Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua năm B (24/11/2024) – Lời buộc tội, sự tán thành và sự thật

Sáng Chúa Nhật ngày 24/11, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Ngày Giới trẻ Thế giới, tại đền thờ thánh Phêrô, với sự hiện diện của rất đông những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là hai phái đoàn từ Bồ Đào Nha và Hàn Quốc, nơi vừa tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới và nơi đăng cai tiếp theo. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ XXXIX

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

BÀI GIẢNG

LỄ CHÚA KITÔ VUA NĂM B

Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 24/11/2024

Cuối năm phụng vụ, Giáo hội cử hành Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn lên Người, là Chúa, là nguồn gốc và sự viên mãn của mọi sự (xem Cl 1,16-17), là Đấng trị vì “vương quốc chẳng bao giờ suy vong” (Đn 7,14).

Đó là một sự chiêm niệm đầy triển vọng và phấn khích. Tuy nhiên, nếu sau đó chúng ta nhìn xung quanh, những gì chúng ta thấy có vẻ khác và những câu hỏi đáng lo ngại có thể nảy sinh trong chúng ta. Còn chiến tranh, bạo lực, thảm họa sinh thái thì sao? Và các bạn trẻ thân mến, các con nghĩ sao về những vấn đề mà các con cũng phải đối mặt khi nhìn về tương lai: sự bất ổn trong công việc, sự bất ổn về kinh tế và hơn thế nữa, những chia rẽ và chênh lệch làm phân cực xã hội? Tại sao tất cả điều này lại xảy ra? Và chúng ta có thể làm gì để tránh bị nó đè bẹp? Đây là những câu hỏi khó nhưng quan trọng.

Vì lý do này, hôm nay, khi chúng ta cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại tất cả các Giáo hội, cha muốn đặc biệt đề nghị với các bạn trẻ, dưới ánh sáng Lời Chúa, để suy tư về ba khía cạnh có thể giúp chúng ta tiến bước với lòng can đảm trên hành trình của chúng ta, vượt qua những thử thách mà chúng ta gặp phải. Đó là: những lời buộc tộisự tán thành và sự thật.

Đầu tiên: những lời buộc tội. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trong vị trí của bị cáo (x. Ga 18:33-37). Người đang đứng trước vành móng ngựa tại toà án. Người thẩm vấn Chúa Giêsu là Philatô, đại diện của Đế quốc La Mã, nơi đó chúng ta thấy tất cả các quyền lực được phát hoạ trong lịch sử áp bức con người bằng vũ lựcPhilatô không quan tâm đến Chúa Giêsu. Nhưng ông biết rằng mọi người đi theo Chúa Giêsu, coi Người là vị hướng dẫn, là Thầy, Đấng cứu thế. Và vị Tổng Trấn thì không thể cho phép bất cứ ai tạo ra sự hỗn loạn và xáo trộn cho “hòa bình bởi quân sự” trong địa hạt của ông. Vì vậy, ông đã làm hài lòng những kẻ thù đầy quyền lực của vị ngôn sứ không có khả năng tự vệ này: ông đưa Người ra xét xử và đe dọa kết án tử Người. Và Người, Đấng luôn luôn và chỉ rao giảng công lý, lòng thương xót và sự tha thứ, không sợ hãi, không để mình bị đe dọa, cũng không phản kháng: Người vẫn trung thành với sự thật mà Người đã công bố, thậm chí đến mức hy sinh mạng sống mình.

Các bạn trẻ thân mến, có lẽ đôi khi các bạn cũng có thể bị “buộc tội” vì đã bước theo Chúa Giêsu ở trường học, giữa bạn bè, trong những môi trường mà các bạn thường lui tới, có thể có những người muốn các bạn cảm thấy sai lầm vì các bạn trung thành với Tin Mừng và các giá trị của Tin Mừng, bởi vì bạn không chạy theo, không làm như những người khác. Tuy nhiên, bạn đừng sợ những lời “lên án”, đừng lo lắng: sớm hay muộn những lời chỉ trích và buộc tội sai trái sẽ biến mất và những giá trị hời hợt ủng hộ chúng cũng bộc lộ bản chất thật của chúng, là những ảo tưởng.

Những gì còn lại, như Chúa Kitô dạy chúng ta, là một điều khác: đó là những công việc của tình yêu. Đây là những gì còn lại và những gì làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp! Những thứ khác không quan trọng. Vì vậy, cha nhắc lại: các bạn đừng sợ “sự lên án” của thế giới. Hãy tiếp tục yêu thương!

