“Ngôi làng Phanxicô” là một dự án được thực hiện ở miền Nam nước Pháp, tại đan viện Notre-Dame-du-Désert – Đức Mẹ Sa mạc, một đan viện cũ của dòng Trappist nằm ở phía nam Toulouse nhằm đưa mọi người từ các hoàn cảnh xã hội rất khác nhau sống cùng nhau theo tinh thần huynh đệ và tôn trọng nền sinh thái học toàn diện mà Đức Thánh Cha mong muốn.
“Ngôi làng Phanxicô”
Đan viện Đức Mẹ Sa mạc, có tuổi đời hơn 160 năm, ngày nay là nơi đón tiếp các gia đình đầu tiên tham gia vào dự án có mục đích giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và cơ hội tìm việc làm.
Ông Étienne Villemain, người khởi xướng dự án, đã bắt đầu sáng kiến về các ngôi nhà ở chung do Hiệp hội pour l’Amitié – Hiệp hội vì tình bạn – và Mạng lưới Ladarô thành lập, theo đó những người sống trên đường phố có thể sống trong một ngôi nhà, cùng với các chuyên gia trẻ hoặc sinh viên.
Cảm hứng từ Tin Mừng
Nguồn gốc của Ngôi làng Phanxicô xuất phát từ ý tưởng về hòa nhập được lấy cảm hứng từ Tin Mừng. Ông Étienne chia sẻ: “Tôi bắt đầu với một quan sát quan trọng: chúng ta biết rằng ở Pháp có một trong những hệ thống xã hội tốt nhất trên thế giới, nhưng nó tạo ra quá nhiều nghèo đói, quá nhiều người ‘đơn độc’. Rõ ràng, nhiều tổ chức đang làm những điều phi thường và không ai muốn chỉ trích họ, nhưng vẫn còn đó một vấn đề: chúng ta trợ giúp những người sống trên đường phố bằng cách này, những người di cư theo cách khác, và sau đó là người già, những người hoạt động mại dâm … Nhưng nó luôn tạo ra một sự kỳ thị mà nếu tôi là một người sống trên đường phố, tôi sẽ chỉ kết bạn với những người sống trên đường phố; nếu tôi là một người khuyết tật, tôi sẽ chỉ thấy mình với những người khuyết tật”.
Cộng đoàn những người nghèo
Từ mong muốn đảo ngược cơ chế loại trừ và gạt ra bên lề xã hội này, ông Étienne đi đến ý tưởng “tạo ra một ngôi làng nơi tất cả chúng ta đều nghèo, với những vết thương và sự yếu đuối của chúng ta”. Ông cho biết: “Có những người đã ra tù hoặc từng hành nghề mại dâm, người tàn tật, có thể có người già; điều đó không quan trọng: chúng ta hãy cố gắng sống cùng nhau. Ý tưởng về Ngôi làng Phanxicô có nghĩa là chúng ta đón tiếp tất cả những người ‘nghèo’ mà Tin Mừng nói đến và chúng ta theo những gia đình ‘cổ điển’ – có cha, mẹ và con cái – và chúng ta cố gắng chia sẻ cuộc sống của chúng ta.”
Tinh thần của các đan sĩ Trappist
Trong khi tìm kiếm những địa điểm khác, dự án đầu tiên đã phát triển xung quanh đan viện Đức Mẹ Sa mạc ở giáo phận Toulouse. Các đan sĩ Trappist đã cư trú ở đó từ giữa thế kỷ 19, nhưng hiện đã rời đi. Việc giảm đáng kể giá bán của đan viện và sự đóng góp hào phóng từ một nhà tài trợ người Mỹ đã giúp họ có được cơ sở này. Bản thân các đan sĩ cảm thấy rất hài lòng khi thấy một cộng đồng Ki-tô giáo tiếp tục giữ cho đan viện của họ tồn tại.
Ông Étienne xúc động nhớ lại ngày các đan sĩ rời đan viện, vào đêm trước lễ Thánh Phanxicô, vào tháng 10/2020, và nhìn Ngôi làng Phanxicô với lòng kính trọng và trìu mến đối với các đan sĩ đã sống ở đó cho đến năm 2020. Ông tâm sự: “Chúng tôi rất sửng sốt, xúc động khi nghĩ đến việc kế tục cộng đồng đan tu này! Họ thật phi thường.” Tám đan sĩ cuối cùng đã chuyển đến các đan viện khác nhau, thậm chí một vị đã đến Ecuador. Nhưng mối liên hệ với những người cư ngụ hiện tại ở đan viện vẫn còn sâu sắc. Ông Étienne nói: “Chúng tôi cầu nguyện cho họ, họ cầu nguyện cho chúng tôi, đó là một sự hiệp thông tốt đẹp và cũng là một kết quả đẹp”.
Ông Étienne bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quảng đại và lòng trung thành của các đan sĩ. Ông kể: “Một ngày trước khi các đan sĩ rời đi, một cái cây đã ngã và làm gãy một tấm biển chỉ đường đến đan viện Đức Mẹ Sa mạc …. Trước khi rời đi, các đan sĩ đã sửa lại tấm biển. Họ tiếp tục quan tâm đến mọi thứ cho đến cùng. Lúc đầu, họ không biết chúng tôi sẽ đến, nhưng họ tiếp tục quản lý nơi này như thể họ biết sẽ có sự tiếp tục này. Họ đã làm tất cả, nhiều năm làm việc và cầu nguyện, và chúng tôi đã đến để gặt hái thành quả… Chúng tôi vô cùng biết ơn các đan sĩ này!”.
Hoạt động kinh tế tạo việc làm cho người có hoàn cảnh bấp bênh
Như các đan sĩ đã chọn hoạt động kinh tế là sản xuất và bán mật ong để duy trì đời sống, Ngôi Phanxicô sẽ là nơi hoạt động kinh tế để tạo công ăn việc làm và mang đến một cơ hội mới cho những người có hoàn cảnh bấp bênh. Ông Étienne chia sẻ: “Người ta thường nghĩ rằng người sống trên đường phố là gánh nặng cho xã hội, nhưng chúng tôi tin rằng họ có thể tạo ra của cải vật chất. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang cố gắng thiết lập các hoạt động kinh tế, chẳng hạn như kinh doanh nuôi ong, kinh doanh khách sạn, chúng tôi đang cố gắng thiết lập một hoạt động tích hợp với một hiệp hội tổ chức phát triển các khu vườn nuôi trồng: với tất cả những điều này, chúng tôi đang tạo ra khoảng ba mươi việc làm. Chúng tôi đang có kế hoạch phát triển một trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng, sản xuất mỹ phẩm…”.
Tôn trọng môi trường và tôn trọng con người
Cách tiếp cận này đáp lại sự khuyến khích của Đức Thánh Cha Phanxicô, người không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ đều được kết nối và tôn trọng môi trường và tôn trọng con người là hai điều không thể tách rời. Ông Etienne giải thích: “Chúng tôi muốn chăm sóc ngôi nhà chung, hệ sinh thái toàn vẹn và cuộc sống từ đầu đến cuối: đây là lý do tại sao chúng tôi chào đón những bà mẹ mang thai gặp khó khăn và những người già có thể sắp kết thúc những ngày của họ ở Ngôi làng Phanxicô”. “Mục tiêu của việc chăm sóc môi trường bao gồm xem xét lại hệ thống sưởi ấm, quản lý nước, phương tiện giao thông của chúng tôi. Chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Luôn ghi nhớ hai thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti, chúng tôi đang cố gắng sống rất đơn giản.
Nơi chia sẻ, hiệp thông
Ngôi làng Phanxicô, được hỗ trợ và đồng hành hoàn toàn bởi Giáo hội địa phương, có lẽ làm chứng cho điều mà Ki-tô giáo được kêu gọi trở thành: nơi chia sẻ, hiệp thông giữa những anh chị em thuộc các thành phần khác nhau, với sự chào đón đầy yêu thương đối với những người mong manh và dễ bị tổn thương.
Ông Étienne nhắc lại lời Chúa Giê-su: “Khi anh em đãi tiệc, đừng đi tìm người giàu nhưng tìm người nghèo, người tàn tật, què quặt, thì anh em sẽ thấy niềm vui của anh em sẽ rất lớn trên trời. Đây là lời hứa trong Tin Mừng và đây là điều chúng tôi cố gắng sống ở Ngôi làng Phanxicô: chào đón những người tàn tật và què quặt – suy cho cùng, tất cả chúng ta đều hơi khập khiễng – và cố gắng yêu thương, bất chấp sự vụng về của chúng ta.” Đối với ông, những khó khăn có thể nảy sinh là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là về các mối quan hệ và tài chính, nhưng không nên làm nản lòng những người sống trải nghiệm chung sống cùng nhau.
Thử nghiệm này bắt đầu với sáu gia đình, và những người từ các hoàn cảnh khác nhau sẽ dần dần được chào đón khi cơ sở có thể đón tiếp họ. Nó là một thách đố cho tất cả các Ki-tô hữu, nhưng cũng cho toàn xã hội. Ông Étienne kết luận: “Có một nhận thức rằng thế giới của chúng ta không còn có thể tiếp tục như nó đã làm trong nhiều thế kỷ, không quan tâm đến thiên nhiên, không quan tâm đến người nghèo …. Có một nhận thức thực sự và nhiều người có ý thức về điều này. Từng bước, điều không thể trở thành có thể và sẽ cho phép những người ở bên lề xã hội sống một cuộc sống huynh đệ nhưng cũng là một cuộc sống cầu nguyện, để sống với nhau, và sau đó cũng có thể sống một đời sống Ki-tô giáo, trong đó họ có thể dựa vào tình huynh đệ và cả đời sống cầu nguyện: điều gì đó sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ.”
Hồng Thủy
(Vatican News 17.01.2022)