Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục giáo phận Phan Thiết và Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đang cùng với đoàn giám mục Việt Nam tham dự Đại hội 50 năm FABC được tổ chức tại Bangkok từ ngày 12 đến 30 tháng 10 năm 2022. Nhân dịp này, ngày 20 tháng 10, trang tin điện tử của HĐGM đã xin Đức cha Tổng Thư ký chia sẻ thông tin về sự kiện này:
- Kính thưa Đức cha, Đức cha có thể chia sẻ với độc giả trang HĐGM về giai đoạn chuẩn bị, ý nghĩa của Đại hội FABC 50 năm?
1/ Kế hoạch cho Đại hội (General Conference) của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu bắt đầu vào năm 2014. Khái niệm về Đại hội này đã được Ủy ban Trung ương thảo luận và thông qua. Đức Hồng y Gracias, lúc đó là Chủ tịch FABC, đã trình bày phác thảo Đại hội này cho Đức Thánh Cha và ngài đã phê duyệt. Đại hội được dự trù vào năm 2020 vì trùng với kỷ niệm lần thứ 50 của Hội nghị Giám mục Á châu được tổ chức tại Manila trong chuyến thăm mục vụ của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI vào năm 1970. Hội nghị này được coi là “khởi đầu” của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops’ Conferences – FABC)
Hình FABC những ngày đầu thành lập
Trong bối cảnh của những phát triển mới, những thay đổi và thách thức mà các giám mục phải đối mặt ngày nay so với các vị tiền nhiệm, khái niệm triệu tập một Đại hội với chủ đề: “FABC 50: Cùng nhau hành trình như các dân tộc Châu Á… ‘và họ đã đi theo một con đường khác’” (M 2,12) đã được đưa ra để thảo luận. Mục tiêu của sự quy tụ này là lắng nghe “những gì Chúa Thánh đang nói với các Giáo hội” ở châu Á (xem Kh 2,29).
Vào năm 2018, Hồng y Oswald Gracias, với tư cách là người triệu tập Đại hội, đã bổ nhiệm Đức cha Allwyn D’Silva làm Thư ký của một Nhóm Nòng Cốt để bắt đầu quá trình lập kế hoạch. Vào năm 2019, giai đoạn chuẩn bị gần với những công việc cụ thể: (1) tổ chức các cuộc tham vấn khu vực; (2) chọn Logo cho Đại Hội; (3) chọn địa điểm tổ chức Đại Hội; (4) gởi đến các thành viên Tài liệu tham vấn của FABC. Nhưng ngay khi các phản hồi về Tài liệu tham vấn của FABC bắt đầu thì đại dịch Covid xuất hiện.
Đại hội đã phải hoãn vô thời hạn. Việc chuẩn bị vẫn tiếp tục, mặc dù dưới hình thức trực tuyến. Dựa trên các cuộc tham vấn trước đó, một Tài liệu Hướng dẫn đã ra đời và ban hành vào ngày 29 tháng 11 năm 2020 (xem FABC Papers số 165). Các thành viên sau đó được mời để bàn thảo về Tài liệu Hướng dẫn và các phản hồi của họ đã được xuất bản dưới dạng FABC Papers số 166 và 167.
Khi đại dịch dần lắng xuống, Ủy ban Trung ương đã ấn định Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 30 tháng 10 năm 2022, tại Bangkok, Thái Lan.
2/ Các mục tiêu của Đại hội được hướng dẫn bởi Lời Chúa trong Phúc âm Mt 2,1-12, nhằm củng cố, canh tân và tái tạo sức sống của Giáo hội ở châu Á:
– Để xác nhận và mừng hành trình 50 năm của FABC.
– Để nhận thức được những thực tế, những thách đố đang có và đang nổi lên của châu Á và Giáo hội.
– Để khám phá khuôn mặt của Chúa Giêsu ở châu Á.
– Để đưa ra một cái nhìn của Giáo hội ở châu Á nhằm phục vụ các dân tộc ở châu Á và trong sự hiệp thông với Giáo hội trên khắp thế giới.
– Để mở ra viễn tượng những con đường phục vụ mới mẻ và cùng nhau hiệp hành trong tư cách là các dân tộc châu Á.
- Về phía Giáo hội Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã chuẩn bị và tham gia như thế nào ạ?
