LM Phaolô Nguyễn Phú Cường
Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate (về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày hôm nay), Đức Thánh cha Phanxicô muốn nhấn mạnh đến vấn đề chính yếu về ơn gọi nên thánh mà Chúa nói với mỗi người trong chúng ta, lời mời gọi này Chúa nói một cách cá nhân với từng người là “phải thánh thiện vì Ta là Đấng thánh” (Lv 11,44, x. 1Pr 1,16). Đồng thời, Đức Thánh cha cũng nhắc lại lời khẳng định của Công đồng Vaticanô II rằng: “Tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng được Chúa kêu gọi, để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”. Cách riêng khi nói về ơn gọi nên thánh của các linh mục thì trong Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (về tác vụ và đời sống các linh mục) đã nói rõ: cùng chung với các Kitô hữu khác khi được lãnh nhận bí tích Rửa tội các linh mục cũng được mời gọi hướng đến sự hoàn thiện mà Chúa Giêsu đã mời gọi: “Các con hãy trở nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Tuy nhiên, các linh mục còn có một lý do đặc biệt buộc phải đạt tới sự hoàn thiện này, do bởi các linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Truyền chức thánh. Các linh mục trở nên khí cụ sống động của Đức Kitô Tư Tế vĩnh cửu, để tiếp tục thực hiện các công trình kỳ diệu của Người cho toàn thể xã hội con người qua mọi thời. Vì thế, khi trở thành hiện thân của Đức Kitô theo chức vụ của mình, mỗi linh mục cũng nhận được những ơn riêng, để khi phục vụ dân được trao phó cho ngài cũng như phục vụ toàn thể Dân Chúa, các ngài có thêm khả năng vươn đến sự hoàn thiện của chính Đấng đã trao tác vụ cho các ngài, và để sự yếu đuối của xác thịt phàm nhân được chữa lành nhờ sự thánh thiện của Đấng đã vì chúng ta mà trở nên Vị Thượng tế “thánh thiện, vô tội, vẹn toàn, tách biệt khỏi các tội nhân” [Hr 7,26] (PO 12). Nói tóm lại, các linh mục chúng ta phải trở nên là các linh mục thánh thiện của thời đại ngày hôm nay. Nhưng làm như thế nào để đời sống linh mục trở nên thánh thiện trong thời đại này?
- Sự thánh thiện của linh mục qua đức ái mục tử
Trong bài giáo lý nói về sự thánh thiện vào ngày 13 tháng 4 năm 2011 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã nhắc lại những lời giải thích của Công đồng Vaticanô II để xác định rõ đâu là trọng tâm của sự thánh thiện. Công đồng cho chúng ta biết rằng sự thánh thiện của Kitô hữu không gì khác hơn là sống bác ái một cách trọn vẹn. “Thiên Chúa là tình yêu; ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Ngài vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); vì thế, tặng phẩm thứ nhất và cần thiết nhất chính là đức ái, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân vì Ngài” (LG 42).
Bởi vậy, trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã chỉ ra phương cách nên thánh của linh mục là nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô Mục Tử và là thực thi đức ái trong mục vụ (PDV 27). Hay nói cách khác, các linh mục nên thánh qua việc theo gương mẫu của Chúa Giêsu là Vị Mục tử đích thực biết rõ, yêu thương đàn chiên, đến nỗi hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (x. Ga 10,15). Tình yêu dành cho đàn chiên đến nỗi Người chấp nhận chết trên thập giá. Tình yêu của Chúa Kitô không có sự chọn lựa ai để yêu, nhưng dành cho tất cả mọi người, không loại trừ ai. Người đã nhắc chúng ta về điều này khi nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Những lời này cho thấy Chúa Giêsu muốn mọi người có thể đón nhận tình yêu thương của Chúa Cha. Và chính các linh mục được mời gọi để thực hiện sứ vụ này của Chúa Kitô, Vị Mục tử nhân lành yêu thương tất cả mọi người, cả những người không thường xuyên hoặc không bao giờ đến nhà thờ, cả những người chống đối hoặc gây ra các tổn thương cho mình. Bởi lẽ tất cả đều là con Chúa, những người mà Chúa Cha giao phó cho các mục tử chăm sóc. Như thế, linh mục là dấu chỉ hữu hình về tình yêu nhân từ của Chúa Cha. Cũng như, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã khẳng định:
“Thái độ mến Chúa và yêu người là dấu xác nhận người môn đệ đích thực của Đức Kitô” (LG 42). Đây là sự đơn sơ đích thực, sự vĩ đại và chiều sâu của đời sống Kitô hữu, của sự thánh thiện. Đây là lý do tại sao thánh Augustinô, khi chú giải về chương thứ tư trong thư thứ nhất của thánh Gioan, có thể tuyên bố táo bạo: “Dilige et fac quod vis [Yêu và làm những gì bạn muốn]”; và ngài tiếp tục: “bạn có thinh lặng, hãy thinh lặng vì yêu thương; bạn có nói, hãy nói vì yêu thương; bạn có sửa lỗi, hãy sửa lỗi vì yêu thương; bạn có tha thứ, hãy tha thứ vì yêu thương; hãy để tình yêu thương bén rễ trong bạn, vì từ cội rễ này không gì khác ngoài điều thiện mới có thể tiến triển được” (7,8 PL 35). Những ai được tình yêu hướng dẫn, những ai sống bác ái hết mình, đều được Thiên Chúa hướng dẫn, vì Thiên Chúa là tình yêu. Do đó những từ quan trọng này được áp dụng: “Dilige et fac quod vis”, “Yêu và làm những gì bạn muốn”.
Như vậy, chính nhờ sống đức ái mục tử trọn hảo mà các linh mục sẽ trở nên thánh thiện như Cha trên trời. Cũng thế, mọi người sẽ nhận ra nơi người linh mục có Chúa trong họ (x.Ga 13,35). Như những gì trong Tông huấn Pastores dabo Vobis đã nói: “Các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Kitô, Vị Mục tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Người và bằng cách làm sao cho mình như thể được Người xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình” (PDV 15).
- Người linh mục là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu – Vị Mục tử nhân lành
Bài tham luận Ước nguyện của giáo dân về linh mục tại Công nghị Tổng Giáo phận Hà Nội (ngày 20 tháng 01 năm 2022) vừa qua, đã nói lên nhiều mong muốn của người giáo dân về linh mục, nào người linh mục là gương sáng trong đời sống dấn thân, người làm chứng cho chân lý, người tốt lành tử tế, trí tuệ… nhưng đặc biệt là giáo dân mong ước linh mục là một chứng nhân tình yêu – Nhìn thấy Chúa nơi linh mục, luôn hạnh phúc với sứ vụ và hết lòng vì tha nhân.
Thật vậy, trong thời đại ngày hôm nay, giáo dân mong muốn rất nhiều điều về linh mục. Nhưng chỉ có một điều mong ước là căn bản và cần thiết nhất mà dù trong bất kỳ thời đại nào, dù ở giáo xứ miền quê hay thành thị, dù ở những nơi giàu có hay nghèo khó, đó chính là mong ước giống như ước nguyện của tông đồ Philipphê nói với Chúa Giêsu năm xưa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Quả vậy, ước nguyện này của thánh Philipphê cũng chính là ước nguyện của người giáo dân mong muốn nơi linh mục của họ.
Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. Không phải là một nghệ sĩ, không phải một giáo sư, không phải một kỹ sư. Nhưng là một người Cha. Trong một giáo xứ không có nhu cầu cần một kỹ sư hay một nghệ sĩ, nhưng chỉ có nhu cầu cần một người cha. Người mục tử chúng ta hôm nay cũng phải đáp trả cho những con chiên của mình như những gì Chúa Giêsu đã trả lời cho Philipphê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” (Ga 14,9-11). Dĩ nhiên là những linh mục chúng ta ngày hôm nay không dám trả lời như Chúa Giêsu đã trả lời với thánh Philipphê. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu phải luôn là khuôn mẫu và luôn là mục tiêu mà các linh mục vươn tới, bằng cách trong nếp sống và sứ vụ của mình mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Để rồi, trong sự e sợ và run rẩy, nhưng với một đức tin mạnh mẽ và can đảm thì người linh mục chúng ta ngày hôm nay cũng dám nói lên rằng: ai nhìn thấy tôi là thấy Chúa Giêsu.
Để có thể trở nên hình ảnh sống động và phản chiếu đức ái mục tử của Đức Giêsu Kitô vị Thượng Tế đời đời một cách rõ ràng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống của người linh mục, ngoài việc thi hành các tác vụ của mình cách ý thức, các linh mục còn tìm thấy các phương thế khác. Đặc biệt là nơi Đức Maria.
- Chúa Giêsu trao ban cho các linh mục những gì quý giá nhất của Người, đó là Thánh mẫu của Người
Công đồng Vaticanô II đã mời gọi các linh mục luôn hướng nhìn Đức Maria như là một mẫu gương hoàn hảo cho sự hiện hữu của các linh mục (PO 18). Ai không biết noi gương đức hạnh của Mẹ Maria thì không phải là người con tận tình. Do đó, linh mục phải nhìn lên Mẹ Maria nếu muốn trở thành một chứng nhân cho đức ái qua việc dâng hiến toàn thân cho Chúa và cho Giáo hội. Cũng như việc chiêm ngưỡng Đức Trinh nữ Maria luôn làm sáng tỏ lý tưởng mà linh mục phải theo đuổi trong sứ vụ chăm sóc đoàn chiên của mình. Bởi thế, Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở: “Các linh mục phải lấy tình con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Đấng là mẹ của Vị Thượng tế đời đời, là Nữ vương các tông đồ và là nguồn trợ lực cho tác vụ linh mục” (PO 18).
Thật vậy, do bởi vai trò quan trọng của Đức Trinh nữ Maria trong đời sống và sứ vụ của linh mục, nên các linh mục đều biết rằng Đức Maria là người mẹ, là nhà đào tạo xuất sắc của chức linh mục, vì Mẹ là người biết cách uốn nắn trái tim linh mục; Do đó, Đức Trinh nữ Maria biết và muốn bảo vệ các linh mục khỏi những nguy hiểm, khi bị kiệt sức và những lúc nản lòng: với sự ân cần của một người mẹ, Mẹ trông nom người linh mục để người con của Mẹ có thể ngày càng thêm khôn ngoan, thêm sức mạnh và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (x. Lc 2,52).
Như vậy, chúng ta nhận ra rằng có một môi liên hệ gần gũi và bền chặt giữa Chúa Giêsu với Đức Trinh nữ Maria và chức linh mục. Như Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã trích dẫn lại lời của một trong những người con hiếu thảo của Mẹ Maria đó là thánh Gioan Maria Vianey, những lời mà cha thánh họ Ars yêu mến và thường xuyên lặp lại: “Chúa Giêsu Kitô, sau khi cho chúng ta tất cả những gì Người có thể cho chúng ta, Người còn muốn làm cho chúng ta thành người thừa kế những gì quý giá nhất của Người, đó là Thánh mẫu của Người”. Điều này áp dụng cho mọi Kitô hữu, cho tất cả chúng ta, nhưng theo một cách đặc biệt là đối với các linh mục. Chúng ta hãy cầu nguyện để Mẹ Maria làm cho tất cả các linh mục trở nên giống với hình ảnh của Chúa Giêsu là con của Mẹ, trong mọi vấn đề của thế giới ngày nay, như những người quản lý kho tàng tình yêu quý giá của Người với tư cách là Vị Mục tử nhân lành. Lạy Mẹ Maria, mẹ của các linh mục, xin cầu bầu cho chúng con!
- Vấn tâm
Trong dịp tĩnh tâm hôm nay, chúng ta cùng nhau vấn tâm với những gợi ý từ bài giảng của Đức Thánh cha Phanxicô dành cho các linh mục trong thánh lễ Truyền Dầu ngày 14 tháng 4 năm 2022 vừa qua.
- “Chăm chú nhìn Chúa Giêsu” là một ân sủngmà linh mục chúng ta phải trau dồi. Là điều tốt vào cuối ngày, nhìn lên Chúa, và để Chúa nhìn vào tâm hồn chúng ta, cùng với những người chúng ta đã gặp. Đây không phải là việc đếm tội, nhưng là một chiêm ngắm đầy yêu thương, chúng ta nhìn vào ngày sống của mình với cái nhìn của Chúa Giêsu và như thế nhìn thấy những ân sủng trong ngày, những ân ban và tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta, để tạ ơn. Và chúng ta cũng cho Chúa thấy những cám dỗ của chúng ta, để nhận ra và từ chối chúng.
