Làm sao để dạy dỗ con cái và nhận được sự tôn trọng

Chúng ta đang đối mặt với sự lan truyền nhanh chóng của tình trạng bấp bênh trong việc dạy dỗ con cái. Có thể, đây là lần đầu tiên chúng ta có một thế hệ những bậc cha mẹ có một tuổi thơ nhạy cảm, đầy bất ổn và vô cùng bấp bênh.

 

Thế hệ này đã xác định rằng không thể lặp lại các sai lầm từ cha mẹ họ, những người luôn kỳ vọng vào sự phục tùng vô điều kiện. Nhưng trong quá trình loại bỏ kiểu uy quyền đã lỗi thời, giờ đây các bậc cha mẹ lại trở nên thiếu kiên định trong việc thể hiện quyền uy theo cách khác.

 

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ này thường trưởng thành quá sớm, chúng trở nên bận tâm với các sản phẩm tiêu dùng, địa vị xã hội, và lao đầu vào những hoạt động điên cuồng bên ngoài xã hội. Lũ trẻ hiểu rằng cha mẹ vô cùng yêu thương và muốn đối thoại với chúng cách khéo léo, nhưng chúng cũng biết rằng cha mẹ chúng không biết chắc phải yêu cầu chúng và từ chối chúng điều gì.

 

Một gia đình đang tham gia trị liệu tâm lý có một cậu con trai 10 tuổi, ở trường, cậu ngây thơ như một thiên thần, nhưng khi trở về nhà lại bắt đầu mắng chửi mẹ mình. Lẽ ra nên thể hiện uy quyền của một người mẹ, bà mẹ lại cảm thấy đau khổ vì nghĩ rằng con mình bị quẫn trí. (Một hành động phù hợp trong việc nuôi dạy con cái lúc này là: “Con không bao giờ được nói với mẹ như thế nữa, kể cả khi con đang giận dữ. Đi vào phòng và trở ra khi nào con đã viết cho mẹ một bức thư xin lỗi.”)

 

Một ví dụ khác: Một tờ báo địa phương đã cho khởi đăng chuyên đề về rượu và trẻ vị thành niên. Những đứa trẻ thuộc thế hệ trước thường uống rượu, dẫn đến say xỉn. Bây giờ khác nhiều rồi, như trong bài báo đã đề cập, các bậc cha mẹ lại là người cung cấp cho chúng những két bia, nhà cửa hoặc phòng khách sạn, kể cả tiền để cho chúng hưởng thụ sự thác loạn trong kỳ nghỉ xuân. Hầu hết các bậc cha mẹ được phỏng vấn đều miễn cưỡng để cho con cái họ tận hưởng kỳ nghỉ xuân trong năm nay, nhưng lại không thể từ chối khi hầu hết bạn bè chúng đều tham dự.

 

Văn hoá tiêu dùng thời thơ ấu

Trong nền văn hoá mới về thời thơ ấu, trẻ em được xem như là người tiêu dùng trong sự phục vụ của cha mẹ, và cha mẹ lại bị ví như là những người cung cấp dịch vụ và đồng thời là những người môi giới các dịch vụ cộng đồng cho trẻ em. Điều sai lạc ở đây chính là khía cạnh cân bằng của con người: trẻ em mang lấy trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.

 

Không nên để trẻ chỉ nhận từ người lớn mà còn phải đóng góp tích cực vào thế giới xung quanh chúng, giúp đỡ chăm sóc những người nhỏ tuổi và yếu hơn, góp thêm vào chất lượng của cuộc sống gia đình, và đóng góp vào những điều tốt đẹp trong trường học và cộng đồng. Nếu trẻ em chỉ sống như là người tiêu dùng trong những phục vụ của cha mẹ và cộng đồng, chúng không thể trở thành những công dân tích cực của gia đình và xã hội.

 

Nếu chúng ta nhận thấy bản thân chúng ta chỉ là những nhà cung cấp dịch vụ cho con em chúng ta, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bối rối về uy quyền của cha mẹ: băn khoăn khi làm phật lòng con cái, bất an vì không biết là đã cho trẻ đủ cơ hội chưa, cũng như lo lắng khi chúng ta không làm được như những bậc cha mẹ khác. Trong nền kinh tế thị trường, người cung cấp dịch vụ phải mang lại những điều tốt nhất và mới mẻ nhất bằng mọi giá, miễn là không làm khách hàng thất vọng.

 

Khi áp dụng vào gia đình, điều này trở thành công thức khiến gia đình trở nên thiếu bền vững. (Một thiếu niên 17 tuổi nói với bố mẹ mình như thế này: “Tại sao con phải cắt cỏ. Chúng đâu phải của con đâu.”)

 

Văn hoá trị liệu trong việc nuôi dạy con cái

Chúng ta cũng sống trong thời đại dạy con theo cách trị bệnh. Cha mẹ trở thành một nhà trị liệu sơ cấp, và đứa trẻ được xem như phải điều trị đặc biệt mà chỉ có một người chuyên nghiệp – hoặc một người cha mẹ đã được đào tạo – mới có thể thực hiện. Trở lại những năm của thập niên 70 với Tập huấn làm cha mẹ hiệu quả, một quyển sách khá nổi tiếng của Thomas Gordon, cha mẹ đã được dạy để hành động như những nhà trị liệu đối với con cái họ.

 

Một nhà trị liệu được cho là luôn chu đáo, giản dị, biết chấp nhận, không chỉ thị, và không phán xét. Khi trẻ thể hiện trong một buổi trị liệu, có thể nói, bằng cách nói chuyện vô lễ với nhà trị liệu, công việc của nhà trị liệu lúc này là khám phá những nguyên nhân sâu xa hơn là tập trung vào hành vi tức thì của đứa trẻ. Thêm vào việc dùng sai phản ứng của cha mẹ đối với hành vi sai trái của con mình, nền văn hóa trị liệu cho rằng tâm lý của trẻ em rất mỏng manh, dễ dàng bị phá vỡ bởi người cha, người nói điều sai trái.

(còn tiếp)

Nguồn: WILLIAM J. DOHERTY, Catholic Education Resource Center

Hồng Ân