Một thoáng nhìn về vai trò xã hội của tài sản theo thông điệp Fratelli Tutti

Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ

Có thể khẳng định rằng «con người không thể làm gì mà không có của cải vật chất, là thứ đáp ứng các nhu cầu căn bản của con người và cũng là điều kiện căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết nếu như con người phải tự nuôi thân, lớn lên, liên lạc, hợp tác với người khác, và thực hiện các mục tiêu cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành». Bởi vậy của cải mãi là vấn đề vừa phức tạp vừa tế nhị của cuộc sống trong xã hội cũng như Giáo Hội.

Thông điệp Fratelli Tutti đã dành các số từ 118 đến 127 để “xem lại vai trò xã hội của tài sản”. Đây không phải là vấn đề mới mẻ vì đã được nói đến khá nhiều trong nhiều văn kiện Giáo Hội. Tuy nhiên khi được “xem lại” với nhãn quan của toàn thông điệp Fratelli Tutti, vấn đề này trở nên thời sự và có nhiều chỉ dẫn thiết thực nhằm xây dựng tình huynh đệ và bằng hữu trong đời sống xã hội lẫn Giáo Hội thời đại hôm nay.

  1. VAI TRÒ XÃ HỘI CỦA TÀI SẢN

Thông điệp Fratelli Tutti chỉ “xem lại vai trò xã hội của tài sản”, tức là duyệt xét lại và nêu bật vai trò xã hội của tài sản. Cụ thể đó là về vài khía cạnh như nguyên tắc công ích, mục tiêu phổ quát của các của cải thiên nhiên, nguyên tắc sự chung hưởng của cải và một số quyền liên quan đến tài sản, như quyền tư hữu, các quyền sở hữu khác, những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân, quyền của các dân tộc liên quan đến tài sản. Thông điệp dựa trên những văn kiện mà phần lớn thuộc về giáo huấn xã hội của Giáo Hội đặc biệt liên quan đến vai trò xã hội của tài sản.

1.1. Mục tiêu phổ quát và tính xã hội của tài sản

Nguyên tắc công ích

Trước tiên cần đề cập đến nguyên tắc công ích xét vì những mục tiêu phổ quát của các của cải trần thế là hệ luận quan trọng nhất rút ra từ nguyên tắc này. Nói một cách tổng quát và theo nghĩa đã được nhiều người chấp nhận, «công ích là toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn». Theo công đồng Vaticanô II, công ích được hiểu là công lý, hòa bình và nền luân lý chung lành mạnh.

Nguyên tắc công ích đó là «mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người”.

Từ nguyên tắc này cho thấy công ích không được hiểu đó là tổng số cộng các thiện ích của các cá nhân nhưng đó là lợi ích chung theo nghĩa là nó không thể phân chia, thuộc về mọi người và mỗi người và khi cùng chung như vậy con người mới có thể đạt được nó, mới phát triển và bảo vệ được hiệu quả của nó với cái nhìn hướng về tương lai.

Dù yêu cầu về công ích khác nhau tùy thuộc nhiều yếu tố như điều kiện xã hội và giai đoạn lịch sử, nhưng mọi người, mỗi người, mỗi xã hội, mỗi tổ chức, cộng đồng chính trị đều có trách nhiệm đối với công ích.

Công ích chỉ đạt tới ý nghĩa trọn vẹn khi đặt trên nền tảng là phẩm giá của con người. Thông điệp Fratelli Tutti khẳng định: «Thế giới hiện hữu là để cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều là những nhân vị được sinh ra trên trái đất này với cùng một phẩm giá. Sự khác biệt về màu da, tôn giáo, khả năng, quê quán, nơi cư trú, và biết bao điều khác nữa, đều không thể được coi là ưu tiên hoặc được dùng để biện minh cho đặc quyền của một số người gây thiệt thòi cho mọi người khác. Do đó, với tư cách là một cộng đồng, chúng ta có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người được sống với phẩm giá và có những cơ hội thích đáng để phát triển toàn diện” (FT 118).

Ngoài ra, theo quan điểm của Giáo Hội, công ích không chỉ nhằm cho con người đạt tới một sự an vui đơn thuần về mặt kinh tế và đời sống xã hội hiện tại nhưng còn hướng tới mục tiêu tối hậu của con người và lợi ích chung của toàn thể thụ tạo, tức là mục tiêu siêu việt. Thiên Chúa chính là mục tiêu tối hậu của các thụ tạo. Vì có mục tiêu siêu việt như vậy nên công ích vừa hoàn thành lịch sử vừa vượt lên trên lịch sử.

Mục tiêu phổ quát và tính xã hội của tài sản

Như đã nói, từ nguyên tắc công ích người ta rút ra một hệ luận quan trọng nhất đó là về mục tiêu phổ quát của tài sản. Đề cập đến tính xã hội của tài sản là nói đến của cải có mục tiêu phổ quát và những quyền liên quan đến của cải, cách riêng là quyền chung hưởng của cải của con người.

Của cải được nói đến ở đây trước tiên chính là của cải thiên nhiên tức là «trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng», đặc biệt là về đất đai và tài nguyên thiên nhiên dưới nhiều dạng thức khác nhau. Ngoài ra, theo đà tiến của khoa học có nhiều loại của cải mới xuất hiện sau này mà xã hội trước đây chưa có, chẳng hạn như quy trình sản xuất, kết quả của kiến thức, của nghiên cứu khoa học, công nghệ và kỹ năng thực hành.