- Có ba không gian của việc tôn thờ ngẫu tượng ẩn giấu,trong đó Ác thần sử dụng các thần tượng của chúng để làm suy yếu chúng ta khỏi ơn gọi làm mục tử và từng chút một, tách chúng ta khỏi sự hiện diện tốt lành và yêu thương của Chúa Giêsu, của Chúa Thánh Thần và của Chúa Cha.
– Thần tượng trong tinh thần thế gian mang tính thiêng liêng đó là “một đề xuất cho cuộc sống, một nền văn hóa của phù du, bề ngoài, hoá trang”. Tiêu chí của nó là sự chiến thắng, một chiến thắng không thập giá… Tinh thần thế gian tìm kiếm vinh quang của chính mình lấy khỏi chúng ta sự hiện diện của Chúa Giêsu khiêm nhường và chịu đau khổ. Chúa gần gũi với mọi người, Chúa Kitô đau khổ với tất cả những người đau khổ. Một linh mục theo tinh thần thế gian không gì khác hơn là một kẻ ngoại đạo khoác áo giáo sĩ.
– Thần tượng Quan tâm trước tiên đến tính thực dụng của những con số được coi là ưu tiên hàng đầu. Những người yêu mến thần tượng ẩn giấu này có thể được công nhận vì tình yêu của họ đối với các số liệu thống kê, những thứ có thể làm mất tính chất con người trong các cuộc thảo luận và lấy số đông làm tiêu chí cho sự phân định. Đây không thể là cách duy nhất và cũng không thể là tiêu chí duy nhất trong Giáo hội của Chúa Kitô. Con người không thể được “đánh số”, và Thiên Chúa không ban Thần khí “bằng thước đo” (Ga 3,34). Thực tế, trong sự quyến rũ của những con số, chúng ta tìm kiếm chính mình và chúng ta hài lòng với sự kiểm soát được đảm bảo bởi lý luận này, vốn không quan tâm đến các khuôn mặt cá nhân và xa rời tình yêu.
– Thần tượng Duy chức năng, nhắm hiệu quả. Điều này có thể quyến rũ nhiều người “nhiệt tình với các danh mục hơn là lên đường”. Tâm thức của người theo chủ nghĩa chức năng hướng đến hiệu quả, không quan tâm đến mầu nhiệm. Từng chút một, thần tượng này đang thay thế sự hiện diện của Chúa Cha trong chúng ta. Cha chúng ta là Đấng Tạo Hóa, nhưng không phải là Đấng chỉ làm cho mọi thứ “hoạt động”. Ngài “tạo nên” chúng ta với tư cách là Cha, với sự dịu dàng, chăm sóc thụ tạo và làm cho con người tự do hơn… Linh mục với tâm thức chức năng nuôi dưỡng chính mình, đó là cái tôi của mình. Theo chủ nghĩa chức năng, chúng ta bỏ qua một bên việc tôn thờ Chúa Cha trong những việc nhỏ và lớn của cuộc đời mình và chúng ta hài lòng với hiệu quả các chương trình của mình.
Trong hai không gian cuối cùng của việc thờ ngẫu tượng ẩn giấu (theo các con số và duy chức năng) chúng ta thay thế hy vọng, là không gian của cuộc gặp gỡ với Chúa, bằng các kết quả thực nghiệm. Đó là một thái độ hư danh về phía mục tử, một thái độ làm tan rã sự kết hợp của dân với Thiên Chúa và định hình một thần tượng mới dựa trên những con số và chương trình: thần tượng “sức mạnh của tôi, sức mạnh của chúng tôi”. Việc che giấu những thần tượng này và không biết cách vạch mặt chúng ra trong cuộc sống hàng ngày làm tổn hại đến lòng trung thành của giao ước linh mục của chúng ta và làm cho mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Chúa trở nên nguội lạnh.
(Trích: Suy niệm tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường, tháng 5/2022)