Và chúng ta đến điểm thứ hai: sự tán thành. Chúa Giêsu khẳng định: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36). Với điều này Chúa Giêsu muốn nói gì? “Nước tôi không thuộc về thế gian này”? Tại sao Người chẳng làm gì để đảm bảo sự thành công của mình, để lấy lòng những người có quyền lực, để có được sự ủng hộ cho chương trình của mình? Tại sao Người không làm điều đó? Làm thế nào Người có thể nghĩ đến việc thay đổi mọi thứ từ “thất bại”? Thực tế, Chúa Giêsu hành xử theo cách này bởi vì Người bác bỏ bất kỳ lối nghĩ nào về quyền lực (x. Mc 10,42-45). Chúa Giêsu tự do với tất cả những điều này!

Và các bạn cũng vậy, các bạn trẻ thân mến, hãy noi gương Chúa Giêsu, đừng để mình bị lây nhiễm bởi nỗi ước muốn – rất phổ biến ngày nay -, ước muốn được nhìn thấy, được tán thưởng và được khen ngợi. Những người để mình bị cuốn vào những cột cứng này cuối cùng sẽ gặp rắc rối. Nó giản lược, cạnh tranh, giả vờ, thỏa hiệp, bán rẻ lý tưởng của mình để có được một chút sự tán thành và được nhìn thấy. Xin hãy cẩn thận về điều này. Phẩm giá của bạn không phải để bán. Không phải để bán! Hãy cẩn thận.

Nhưng Chúa yêu bạn như chính con người bạn chứ không phải như vẻ ngoài của bạn: trước mặt Người, những giấc mơ thuần khiết của bạn có giá trị hơn thành công và danh tiếng – chúng có giá trị hơn – và sự chân thành trong ý hướng của bạn có giá trị hơn sự tán thành. Đừng để mình bị lừa dối bởi những kẻ lôi kéo bạn bằng những lời hứa vô ích, thực chất chỉ muốn lợi dụng bạn, gây ảnh hưởng đến bạn và lợi dụng bạn vì lợi ích của riêng họ. Hãy cẩn thận với việc bị công cụ hoá. Hãy cẩn thận để không bị điều kiện hoá. Các bạn tự do, nhưng là tự do phù hợp với phẩm giá của bạn. Đừng chấp nhận trở thành “ngôi sao trong một ngày”, ngôi sao trên mạng xã hội hoặc trong bất kỳ bối cảnh nào khác! Bầu trời trong đó các bạn được mời gọi tỏa sáng thì rộng lớn hơn: đó là bầu trời tình yêu, đó là bầu trời của Thiên Chúa, tình yêu vô biên của Chúa Cha được phản chiếu dưới nhiều ánh sáng nhỏ: trong tình cảm chung thủy của vợ chồng, trong niềm vui ngây thơ của trẻ em, sự nhiệt tình của người trẻ, sự chăm sóc người già, lòng quảng đại của các tu sĩ, lòng bác ái đối với người nghèo, sự lương thiện trong công việc. Hãy suy nghĩ về những điều này, chúng sẽ làm cho các bạn trở nên mạnh mẽ, tất cả các bạn trẻ. Một câu hỏi: bạn có quan tâm đến người già không? Bạn sắp đi thăm ông bà của bạn không? Hãy quảng đại trong cuộc sống và bác ái đối với người nghèo, lương thiện trong công việc. Đây là bầu trời thực sự, trong đó hãy tỏa sáng như những ngôi sao trên thế giới (xem Pl 2,15): và đừng nghe bất cứ ai nói với bạn điều ngược lại, bằng những lời nói dối! Sự tán thành không cứu được thế giới và cũng không làm chúng ta hạnh phúc. Điều cứu rỗi thế giới là sự vô vị lợi của tình yêu. Và tình yêu không thể mua được, không thể bán được: nó là miễn phí, nó là sự trao ban của chính mình.

Và chúng ta đến điểm thứ ba: sự thật. Chúa Kitô đã đến thế gian “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37), và Người đã làm như vậy bằng cách dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em (xem Mt 22,34-40; 1 Ga 4,6-7). Thực ra, chỉ ở đó, trong tình yêu, sự tồn tại của chúng ta mới tìm thấy ánh sáng và ý nghĩa (xem 1 Ga 2,9-11). Nếu không, chúng ta vẫn là tù nhân của một lời đại nói dối. Đó là cái “tôi” tự mãn (xem St 3,4-5), nguồn gốc của mọi bất công và bất hạnh. Cái “tôi” quy về chính nó – tôi, cho tôi, với tôi, luôn là “tôi” – và không có khả năng nhìn người khác, nói chuyện với người khác. Hãy cẩn thận với căn bệnh cái “tôi” quy về chính mình.

Chúa Kitô, là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6), tự lột bỏ mọi sự và chết trần trụi trên thập giá để cứu chúng ta, dạy chúng ta rằng chỉ trong tình yêu, chúng ta mới có thể sống, lớn lên và phát triển phẩm giá trọn vẹn của chúng ta (x. Ep 4:15-16). Nếu không, như Chân phước Pier Giorgio Frassati – một người trẻ như các bạn – đã viết cho một người bạn: người ta không sống nữa, nhưng là “sống lây lất” (xem Thư gửi Isidoro Bonini, ngày 27 tháng 2 năm 1925). Chúng ta muốn sống chứ không muốn sống lây lất, và do đó chúng ta nổ lực làm chứng cho sự thật trong tình bác ái, yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta (xem Ga 15,12).

Anh chị em thân mến, không phải như một số người nghĩ rằng các biến cố trên thế giới đã “thoát khỏi” bàn tay của Thiên Chúa. Không phải lịch sử được tạo nên bởi những kẻ bạo lực, những kẻ bắt nạt, những kẻ kiêu ngạo. Thật đau xót rằng điều làm chúng ta đau khổ là việc làm của con người, bị Ác Quỷ lừa dối, nhưng cuối cùng mọi sự đều phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa. Những kẻ hủy diệt con người, những kẻ gây chiến, họ sẽ ra sao khi ra đứng trước mặt Chúa? “Tại sao ngươi tham gia cuộc chiến đó? Tại sao ngươi giết người?”. Và họ sẽ trả lời thế nào? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này, và chúng ta cũng vậy. Chúa để chúng ta tự do, nhưng không để chúng ta cô đơn: mặc dù Người sửa dạy chúng ta khi chúng ta sa ngã, nhưng Người không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta và, nếu chúng ta muốn, nâng chúng ta dậy một lần nữa, để chúng ta có thể vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình.

Vào cuối Thánh lễ này, các bạn trẻ Bồ Đào Nha sẽ chuyển trao các biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới cho các bạn trẻ Hàn Quốc: Thánh Giá và Linh ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân thành Roma. Đây cũng là một dấu chỉ: một lời mời gọi tất cả chúng ta hãy sống và mang Tin Mừng đến mọi miền trên trái đất, không dừng lại và không nản lòng, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và không ngừng hy vọng, như Sứ điệp trong Ngày giới trẻ này nói: “Ai hy vọng vào Chúa thì sẽ bước đi không mệt mỏi” (xem Is 40:31). Các bạn, những người trẻ Hàn Quốc, sẽ đón nhận Thánh Giá của Chúa, Thánh Giá của sự sống, dấu chỉ của chiến thắng, nhưng không đơn độc: các bạn sẽ đón nhận Thánh Giá cùng với Mẹ. Chính Đức Maria là người luôn đồng hành cùng chúng ta hướng tới Chúa Giêsu; chính Đức Maria là Đấng trong những lúc khó khăn ở bên cạnh Thánh Giá để giúp đỡ chúng ta, bởi vì Mẹ là Mẹ, là Mẹ của chúng ta. Hãy nghĩ đến Đức Maria.

Chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu, Thánh Giá của Người và Đức Maria, Mẹ chúng ta: nhờ đó, ngay cả trong khó khăn, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để tiến về phía trước, không sợ những lời buộc tội, không cần sự tán thành. Chúng ta tiến về phía trước, hài lòng vì mọi người, trong yêu thương và làm chứng cho sự thật. Và đừng đánh mất niềm vui. Cảm ơn anh chị em!

Cuối Thánh Lễ, trước nghi thức trao Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha chào các bạn trẻ hiện diện trong Thánh Lễ, đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là phái đoàn đến từ Bồ Đào Nha, nơi đã diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới vừa qua, và phái đoàn đến từ Hàn Quốc, sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp ở Seoul vào năm 2027. Ngài nói: Các bạn trẻ Bồ Đào Nha sẽ sớm trao lại các biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới – Thánh Giá và biểu tượng Đức Mẹ là phần rỗi của dân thành Roma – cho những người trẻ Hàn Quốc. Những biểu tượng này đã được Thánh Gioan Phaolô II giao phó cho người trẻ để mang đi khắp thế giới”. Ngài nhắn nhủ những người trẻ Hàn Quốc: “Giờ đến lượt các bạn! Khi mang Thánh Giá đến Châu Á, các bạn sẽ loan báo tình yêu của Chúa Kitô cho mọi người. Hãy can đảm lên! Hãy can đảm làm chứng cho niềm hy vọng mà ngày nay chúng ta cần hơn bao giờ hết. Tại đó, nơi những biểu tượng này sẽ đi qua, ước gì sự chắc chắn về tình yêu chiến thắng của Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa các dân tộc được lớn lên mãi. Và đối với tất cả các nạn nhân trẻ tuổi của các cuộc xung đột và chiến tranh, xin Thánh Giá của Chúa và biểu tượng Đức Maria Rất Thánh trở thành nguồn nâng đỡ và an ủi họ.

Sau đó là nghi thức trao Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới giữa những người trẻ Bồ Đào Nha và những người trẻ Hàn Quốc.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*