Truyền giáo: Dễ hay khó

Người truyền giáo, tự bản thân, là người có đời sống cầu nguyện chuyên cần, gắn bó với Lời Chúa, nhạy bén với thánh ý Thiên Chúa, tình bạn thân thiết với Chúa Kitô…

Trước tiên, tôi thiết tưởng người khát khao làm việc truyền giáo đã có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt nội tâm, hay còn gọi là đời sống thiêng liêng, hoặc nói theo kiểu ở đời là sự đối nội vững chắc. Nghĩa là, người truyền giáo, tự bản thân, là người có đời sống cầu nguyện chuyên cần, gắn bó với Lời Chúa, nhạy bén với thánh ý Thiên Chúa, tình bạn thân thiết với Chúa Kitô, cộng tác với Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, yêu mến chinh phục các linh hồn về với Chúa và để họ trở thành chiến sĩ của Chúa Kitô, v.v..Trên bước đường loan báo Tin Mừng, tôi thường bắt gặp một số người có lòng khát khao đi truyền giáo nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, truyền giáo như thế nào. Vì lẽ đó, trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm bé nhỏ của bản thân cho những ai ước ao lao tác trên cánh đồng của Chúa với ước mong chúng ta trở thành những cộng sự đắc lực của Chúa Thánh Thần và của nhau.

Bên cạnh chiều kích đối nội như thế, người truyền giáo nên thủ đắc một số kỹ năng cơ bản, tạm gọi là kỹ năng đối ngoại hoặc phương thức truyền giáo. Với kinh nghiệm nhỏ bé của bản thân, tôi xin phép chia sẻ “năm kỹ năng cơ bản trong ơn gọi truyền giáo” hay “năm bước truyền giáo” như sau:

1/ Thiết lập và phát triển tình bạn giữa tôi và đối tượng cần được truyền giáo

Nhiều người khi vừa đặt chân đến mảnh đất truyền giáo đã vội vàng lo ngại về sự khiếm khuyết ngôn ngữ bản địa của bản thân. Thực tế, có một thứ ngôn ngữ mà mọi người trên thế giới này đều có thể hiểu và câu thông với nhau, đó là ngôn ngữ của tình yêu. Khi bạn có tình yêu chân thực dành cho người bản địa, hầu chắc bạn có thể dễ dàng kết bạn với họ. Vì lẽ đó, người truyền giáo không nên e ngại về ngôn ngữ câu thông, nhưng nên khôn ngoan thiết lập mối tương quan tình bạn với bà con đang cần được nghe biết Tin Mừng. Tất nhiên, việc thông thạo ngôn ngữ và văn hóa của người bản địa là điều cần thiết, nhưng không phải là điều kiện tiên quyết để truyền giáo. Một lần nữa, chúng ta nên nhớ rằng bước đầu tiên của việc truyền giáo là thiết lập Tình Bạn, chứ không phải là nói về Chúa cho “dân ngoại” nghe ngay tức khắc. Nếu vừa gặp bà con đã vội vàng giới thiệu Chúa cho họ, thì e rằng hành động ấy sẽ khiến cánh cửa tâm hồn của bà con cũng vội vàng khép kín. Như thế, việc truyền giáo vô tình bị chặn đứng bởi chính người truyền giáo, chứ không phải bởi người bắt hại Đạo. Nói cách khác, một khi cánh cửa tâm hồn của người cần được nghe biết Tin Mừng bị đóng chặt, thì khó lòng khiến nó mở ra. Do đó, việc thiết lập tình bạn rất quan trọng và là nhịp cầu giúp chúng ta khởi sự việc truyền giáo. Thế nhưng, làm thế nào để thiết lập tình bạn, và giai đoạn này cần bao nhiêu thời gian? Thiết lập tình bạn tùy thuộc vào kỹ năng và phong thái riêng của mỗi người. Nếu bạn tiếp xúc với một người mới gặp, bạn tạo nên một không gian cởi mở, vui vẻ, thân thiện, chân thành…, thì khả năng kết bạn trở nên dễ dàng hơn. Bạn cũng không nên quá vồn vã khi vừa mới quen biết người khác và môi trường khác. Cần kiên nhẫn và quan sát. Cần tìm hiểu văn hóa và thói quen của đối phương. Có khi bạn chỉ cần hai hoặc ba lần gặp gỡ là có thể trở nên thân quen với người mới. Nhưng có khi bạn tốn khoảng một vài tháng mới có thể thân thuộc với đối tượng cần được kết bạn. Nói chung, kiên nhẫn và hài hòa là hai điều cần thiết trong việc thiết lập tình bạn. Thiết lập được tình bạn rồi, bạn cần xây dựng một mối tương quan đáng tin cậy cho người bạn của mình. Đây là bước thứ hai.

