Bài giảng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (27/10/2024) – Đừng ngồi yên mà loan báo Tin mừng

Trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng ngày 27/10/2024, trước sự hiện diện của gần 5000 người, Đức Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy noi gương hoán cải của anh mù Bartimê: một người được Chúa Giêsu chữa lành khỏi chứng mù lòa, không còn ngồi yên bên vệ đường, nhưng đã bước đi theo Người trên con đường Người đi. Một hình ảnh của một Giáo hội hiệp hành cho thế giới ngày nay. Ngài tuyên bố: “Chúng ta không cần một Giáo hội ngồi yên và bỏ cuộc, nhưng là một Giáo hội đón nhận tiếng kêu của thế giới và – tôi muốn nói điều này, có lẽ một số người sẽ bị vấp phạm – một Giáo hội tổn thương bản thân mình để phục vụ Chúa”. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

THÁNH LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

BÀI GIẢNG

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 27/10/2024

Tin Mừng trình bày cho chúng ta về anh Bartimê. Anh là một người mù bị buộc phải ăn xin bên vệ đường, một người bị ruồng bỏ, không còn hy vọng. Khi nghe tin Chúa Giêsu đi qua, anh bắt đầu kêu lên Người. Đó là tất cả những gì anh phải làm: kêu lên nỗi đau của mình và bày tỏ với Chúa Giêsu ước muốn được lấy lại thị giác của mình. Và trong khi mọi người trách móc anh vì giọng nói của anh làm họ khó chịu, thì Chúa Giêsu dừng lại. Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, Ngài không phớt lờ bất kỳ tiếng kêu đau khổ nào.

Hôm nay, vào lúc kết thúc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục, trong khi trái tim chúng ta biết ơn vì những gì chúng ta đã có thể chia sẻ, chúng ta dừng lại ở những gì đang xảy ra với con người này. Lúc đầu, anh “ăn xin […], ngồi bên vệ đường” (Mc 10, 46), trong khi cuối cùng, sau khi được Chúa Giêsu gọi và được khôi phục thị lực, “anh đã đi theo Chúa Giêsu trên con đường Người đi” (c. 52).

Điều đầu tiên Tin Mừng nói với chúng ta về anh Bartimê là việc anh đang ngồi ăn xin. Vị trí của anh là điển hình của một người bị nhốt trong nỗi buồn rầu của mình, ngồi bên vệ đường như thể không thể làm gì khác ngoài việc nhận một thứ gì đó từ những người hành hương đi qua thành phố Giêricô dịp Lễ Vượt Qua. Nhưng, như chúng ta biết, để sống thực sự, người ta không thể ngồi yên: sống, đó luôn là chuyển động, lên đường, ước mơ, lập kế hoạch, mở ra cho tương lai. Người mù Bartimê cũng tượng trưng cho sự mù quáng nội tâm này vốn ngăn cản chúng ta, khiến chúng ta ngồi yên, khiến chúng ta bất động bên vệ đường cuộc sống, không còn hy vọng.

Và điều đó có thể làm cho chúng ta suy nghĩ không chỉ về cuộc sống cá nhân của mình, mà còn về sự kiện rằng chúng ta là Giáo hội của Chúa. Nhiều điều trên đường đi có thể khiến chúng ta mù quáng, không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa, không được chuẩn bị để đối mặt với những thách thức của thực tại, đôi khi không thể biết làm thế nào trả lời cho nhiều câu hỏi chất vấn chúng ta như anh Bartimê đã làm với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thưa anh chị em, trước những vấn đề của người nữ và người nam ngày nay, trước những thách thức của thời đại chúng ta, trước những cấp bách của việc loan báo Tin Mừng và nhiều vết thương đang gây sầu não cho nhân loại, chúng ta không thể ngồi yên. Một Giáo hội ngồi yên mà, gần như không nhận ra điều đó, rút lui khỏi cuộc sống và tự lánh mình bên lề thực tại, là một Giáo hội có nguy cơ ở lại trong sự mù quáng và ở yên trong tình trạng khó ở của chính mình. Và nếu chúng ta ngồi yên trong sự mù quáng của mình, thì chúng ta tiếp tục không nhìn thấy những tình huống khẩn cấp mục vụ của mình và nhiều vấn đề của thế giới chúng ta đang sống. Xin hãy cầu xin Chúa để Người ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta ngõ hầu chúng ta không ngồi yên trong sự mù quáng của mình, một sự mù quáng có thể gọi là tính trần tục, có thể gọi là tiện nghi, có thể gọi là một trái tim khép kín. Chúng ta đừng ngồi yên trong sự mù quáng của mình.

