Trong sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2005, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cầu mong các dân tộc Phi Châu trở thành tác nhân tương lai của chính mình.
Tư tưởng này của Đức Gioan Phaolô II đã là nền tảng của “Dự án Benin”, do tổ chức phi chính quyền “Cây Trắc bá” khởi xướng, nhằm mục đích cống hiến cho giới trẻ địa phương, cũng như từ các nơi khác tới, một nền giáo dục giúp họ trở thành các tác nhân tương lai của Phi Châu. Dự án là một trung tâm giáo dục nền văn hóa phát triển, gọi là “Trung tâm tài liệu và nghiên cứu Nghệ thuật và Khoa học xã hội”, một dụng cụ giúp thắng vượt nạn nghèo túng và kỳ thị xã hội.
Benin rộng 112.620 cây số vuông, có hơn 9 triệu dân, 42,9% theo Kitô giáo, 24,4% theo Hồi giáo, 17,5% theo đạo Vudu, 6% theo các tôn giáo cổ truyền Phi Châu, 1% theo các tôn giáo khác và 6,5% không theo tôn giáo nào.
Trong số 42,9% kitô hữu, công giáo chiếm 27,2%, kitô hữu thiên quốc chiếm 5%, tín hữu methodist chiếm 3,2%, các nhóm kitô khác chiếm 7,5%.
Trong sứ điệp mang tựa đề “Bạn đừng để cho mình bị sự dữ chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự dữ với sự thiện”, Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng hòa bình là kết qủa của một trận chiến đấu đòi hỏi nhiều dấn thân lâu dài. Nó chỉ chiến thắng khi sự dữ bị đánh bại bởi sự thiện. Trước các cuộc xung đột huynh đệ tương tàn xảy ra tại nhiều vùng trên thế giới này, trước các khổ đau và bất công không thể diễn tả được phát sinh từ đó, sự lựa chọn duy nhất thực sự xây dựng, là trốn chạy sự dữ và bám chặt vào sự thiện. Vì là một bản vị có tự do, nên con người có thể lựa chọn sự dữ hay sự thiện; vì thế, sự dữ luôn luôn có một guơng mặt và một tên gọi. Mỗi một lựa chọn sai lạc đều kéo theo các hậu quả có chiều kích luân lý liên quan tới trách nhiệm của chủ thể và các tuơng quan của nó với Thiên Chúa, với tha nhân và với thụ tạo.
Trong sứ điệp, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc tới một số vấn đề tế nhị ngăn cản sự phát triển của đại lục Phi Châu như nhiều cuộc xung đột vũ trang, các bệnh dịch trở thành nguy hiểm hơn vì các điều kiện sống bần cùng, sự bất ổn chính trị và bất ổn xã hội. Chúng là các thực tại thê thảm đòi hỏi phải có một con đường triệt để mới mẻ cho Phi Châu. Cần phải có các hình thức mới mẻ của tình liên dới, trên bình diện song phương và đa phương, với một dấn thân cuơng quyết hơn của tất cả mọi người, trong ý thức tràn đầy rằng thiện ích của các dân tộc Phi Châu diễn tả một điều kiện cần thiết cho việc đạt tới thiện ích đại dồng.
