Nếu không dựa trên đức tin, bài thương khó của Đức Giêsu mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng Mc 14,1-15,47 chỉ được hiểu như một vở bi kịch. Nếu không có đức tin, ai có thể dám chắc rằng cách thức mà Ngài đang thực hiện lại là cách Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người? Nếu không có đức tin, ai có thể biết được rằng cuộc thương khó của Đức Giêsu có liên quan và có tác động trực tiếp đến cuộc đời chúng ta? Tuy nhiên, cộng đoàn thân mến, chúng ta vừa nghe tường thuật cuộc thương khó ấy dưới ánh sáng của đức tin. Chúng ta chuẩn bị bước vào Tuần Thánh. Đây không chỉ là thời gian để tham dự và thực hiện các nghi thức hay chỉ là việc nhắc nhớ lại một câu chuyện buồn. Nhưng Tuần Thánh là một cơ hội của đức tin. Chúng ta đang được mời gọi hồi tâm nhìn lại đức tin của bản thân và cách thức chúng ta sống và tuyên xưng đức tin ấy. Chúng ta được mời gọi để suy gẫm và cảm nghiệm xem cuộc thương khó của Đức Giêsu đang tác động trên đời mình, trong cuộc sống thường ngày như thế nào.
Hôm nay chúng ta cũng cử hành nghi thức rước lá, để nhớ lại biến cố người ta rước Đức Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem, để từ nơi ấy, Ngài bắt đầu con đường thập giá, đi đến đỉnh đồi Gôn-gô-tha để hoàn tất kế hoạch cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho Ngài. Thế nên, khi thực hiện nghi thức rước lá này, chúng ta không chỉ hòa chung tâm tình vui mừng rước Đức Ki-tô như một vị vua tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Một mặt, chúng ta còn được mời gọi rước Đức Giêsu vào trong cuộc đời mình, rước Ngài về nhà mình, về nơi mình sinh sống, đến nơi mình học tập và làm việc, để ở mọi nơi, mọi lúc, Ngài luôn là vị vua, vị Cứu Tinh của chúng ta. Chúng ta có dám thực hiện điều này không? Đây là một thách đố, và cũng là cơ hội để chúng ta tuyên xưng và làm chứng về đức tin Ki-tô giáo của mình. Mặt khác, đây cũng là dịp chúng ta được mời gọi bước theo chân Đức Giêsu đi vào giữa lòng thế giới với cùng một tâm tình như Ngài khi đi vào cuộc thương khó. Đó là tâm tình vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, hy sinh mạng sống để cứu chuộc con người. Chúng ta có dám bước theo Ngài, dám hy sinh cuộc sống mình để yêu thương và chia sẻ với người khác, để làm chứng cho người khác biết rằng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu không?
Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu sẽ vẫn còn có giá trị, sẽ vẫn còn đem lại ích lợi cho mỗi chúng ta, cho những người chúng ta gặp gỡ và những người chúng ta sống cùng, nếu chúng ta còn dám tuyên xưng đức tin, như viên đại đội trưởng khi chứng kiến Đức Giêsu chết trên thập giá, đã tuyên xưng rằng “quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:39). Việc tuyên xưng ấy không chỉ được diễn tả bằng lời nói suông, nhưng còn phải bằng những hành động và lối sống cụ thể, một lối sống bộc lộ tình yêu. Bởi lẽ, đỉnh cao của Tuần Thánh không chỉ là tưởng nhớ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, nhưng còn là nhắc nhớ chúng ta về tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Gioan viết “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:8). Xin tình yêu của Đức Ki-tô trở nên động lực và sức mạnh cho chúng ta biết sống yêu thương.
Giuse Phạm Đình Cư, SJ