Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người. Còn chúng ta thì sao? Có ai trong chúng ta chưa từng thiếu kiên nhẫn, dù là với Thiên Chúa, với chính mình, và với người khác? Có ai trong chúng ta chưa từng cảm thấy hối hận vì mình mất kiên nhẫn ngay cả khi có lý do chính đáng? Và có ai trong chúng ta chưa từng trải nghiệm rằng, kiên nhẫn thực sự là một thách đố, và nhiều khi, không phải cứ theo sức mình, mà chúng ta có thể giữ được sự kiên nhẫn trong mọi cảnh huống cuộc sống?
Loạt bài giáo lý trong những buổi Tiếp kiến chung hiện nay của Đức giáo hoàng Phanxicô có chủ đề về thói xấu và nhân đức. Khi xem xét về đức kiên nhẫn, ngài đã suy tư về việc Chúa Giêsu thể hiện nhân đức này một cách trọn vẹn trong cuộc Khổ nạn ra sao:
Chính trong Cuộc Khổ Nạn chúng ta nhận thấy rõ sự kiên nhẫn của Đức Kitô, khi Người chấp nhận bị bắt, bị vả vào mặt và bị kết án bất công cách hiền lành và dịu hiền; Người không phản kháng trước Philatô; Người chịu đựng những lời lăng mạ, sự khạc nhổ và đánh đập của quân lính; Người vác lấy gánh nặng của thập giá; Người tha thứ cho những ai đóng đinh Người vào thanh gỗ và trên Thánh giá, Người không đáp lại những lời khiêu khích, nhưng tỏ lòng thương xót.
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Kinh thánh đã nhiều lần khẳng định “trước sự bất trung của chúng ta, Thiên Chúa tỏ ra “chậm giận” (x. Xh 34,6; Ds 14,18): thay vì tỏ ra ghê tởm sự ác và tội lỗi của con người, Người cho thấy Người cao cả hơn, luôn sẵn sàng bắt đầu lại mọi lúc với lòng kiên nhẫn vô hạn. Đối với Thánh Phaolô, đây là đặc điểm đầu tiên của tình yêu Thiên Chúa”.
Nhưng con người chúng ta lại là một câu chuyện khác, Đức Giáo Hoàng nói:
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường thiếu kiên nhẫn. Chúng ta cần nó như một “vitamin thiết yếu” để tiến bước, nhưng theo bản năng, chúng ta lại trở nên thiếu kiên nhẫn và lấy sự ác đáp trả cái ác: khó có thể giữ bình tĩnh, kiềm chế bản năng, kiềm chế những phản ứng xấu, xoa dịu những tranh cãi và mâu thuẫn trong gia đình, trong công việc, trong cộng đoàn Kitô giáo.
Khi nhắc nhớ rằng, kiên nhẫn là nhân đức mà mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi để thực hành, ngài gợi ý 4 lời khuyên sau đây nhằm giúp chúng ta tăng thêm tính kiên nhẫn:
- Cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kiên nhẫn
Như Thánh Phaolô đã dạy, vì kiên nhẫn là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5,22), nên chúng ta hãy cầu xin Thánh Thần của Đức Kitô để có được nhân đức này.
- Chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng đinh
Hãy chiêm ngắm Thánh Giá để thấm nhuần sự kiên nhẫn của Đức Kitô.
- Dâng cho Chúa những người khiến bạn khó chịu nhất
Một bài tập tốt khác là dâng cho Chúa những người khiến chúng ta khó chịu nhất, xin ơn thực hành cử chỉ của lòng thương xót đối với họ, là điều rất nổi tiếng nhưng lại bị lơ là: kiên nhẫn chịu đựng những người gây phiền nhiễu.
Hãy cầu xin để “biết nhìn họ với lòng trắc ẩn, với cái nhìn của Thiên Chúa, biết cách phân biệt khuôn mặt của họ với các lỗi lầm của họ. Chúng ta có thói quen phân loại mọi người theo những sai lầm mà họ mắc phải. Không, điều này không tốt. Chúng ta hãy tìm kiếm con người bằng khuôn mặt, tâm hồn của họ chứ không phải lỗi lầm của họ”.
- Mở rộng tầm nhìn của mình
Cuối cùng, để trau dồi tính kiên nhẫn, một nhân đức mang lại hơi thở cho cuộc sống, thật tốt khi mở rộng tầm nhìn của mình. Chẳng hạn, bằng cách không thu hẹp phạm vi thế giới vào những rắc rối, những vấn đề của chúng ta, như sách Gương Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện:
“Chớ gì con nhớ đến những đau khổ ê chề của người khác, để con dễ dàng hơn khi chịu đựng những đau khổ nhỏ bé của chính con,” và hãy nhớ rằng “đối với Thiên Chúa, không có điều gì, dù nhỏ đến đâu, được chịu đựng vì tình yêu Thiên Chúa, mà lại không được Thiên Chúa khen thưởng” (III,19).
Và một lần nữa, như sách Gióp dạy: khi cảm thấy bị thử thách, thật tốt khi chúng ta biết mở lòng với niềm hy vọng vào sự mới mẻ của Thiên Chúa, với niềm tin tưởng chắc chắn rằng Ngài sẽ không để những mong đợi của chúng ta bị thất vọng. Kiên nhẫn là biết chịu đựng điều xấu.
Kathleen N. Hattrup
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (04. 04. 2024)