2/ Xây dựng lòng tin qua việc chia sẻ cuộc sống của nhau

Để có thể mở cửa tâm hồn của người bạn mới, bạn cần gõ cửa tâm hồn của họ trước. Để gõ cửa tâm hồn của họ, bạn cần xây dựng lòng tin tưởng. Nghĩa là, bạn hãy chứng minh cho họ thấy bạn là người đáng tin cậy, là chỗ dựa tinh thần của họ. Như thế, công việc bạn cần làm để xây dựng lòng tin chính là sự quan tâm của bạn dành cho họ. Bạn nên biết họ đang cần gì, họ thiếu thốn điều gì, gia đình và hoàn cảnh sống của họ ra sao, con cái họ ăn học thế nào, công việc mưu sinh của họ có bảo đảm không, sức khỏe của họ có ổn định không, v.v.. Có thể bạn không giúp họ các trực tiếp, nhưng bạn có thể làm trung gian giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, san sẻ tất cả những gì bạn có với mọi khả năng của bạn. Làm được điều này, bạn đang xây dựng lòng tin với họ cách vững chắc, bền lâu… như một câu ngạn ngữ của nước ngoài diễn tả về tình bạn: “Một người bạn đích thực là một người luôn có mặt trong những nhu cầu của bạn mình” (A friend in needs is a friend indeed). Một khi họ tin tưởng bạn, bạn có thể gõ cửa tâm hồn của họ và họ sẵn sàng mở cửa để bạn bước vào mảnh đất thánh của con người họ.

3/ Đối thoại đức tin

Khi tình bạn trở nên tin tưởng và gần gũi, việc đối thoại đức tin ắt sẽ diễn ra cách tự nhiên. Dù bạn của bạn là một người chưa theo tôn giáo nào, hoặc đã là Phật tử, hoặc đã theo đạo Tin Lành…, thì việc đối thoại đức tin cũng sẽ rất cởi mở, một khi đã có một tình bạn chân thành với nhau. Tôi xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể để minh họa cho việc đối thoại này. Một ngày nọ, bạn đến thăm người bạn mới quen thân. Người này mời bạn dùng bữa cơm gia đình. Trước khi ăn cơm, bạn làm dấu thánh giá và âm thầm cầu nguyện, thậm chí khá sốt sắng cầu nguyện, người kia hầu chắc sẽ chú ý hành động kỳ lạ của bạn. Cứ tự nhiên, họ sẽ thắc mắc và hỏi bạn về ý nghĩa của hành động ấy. Khi bạn giải thích cho họ nghe về niềm tin của bạn trong việc bày tỏ thái độ biết ơn với Đấng đã ban cho bạn có hạt gạo như một hạt ngọc làm lương thực nuôi sống thân xác bạn, khi đó bạn đang thực hành bước thứ ba này là đối thoại đức tin. Có thể họ sẽ hỏi bạn nhiều điều về niềm tin của bạn. Có thể họ không hỏi nhiều, không chú ý về hành vi cầu nguyện trước bữa ăn của bạn. Tuy thế, bạn cứ kiên nhẫn, rồi họ sẽ thắc mắc và hỏi bạn nhiều điều khi bạn duy trì bước thứ hai trong mối tương quan tình bạn, khi bạn luôn sống tốt, sống Lời Chúa giữa mối tương quan này. Mặt khác, nếu họ không thắc mắc gì về đức tin của bạn, thì bạn nên chủ động thắc mắc về đức tin của họ. Sự thắc mắc của bạn chính là khởi điểm của việc đối thoại đức tin. Khi sự đối thoại đức tin ngày một sâu rộng và hài hòa, bạn có thể nghĩ đến giai đoạn thứ tư của việc truyền giáo.

4/ Mời gọi cùng nhau cầu nguyện và tìm hiểu đức tin của nhau

Bạn có thể kết thúc việc đối thoại đức tin bằng lời mời gọi người bạn của mình tham gia một giờ cầu nguyện của bạn, hoặc của một nhóm bạn nào đó, hoặc tham dự Thánh Lễ, hoặc tham dự một dịp đại lễ của Đạo Công Giáo. Lúc này không còn một mình bạn là người truyền giáo nữa, mà là một cộng đoàn, là cả Giáo Hội đang cùng bạn truyền giáo, giới thiệu Chúa cho người bạn mới đến. Phần bạn, bạn hãy xin Chúa Thánh Thần làm việc mạnh mẽ trên người anh em này để họ có thể chia sẻ đức tin của họ và tìm hiểu đức tin của bạn. Nếu họ là người chưa đi theo tôn giáo nào, bạn có thể mời họ đến cộng đoàn cầu nguyện thường xuyên, hoặc gia tăng đối thoại đức tin với họ, để có thể tiến tới giai đoạn cao trào của việc truyền giáo, giai đoạn thứ năm.