Sau khi nói qua tính lịch sử lâu đời của vấn đề mục tiêu phổ quát của tài sản, thông điệp Fratelli Tutti nhắc lại những của cải thiên nhiên có mục đích chung và được Công Đồng Vaticanô II nêu lên một cách rõ ràng, súc tích và ngắn gọn như một sự đúc kết của những suy tư có từ lâu đời và được triển khai qua nhiều văn kiện trong Giáo Hội: «Thiên Chúa đã tiền định cho trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng đều là cho mọi người và cho mọi dân tộc, ngõ hầu mọi thụ tạo đều được chia sẻ cách tương xứng cho hết mọi người dựa vào công lý, được điều tiết bởi bác ái”.

Nền tảng cho khẳng định trên dựa vào sự kiện «nguồn cội sau hết của mọi điều tốt lành là chính Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng cả trái đất lẫn con người, và đã trao trái đất cho con người để con người dùng lao động mà thống trị nó và hưởng dùng hoa trái của nó (St 1,28-29). Thiên Chúa ban trái đất cho toàn thể nhân loại để nuôi sống mọi người trong nhân loại, không loại trừ người nào mà cũng không ưu đãi người nào… Vì mang lại nhiều hoa trái và có khả năng thoả mãn các nhu cầu của con người, nên trái đất chính là quà tặng đầu tiên Chúa ban cho để bảo tồn sự sống con người”.

Vai trò xã hội của tài sản được nhắc lại trong thông điệp Fratelli Tutti có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng tình huynh đệ xét vì ít có ý tưởng nào trong lịch sử đã từng gây tác động sâu đậm trên xã hội hơn là ý niệm Kitô giáo về tình huynh đệ phổ quát trong đó có vấn đề về của cải, một vấn đề “xưa như trái đất”, cách riêng trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhiều tác giả đã suy tư và triển khai về vấn đề này.

1.2. Quyền chung hưởng của cải

Thông điệp Fratelli Tutti đã nhấn mạnh đến quyền chung hưởng của cải trên trái đất một cách rất mạnh mẽ và đầy thuyết phục  dựa trên khẳng định của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: «Thiên Chúa đã ban trái đất cho toàn thể loài người, để trái đất có thể nuôi sống tất cả các thành viên của nó, không loại trừ hay thiên vị». Hơn nữa, «dù là người có niềm tin hay không, ngày nay chúng ta đều đồng ý với nhau rằng trái đất tự bản chất là một tài sản thừa kế chung, hoa trái của nó phải dành cho lợi ích của mọi người». Thông điệp Fratelli Tutti đã xác định bản chất và đặc tính của quyền chung hưởng của cải một cách ngắn gọn, «đó là quyền tự nhiên, nguyên thủy và ưu tiên (FT 120).

Trước hết quyền chung hưởng tài sản là quyền tự nhiên của con người. Nói đến quyền tự nhiên tức là quyền đó đã được khắc ghi nơi bản tính của con người. Đây không phải là quyền do một Nhà Nước hay quyền bính xã hội nào đó ban cấp hay thiết lập và ấn định. Quyền bính xã hội không thay đổi hay bác bỏ quyền này nhưng cần nhìn nhận và áp dụng chúng thích hợp.

Tiếp đến quyền chung hưởng của cải thiên nhiên còn là quyền nguyên thủy, tức là có tính nội tại và đó là «quyền bẩm sinh nơi mỗi cá nhân trong mỗi con người và có trước khi con người can thiệp bằng bất cứ cách nào liên quan đến tài sản, có trước bất cứ hệ thống pháp luật nào liên quan đến vấn đề này, có trước bất cứ hệ thống hoặc bất cứ phương pháp nào trong lĩnh vực kinh tế hay xã hội».

Sau nữa, quyền chung hưởng tài sản phải là quyền ưu tiên, tức là đứng hàng đầu theo nghĩa «tất cả các quyền khác liên quan đến của cải cần thiết cho sự phát triển toàn diện của các nhân vị, gồm cả quyền tư hữu và mọi quyền sở hữu khác, thì không được cản trở, trái lại phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền này (FT 120).

Cần lưu ý rằng việc chung hưởng của cải ở đây không có nghĩa là người ta mạnh ai cứ chiếm lấy hay chia chác tùy tiện, vô trật tự vì cho rằng mọi sự hay từng sự vật đều dành cho mỗi người và cho mọi người. Trong thực tế đời sống, để quyền này có thể được thực thi cách công bằng và trật tự, cần phải có sự can thiệp để điều hòa và phải có một trật tự pháp lý nhất định để phán xử và xác định việc thi hành quyền đó.

1.3. Quyền tư hữu của cải và các hình thức sở hữu khác

Thông điệp Fratelli Tutti, số 120, đề cập quyền tư hữu và những quyền sở hữu khác trong tương quan với quyền chung hưởng của cải và mục đích phổ quát của chúng. Có một điểm chung với quyền chung hưởng tài sản là quyền tư hữu và những quyền sở hữu khác đều là quyền tự nhiên và đều xuất phát từ mục đích phổ quát của các của cải thụ tạo.

Ý nghĩa của sự tư hữu và các hình thức sở hữu của cải khác

Nguồn gốc sự tư hữu và những hình thức sở hữu khác xuất phát từ việc con người lao động và dùng khả năng trí tuệ của mình vì bằng cách đó con người biến một phần trái đất thành của mình. Sự tư hữu và những hình thức sở hữu khác về của cải (ví dụ sở hữu chung, tập đoàn, công ty, cộng đồng), là điều quan trọng và cần thiết về nhiều phương diện đối với cá nhân, cộng đồng và xã hội:

– Đảm bảo sự tự do và phẩm giá của con người.

– Đáp ứng nhu cầu căn bản cho cá nhân, gia đình và những người liên hệ.

– Thể hiện sự độc lập và là sự nối dài tự do cá nhân và gia đình.

– Bảo đảm có trật tự xã hội đúng đắn.

– Tránh được tình trạng làm chủ một cách chung chạ và hỗn loạn, đồng thời thể thể hiện sự liên đới tự nhiên giữa người với người chẳng hạn như việc phân phối của cải hoặc trả lương tương xứng…

– Đó là yếu tố căn bản để xây dựng chính sách kinh tế và xã hội dân chủ.

– Nó góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế và xã hội.

Sự tương đối và tính xã hội của quyền tư hữu và mọi quyền sở hữu khác

Nói chung, việc thi hành quyền làm chủ dưới những hình thức khác nhau sẽ giúp cho các chủ thể, cá nhân hay cộng đồng, được hưởng thêm nhiều lợi ích khách quan như điều kiện sống tốt hơn, tương lai được an toàn hơn, và có khả năng lựa chọn nhiều hơn.

Theo nhãn quan của Giáo Hội, dù quyền tư hữu và mọi quyền sở hữu khác là tự nhiên, chính đáng và có ý nghĩa lớn lao trong đời sống con người, nhưng chúng không phải là tuyệt đối. Thật vậy, «truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền sở hữu tư nhân là tuyệt đối hay bất khả xâm phạm, và đã từng nhấn mạnh đến mục đích xã hội của tất cả mọi hình thức sở hữu tư nhân». Cần nhấn mạnh rằng, «quyền tư hữu chỉ có thể được xem như một quyền tự nhiên thứ yếu và xuất phát từ nguyên tắc về mục đích phổ quát của các của cải thụ tạo” (FT 120).

Trong thực tế đời sống xã hội người ta đã quá đề cao và tuyệt đối hóa quyền tư hữu hay những quyền sở hữu của cải khác và đặt chúng lên trên các quyền ưu tiên và quyền nguyên thủy khác đặc biệt là quyền chung hưởng của cải thụ tạo  (FT 120). Quyền tư hữu cần phải hiểu trong khuôn khổ rộng lớn và đặt dưới quyền chung hưởng và dựa trên nguyên tắc về mục đích phổ quát của của cải.

Giáo Hội luôn mời gọi phải nhìn nhận vai trò xã hội của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào và đặt trong mối tương quan mật thiết với mục đích phổ quá của các của cải. Thật vậy, «quyền tư hữu tự bản chất cũng đã có tính cách xã hội, đặt nền tảng trên quyền chung hưởng của cải. Nếu tính cách xã hội này không được tôn trọng thì quyền sở hữu dễ trở thành nguy cơ đưa đến tham lam và gây xáo trộn trầm trọng». Nói cụ thể hơn, «khi một người không có được những điều kiện cần thiết để sống xứng đáng với phẩm giá con người thì đó là vì có một người khác đang chiếm giữ nó. Thánh Gioan Kim Khẩu tóm tắt điều đó khi nói rằng “không chia sẻ một phần của cải của mình cho người nghèo là ăn cắp của người nghèo và cướp đi chính mạng sống của họ. Của cải chúng ta sở hữu không phải là của chúng ta mà là của họ”. Nói cách khác, như thánh Grêgôriô Cả đã khẳng định: “Khi chúng ta trao cho người nghèo cái gì đó, thì không phải là chúng ta cho họ những gì của mình, nhưng là trả lại cho họ những gì thuộc về họ” (FT 119).

Tóm lại, cần ý thức rằng, «khi sử dụng của cải, con người phải coi tài sản mà mình sở hữu một cách chính đáng không chỉ là của riêng mình, nhưng còn là của chung, nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác”.

1.4. Các quyền không biên giới

Thông điệp Fratelli Tutti khẳng định một số quyền con người, quyền cá nhân và xã hội, bao gồm quyền của các quốc gia và dân tộc lên quan đến của cải, kinh tế và chính trị là những quyền không thể bị loại trừ do đặc quyền của người khác, hoặc không thể bị phân biệt, giản lược và ngăn cản vì lý do giới tính, do nguồn gốc dân tộc hoặc nơi cư trú của người đó. Đây là những quyền của mọi con người phải được nhìn nhận trọn vẹn và tôn trọng dựa trên nhân phẩm của họ (FT 121-122).

Thật vậy, thông điệp khẳng định rằng sự phát triển không đồng nghĩa với việc làm ra và thu tích của cải cho một số ít người nào đó nhưng là phải bảo đảm các quyền con người, quyền cá nhân và xã hội, về kinh tế và chính trị, bao gồm quyền các quốc gia và dân tộc. Nên nhớ rằng ai sở hữu cái gì thì chỉ là để quản lý nó nhằm đến lợi ích mọi người chứ không phải dựa trên của cải mình có để rồi tìm cách loại trừ, lấn át quyền của người khác nhất là người nghèo, của dân tộc khác hay kể cả lấn át nghĩa vụ tôn trọng môi trường (FT 122).

Thông điệp đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh kinh doanh và cho đó là một ơn gọi, một phương thế làm ra của cải và đem lại cho thế giới sự tốt đẹp. Với nhãn quan đó, thông điệp mời gọi «trong mọi trường hợp, các khả năng kinh doanh, vốn là ơn phúc Chúa ban, phải được định hướng rõ ràng để phát triển người khác và để xóa đói giảm nghèo, nhất là qua việc tạo ra nhiều loại công ăn việc làm” (FT 123).

1.5. Quyền của các dân tộc

Dựa trên xác tín về mục đích phổ quát của các của cải thụ tạo, thông điệp khẳng định quyền của mọi dân tộc được hưởng những phúc lộc trên trái đất một cách nào đó kể cả những tài nguyên ở những quốc gia khác, cách riêng là đối với những người túng quẫn dù họ không ở trong lãnh thổ của quốc gia hay vùng miền đó (FT 124). Thật vậy, thông điệp giải thích «nếu mỗi nhân vị có một phẩm giá bất khả xâm phạm, nếu mỗi người là anh chị em của tôi và nếu thế giới này thực sự thuộc về mọi người, thì việc một người sinh ra ở đây hay sống ở nước ngoài đều không quan trọng. Đất nước của tôi cũng có trách nhiệm với sự phát triển của người ấy” (FT 125).

Triển khai tư tưởng này, thông điệp chỉ ra những cách khác nhau mà con người thể hiện sự “trách nhiệm với sự phát triển của người khác” trên bình diện liên hệ và trao đổi giữa các quốc gia hay giữa những vùng miền trong một quốc gia (FT 124-126):

– Quảng đại đón tiếp họ trong trường hợp khẩn thiết.

– Giúp cải thiện điều kiện sống tại đất nước của họ.

– Tránh lạm dụng hoặc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia.

– Không cộng tác vào các hệ thống tham nhũng vì nó nó cản trở sự phát triển chính đáng.

– Giúp đỡ những vùng nghèo hơn và không coi đó là ‘gánh nặng’ làm hạn chế hưởng thụ của mình.

– Tìm cách giải quyết nợ nước ngoài để không gây nguy hại cho tồn tại và phát triển của quốc gia nghèo.

Thông điệp đặc biệt lưu ý nợ nước ngoài kèm theo các chế tài ngặt nghèo, đó là một áp lực làm cản trở nghiêm trọng sự phát triển của các quốc gia nghèo. Bởi vậy cần giải quyết nợ hợp lý nhằm đem lại sự phát triển chứ không phải đe dọa sự tồn tại của quốc gia đó.

Thông điệp mời gọi con người chú ý đến một nền đạo đức về các mối quan hệ quốc gia, trong đó không chỉ tôn trọng quyền của cá nhân mà còn quyền của xã hội, quyền của các dân tộc, nhất là quyền được tồn tại và tiến bộ (FT 126-127).

Để kết thúc phần này, thông điệp Fratelli Tutti tóm lại vấn đề về vai trò xã hội của tài sản nói trên chỉ thực sự đúng đắn và có ý nghĩa thực tế khi tất cả được đặt trên sự tôn trọng nhân phẩm bất khả xâm phạm của con người (FT 127). Và khi đó «chúng ta có thể ước mong có được một hành tinh, nơi đó mọi người đều được cung cấp đất đai, nhà ở và việc làm. Đây thực sự là con đường của hòa bình… Bởi lẽ một nền hòa bình đích thực và lâu bền chỉ có thể được thực hiện khởi đi từ một nền đạo đức toàn cầu về tình liên đới và hợp tác, nhằm phục vụ một thế giới tương lai được định hình bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và đồng trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại” (FT 127).

  1. QUYỀN CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI TÀI SẢN

 Như đã nói, của cải có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và Giáo Hội. Tài sản của Giáo Hội và vai trò của nó trong đời sống Giáo Hội là một vấn đề rộng lớn có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Tài sản của Giáo Hội và cả của người tín hữu với những quyền kèm theo có thể được xem lại một cách nào đó tương tự dựa trên nhãn quan của thông điệp Fratelli Tutti.

2.1. Quyền của Giáo Hội đối với tài sản

Quyền của Giáo Hội đối với tài sản có ý nghĩa quan trọng trong tương quan với đời sống xã hội và trong giáo Hội Giáo luật điều 1254§1 khẳng định: Do quyền bẩm sinh, Giáo Hội công giáo có thể thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất một cách độc lập với quyền bính dân sự, để theo đuổi những mục đích riêng của mình.

Quyền bẩm sinh: Trước hết, điều 1254§1 tuyên bố mạnh mẽ rằng Giáo Hội có quyền bẩm sinh về tài sản tức là muốn nói rằng quyền đó gắn liền với sự ra đời của Giáo Hội và được Đấng sáng lập Giáo Hội ban cho chứ không phải do Nhà Nước hay do quyền bính nhân loại nào ban cấp. Nói cách khác, quyền bẩm sinh nầy gắn liền với nguồn gốc thần thiêng và bản chất của Giáo Hội.

Quyền đối với tài sản của Giáo Hội phải được hiểu đầy đủ trong các mối tương quan pháp lý-kinh tế, quan hệ tới việc thủ đắc tài sản, sở hữu và hưởng dùng, quản lý và chuyển nhượng nó.

Quyền bẩm sinh nói trên của Giáo Hội đặt trên nền tảng là Giáo Hội cần có tài sản để theo đuổi mục đích riêng của mình. Của cải là một phương tiện đáng chú ý giữa các phương tiện cần thiết khác để Giáo Hội theo đuổi mục đích của mình. Vì Giáo Hội có mục đích riêng và độc hữu do vậy nguồn gốc quyền trên tài sản của Giáo Hội xuất phát tự bản chất của Giáo Hội và khi thực thi quyền nầy, Giáo Hội không thể bị điều kiện hóa bởi quyền bính ngoài Giáo Hội. Khi nhấn mạnh điều này, Giáo Hội muốn rằng có sự công bằng trên bình diện pháp lý xã hội vì quyền bẩm sinh thuộc về luật tự nhiên, nằm trong bản chất của con người được tự do theo một tôn giáo và truyền bá tôn giáo của mình. Giáo Hội và người tín hữu đòi hỏi có quyền đối với tài sản (ví dụ như sở hữu hợp pháp, tự do định đoạt tài sản của mình) như những thực thể pháp lý khác hay như một công dân bình thường trong xã hội mà không bị phân biệt đối xử.

Độc lập đối với quyền bính dân sự

Điều 1254§1 khẳng định một điều quan trọng: quyền bẩm sinh của Giáo Hội về tài sản. Điều nầy ngụ ý rằng tài sản của Giáo Hội được quản trị bởi quyền bính của Giáo Hội (xem 1257§1). Sự độc lập nầy cần được hiểu đúng đắn hơn.

Theo công đồng Vaticanô II, mức độ độc lập cần thiết của Giáo Hội chỉ có thể đạt được ở nơi nào thực hiện đúng nguyên tắc tự do tôn giáo như đã diễn tả trong tuyên ngôn công đồng về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae. Nơi nào mà nguyên tắc tự do tôn giáo được được áp dụng trong thực tế, thì nơi đó Giáo Hội thành công trong việc đạt tới tình trạng ổn định rất tốt về quyền của mình cũng như đạt tới sự độc lập cần thiết để thực thi trọn vẹn sứ vụ của mình.

Tuy nhiên, tự do tôn giáo cơ bản được diễn tả trong Dignitatis Humanae cũng công nhận quyền và trách nhiệm của nhà cầm quyền dân sự để điều hành thực thi tự do tôn giáo theo lợi ích chung. Do vậy độc lập của Giáo Hội được nói trong Dignitatis Humanae là một sự độc lập tương hợp với các quy tắc hợp lý do chính quyền dân sự đặt ra vì lợi ích chung. Đó chỉ là một sự độc lập ở mức cần thiết cho việc chu toàn sứ mạng của Giáo Hội. Nói cách khác, đó không phải là một sự độc lập tuyệt đối, nhưng đơn giản đó chỉ là sự tự do khỏi sự khỏi những giới hạn hay quy định bất hợp lý mà thôi.

Hiểu sự độc lập của Giáo Hội đối với chính quyền dân sự như thế sẽ giúp ta giải thích tốt hơn điều 1254§1. Dignitatis Huamanae đã bàn về tự do tôn giáo, khi một cộng đoàn khi thủ đắc và sử dụng của cải thì phải dự liệu tuân giữ những trật tự chính đáng công cộng. Theo công đồng, có lẽ sẽ tốt hơn nếu bỏ qua yêu cầu một sự độc lập hoàn toàn khỏi quyền bính dân sự. Điều 1254§1 khẳng định đơn giản về quyền bẩm sinh của Giáo Hội về sở hữu chủ tài sản như một đề nghị đã được đưa ra trong quá trình tu chính bộ luật.

2.2. Mục đích chính yếu của tài sản Giáo Hội

Điều 1254§2 xác định rằng «Những mục đích riêng chính yếu là: tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa, trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác, làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo».

Điều 1254§2 kể ba mục đính chính yếu của tài sản Giáo Hội:

– Tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa: việc nầy bao gồm cả việc xây dựng, duy tu bảo trì, giữ sự xứng hợp của chúng; không chỉ về nơi chốn mà còn cả về những đồ vật trang hoàng cho việc thờ phượng nữa; các tổ chức các hoạt động phụng vụ…

– Trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác: đó là những người phục vụ Giáo Hội, phục vụ các công trình của Giáo Hội và mục tiêu của Giáo Hội. Cần chu cấp thích đáng không chỉ bảo đảm về thu nhập đủ sống mà còn để đào tạo về mặt thiêng liêng, văn hóa và khoa học…

Làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo. Đây là một lãnh vực hết sức rộng lớn, đòi hỏi nhiều công sức và phương tiện tương ứng. Việc tông đồ bác ái gồm những công việc trợ cấp, công việc bác ái và công việc mục vụ, nhiều hoạt động và các cơ sở: rao giảng Lời Chúa, thiết lập những cơ quan từ thiện…

Đây không phải là tất cả mục đích tài sản của Giáo Hội mà chỉ là “chính yếu”. Thật vậy Giáo Hội cũng chấp nhận những mục đích phù hợp mà các nhà hảo tâm nhằm tới khi họ dâng cúng tài sản cho Giáo Hội (x. đ. 122; 616§1; 1267§3; 1284§2, 3; 1300). Trước khi đón nhận của dâng cúng đó, nhà chức trách có nhiệm vụ phải xem xét ý định của người dâng cúng có phù hợp hay không với sứ mạng của Giáo Hội.

Như vậy, Giáo Hội không được thủ đắc những tài sản nào không phù hợp hoặc không cần thiết cho sứ mạng của mình. Điều này cũng được áp dụng cho các dòng tu, trong đó họ cần biết san sẻ tài sản cho các nhu cầu của Giáo Hội và giúp đỡ người nghèo. Điều nầy cũng cần áp dụng đối với các cộng đoàn Kitô hữu khác nữa.

2.3. Tài sản của Giáo Hội dưới khía cạnh giáo luật

 Giáo luật điều 1257§1 định rõ: «tất cả mọi tài sản vật chất thuộc về Giáo Hội toàn cầu, Tông Tòa hay các pháp nhân công khác trong Giáo Hội, đều là tài sản của Giáo Hội…».

