Cha Silverio Suárez, 61 tuổi, linh mục Công giáo duy nhất là sĩ quan của lực lượng cảnh sát Colombia. Cách đây vài ngày, cha được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Colombia. Ở vị trí này cha đấu tranh chống nạn buôn bán ma túy đem lại bình an cho người dân, đồng thời giải tội cho các tù nhân, đồng hành cùng các gia đình trong những lúc đau buồn hoặc mời đồng nghiệp lần chuỗi Mân Côi.
Cảnh sát (ANSA)
Nói về ơn gọi linh mục và công việc cảnh sát, cha Silvério cho biết, cha tham gia vào lực lượng cảnh sát khi tình cờ đọc được một thông báo tuyển nhân viên. Sau nhiều lần kiểm tra, phỏng vấn, theo các khoá học cha được gia nhập cảnh sát vào năm 32 tuổi. Lúc đó, cha không biết rằng Chúa đang chuẩn bị cho cha một sứ vụ khác.
Trong những năm đầu làm cảnh sát, với đức tin Công giáo, Silvério thấy cần phải giúp các đồng nghiệp thay đổi lối sống, biết chuẩn bị tâm hồn đối với nghề nghiệp thường cận kề cái chết. Điều khiến Silvério ấn tượng nhất là phương châm của cảnh sát: “Thiên Chúa và Quê hương”, và người trẻ này muốn cống hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ quê hương, đó là những gì Silvério đang tìm kiếm trong cuộc sống. Từ đó, Silvério cố gắng dung hòa chương trình học ở chủng viện với công việc cảnh sát. Mặc dù có những khó khăn và phức tạp, Silvério được chịu chức linh mục năm 39 tuổi.
Cha giải thích: “Sứ vụ của linh mục trước hết là phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Nhiệm vụ của cảnh sát là gì? Phương châm nói rằng, phục vụ Chúa và thứ hai, phục vụ đất nước, phục vụ đồng bào của tôi. Sứ vụ của tôi với tư cách là một linh mục là cứu các linh hồn và là một cảnh sát để cứu người”.
Sống giữa đồng nghiệp cha hiểu những khó khăn, nguy hiểm họ phải đối diện hàng ngày. Cảnh sát Colombia thường bị những người buôn ma tuý đe doạ đến tính mạng, bị bắt cóc, đối xử tàn ác như thú vật. Tính mạng cha cũng thường bị đe doạ nhưng cha luôn xác tín: “Tôi đi với Chúa, tôi không sợ điều đó. Tôi sống một cuộc sống bình thường, tôi không có vệ sĩ”.
Đối với cha Silverio, hai ơn gọi tương tợp với nhau và như cha nói: “Khi mạng sống gặp nguy hiểm, tôi phải bảo vệ mình. Tôi phải bảo vệ mạng sống của mình trước sự hung hãn của kẻ muốn làm hại tôi. Phải, tôi đã phải đóng vai cảnh sát, nhưng may mắn là tôi không phải giết ai cả. Nhưng bảo vệ mình thì có, tất nhiên”.
Cha chia sẻ: “Trong khi đi tuần tra với đồng nghiệp, tôi trò chuyện, giải tội cho họ. Những cảnh sát trẻ mở lòng và đến với mọi người. Điều này rất đẹp. Tôi còn đến các khu vực canh gác để trò chuyện với với họ, hỏi họ có phải là người Công giáo không và mời họ lần hạt Mân Côi. Chúng tôi đã cầu nguyện cho gia đình và bạn gái của họ. Và họ đã rất hạnh phúc”.
Linh mục cảnh sát cho biết thêm phần lớn thời gian cha làm việc với các tù nhân. Trong các đồn cảnh sát có những phòng tạm giam những người vừa bị bắt giữ. Thường các nơi ở này rất tệ. Vì thế cha mang đến cho họ những vật dụng cá nhân, giúp họ những gì có thể. Hầu hết đều rất nghèo, nhiều người trong số họ đã ăn trộm vì họ phải nuôi sống gia đình.
Có người hỏi cha có hạnh phúc không khi cùng một lúc đảm nhận hai sứ vụ, cha mỉm cười nói: “Tôi nghĩ tôi đã chọn những ơn gọi khó khăn nhất. Nếu bạn hỏi tôi điều gì làm tôi hạnh phúc nhất, thì tôi sẽ trả lời ơn gọi linh mục có ý nghĩa siêu nhiên. Những gì tôi có thể làm với chức tư tế là vô danh. Đó là điều tốt nhất có thể xảy ra với bất cứ ai, cứu rỗi các linh hồn. Còn cảnh sát là để giúp ích cho xã hội, tôi rất hạnh phúc với cả hai ơn gọi này”.
Theo cha Suárez, buôn bán ma túy “là điều tồi tệ nhất ở Colombia. Trước đây Colombia là một đất nước lao động, làm nông nghiệp. Rồi ma túy đã thâm nhập vào trái tim của người Colombia. Ngay cả trong nhà thờ, người ta cũng nhận được những lời đề nghị buôn bán ma túy. Đó là cách ma quỷ xâm nhập vào Colombia, với việc buôn bán ma túy. Trùm ma tuý Pablo Escobar dường như là bất khả xâm phạm, anh ta có quân đội riêng. Mục tiêu của Pablo Escobar là cảnh sát, họ trả tiền để giết cảnh sát, hơn 500 cảnh sát đã bị giết như thế. Những người rất tốt đã chết. Các giá trị đã bị xuống cấp nghiêm trọng ở đất nước này”.
Cha cũng nói rằng các sĩ quan cảnh sát “là những người tiếp xúc nhiều nhất với tham nhũng. Chúng tôi đã chiến đấu với điều đó rất nhiều. Chúng tôi tuyên thệ trước Chúa sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình và chúng tôi rất tôn trọng điều đó, mặc dù không may là một số người đã để mình bị hư hỏng và chúng tôi phải đấu tranh chống lại điều đó. Thật buồn khi một cảnh sát để mình bị tha hóa, đồng tiền dễ làm hỏng lòng người và đó là đồng tiền đáng nguyền rủa”.
Sau hai năm ở Roma, cộng tác với cảnh sát Ý trong việc đào tạo hơn 1.800 sĩ quan cảnh sát Colombia, cha sẽ trở về đất nước tiếp tục sứ vụ phục vụ Chúa và quê hương.
Văn Cương, SJ
vaticannews.va