5/ Chào mừng gia nhập Hội Thánh qua các Bí tích Khai tâm Kitô giáo

Đây là bước cuối cùng của sứ mạng truyền giáo, là hoa trái của quá trình truyền giáo, là giai đoạn chuẩn bị cho người bạn của mình gia nhập cộng đoàn những người tin theo Chúa. Như thế, bạn nên có những người cộng tác nhiệt thành, những cộng tác viên trong việc giảng dạy Giáo lý, để bàn giao công việc này cho họ. Nhờ đó, bạn có thời giờ để tiếp tục lên đường tiến tới những biên cương mới, gặp gỡ những người bạn mới, nhưng cũng không quên dành thời gian đồng hành với những người mới biết Chúa và quan tâm tới sự trưởng thành trong đời sống đức tin của họ, củng cố đức tin cho họ vào những dịp thuận tiện.

Tóm lại, truyền giáo không dễ và cũng chẳng khó. Khó hay dễ là tùy thuộc vào bản thân của bạn. Bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng những hành trang cần thiết để lên đường hay chưa, như con người của Mẹ Maria được diễn tả trong trình thuật Truyền Tin và thăm viếng bà Isave (Lc 1:26-56) – mẫu gương của người truyền giáo sống động – luôn biết lắng nghe và suy đi nghĩ lại Lời Chúa, được tràn đầy Thánh Thần, mau mắn thi hành ý Chúa, sống đơn giản và lẹ làng lên đường đem Chúa đến với người khác. Nói cách khác, để chuẩn bị lên đường truyền giáo và trở thành một người thợ lành nghề trên cánh đồng truyền giáo, thiết tưởng mỗi người chúng ta cần có một đời sống nội tâm trưởng thành và lành mạnh, một đời sống cầu nguyện chuyên cần, không cậy dựa vào sức riêng nhưng bám vào Chúa và để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, kinh nghiệm thâm sâu về Đức Kitô, học hỏi và tuân thủ các kỹ năng truyền giáo để có thể giới thiệu Chúa cho những người bạn chưa bao giờ nghe biết Tin Mừng. Đây chính là phong thái cần có của người truyền giáo và là điều kiện cũng như phương tiện giúp chúng ta lao tác trên cánh đồng của Chúa mà không e ngại thành công hay thất bại, vì chúng ta chỉ là cộng tác viên của Chúa Thánh Thần, là khí cụ để Thiên Chúa dùng phục vụ cho thánh ý của Người, là người tiếp nối sứ vụ còn dang dở của Chúa Giêsu. Do đó, không có thành công hay thất bại trong việc truyền giáo, chỉ có lòng tín thác và kinh nghiệm của Chúa khi lao tác trên cánh đồng truyền giáo mà thôi.

LỜI NGUYỆN CỦA NGƯỜI TRUYỀN GIÁO

Lạy Chúa Giêsu, khi xưa Chúa phán rằng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Giờ đây, chúng con đặt mình trước Chúa, xin Chúa hãy sai chúng con đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa.

Để chúng con không cậy dựa vào sức riêng của mình, xin Thánh Thần của Chúa dạy chúng con cầu nguyện, giúp chúng con thấm nhuần Lời Chúa, biết kín múc Lời Hằng Sống của Chúa làm nguồn thần lương nuôi sống linh hồn chúng con, làm nguồn thần lực giúp chúng con nương tựa nơi Ngài để ra đi rao giảng Tin Mừng, giúp chúng con có đủ sức mạnh và tình yêu dành cho Chúa để chúng con làm việc không tìm nghỉ ngơi, để chúng con truyền giáo với tâm hồn quảng đại, với tình yêu dâng hiến, với sự hy sinh quên mình.

Lạy Chúa Giêsu, khi nào chúng con tính toán hơn thiệt, hèn nhát, không dám lên đường truyền giáo, thì xin Chúa hãy nhắc nhớ chúng con rằng chúng con đang quên Chúa, đang lười biếng cầu nguyện, đang dựa vào sức riêng của bản thân, đang thiếu tình yêu dành cho Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, khi nào chúng con chia rẽ, xung đột, chán nản…, thì xin Chúa hãy nhắc nhớ chúng con rằng chúng con đang thiếu cầu nguyện, đang hành động và suy nghĩ theo xác thịt, chứ không phải theo Thần Khí.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con khát khao được cộng tác với Chúa, tiếp nối công trình tái tạo và cứu chuộc còn dang dở của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con hăng say cầu nguyện và kết hiệp với Chúa như gương của Mẹ Maria, để chúng con nhiệt thành lên đường đến với lương dân, vì chúng con sẽ trở nên những kẻ vô dụng và khốn khổ nếu chúng con ngại ngùng lên đường truyền giáo, như Thánh Phaolô đã từng thổ lộ: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9:16) và “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng!” (Rm 10:15).

Xin Mẹ Maria cùng đồng hành với chúng con trên bước đường truyền giáo như Mẹ đã từng đồng hành với Chúa Giêsu khi xưa vậy. Amen./.

Giuse BCD