Khoản luật trên xác định những tài sản nào thuộc về Giáo Hội những tài sản đó phải được sử dụng đúng mục đích và sứ mạng của Giáo Hội, hay nói cách khác là tài sản đó có “tính Giáo Hội”. Tính Giáo Hội của tài sản này được xác định trong tương quan với những chủ thể của Giáo Hội để theo đuổi những mục đích này. Có thể nói rằng chỉ những tài sản được coi là của Giáo Hội khi chúng thuộc về một pháp nhân công của Giáo Hội xét vì những pháp nhân này đã được thiết lập và hoạt động nhân danh Giáo Hội và theo đuổi mục đích của Giáo Hội. Tài sản thuộc về Giáo Hội có nghĩa là tài sản đó là của Giáo Hội. Quyền của một pháp nhân công của Giáo Hội trên tài sản này là sự tham dự vào quyền bẩm sinh và riêng biệt của Giáo Hội. Với nhãn quan đó ta có thể nói rằng những tài sản của các pháp nhân công của Giáo Hội thuộc về Giáo Hội, tức là của Giáo Hội.

Tài sản của Giáo Hội

Ở đây nói đến tài sản trần thế chứ không phải của cải thánh thiêng (thiêng liêng). Khác với giáo luật 1917, nội dung đ. 1257§1 định rõ hơn rằng chỉ có tài sản của pháp nhân công (persona publica), chứ không phải của pháp nhân tư (persona privata), mới được coi là tài sản của Giáo Hội. Cụ thể, tài sản Giáo Hội là tất cả những tài sản thuộc về: Giáo Hội hoàn vũ (đ. 204); Tòa Thánh (đ. 361); các pháp nhân công khác trong Giáo Hội (đ. 116§1) chẳng hạn, Hội đồng Giám mục, giáo phận, giáo xứ, chủng viện, dòng tu…

Việc quản trị tài sản của Giáo Hội phải theo luật chung (quyển V giáo luật), luật riêng và quy chế của từng pháp nhân, cách riêng là phải hội đủ những điều kiện (theo luật chung hoặc luật riêng) về sự hữu hiệu và hợp pháp (đ. 1291-1295).

Tài sản của người tín hữu

Những tài sản thuộc về các pháp nhân tư trong Giáo Hội và các cá nhân dù là giáo sĩ hay giáo dân đều không phải là tài sản của Giáo Hội (đ. 1257§1).

Tài sản của giáo sĩ và của giáo dân không phải là tài sản của Giáo Hội nhưng việc thủ đắc và sử dụng chúng cho dù tùy tự do cá nhân nhưng phải đúng theo quy định của luật và xứng với bậc sống của mình (đ. 282). Tài sản của tu sĩ thì được chi phối theo giáo luật và luật riêng.

Tài sản của các pháp nhân, dù là công hay tư, không phải là tài sản của người đại diện pháp nhân đó. Người đại diện pháp nhân sử dụng chúng phải theo qui định của luật và quy chế ấn định. Giáo sĩ hoặc giáo dân nào đại diện cho một pháp nhân, thì tài sản của pháp nhân không phải là tài sản riêng của họ dù có thể đó vị đó là “chủ tài khoản” của pháp nhân, chẳng hạn Giám Mục giáo phận (đ. 393), hay cha sở của một giáo xứ (đ. 352).

 Đặc biệt, giáo sĩ không được lẫn lộn giữa tài sản cá nhân của mình với tài sản của pháp nhân mà mình là đại diện. Cần phân biệt và tách biệt các loại tài sản như vậy dễ tránh được những sai sót và hệ luận không tốt, ví dụ lạm dụng, có thể xảy ra trong việc thủ đắc và sử dụng chúng.

Dễ dàng nhận ra rằng tất cả những mục đích của tài sản Giáo Hội nói trên là đều là vì công ích của Giáo Hội. Nguyên tắc công ích và là luật tối thượng của Giáo Hội đó là Salus Animarum, vì phần rỗi các linh hồn.

  1. GIÁO SĨ VÀ VIỆC SỞ HỮU- SỬ DỤNG CỦA CẢI

3.1. Thủ đắc tài sản hợp luật

Hợp luật ở đây muốn nói vừa hợp với luật luân lý đồng thời hợp pháp tức là những gì không trái luật giáo luật và trong nhiều trường hợp, cả dân luật nữa. Theo đó, những gì luật không cấm thì cá nhân giáo sĩ được quyền làm để có thể sở hữu và sử dụng chúng miễn sao cho hợp với bậc sống của mình (đ. 282).

Giáo luật đề cập một số phương thế mà Giáo Hội có thể thủ đắc tài sản. Tương tự theo đó có thể thấy những cách chính yếu mà giáo sĩ có thể thủ đắc tài sản: nhận bổng lễ (xem các điều 945-958), hưởng thù lao (đ. 1264), nhận của tặng biếu với lưu ý «các của dâng cúng cho các bề trên hay cho các người quản trị của bất cứ pháp nhân nào trong Giáo Hội, dù là pháp nhân tư, thì được kể là dâng cúng cho chính pháp nhân ấy, trừ khi thấy rõ ngược lại» (1267§1).

