Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Phúc Âm Mc 14, 12-16.22-26
“Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.“
Thánh Thể là trung tâm phụng vụ và đời sống Kitô giáo. Chính vì tầm quan trọng đó, nên Giáo hội đã không ngừng mời gọi tín hữu đến với Thánh Thể như cao điểm hiến tế và nguồn mạch hiệp thông với Chúa Kitô và anh em.
Khi xưa, trong bữa tiệc ly đó, khi cầm chén rượu, Đức Giêsu đã nói một lời chí lý: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14:24). Khác hẳn với “Máu Giao Ước” trong quá khứ, Đức Giêsu sẽ lấy chính máu mình làm hiến tế dâng lên Thiên Chúa. Và “Máu Giao Ước” ấy không giới hạn cho riêng một dân tộc, nhưng sẽ bao trùm cả nhân loại. Nói cách khác, Máu đó sẽ “đổ ra vì muôn người.” (Mc 14:24)
Đức Giêsu còn quả quyết “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” (Mc 14:25) “Rượu mới” đó chỉ tìm thấy trong bữa tiệc Thiên Sai (c. 6:35-44; 8:1-10). Không thể coi Tiệc ly như một biến cố tách biệt. Trái lại chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của bữa tiệc lịch sử đó khi nối kết với những bữa tiệc trước đây Đức Giêsu đã từng chia sẻ với những người thu thuế và tội lỗi (x 2:16) và với bữa tiệc cánh chung. Như vậy, công cuộc cứu độ vừa có giá trị hiện tại vừa nhắm về tương lai nhân loại.
Ngay từ bây giờ, các tín hữu đã được uống thứ “rượu mới” đó. Vì Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ (x. Lc 17:21). Khi chịu lễ, họ được mời gọi chia sẻ với Đức Giêsu trong cái chết của Người. Thực vậy, khi trao bánh cho các môn đệ, Người nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thày.” (Mc 14:22) Tương tự, Người “trao cho các ông” (Mc 14:23) chén rượu là chính máu Ngươi (x. Mc 14:24). Người thúc đẩy các ông hành động, chứ không chỉ đón nhận một cách thụ động. Thực vậy, chính Đức Giêsu đã phục sinh để trở thành “dấu chỉ” Giao Ước. Mỗi lần lặp lại cử chỉ hiến tế trong thánh lễ, người tín hữu dâng lên dấu chỉ Giao Ước là chính Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ lại nhìn thấy, tưởng nhớ và hành động theo Giao Ước đó.
Như thế, trong chính Máu và Mình Thánh Chúa, người tín hữu có thể tìm thấy lý do và sức mạnh xây dựng Giáo hội. Thật vậy, từ nơi Thánh Thể, một dân mới sẽ được thành lập để trở nên nhiệm thể Chúa Kitô phục sinh. Chính trong nhiệm thể này, Thiên Chúa sẽ hoàn toàn được tôn vinh và con người được ơn thánh hóa. Chúa hiện diện thực sự trong Thánh Thể để nguồn lương thực nuôi sống và hiệp nhất muôn dân. Hơn thế, thánh Thomas còn nhìn thấy nơi Thánh Thể một “bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ.” Nhờ đó, mỗi lần chịu Mình và Máu Chúa, “chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngay Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con ngự đến.” (Sách Lễ Rôma)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh