Tu đức truyền giáo theo thông điệp “Sứ mệnh Ðấng Cứu Thế”

Ngày 7 tháng 12 năm 1990, Đức Thánh Cha đã cho công bố Thông Điệp về công việc truyền giáo, mang tên Sứ mệnh Dấng Cứu Thế. Trong Thông điệp này, Đức Thánh Cha đã dành trọn chương thứ 8 cho Tu Đức Truyền Giáo.

Tuy nhiên, đề tài tu đức không chỉ giới hạn trong chương này, nhưng được đề cập nhiều lần trong khắp Thông Điệp đến độ trở thành như yếu tố nền tảng làm linh hồn cho tất cả các yếu tố khác.

 

Đề tài tu đức truyền giáo được Thông Điệp giải nghĩa dưới ba khía cạnh chính yếu: sự cần thiết của tu đức trong sứ mệnh truyền giáo, tính cách đặc thù của tu đức truyền giáo và, sau cùng, những nét chính yếu của tu đức truyền giáo.

 

 I. Sự Cần Thiết Của Tu Đức

 

 Nói đến tu đức là nói đến đời sống tâm linh, đời sống theo ơn Chúa Thánh Thần. Nếu thiếu đời sống tâm linh thì người tông đồ truyền giáo không thể chu toàn sứ mệnh của mình. Có nhiều lý do khiến đòi sống tâm linh trở thành thiết yếu trong sứ mệnh truyền giáo.

 

 1. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay

 

 Bất cứ ai chú ý đọc Thông Điệp cũng đều phải để tâm đặc biệt đến cái nhìn có tính cách tiên tri của Thông Điệp. Tiên tri là “người rao truyền và giảng giải sự mặc khải của Thiên Chúa [1], hay nói cách khác, tiên tri là người có khả năng nhìn thấy Chúa nơi người khác không nhìn thấy; nghe được tiếng Chúa khi người khác không nghe thấy. Tiên tri thấy Chúa và nghe được tiếng của Ngài để mạc khải cho người khác. Đời sống của vị tiên tri được chiếu soi và hướng dẫn bởi sự hiện diện của Thiên Chúa và, vì vậy, cách nhìn đời của vị tiên tri thường có khác những người không nhìn thấy và không nghe được Thiên Chúa. Tuy nhiên, không chỉ có cách nhìn, mà cả cuộc sống và hành động cũng có khác, vì theo một phương pháp quen biết, từ cái nhìn người ta bước sang phán đoán, và từ phán đoán sẽ chuyển sang hành động. Nếu cái nhìn khác nhau, phán đoán cũng sẽ khác, và do đó, các lựa chọn và hành động cũng sẽ khác.

 

Khi nói đến hoàn cảnh thế giới hôm nay, thường người ta nói ngay đến trăm ngàn vấn đề cần phải giải quyết. Thông Điệp không chối bỏ các vấn đề, nhưng trước tiên, nhìn thấy sự hiện diện đầy ắp yêu thương của Thiên Chúa, và dưới ánh sáng đó, Thông Điệp đã đề cập đến các vấn đề của thế giới và quy định sứ mệnh của Giáo Hội.

 

Cái nhìn có tính cách tiên tri của Thông điệp đã được nhắc tới ba lần: 1) “Thiên Chúa mở ra trước mặt Giáo Hội những chân trời mới của một nhân loại đã được chuẩn bị để đón nhận hạt giống Phúc Âm” (SMĐCT, 3); 2) “Trước thềm thiên niên thứ ba của biến cố Cứu chuộc, Thiên Chúa đang chuẩn bị một mùa xuân mới cho đức tin, mà chúng ta thấy đã bắt đầu manh nha” (SMĐCT, 86); 3) “Hơn bao giờ hết, hôm nay Giáo Hội có cơ hội thuận tiện để đưa Phúc Âm đến cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, qua chứng nhân cuộc sống, hoặc bằng lời nói. Tôi thấy đang rạng ló một kỷ nguyên truyền giáo và sẽ bừng sáng rạng rỡ và nặng trĩu hoa trái, nếu tất cả mọi kitô hữu, đặc biệt các nhà tông đồ truyền giáo và các giáo hội trẻ đáp lại những kêu gọi và thách đố của thời đại với lòng quảng đại và sự thánh thiện” (SMĐCT, 92).