Riêng về việc nhận của cải dâng biếu, điều 531 ấn định rằng: «Cho dù người nào đã thực hiện một nhiệm vụ thuộc giáo xứ đi nữa, thì mọi của dâng cúng của các Kitô hữu mà người ấy đã nhận được trong dịp này đều được sung vào quỹ của giáo xứ, trừ khi điều này rõ ràng đi ngược với ý muốn của người dâng cúng đối với những của tự nguyện dâng cúng; Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng linh mục, ấn định những quy định về việc sử dụng các của dâng cúng ấy cũng như về khoản thù lao cho các giáo sĩ thực hiện nhiệm vụ này». Và điều 551 định rõ đối với «những của dâng cúng mà các Kitô hữu dành cho cha phó nhân dịp thi hành thừa tác mục vụ, thì phải tuân giữ những quy định của điều 531» tức là cũng giống như cha sở.

Giáo luật nêu ra những cách sở hữu của cải mà giáo sĩ không được phép làm và có thể bị phạt:

– Trục lợi bổng lễ tức là trục lợi trên ý lễ hoặc tiền xin lễ (xem đ.1385, các đ. 945, 947, 948, 949, 951, 952, 953, 955).

– Hối lộ (đ.1386).

– Kinh doanh, đích thân hay nhờ người khác (đ. 1392, 286, 627).

– Vi phạm về vấn đề tài chánh (đ. 1392).

3.2. Nguyên tắc công ích của Giáo Hội và việc sử dụng của cải

Như đã nói trên, tài sản cá nhân của người tín hữu, cách riêng của giáo sĩ triều không phải là tài sản của Giáo Hội. Việc thủ đắc tài sản là một quyền lợi tự nhiên của con người và đó là một nhu cầu để có phương tiện nuôi sống bản thân và những người liên hệ. Ngoài ra, qua việc thủ đắc và sử dụng tài sản của mình, con người có cơ hội thực hiện những sáng kiến, cũng như thể hiện phẩm giá tự do của mình.

Tuy nhiên như đã nói, Giáo Hội chưa bao giờ coi quyền tư hữu là tuyệt đối nên trong việc sử dụng của cải riêng tư của mình người tín hữu (giáo dân, giáo sĩ) cần lưu ý đến nguyên tắc và là luật tối thượng của Giáo Hội: Salus Animarum. Cách riêng, «các linh mục hãy luôn luôn dành các tài sản của Giáo Hội vào các mục tiêu vì đó mà Giáo Hội được phép sở hữu các tài sản, đó là: tổ chức phụng tự; chu cấp xứng đáng cho các giáo sĩ, thi hành những công tác tông đồ và bác ái, cách riêng đối với những người túng thiếu».

Đối với giáo sĩ, là người đã dâng mình cho Chúa, cho Giáo Hội để phục vụ Tin Mừng, giáo luật đ. 282 đã minh định rằng:

  • 1. Các giáo sĩ phải có một nếp sống giản dị và phải xa lánh tất cả những gì có vẻ hào nhoáng.
  • 2. Những gì nhận được khi thi hành giáo vụ, sau khi đã chu cấp xứng đáng cho bản thân và cho việc chu toàn mọi bổn phận của bậc mình, các giáo sĩ phải dành phần dư thừa cho lợi ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.

Như giáo luật điều 282§2 đã khuyên, ngoài nhiều hình thức khác nữa, giáo sĩ cũng như tín hữu khác có quyền tự do định đoạt tài sản riêng của mình vì mục đích đạo đức bằng hình thức thiện ý (pia voluntas) hay các thiện quỹ (piae fundationes). Dù không bắt buộc, nhưng giáo sĩ được mời gọi sử dụng tài sản của mình qua hình thức thiện ý và thiện quỹ. Một trong những hình thức phổ biến về thiện ý là các linh mục phải làm di chúc (chúc thư, tờ trối) và gởi về Tòa Giám Mục. Nhìn chung, theo truyền thống, các di chúc của các giáo sĩ giáo phận Qui Nhơn xưa nay có nội dung rất đạo đức và để phần lớn tài sản của mình cho giáo phận tùy nghi sử dụng vào ích chung.

Theo điều 282§1, giáo sĩ phải có một nếp sống giản dị và phải xa lánh tất cả những gì có vẻ hào nhoáng. Theo đó «mỗi linh mục được mời gọi sống nhân đức nghèo khó là nhân đức hệ tại cốt yếu dâng tặng con tim cho Chúa Kitô. Ngài là kho tàng đích thực của chúng ta chứ không phải là những của cải vật chất». Do vậy, «nếu quan tâm quá mức đến tiện nghi và sự sung túc của mình, linh mục sẽ khó trở thành người phục vụ và thừa tác viên cho anh em mình».

Giáo luật điều 285 cũng lưu ý đối với hàng giáo sĩ:

– Phải tuyệt đối xa lánh tất cả những điều bất xứng với bậc mình, theo những quy định của luật địa phương.

– Tránh tất cả những điều, tuy không bất xứng, nhưng xa lạ với bậc giáo sĩ.

– Không được quản trị những tài sản thuộc về giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải tường trình sổ sách, nêu không có phép của Đấng bản quyền.

– Không được đứng ra bảo đảm, cho dù dựa vào tài sản riêng mình, nếu không tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền riêng.

– Không được ký kết những thương phiếu tài chính vì đó mà họ buộc phải trả tiền, dù không xác định rõ nguyên do.

3.3 Vài chỉ dẫn cụ thể

Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục của Bộ Giáo Sĩ đã nêu ra vài chỉ dẫn thiết thực cho linh mục trong việc sử dụng của cải như sau:

– Sử dụng của cải với tinh thần trách nhiệm với ý hướng ngay thẳng và siêu thoát.

– Tránh những hoạt động sinh lợi vốn không tương hợp với tác vụ linh mục.

– Tránh tạo cớ dù là bằng một lời bóng gió rằng tác vụ linh mục là một cơ hội để làm lợi cho mình, ưu đãi gia đình họ hàng hay tìm vị trí ưu tuyển.

– Hãy quảng đại cho đi cách nhưng không vì đã nhận lãnh nhưng không.

– Biết sử dụng tất cả những gì đã lãnh nhận do thực thi tác vụ, nhằm đến những mục tiêu của Giáo Hội, sau khi đã bảo đảm đời sống.

– Sống đời sống đơn giản, tránh những gì hư ảo, loại bỏ mọi kiểu mốt và sang trọng trong mọi lĩnh vực như nhà cửa, phương tiện di chuyển, nghỉ ngơi giải trí,…

Về việc thủ đắc và sử dụng tài sản vật chất đối với hàng giáo sĩ hôm nay có rất nhiều điều để nói, để thảo luận. Nhưng trước hết người giáo sĩ phải ý thức đến mục đích của tài sản Giáo Hội để áp dụng không chỉ đối với tài sản mình được ủy thác để quản trị mà kể cả đối với tài sản cá nhân của mình dựa trên nguyên tắc công ích của Giáo Hội và đồng thời theo sát những quy định và hướng dẫn khôn ngoan của Giáo Hội.

KẾT

Thông điệp Fratelli Tutti chỉ dành 10 số (118-127) trong tổng 287 số của thông điệp để xem lại một vấn đề phức tạp và có tầm quan trọng lớn lao trong giáo huấn của Giáo Hội là “vai trò xã hội của tài sản”. Đây là vấn đề không chỉ có tính lịch sử lâu dài mà còn có tính thời sự trong đời sống Giáo Hội lẫn xã hội.

Thật vậy nội dung phong phú của vấn đề đặt ra đã được rất nhiều giáo huấn và văn kiện của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ nói đến và ở đây được Đức Thánh Cha nhắc lại như một đúc kết những điểm chính yếu. Theo đó, mỗi người có quyền sống đúng với nhân phẩm của mình, không ai có quyền loại trừ người khác vì những lý do tôn giáo, sắc tộc, màu da, quê quán, đất nước… Của cải có mục đích phổ quát, mọi người có quyền chung hưởng dù người đó sinh ra ở đâu và có nguồn gốc như thế nào. Từ đó thông điệp đề nghị đặt ra một nền đạo đức trong mối quan hệ quốc tế xét vì mỗi quốc gia và tài nguyên của quốc gia đó cũng là của người khác được hưởng và không được từ chối cho những người đang cần đến dù người đó đến từ nơi khác, quốc gia khác, vùng miền khác. Quyền tư hữu (dưới nhiều hình thức khác nhau, chung- riêng) đối với của cải (dưới nhiều dạng khác nhau) dù là tự nhiên đi nữa những vẫn là quyền thứ yếu vì nó xuất phát từ nguyên tắc mục đích phổ quát của các của cải trần thế, trái đất và mọi loại thụ tạo được trao tặng cho toàn thế giới chứ không cho riêng ai, dù là cá nhân hay tập thể.

Vấn đề nói trên vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự trong thế giới ngày nay, và càng được chú ý hơn khi áp dụng vào đời sống theo tinh thần của tông huấn Laudato Sí nói về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất. Ngày 25.5.2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp video nhân dịp Bộ Phục vụ Phát triển Con người toàn diện công bố Chương trình Hành động Laudato Si’, một dự án hướng dẫn mọi người trong hành trình 7 năm để dấn thân cho một nền sinh thái toàn diện, với 7 mục tiêu: 1) đáp lại tiếng kêu của Trái đất, 2) đáp lại tiếng kêu của người nghèo, 3) kinh tế sinh thái, 4) thực hiện cách sống đơn giản, 5) giáo dục sinh thái, 6) tu đức sinh thái và 7) sự tham gia của cộng đồng.

Tài sản của Giáo Hội hay của các tín hữu (giáo sĩ, giáo dân) cũng như những quyền đối với tài sản đó và việc sử dụng chúng cũng cần được xem xét vừa theo cái nhìn “vai trò xã hội của tài sản” vừa theo nguyên tắc công ích và là luật tối thượng của Giáo Hội đó là Salus Animarum. Qua đó phần nào giúp người tín hữu ý thức sâu xa hơn về ý nghĩa xã hội và Giáo Hội đối với của cải trần thế họ đang sở hữu cũng như sử dụng những quyền kèm theo một cách đúng đắn theo sứ điệp Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội.

Vấn đề “vai trò xã hội của tài sản” được đặt trong chương Ba của thông điệp: «Dự phóng và kiến tạo một thế giới mở», (và tốt nhất nếu đọc trong tổng thể của thông điệp), phần nào cho ta thấy tầm quan trọng của vấn đề này trước «mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là sự cô đơn và thống khổ phát sinh từ một con tim tự mãn và tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ».

Vấn đề đặt ra xem ra xưa cũ như trái đất nhưng vẫn luôn có những nẻo đường mới để thực hiện, nẻo đường của con tim và của những suy tư tích cực như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: «Nếu chúng ta không cố gắng suy nghĩ theo lối mới, thì những điều tôi nói ở đây xem ra chỉ là không tưởng. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận nguyên tắc tổng quát theo đó có những quyền chỉ bắt nguồn từ nhân phẩm bất khả xâm phạm của con người, thì chúng ta có thể đảm nhận thách đố dám mơ nghĩ về một nhân loại khác. Chúng ta có thể ước mong có được một hành tinh, nơi đó mọi người đều được cung cấp đất đai, nhà ở và việc làm” (FT 127).

Nguồn: gpquinhon.org (12.10.2022)