Trả lại tự do (23.01.2022 – Chúa Nhật 3 TN, Năm C)

Lời Chúa: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

Thưa ngài Thêôphilô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.

Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Suy niệm:

Tự do là quà tặng quý của Thiên Chúa cho con người,

nhờ đó, con người mới thật là người, theo hình ảnh Chúa.

Tiếc thay con người không luôn luôn giữ được tự do.

Tự do của người này bị xâm phạm bởi tự do người khác,

hay lắm khi chính mình lại đưa mình vào cảnh nô lệ.

Có người tưởng mình đang tự do khi làm theo ý mình,

kỳ thực người ấy đang nô lệ cho cái tôi,

đang đúc cho mình những xiềng xích bằng vàng.

Tự do là ân ban của Chúa, nhưng không dễ giữ được.

Con người cứ phải vật vã chiến đấu với chính mình,

với bao cám dỗ trong đời để tìm lại tự do đã mất.

May quá, chính Chúa Giêsu là Đấng giúp ta tự do.

Trong hội đường Nadarét, vào một ngày sa-bát,

Đức Giêsu hân hạnh được mời đọc Sách Thánh.

Hôm đó người ta đưa cho Ngài cuộn sách ngôn sứ Isaia.

Ngài cố ý tìm đoạn văn mình muốn đọc và giảng,

và đã chọn đoạn nói về sứ mạng của vị ngôn sứ (Is 61,1-2).

Đoạn này được Ngài chọn vì nó hợp với ước mơ,

với hướng đi, với chương trình hoạt động của Ngài.

Đức Giêsu đã cảm nhận quyền năng của Thần Khí

từ khi Ngài chịu phép rửa (Lc 3,22; 4,1.14.18).

Thần Khí ấy đầy tràn trên Ngài và luôn đi với Ngài.

Ngài thấy mình đã được Chúa xức dầu để thành ngôn sứ.

Khi cầu nguyện trong hoang địa bốn mươi ngày (Lc 4,1-13),

Ngài đã rõ những việc Cha muốn Ngài làm cho thế giới.

Chính vì thế, hôm nay, tại hội đường của quê nhà,

Đức Giêsu muốn dùng lời ngôn sứ Isaia để loan báo

con đường Ngài đã bắt đầu đi và sẽ tiếp tục đi.

Đức Giêsu quan tâm đến bốn nhóm trong xã hội của Ngài:

người nghèo, người mù, kẻ bị giam cầm và kẻ bị áp bức.

Người nghèo có chỗ đặc biệt trong trái tim của Ngài.

Họ là những người gặp khó khăn về mặt kinh tế,

nên họ cũng là người phải chịu nhiều bất công thiệt thòi.

Họ không có tiếng nói, nên cũng mất luôn quyền tự do.

Đức Giêsu ưu tiên loan báo Tin Mừng cho họ (Lc 4,18; 7,22),

tuyên bố họ có phúc vì Nước Thiên Chúa là của họ (Lc 6,20).

Người mù và vô số người khuyết tật cũng là người nghèo.

Cái nghèo về sức khỏe khiến họ mất tự do vui sống.

Họ không thể nghe, thấy, đi đứng bình thường (Lc 7,21-22).

Đức Giêsu đã trả lại cho họ tự do.

Ngài đã cho anh mù ở Giêricô sáng mắt (Lc 18,35-43),

đã cởi xiềng xích để bà còng lưng đứng thẳng lên (Lc 13,10),

đã cho anh bất toại đứng lên và đi được (Lc 5,24).

Đức Giêsu không mở cửa ngục để giải thoát các tù nhân,

nhưng Ngài đã giải thoát các tội nhân khỏi bóng tối.

Ngài nói với người phụ nữ: “Tội con đã được tha” (Lc 7,48).

Tội nhân là những người làm nô lệ cho tội, cho cái tôi,

bị giam cầm bởi sự ích kỷ, bởi sự chật hẹp của lòng mình.

Ngài đến mở tung lòng họ bằng ơn tha thứ.

Vào thời Đức Giêsu có bao người chịu áp bức:

phụ nữ, trẻ em, bà góa, dân ngoại, những người bị loại trừ.

Ngài đã xóa bỏ sự phân biệt và trả lại cho họ nhân phẩm.

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Đó là tiếng reo vui của Đức Giêsu, mở ra thời đại mới.

Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài mới đọc trong Isaia.

Ước mơ của Ngài là đem lại tự do thực sự cho con người.

Đó cũng là ước mơ của chúng ta về thế giới.

Là những người được xức dầu thánh và đầy Thánh Thần,

chúng ta được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo,

được sai đến với bệnh nhân và tội nhân.

Xin Chúa giúp ta cởi bỏ khỏi mình mọi thứ xiềng xích,

để ta có thể giúp người khác được tự do.

Ước gì bản tuyên ngôn của Đức Giêsu ở Nadarét

cũng là bản tuyên ngôn của mỗi kitô hữu chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày sa-bát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.