1/ Về phía Giáo hội Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chuẩn bị một bản Báo cáo của Việt nam (Vietnam Country Report), dựa theo Tài liệu Hướng dẫn của FABC để soạn thảo với 5 điểm nhấn: (1) Tình hình hiện nay; (2) Phân tích tình hình này; (3) Lời đáp trả của Giáo hội trước tình hình này; (4) Những thách đố và (5) đề nghị những con đường mới để phục vụ.
Bản báo cáo này của HĐGMVN đã gởi cho FABC và được đăng trên FABC Papers số 167. Đồng thời trong 3 ngày đầu của Đại Hội là Giai đoạn lắng nghe các Báo cáo của các Quốc gia. Mỗi quốc gia có 20 phút để trình bày, trong đó gồm bài trình bày khoảng 15 phút và 5 phút sau đó dành cho câu hỏi và trả lời.
Vì giới hạn thời gian, hầu hết các quốc gia đều trình bày bằng bản Báo Cáo Video để chuyển tải nhiều thông tin với những hình ảnh cụ thể và sống động. Chúng tôi cũng đã trình bày tại Đại hội bằng một Video báo cáo dài 14 phút.
Đại hội quy tụ khoảng 200 đại biểu bao gồm các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ 29 quốc gia thành viên. Có 6 giám mục đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự Đại hội: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Giáo phận Cần Thơ, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân – Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, Đức cha Giuse Trần Văn Toản – Chủ tịch Ủy ban Giáo dân và Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ – Thiếu nhi.
6 giám mục Việt Nam trực tiếp tham dự Đại hội FABC 50
Tuy chỉ có 6 giám mục Việt Nam trực tiếp tham dự Đại hội, nhưng chúng tôi cảm nhận cả Giáo hội Việt Nam đang cùng chúng tôi gắn bó và hiệp thông với các Giáo hội anh em tại châu Á qua các biến cố, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập FABC.
– Sự hiệp thông trước hết làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên và cảm động là tại phi trường, vừa ra khỏi khu vực hải quan, chúng tôi đã gặp đại diện anh chị di dân đang làm việc tại Thái Lan chào đón với những nụ cười hân hoan và những chiếc áo dài duyên dáng, những bó bông thật đẹp và cả “biểu ngữ hoành tráng”. Ban Lễ Tân của FABC đón tiếp chúng tôi tại phi trường cũng rất ngạc nhiên và “ngưỡng mộ” vì không có một đoàn giám mục nào được tiếp đón như vậy tại phi trường.
Đại diện anh chị em di dân đang làm việc tại Thái Lan chào đón Đoàn Giám mục Việt Nam
– Tiếp đến là sự đón tiếp của Ban tổ chức FABC và của Giáo hội Thái Lan, nước chủ nhà, thật chu đáo và nồng hậu tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan của Tổng Giáo phận Bangkok. Đồng thời thật vui khi gặp và làm việc với các giám mục của 29 nước thành viên của FABC. Khi nghe biết chúng tôi là Giám mục Việt Nam, một câu hỏi của các giám mục đó là : “Đức cha ở giáo phận nào, có gần Xuân Lộc không?”. Vào năm 2012, FABC đã tổ chức Đại hội tại Giáo phận Xuân Lộc. Việc tổ chức và tiếp đón các Giám mục FABC tại Xuân Lộc đã để lại một ấn tượng rất tốt đẹp nơi các giám mục tham dự về quê hương đất nước Việt Nam và Giáo hội Việt Nam.
- Chúng con được biết Đại hội này kéo dài 19 ngày, Đức cha có thể “bật mí” cho chúng con biết sinh hoạt của các đấng trong những ngày này và chương trình Đại hội gồm những hoạt động nào được không ạ?
1/ Đại Hội được khai triển theo bốn giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Trong ba ngày đầu tiên, qua những báo cáo của các quốc gia thành viên, chúng tôi biết và hiểu về hoàn cảnh tại mỗi quốc gia, của mỗi Hội Đồng Giám Mục và mỗi nghi lễ. Ví dụ như tại Ấn Độ, có nghi lễ Syro-Lalabar Công giáo và nghi lễ Syro-Malankara Công Giáo; hay những nước vùng Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ là các quốc gia chúng tôi lần đầu được tiếp xúc. Nhất là chúng tôi được chia sẻ với nhau về những khó khăn và thách đố mà các Giáo hội và Hội Đồng Giám Mục tại các quốc gia đang phải đối diện và những cố gắng để sống đức tin và Loan báo Tin Mừng.
– Giai đoạn 2: Kéo dài một tuần, trong đó chúng tôi được nghe những chuyên viên và những chứng từ, giúp chúng tôi thấu hiểu hơn những thực tế đang nổi lên và tác động trên Giáo hội châu Á. Đồng thời chúng tôi cũng có dịp được các chuyên viên trình bày cùng với những trao đổi nhóm các tài liệu gần đây của Đức Thánh cha Phanxicô: Laudato Si’ (về môi trường), Fratelli Tutti (về vấn đề phụ nữ, di dân, lao động), Amoris Laetitia (về gia đình), Evangelii Gaudium (về đối thoại đại kết/liên tôn và loan báo Tin Mừng).
– Giai đoạn 3: Tiếp đến, dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, chúng tôi cùng nhau phân định để tìm ra những con đường mới cho Giáo hội hướng tới một châu Á tốt đẹp hơn.
– Giai đoạn 4: Cuối cùng, chúng tôi sẽ trình bày và giới thiệu về con đường mới của Giáo hội ở châu Á qua một sứ điệp và tài liệu cuối cùng gởi cho toàn thể Dân Chúa tại châu Á.
2/ Điểm chính yếu là các sinh hoạt của Đại hội lần này diễn ra trong bầu khí “hiệp hành” của Giáo hội hoàn vũ. Các giám mục Á châu đã “gặp gỡ – lắng nghe – và cùng nhau phân định” để tìm ra một con đường cho Giáo hội tại châu Á. Nhưng điều đánh động các giám mục là tiến trình hiệp hành này được lồng vào trong bầu khí cầu nguyện. Chính Chúa Thánh Thần đang ở giữa và hướng dẫn Đại hội. Điều này đã được diễn ra qua 2 công việc cụ thể:
- a) Khởi đầu mỗi ngày làm việc bằng 30 phút cầu nguyện do một quốc gia hướng dẫn theo một dàn ý chung qua màn hình lớn trong hội trường:
+ Trước hết, tâm tình cầu nguyện được lồng vào trong bối cảnh cụ thể của quốc gia hướng dẫn với những hình ảnh: về lịch sử đón nhận “hạt giống đức tin” trong lòng văn hóa dân tộc với con người, địa lý, tài nguyên, đất nước… cụ thể;
+ Tiếp đến, là đoạn Lời Chúa được đọc lên bằng tiếng địa phương với phụ đề anh ngữ và những suy niệm hướng dẫn…
+ Cuối cùng là Lời nguyện chung cầu cho mọi thành phần Dân Chúa và cho FABC;
+ Các bài hát của quốc gia đan xen giữa các phần cầu nguyện.
- b)Sau báocáo của mỗi quốc gia cùng với trao đổi vắn gọn là 2 phút thinh lặng cầu nguyện. Các giám mục và thành viên tham dự cầu nguyện cho dân tộc và quốc gia vừa trình bày với những khó khăn, thách đố, đau khổ và nỗ lực sống đức tin của họ. Một sự hiệp thông tuyệt vời trong đức tin được cử hành trong thinh lặng và ngập lặn trong ân sủng của Thiên Chúa.
3/ Một việc hiệp thông lớn giữa các giám mục châu Á là theo chương trình, vào ngày thứ tư 26/10, cả Đại hội sẽ hành hương đến Ayutthaya, nơi có phần mộ của Đức cha Lambert de la Motte. Và Hội đồng Giám mục Việt Nam đang thực hiện tiến trình xin Phong Thánh cho Đức cha Lambert, với sự hỗ trợ rất tích cực của Hội đồng Giám mục Thái Lan.
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra những ‘tác hại về thể lý và tâm lý, đại dịch cũng gây tác động tiêu cực trên đời sống đức tin’ (Thư gửi cộng đồng Dân Chúa 2021: ‘Sống Đức Tin Thời Đại Dịch’). Đồng thời, Giáo hội Việt Nam ý thức phải luôn gắn bó và hiệp thông với các Giáo hội anh em tại châu Á qua các biến cố, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm FABC, để luôn xác tín và trung thành với sứ mệnh làm muối cho đời, ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-16), bất kể lúc ‘thuận tiện hay không thuận tiện’ (2 Tm 4,2).
Truyền thông HĐGMVN thực hiện