trong lời chào mừng và sứ điệp truyền thống gửi đến những người hành hương, Đức Hồng Y António Marto, Giám mục sở tại giáo phận Leiria-Fatima đã nêu bật hai khía cạnh đặc biệt của cuộc hành hương tháng Tám này, coi đó là “một kinh nghiệm sống động về tình anh em phổ quát” và “bằng chứng cho thấy việc cầu nguyện tại Đền Thánh được liên kết đối với địa lý của thế giới, đối với tất cả các nhu cầu và vấn đề của tất cả các dân tộc và các quốc gia, từ đó tất cả những người di cư và tị nạn đã đến hay khởi hành”.

Ngài phát biểu: “Cuộc hành hương này của những người di cư, đến từ các dân tộc đa dạng nhất, là một kinh nghiệm sống động và cụ thể về tình huynh đệ đa sắc, phổ quát mà tất cả chúng ta được kêu gọi xây dựng thông qua việc trao đổi sự phong phú của các dân tộc và nền văn hóa, trong sự hòa hợp và hòa bình giữa tất cả mọi người.”

“Thật tuyệt khi có trải nghiệm này tại Thánh địa nơi đây, trong nhà của Mẹ chúng ta, tôi cảm thấy tất cả chúng ta đều là anh em. (…) Lời cầu nguyện của chúng ta mang tính phổ quát và cũng làm cho trái tim chúng ta trở nên phổ quát… Và ở đây, chúng ta nhận được, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, món quà an ủi, hy vọng, sức mạnh và niềm vui, để cùng nhau bước đi và xây dựng một tương lai công bằng và hòa bình.”

Đức Hồng Y phát biểu thêm, khi gợi lại thông điệp gần đây nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô về tình huynh đệ và tình bạn xã hội: “Ở đây, trong Ngôi nhà của Mẹ, tất cả chúng ta đều cảm thấy như anh chị em, ‘fratelli tutti’, tất cả đều là anh em. Thật là tuyệt vời khi có được trải nghiệm này ở đây trong Thánh địa.”

Trước hàng chục nghìn người hành hương, Đức Hồng Y D. António Marto nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện tại Đền Fatima “có liên hệ với địa lý của thế giới, nghĩa là, với tất cả các nhu cầu và vấn đề của các dân tộc và quốc gia mà từ đó tất cả những người di cư và tị nạn khởi hành hoặc đến.”

Ngài quả quyết: “Lời cầu nguyện của chúng ta là phổ quát và nó cũng làm cho trái tim của chúng ta trở nên phổ quát.”

Đức Hồng y D. António Marto cảm ơn sự hiện diện và sứ điệp súc tích mà Hồng y Jean-Claude Hollerich, chủ sự cuộc hành hương quốc tế để lại: những lời ngợi khen và cam kết của ngài trong việc bảo vệ “phẩm giá và quyền của người di cư và tị nạn”.

Giám mục Tổng Giáo phận Leiria-Fatima cũng cảm ơn sự hiện diện của thiếu nhi hành hương, những người mong muốn có một kỳ nghỉ vui vẻ và gửi lời chúc đặc biệt đến những người bệnh, những người đã theo dõi lễ cuộc hành hương quốc tế trên các phương tiện truyền thông.

Kết thúc đại lễ hành hương, hàng vạn bàn tay giơ cao với khăn trắng để vẫy chào tạm biệt Mẹ Fatima, trong những tràng pháo tay vang dội quảng trường đón chào Mẹ, từ giã Mẹ “Mẹ ở con về” theo truyền thống từ hàng trăm năm nay… Chắc chắn bước chân người lữ khách không còn đơn côi, vắng bóng Mẹ nữa, nhất là trong lo âu sợ hãi của cơn đại dịch khủng khiếp hiện nay…

Đặc biệt vào chiều tối thứ Sáu, nhân lễ kỷ niệm 60 năm xây lên Bức tường Berlin ở Đông Berlin và dọc theo biên giới Đông và Tây Đức và cũng là lễ kỷ niệm 27 năm xây dựng đài kỷ niệm bên cạnh quảng trường Fatima, một lời cầu nguyện được lồng ghép trong Kinh Mân Côi Quốc tế lúc 9h30 tối. Được khánh thành vào ngày 13 tháng 8 năm 1994, tượng đài này, là một khối của bức tường ô nhục Berlin, đã được xây dựng vào đêm ngày 12 đến ngày 13 tháng 8 năm 1961, chia cắt thành phố Berlin trong gần ba mươi năm, và đã bị phá bỏ trong Tháng 11 năm 1989. Khối đá nặng 2,6 tấn và có kích thước 3,6 x 1,2 mét do một cư dân Bồ Đào Nha ở Đức đề nghị trao tặng và do kiến trúc sư José Carlos Loureiro kiến tạo xây dựng.

WHĐ (15.8.2021)

Bản tin từ Fatima của Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu (Theo fatima.pt và 24.sapo.pt)