Ước chi các dân tộc Phi Châu có thể nắm trong tay vận mệnh của riêng mình và việc phát triển văn hóa, dân sự, xã hôi và kinh tế! Ước chi Phi Châu thôi chỉ là đối tượng của trợ giúp, để trở thành chủ thể có trách nhiệm của các chia sẻ xác tín và sản xuất! Để đạt các mục tiêu đó, cần phải có một nền văn hóa chính trị mới, đặc biệt trong lãnh vực cộng tác quốc tế. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc thiếu thực hiện các lời hứa liên quan tới sự trợ giúp phát triển, vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ về món nợ quốc tế nặng nề của các nước Phi Châu và sự vắng bóng của một chú ý đặc biệt đối với các quốc gia Phi Châu trong các tương giao thương mại quốc tế, tạo ra các chướng ngại lớn cho hòa bình, và vì thế, phải cấp thiết đối phó và vượt thắng chúng. Chưa bao giờ như hiện nay, ý thức việc tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước giầu và các nước nghèo, lại định đoạt và cương quyết như thế, vì sự phát triển hoặc trở thành chung cho tất cả mọi phần đất trên thế giới, hoặc chịu một tiến trình thụt lùi cả trong những vùng được ghi dấu bởi một tiến bộ liên tục. “Văn phạm luân lý đại đồng” được Giáo Hội nêu lên nhiều lần trong các vụ lên tiếng về nỗ lực phục vụ hòa bình, gợi hứng cho các giá trị và nguyên tắc chung, hiệp nhất con người thuộc các nền văn hóa khác nhau. Nó đòi hỏi phải luôn luôn dấn thân với tinh thần trách nhiệm, làm sao để cuộc sống của bản vị con người và của các dân tộc được tôn trọng và thăng tiến. Dưới ánh sáng của nó, không thể không cứng rắn nhắc tới các sự dữ tác hại thế giới, nhất là các sự dữ do bạo lực bùng nổ gây ra. Trong bối cảnh đó, làm sao mà không nghĩ tới đại lục Phi Châu mến yêu, nơi các xung đột tồn tại đã và đang khiến cho hàng triệu người chết…
Để đạt tới hòa bình cần sáng suốt khẳng định rằng bạo lực là một sự dữ không thể chấp nhận được, và nó không bao giờ giải quyết đưọc các vấn đề. Bạo lực là một dối trá, bởi vì nó trái nghịch với sự thật của bản tính nhân loại chúng ta. Bạo lực phá hủy điều mà nó khẳng định bảo vệ: phẩm giá, sự sống, sự tự do của con người. Chính vì thế cần phải thăng tiến một công trình giáo dục lương tâm, đào tạo tất cả mọi người, nhất là các thế hệ mới, biết sống cho sự thiện, bằng cách mở ra chân trời của thuyết nhân bản toàn diện và liên đới mà Giáo Hội chỉ cho thấy và cầu mong. Trên các nền tảng đó có thể cho chào đời một trật tự xã hội, kinh tế và chính trị chú ý tới phẩm giá, sự tự do và các quyền căn bản của mọi người.
Sau đây là bài phỏng vấn ông Jean-Baptiste Sourou, giáo sư các Khoa học xã hội, về “Dự án Benin”, là dự án thành hình từ các ước mong nói trên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Hỏi: Thưa giáo sư, “Trung tâm tài liệu và nghiên cứu Nghệ thuật và Khoa học xã hội” nhằm mục đích gì, và dự án Benin muốn thực hiện điều gì?
Đáp:
“Trung tâm tài liệu và nghiên cứu Nghệ thuật và Khoa học xã hội” là dụng cụ nhắm đánh bại nghèo túng và kỳ thị xã hội. Dự án Benin là một dự án thay thế cho hiện tượng di cư rừng rú từ Phi Châu sang Âu Châu, trong nghĩa chúng tôi muốn cống hiến cho giới trẻ khả thể ước mơ một tương lai ngay trên quê hương của họ. Và tôi khởi hành từ quốc gia quê hương của tôi, là nước Benin trong vùng Tây Phi Châu. Từ nhiều năm nay tôi làm việc liên quan tới lãnh vực di cư và với người di cư. Và khi tiếp xúc với họ, tôi nhận ra rằng thiếu một cái gì đó: thiếu sự giáo dục. Người ta ra đi mà không biết vì sao mình ra đi. Nhưng khi bạn được giáo dục, bạn có thể phân định điều thật với điều không thật. Tuy nhiên, điều đã đánh động tôi nhất, đó là như giáo sư trẻ tuổi tôi đã được mời dậy học tại một nước bên Phi châu, mà tôi không nêu tên vì tôn trọng quốc gia đó, và một trong những buổi chiều đầu tiên tôi đã thấy một nữ sinh ngồi học dưới ánh đèn đường. Đây là một thực tại phổ biến. Nhiều học sinh bị bó buộc phải học dưới ánh đèn đường ban chiều vì ở nhà, các em không có điện. Thế rồi có một điều khác đã đánh động tôi: đó là rất nhiều học sinh sinh viên của tôi không thể làm bài ban tối vì bị cúp điện. Cảnh cúp điện rất thường xảy ra và kéo dài 8-10 tiếng đồng hồ… làm sao mà bạn có thể học được, khi bạn không có các điều kiện tối thiểu như thế? Thế rồi cũng thiếu cả các cơ cấu hạ tầng nữa như sách vở. Dự án này, chúng tôi gọi nó là dự án “Ưu tiên cho giáo dục: chúng ta hãy cho người trẻ khả năng”. Thánh Gioan Phaolô II đã nói lên điều này trong sứ điệp gửi Ngày Hòa Bình Thế Giới 2005, mà tôi gọi là di chúc Ngài để lại cho Phi Châu: ngài cầu mong rằng các dân tộc Phi Châu có thể trở thành tác nhân tương lai của chính họ.
Hỏi: Quý vị muốn kích hoạt các thỏa hiệp với các đại học khác ở các nước ngoài, có đúng thế không?
Đáp:
Đương nhiên đây đã là một giai đoạn tiếp theo rồi. Ý hướng thứ nhất, đó là thành lập một thư viện tân tiến, nối liền với các thư viện khác trên thế giới. Rồi xây các phòng riêng cho các sinh viên, một căng tin nơi sinh viên có thể ăn uống. Trong dự án, tôi cũng đã dự kiến một nhà nguyện: đây không phải chỉ là một trung tâm cho các sinh viên công giáo, nhưng là một trung tâm dành cho tất cả mọi người, nhưng có đặc thái công giáo, bởi vì tôi cũng là một tín hữu công giáo. Và không chỉ cho người trẻ Benin mà thôi. Trung tâm cũng sẽ mở rộng cửa cho người trẻ thuộc các đại lục khác muốn thực sụ hiểu biết các nền văn hóa Phi Châu bằng cách sống cận kề với dân chúng. Trung tâm nằm ở giữa các đường nối quan trọng: chúng tôi ở gần phi trường quốc tế Cotonou, chúng tôi cũng không xa Abomey, là một trong các vưong quốc hùng mạnh nhất của vùng Tây Phi Châu… Nó là một cửa sổ mở rộng.
Hỏi: Như vậy dự án tài chánh cho trung tâm thì như thế nào, thưa giáo sư?
Đáp:
Tôi đã tin vào dự án ngay từ đầu. Với các phương tiện của tôi, tôi đã mua đất để xây trung tâm. Trong lúc này, chúng tôi đang tìm các tài trợ để có thể bắt đầu xây cất các cơ cấu. Cần khoảng 600.000 Euros. Dự án này đã khởi đầu rồi.
Hỏi: Giáo sư có nghĩ rằng nó có thể là gương mẫu để cho các vùng khác của Phi Châu bắt chước hay không?
Đáp:
Điều mà chúng tôi muốn làm, là một biểu tượng: chúng tôi sẽ khởi sự việc đào tạo cho công ích, bởi vì tại Phi Châu ngày nay, giáo dục không thôi, không đủ, cần phải đào tạo con nguời biết tôn trọng công ích nữa. Sự thiện luôn luôn lôi kéo. Tôi nhắm tới điều này. Đây là một dự án dẫn đường. Chúng tôi khởi sự từ đó, và tôi hy vọng nó tiến triển làm sao để cũng có thể đề nghị dự án này với các vùng khác của Phi Châu. Tôi nóng lòng ao ước trông thấy các xây cất đầu tiên của Trung tâm tài liệu và nghiên cứu Nghệ thuật và Khoa học xã hội, đồng thời trông thấy nhiều dự án khác loại này trong các vùng khác của Phi châu. (RG 19-4-2015)
(Vatican 28.4.2015)
Linh Tiến Khải