Thánh lễ diễn ra trong bối cảnh các tín hữu Công giáo Jordan hành hương hàng năm nhân lễ Trọng Chúa Giêsu chịu phép rửa. Trong Thánh lễ, Đức Hồng y cũng thánh hiến bàn thờ của nhà thờ mới.
Al-Maghtas: Di sản thế giới
Truyền thống hành hương đến Sông Jordan đã được tái lập vào năm 2000. Kể từ đó, địa điểm này đã được mở rộng đáng kể với sự hỗ trợ của Vua Jordan Abdullah II và một số nhà thờ của các hệ phái Kitô khác nhau đã được xây dựng. Từ năm 2002, địa điểm này đã cung cấp các tour du lịch có hướng dẫn viên cho du khách. Năm 2015, Al-Maghtas đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới.
Nhà thờ mới
Nhà thờ mới có sức chứa lên đến 2.000 người và có diện tích khoảng 1.500 mét vuông. Đây là nhà thờ lớn thứ hai tại địa điểm này và là một trong những nhà thờ lớn nhất ở Trung Đông. Nhà thờ, do Dòng Ngôi Lời Nhập Thể điều hành, cũng là điểm hành hương để các tín hữu nhận được ân xá trong Năm Thánh 2025.
Khu phức hợp, do hoàng gia Jordan cung cấp rộng khoảng ba hécta đất, cũng bao gồm hai tu viện. Nhà thờ mới đã được Đức cố Giáo hoàng Biển Đức đặt viên đá đầu tiên vào ngày 10/5/2009 trong chuyến viếng thăm Thánh Địa. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đến thăm địa điểm này vào năm 2014 và gặp gỡ những người tị nạn Syria và Iraq trong tòa nhà chưa hoàn thành.
Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta
Trong Thánh lễ thánh hiến nhà thờ, Đức Hồng y Parolin nói rằng cơ hội này mời gọi các Kitô hữu dấn thân canh tân đời sống thiêng liêng thật sự, đồng thời bảo đảm sự gần gũi của Giáo hội hoàn vũ đối với các Kitô hữu ở Trung Đông.
Trong bài giảng, ngài nói rằng nơi này từ lâu đã là điểm hành hương, “bởi vì chính ở đây, Chúa Giêsu đã chịu phép rửa bởi ông Gioan Tẩy Giả”. Ngài cũng nói rằng đặc điểm địa lý của nơi này cũng nói với chúng ta: “Ở đây, chúng ta ở điểm thấp nhất của trái đất, nhưng chính ở đây, Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta, như thể để ôm trọn vào lòng Người cả những người từ phương xa nữa”.
Dấu hiệu sự gần gũi của Giáo hội hoàn vũ
Đức Hồng y nói tiếp rằng sự hiện diện của ngài ở đây, “theo mong muốn của Đức Giáo hoàng, có nghĩa là một dấu hiệu hữu hình về sự gần gũi của toàn thể Giáo hội đối với các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông”. Đặc biệt theo lời của Đức Thánh Cha, ngài cho biết sự gần gũi này đã tìm thấy nhiều cách diễn đạt trong suốt nhiều tháng đau khổ và chiến tranh.
Kitô hữu đóng góp xây dựng xã hội
Đại diện của Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn khuyến khích mọi người đừng để những khó khăn nghiêm trọng của thời điểm hiện tại lấn át, và hãy tin rằng Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử nhân loại, bất kể nó mang nhiều vết sẹo của bạo lực, tội lỗi và cái chết. Vào thời điểm trong lịch sử khi khu vực này đang trải qua sự biến động nghiêm trọng, điều quan trọng là các Kitô hữu cũng phải đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình”.
Kêu gọi các nhà lãnh đạo tìm kiếm hòa bình
Trong bối cảnh này, Đức Hồng y kêu gọi, “Tôi sẽ hướng tầm nhìn của mình vượt khỏi sông Jordan và kêu gọi ngừng bắn, thả tù nhân và con tin, và tôn trọng luật nhân đạo”. Ngài thúc giục: “Mong rằng trái tim của các nhà lãnh đạo các quốc gia được thúc đẩy để tìm kiếm hòa bình và sự chung sống hòa hợp giữa các dân tộc”, đồng thời nhấn mạnh rằng bạo lực không được quyết định tương lai của chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi