Đạo hiếu thờ cha kính mẹ

Gần đây một số tài khoản trên trang mạng xã hội facebook có đăng tải những câu chuyện nói về một số trường hợp của các bạn trẻ không muốn cha mẹ mình từ quê lên thăm hoặc có mặt trong lễ nhận bằng cấp, vì sợ mình bị quê với chúng bạn.
 
Lối hành xử này không tránh khỏi sự đau lòng cho bậc làm cha mẹ. Công ơn sinh thành và vất vả nuôi dưỡng con cái trong sự lam lũ vất vả để nuôi sống gia đình bằng mồ hôi công sức chân chính của mình giờ đây bị coi thường. Đối với đạo làm con, dù mình có là ai và có địa vị thế nào trong xã hội, thì trước mặt cha mẹ, mình vẫn là con cái và mắc nợ món quà sự sống mà không một cá nhân, đoàn thể hay xã hội giầu có và văn minh bao nhiêu chăng nữa cũng không thể mang lại thứ ấy cho mình được. Vai trò của cha mẹ là không thể thay thế. Mặt khác, Việt Nam vốn được coi là nước có nhiều người theo đạo thờ kính ông bà. Vì thế, khinh dể cha mẹ mình khi còn sống là sự bất kính không thể dung thứ.
 
Tại sao lại có hiện tượng thật đáng buồn này? Trước hết, chính trào lưu xã hội vốn ưa dáng vẻ hào nhoáng bề ngoài đã tạo nên một bức tường ngăn cách đáng chê trách này. Nghèo bền và chân quê luôn bị coi là điều cấm kỵ cần tránh được nhắc đến. Hơn nữa, khoảng cách quá chênh lệch giữa thôn quê và thành thị ngày một gia tăng lại càng đào sâu sự phân biệt đầy bất công này. Một khi điều kiện sinh sống của người thôn quê không được cải thiện, họ còn phải chịu sự thiệt thòi về mọi mặt cả vật chất cũng như tinh thần.
 
Sự duy trì ổn định và phát triển trong xã hội luôn cần đến mọi lớp người. Do đó, tất cả các nghề nghiệp chân chính cần được bình đẳng và tôn trọng đúng mức. Tại Việt Nam, đa phần dân chúng sống ở thôn quê và làm nghề trồng trọt và chăn nuôi. Hơn nữa, những ngày lễ hội của dân tộc hầu hết có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước. Điều này đã làm nên bản sắc đặc thù của con người, đất nước và dân tộc Việt Nam. Đó là di sản cần được gìn giữ và trân trọng. Không một ai và không một dân tộc nào có thể lãng quên và chối bỏ gốc gác của mình.
 
Rất mong những nét đẹp về tình làng nghĩa xóm, những phong tục tập quán đặc trưng của mỗi địa phương nói riêng và sự thờ cha kính mẹ trong truyền thống của Việt Nam nói chung cần được đề cao để không bị mai một theo năm tháng và vòng xoáy của giá trị vật chất. Chỉ có như vậy mỗi người trong chúng ta mới có thể tự tin tự hào nhận mình là hậu duệ của Con Rồng Cháu Tiên.
 

Tăng Kỳ Mục