Ngược lại, chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa đang đi qua, Chúa đang đi qua mỗi ngày, Chúa luôn đang đi qua và luôn dừng lại để chữa lành sự mù quáng của chúng ta. Còn tôi, tôi có nghe thấy Người đi qua không? Tôi có khả năng nghe được bước chân của Chúa không? Tôi có khả năng phân định khi nào Chúa đi qua không? Và thật tuyệt vời khi Thượng Hội đồng khuyến khích chúng ta trở thành một Giáo hội theo hình ảnh Bartimê: một cộng đoàn môn đệ, khi nghe Chúa đi ngang qua, cảm nhận được niềm hân hoan của ơn cứu độ, để cho mình được đánh thức bởi sức mạnh của Tin Mừng và bắt đầu kêu lên Người. Giáo hội thực hiện điều này bằng cách lấy lại tiếng kêu của tất cả mọi người nam và người nữ trên trái đất: tiếng kêu của những người mong muốn khám phá niềm vui Tin Mừng và của những người đã xa rời nó; tiếng kêu thầm lặng của những người thờ ơ; tiếng kêu của những người đau khổ, của người nghèo, của những người bị gạt ra bên lề xã hội, của những đứa trẻ làm nô lệ lao động, bị bắt làm nô lệ ở rất nhiều khu vực trên thế giới để lao động; tiếng nói kiệt quệ, chúng ta hãy nghe tiếng nói kiệt quệ này của những người thậm chí không còn sức lực để kêu lên Chúa, hoặc vì họ không có tiếng nói, hoặc vì họ đã cam chịu. Chúng ta không cần một Giáo hội ngồi yên và bỏ cuộc, nhưng là một Giáo hội đón nhận tiếng kêu của thế giới và – tôi muốn nói điều này, có lẽ một số người sẽ bị vấp phạm – một Giáo hội tổn thương bản thân mình để phục vụ Chúa.

Như vậy, chúng ta đi đến khía cạnh thứ hai: nếu lúc đầu anh Bartimê đã ngồi yên, thì ngược lại, ở cuối, chúng ta thấy rằng anh đi theo Người trên con đường Người đi. Đây là một cách diễn đạt điển hình của Tin Mừng, có nghĩa là: anh đã trở thành môn đệ của Người, anh đã bước theo Người. Quả thật, sau khi kêu lên Người, Chúa Giêsu đã dừng lại và cho gọi anh. Bartimê, vẫn đang ngồi yên, đã nhảy lên và ngay sau đó lấy lại được thị lực. Bây giờ anh có thể nhìn thấy Chúa, anh có thể nhận ra công trình của Chúa trong cuộc đời mình và cuối cùng anh có thể bước đi theo Người. Đối với chúng ta cũng vậy, thưa anh chị em: khi chúng ta đã ngồi yên và yên thân, khi ngay cả với tư cách là một Giáo hội, chúng ta cũng không tìm thấy sức mạnh, lòng can đảm và sự táo bạo, sự parrhesia (gan dạ) cần thiết để đứng dậy và tiếp tục hành trình, xin hãy nhớ luôn trở về với Chúa, trở về với Tin Mừng. Trở về với Chúa, trở về với Tin Mừng. Hết lần này đến lần khác, khi Người đi qua, chúng ta phải lắng nghe tiếng gọi của Người, tiếng gọi nâng chúng ta lên và đưa chúng ta ra khỏi tình trạng mù lòa. Và rồi bước theo Người một lần nữa, tiến bước với Người trên con đường Người đi.

Tôi nhắc lại: về anh Bartimê, Tin Mừng nói rằng “anh đã đi theo Chúa Giêsu trên con đường Người đi”. Đó là hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Chúa kêu gọi chúng ta, Người nâng chúng ta dậy khi chúng ta ngồi yên hay vấp ngã, Người lại ban cho chúng ta thị lực để, dưới ánh sáng Tin Mừng, chúng ta có thể nhìn thấy nỗi thống khổ và đau khổ của thế giới ; và như thế, được Chúa nâng dậy, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui bước theo Người trên con đường Người đi. Chúng ta đi theo Chúa trên con đường Người đi, chúng ta không bước theo Người trong sự tiện nghi của chúng ta, chúng ta không bước theo Người trong mê cung của những ý tưởng của chúng ta: chúng ta bước theo Người trên con đường Người đi. Và chúng ta hãy luôn nhớ: đừng bước đi một mình hoặc theo những tiêu chuẩn của thế gian, nhưng hãy bước đi trên con đường, cùng nhau, theo sau Người và với Người.

Thưa anh chị em: không phải một Giáo hội ngồi yên, nhưng là một Giáo hội đứng. Không phải là một Giáo hội im lặng, nhưng là một Giáo hội lắng nghe tiếng kêu của nhân loại. Không phải là một Giáo hội mù quáng, nhưng là một Giáo hội được Chúa Kitô soi sáng, mang ánh sáng Tin Mừng đến cho người khác. Không phải là một Giáo hội tĩnh tại, mà là một Giáo hội truyền giáo, cùng bước đi với Chúa trên các nẻo đường thế giới.

Và hôm nay, khi chúng ta tạ ơn Chúa vì cuộc hành trình chúng ta đã cùng nhau trải qua, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và tôn kính di tích cổ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, đã được trùng tu cẩn thận. Khi chúng ta chiêm ngắm nó với sự ngạc nhiên thán phục của đức tin, chúng ta hãy nhớ rằng đó là chiếc ghế tình yêu, chiếc ghế hiệp nhất, chiếc ghế của lòng thương xót, theo giới răn Chúa Giêsu đã truyền cho thánh Phêrô Tông đồ là đừng thống trị người khác, nhưng phục vụ họ trong đức ái. Và khi chiêm ngưỡng tán du uy nghi, rực rỡ hơn bao giờ hết, của Bernini, chúng ta khám phá lại rằng nó tạo nên tâm điểm thực sự của toàn bộ Vương cung thánh đường, tức là vinh quang của Chúa Thánh Thần. Đây là Giáo hội hiệp hành: một cộng đồng mà quyền tối thượng của nó nằm ở hồng ân Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho tất cả chúng ta trở thành anh em trong Chúa Kitô và nâng chúng ta lên tới Người.

Thưa anh chị em, vì thế, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình của mình với lòng tin tưởng. Đối với chúng ta ngày nay cũng vậy, Lời Chúa lặp lại, như với anh Bartimê: “Hãy tin tưởng, đứng dậy; Người gọi anh đấy.” Tôi có cảm thấy được kêu gọi không? Đây là câu hỏi được đặt ra. Tôi có cảm thấy được kêu gọi không? Tôi cảm thấy yếu đuối và không thể đứng dậy được? Tôi có cầu xin sự giúp đỡ không? Xin hãy cởi bỏ chiếc áo choàng cam chịu và phó thác sự mù quáng của mình cho Chúa. Chúng ta hãy đứng dậy và mang niềm vui Tin Mừng đến các nẻo đường của thế giới.

Tý Linh

Chuyển ngữ từ: Vatican.va

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*