 

Đức Thánh Cha đã nhắc tới ba lần thực tại Thiên Chúa hiện diện trong thế giới. Theo tâm thức Thánh Kinh, số ba là con số tượng trưng, diễn tả sự vẹn toàn hoặc điều gì quan trọng cần nhấn mạnh. Quả vậy, chúng ta đang sống trong thời đại mà Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra bằng những dấu chỉ hiển nhiên, không thể chối cãi. Thông Điệp nói đến một số dấu chỉ, chẳng hạn như “các dân tộc mỗi ngày một quen thuộc và gần gũi hơn với những lý tưởng và giá trị của Phúc Âm…; sự từ bỏ bạo động và chiến tranh; sự kính trọng đối với mọi cá nhân và sự tôn trọng nhân quyền; lòng khát khao tự do, công bằng và huynh đệ; khuynh hướng thắng vượt các chủ thuyết chủng tộc và quốc gia quá khích; sự xác nhận địa vị và giá trị của phụ nữ…” (SMĐCT, 86).

 

Cũng có thể kể thêm một số hoàn cảnh được coi như những dấu chỉ hiển nhiên của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay, chẳng hạn sự dấn thân sống đức tin của các tín hữu trong cuộc sống hằng ngày, bất chấp các khó khăn và quyến rũ của thế giới văn minh vật chất; lòng quảng đại, sự can đảm và trung thành đối với Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài, bất kể những nguy hiểm và nhục nhã phải hứng chịu trong các chế độ hiềm khích đối với Phúc Âm. Một giáo lý viên tại một nước Á Châu kể: “Chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ các giáo phận của chúng tôi, bằng cách chuyên chở các sách giáo lý, các dụng cụ và vật liệu cần thiết cho công việc tông đồ. Công việc của chúng tôi rất nguy hiểm… Trong một cuộc hành trình, tôi đã tránh được nguy hiểm hai lần. Chúa đã che mắt công an, không cho thấy các sách tôi mang theo. Nếu họ khám phá được, tôi sẽ phải chịu một hình phạt ghê gớm… Mặc dù các nguy hiểm chúng tôi phải hứng chịu trong các cuộc hành trình, chúng tôi đã được nếm phần nào hạnh phúc các Thánh Tử Đạo đã được hưởng. Còn hạnh phúc nào hơn khi được Thiên Chúa đón nhận vào Nước Trời”. [2]

 

Theo các tin tức nhận được, tại các nước như Trung Hoa, Việt Nam, v.v. vẫn có rất nhiều người trở lại. Riêng tại Việt Nam, theo một vài vị giám mục cho biết, trong các giáo phận phía tây nam thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 7000 người lớn chịu phép rửa tội. Nguyên trong thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm cũng có chừng ba bốn ngàn ngưòi lớn chịu phép rửa. [3]

 

Để hiểu được ý nghĩa của các sự kiện này, cần phải nhớ là tại các nước nói trên, Giáo Hội không luôn được tự do hoạt động và không có các phương tiện dễ dàng như tại các nước khác, chẳng hạn, các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình; các hội đoàn, các cơ sở giáo dục… Nhiều khi các hoạt động tôn giáo bị ngăn cấm hay giới hạn. Người công giáo có khi còn bị làm khó dễ. Trong một hoàn cảnh như thế, các cuộc trở lại nói lên cách hùng hồn sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Ngài không để bị lệ thuộc hay ràng buộc bởi những hoàn cảnh, hay cơ cấu xã hội chính trị, nhưng hiện diện và hoạt động trong tâm hồn mỗi người, để cứu vớt, nâng đỡ và ban sự sống.

 

Sự hiện diện của Thiên Chúa qua các dấu chỉ hiển nhiên tỏ tường kêu gọi Giáo Hội cộng tác và, trong Giáo Hội, tất cả các giáo hữu, nhất là các vị tông đồ thừa sai. Quan trọng nhất là cuộc đời và tinh thần của các giáo hữu và các tông đồ thừa sai để ơn Chúa có thể hoạt động và cải hoá tâm hồn con người. Chính vì vậy mà nhiều khi tại những nơi Giáo Hội bị ngăn cấm và ít phương tiện hoạt động vẫn có nhiều ơn trở lại, trong khi những nơi Giáo Hội được hoàn toàn tự do và có đủ phương tiện hoạt động, nhiều khi lại không có ơn trở lại.

 

 2. Bản tính của ơn gọi truyền giáo

 

 Hoạt động truyền giáo trước tiên là một biến cố nội tâm, hay nói theo Thông Điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế, “công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô” (SMĐCT, 4) và vì vậy, muốn giới thiệu Ngài cho mọi người, để họ được biết Ngài, tin vào Ngài và nhờ đó thông phần sự sống của Thiên Chúa và được sống sung mãn (SMĐCT, 5; 23). Vì vậy, “bổn phận căn bản của Giáo Hội trong công cuộc truyền giáo là hướng dẫn tâm trí con người, chỉ đường cho lương tâm và kinh nghiệm của nhân loại hướng về mầu nhiệm của Chúa Kitô” (SMĐCT, 4). Trong chiều hướng này, việc truyền giáo trước tiên là “vấn đề của đức tin, là thước đo lường của lòng tin vào Chúa Kitô và tình yêu của Ngài đối với chúng ta” (SMĐCT, 11).

 

Tin vào Chúa Kitô không chỉ có nghĩa là chấp nhận một hệ thống giáo điều hay một lý thuyết, nhưng là sống mầu nhiệm Chúa Kitô và để cho tinh thần của Ngài thấm nhuần vào tất cả con người và cuộc sống. Vì vậy tin vào Chúa Kitô đòi hỏi một thay đổi về chiều sâu trong tâm thức và tiêu chuẩn sống để học suy tưởng như Ngài, phán đoán như Ngài, hành động theo giới răn của Ngài và đặt hy vọng vào lời Ngài hứa.[4] Trong chiều hướng này, công cuộc truyền giáo đòi hỏi nơi mỗi tín hữu, nhất là nơi các tông đồ thừa sai, trước tiên tinh thần và cuộc sống hơn là công việc làm.

 

 3. Bản tính của Phúc Âm

 

 Sứ điệp Phúc Âm mà nhà thừa sai truyền giáo được kêu gọi để rao giảng và thông truyền không phải là một lý thuyết, nhưng là Lời Sống Và Lời Sống được rao truyền phải bắt đầu tỏ bày sức mạnh trong cuộc sống của người rao truyền. Không ai có thể rao truyền Phúc Âm cho người khác nếu tâm hồn chưa được Phúc Âm biến đổi. Chính vì vậy, Thông Điệp coi công cuộc truyền giáo trước tiên là vấn đề đời sống của nhà tông đồ truyền giáo: “Người ta là tông đồ truyền giáo trước tiên bằng đời sống hơn là do lời nói hay việc làm” (SMĐCT 23). Sẽ không có một hoạt động tông đồ truyền giáo đích thực nếu không có sự thay đổi con người của nhà thừa sai truyền giáo theo tinh thần Phúc Âm.

 

 4. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong công cuộc truyền giáo

 

 “Sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, cũng như sứ mệnh của Chúa Giêsu, là công việc của Thiên Chúa, hay nói theo thánh Luca, là công việc của Chúa Thánh Thần” (SMĐCT 24). Chúa Thánh Thần đóng vai chính, còn Giáo Hội, và trong Giáo Hội, các nhà thừa sai truyền giáo, là những dụng cụ để Chúa Thánh Thần xử dụng và hoạt động (SMĐCT 21;30). Do đó, trong công cuộc truyền giáo, đời sống nội tâm của nhà thừa sai truyền giáo là vấn đề căn bản để cho các hoạt động, lời nói và chính đời sống có thể là dụng cụ trung thực của ơn Chúa Thánh Thần.

 

 5. Kinh nghiệm của lịch sử

 

 Kinh nghiệm sống của các tín hữu thời sơ khai cũng cho thấy là đời sống tu đức là căn bản và là nguồn sinh lực của công cuộc truyền giáo. Mặc dù thiếu thốn phương tiện, mặc dù có bao nghịch cảnh; hơn nữa, sứ điệp mà các Thánh Tông Đồ và các giáo hữu thời sơ khai loan truyền, đối với dân chúng đương thời là một điều xỉ nhục và khờ dại (Thư 1Cr 1,23), nhưng các ngài đã lao mình dấn thân rao truyền Tin Mừng cách can đảm và, vì vậy, sau một thời gian vắn, Phúc Âm đã lan tràn ra khắp thế giới (SMĐCT 90). Theo Thông Điệp thì, sở dĩ được như vậy là nhờ đời sống thánh thiện nơi các giáo hữu trong Giáo Hội sơ khai (SMĐCT 90).

 

Dưới tất cả các khía cạnh đã được xét trên đây, hiển nhiên tu đức là vấn đề căn bản của công cuộc truyền giáo. Trước khi đặt vấn nạn về công việc tông đồ, phải đặt vấn nạn về người tông đồ; trước khi đặt vấn nạn về phương tiện hay phương pháp truyền giáo, phải đặt vấn nạn về tinh thần nhà truyền giáo. Tất cả có thể cùng làm một việc, hay cùng phục vụ, nhưng cái phẩm, tâm tình và bầu khí thông truyền có thể rất khác nhau, tùy vào tinh thần soi sáng và hướng dẫn mỗi người trong công việc phục vụ. Một nhân viên chính phủ và một nhà thừa sai truyền giáo, cả hai có thể cùng phục vụ dân chúng, và có khi cả hai cùng làm những việc giống nhau, nhưng nhiều khi giữa hai người có một hố ngăn cách. Đó là hố tinh thần.

 

Vậy, có thể nói không chút do dự: “Sự thánh thiện là nền tảng căn bản, là điều kiện không thể thay thế để có thể chu toàn sứ mệnh cứu độ đã được phó thác cho Giáo Hội” (SMĐCT 90). Công việc tông đồ truyền giáo cần có những nhà thừa sai thánh thiện. Để đáp lại những nhu cầu của công cuộc truyền giáo hôm nay, “chỉ thay đổi các phương pháp mục vụ không đủ; hoặc chỉ tổ chức hay điều hợp khéo léo hơn các lực lượng trong Giáo Hội, hoặc tìm kiếm các nền tảng thần học kinh thánh cách chính xác hơn cũng chưa đủ. Cần phải khơi dậy một bầu nhiệt huyết thánh thiện nơi các thừa sai và cả trong cộng đồng dân Chúa” (SMĐCT 90). Giáo Hội không chỉ cần có thêm thừa sai truyền giáo, nhưng thừa sai truyền giáo can đảm và hăng say trong sứ mệnh, say mến Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài đến độ muốn chia sẻ với người khác kinh nghiệm về Ngài và dâng hiến cuộc đời để cho Ngài được tất cả thế giới biết và mến yêu.

 

 II. Tính Cách Đặc Thù Của Tu Đức Truyền Giáo

 

 Câu hỏi cần được đặt ra ở đây là thực sự có một nền tu đức truyền giáo đặc thù hay không? Để trả lời cho câu hỏi trên, cần phải định nghĩa tu đức là gì. Tu đức là nếp sống tâm linh, là đời sống theo tác động của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, tu đức theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn để sống Mầu nhiệm Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình, tùy theo ơn gọi và sứ mệnh trong lòng Giáo Hội và tùy theo hoàn cảnh sống cụ thể. Theo nghĩa đó thì chắc chắn nhiệm vụ tông đồ truyền giáo đưa đến một tu đức riêng biệt cho nhà thừa sai, với những đặc tính của nó. Chính vì vậy mà Thông Điệp đã khẳng định là “công cuộc truyền giáo đòi hỏi một nền tu đức riêng biệt, đặc biệt cho những người được Thiên Chúa kêu gọi vào nhiệm vụ thừa sai truyền giáo” (SMĐCT 87).

 

Tuy nhiên, cần phải nói ngay là tất cả các nền tu đức đều có những nét chính giống nhau, bắt nguồn từ Mầu nhiệm Chúa Kitô. Vì vậy, các nền tu đức chính thống không khác nhau về những điểm chính yếu, nhưng thường vì có những điểm nhấn mạnh hay vì những áp dụng theo hoàn cảnh và sứ mệnh đặc thù. Vì vậy, không được hiểu tính cách “đặc thù” như thể tu đức truyền giáo có nhưng yếu tố hoàn toàn xa lạ mà các nền tu đức khác không có. Tu đức truyền giáo cũng sẽ gồm có những yếu tố thiêng liêng căn bản nơi các nền tu đức khác, nhưng được quan niệm và sống với những khác biệt nho nhỏ và những nhấn mạnh cần thiết trong sứ mệnh đưa Chúa Giêsu đến cho tất cả mọi người trên thế giới.

 

 III. Những Nét Căn Bản Của Nền Tu Đức Truyền Giáo

 

 Không những Thông Điệp đã dứt khoát xác nhận là tu đức, hay nói cách khác, đời sống tâm linh, cần thiết cho việc tông đồ truyền giáo, mà còn ấn định những nét chính yếu, phát sinh do bốn yếu tố: Chúa Giêsu, nền tảng của việc truyền giáo; Chúa Thánh Thần, vai chủ động trong việc truyền giáo; Giáo Hội, quản gia của việc truyền giáo và thế giới mà Giáo Hội được sai đến để phục vụ nhân danh Chúa Kitô.

 

 1. Say mến Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến.

 

 Ngày nay người ta bàn cãi nhiều về ơn kêu gọi thừa sai truyền giáo, và có nhiều ý kiến tương phản nhau. Nhưng bất cứ người ta nghĩ thế nào, cuộc đời nhà thừa sai truyền giáo cũng là cuộc đời đặt nền tảng trên Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến. Tiếp xúc với người khác, nhà thừa sai sẽ thấy điều khác biệt phân cách với người khác chính là Chúa Giêsu. Các tín hữu tôn giáo khác cũng tin vào một Đấng Thượng Đế, nhưng họ không tin vào Chúa Giêsu. Vì vậy, nhà thừa sai đứng ở biên giới của hai thế giới: thế giới tin và thế giới không tin Chúa Giêsu. Người ta không đặt vấn đề với nhà thừa sai về lòng tin vào Đấng Thượng Đế, nhưng về lòng tin vào Chúa Giêsu, và do đó, về lòng tin vào Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô.

 

Nhưng lý do chính yếu khiến cuộc đời nhà thừa sai phải đặt nền tảng trên mầu nhiệm Chúa Giêsu là chính ơn gọi thừa sai. Theo định nghĩa, nhà thừa sai là người đã gặp được tình yêu vô điều kiện của Chúa Giêsu và đã được Ngài chinh phục. Không ai có thể dâng hiến trọn vẹn cuộc đời nếu không được chinh phục bởi Đấng thương yêu ta vô giới hạn.[5] Ngọn nguồn của cuộc đời truyền giáo là chính Chúa Giêsu, Đấng kêu gọi và sai đi. Ngài là nguồn gốc, đồng thời cũng là đối tượng các hoạt động của nhà thừa sai. Chính vì vậy mà sứ mệnh của nhà thừa sai không chỉ giới hạn trong việc dạy một giáo thuyết hay phục vụ giúp đỡ, nhưng chính yếu là giới thiệu Một Người: Chúa Giêsu Kito, để Ngài được mọi người biết, yêu mến và tin theo. Nói tóm lại trong ít dòng thì cuộc đời nhà thừa sai gồm tóm hai yếu tố: chấp nhận Chúa Giêsu va dâng hiến Ngài cho người khác.[6]Do đó, “không thể hiểu và chu toàn sứ mệnh truyền giáo, nếu không chiêm ngắm Chúa Kitô, Đấng đã được sai đến để rao giảng Phúc Âm” (SMĐCT 88).

 

Khi nói đến sự cần thiết phải nhìn vào Chúa Giêsu mới có thể hiểu và chu toàn sứ mệnh, không có nghĩa một cái nhìn lý thuyết trừu tượng, nhưng là một mối giây thân tình, phát sinh từ một kinh nghiệm đức tin về Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến và là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (TĐCV 4,10-12; SMĐCT 5). Với xác tín sâu xa trong kinh nghiệm đức tin đó, trong cả cuộc đời nhà thừa sai chỉ có mỗi một ước vọng duy nhất: được chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Giêsu với người khác. Thông điệp còn nói cách mạnh mẽ hơn nữa: “Nhà truyền giáo luôn khát khao làm cho Chúa được mọi người biết đến” (SMĐCT 40) và “ấp ủ trong lòng mối lo lắng tông đồ làm sao thông truyền cho người khác ánh sáng và hạnh phúc đức tin” (SMĐCT 86). Không gì có thể làm cho sao lãng cố gắng đó, vì trong đức tin và với kinh nghiệm sống, nhà thừa sai truyền giáo biết là chỉ có Chúa Giêsu mới là nguồn mạch sự sống, “không ai có thể sống kết hiệp với Thiên Chúa nếu không qua trung gian Chúa Giêsu Kitô” (SMĐCT 5) và “chỉ trong Ngài, chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi vong thân và hư hoại” (SMĐCT 11).

 

Ao ước chia xẻ kinh nghiệm về Chúa Giêsu càng tăng thêm trong lòng khi nhìn vào thực trạng thế giới, thấy những người chưa được biết Chúa còn đông đảo vô số đến độ Thông Điệp đã phải thốt lên: “Công cuộc truyền giáo vẫn còn ở những bước đầu” (SMĐCT 1). Nhưng tình trạng còn trầm trọng hơn vì con số những người chưa biết Chúa cứ tăng thêm mỗi ngày và theo Thông Điệp thì, “từ ngày bế mạc Công Đồng đến nay con số đã gia tăng gần gấp đôi” (SMĐCT 3). Để có một ý niệm cụ thể hơn, chúng ta có thể đan cử mấy số thống kê do David B. Barrett soạn thảo: vào năm 1990, dân số thế giới là 5.297.042.000 người; các kitô hữu (công giáo, tin lành, chính thống) là 1.758.777.900 người; như thế, số những người ngoài các giáo hội Kitô là 3.538.264.100. Cứ theo nhịp tăng dân số hiện thời, sang năm 2000, dân số thế giới sẽ được 6.259.642.000, trong khi đó các kitô hữu sẽ chỉ được 2.130.000.000; như thế số người không kitô sẽ lên tới 4.129.642.000.[7] Trong vòng mười năm, số những người chưa biết Chúa Kitô tăng thêm 591.377.900 người. Thực trạng này trở thành một thách đố cho những ai tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (TĐCV 4,10.12; SMĐCT 5).

 

Người ta thường nói thế giới hôm nay thờ ơ trước Phúc Âm. Chắc chắn la có nhiều người quá mải mê với công việc hằng ngày, và lo lắng các nhu cầu vật chất đến độ lơ là với Phúc Âm, hay có khi còn chống đối vì bị chi phối bởi một tư lợi hay một ý thức hệ. Nhưng cũng có rất nhiều người đang tìm kiếm Chúa và Phúc Âm của Ngài. Nhiều chứng tích cho biết những nơi như bên Trung Hoa, rất nhiều người, không những kitô hữu, mà cả những người ngoài kitô lắng nghe các chương trình phát thanh rao giảng Phúc Âm.

 

Ngoài ra, theo Tông Hiến Rao giảng Phúc Âm của Đức Thánh Cha Phaolô VI, cả những người chống đối Phúc Âm cũng “đang tìm kiếm Chúa trên những nẻo đường không ai ngờ. Họ cảm thấy cần Chúa một cách day dứt và kêu cầu các tông đồ hãy nói cho họ biết về một Thiên Chúa mà chính các nhà tông đồ đã gặp và đã quen biết đến độ như thể đã nhìn thấy Đấng Vô Hình”.[8] Vì vậy, trong cuộc đời cũng như trong công việc phục vụ, cần phải hun đúc luôn mối bận tâm lo lắng đưa Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài đến cho người khác. Cần phải nhớ luôn là thế giới hôm nay, cả những người nghèo, không cần chúng ta, không cần đến sự trợ giúp, đến chương trình của chúng ta, nhưng họ cần Chúa Giêsu Kitô. [9]

Không những cần phải đưa Chúa Giêsu đến và trình bày Phúc Âm của Ngài, mà cần phải trình bày Phúc Âm cách hăng say, phát nguồn từ một kinh nghiệm sống và lòng xác tín. Nói cách khác theo Thông Điệp, nhà tông đồ truyền giáo phải rạng chói như chứng nhân của Phúc Thật, của hạnh phúc và hy vọng (SMĐCT 91). Không ai tin một nhân chứng lơ mơ và buồn sầu. Thế giới hôm nay cần thấy các nhân chứng vui tươi và xác tín. Vì vậy, sứ mệnh dâng hiến Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài cho thế giới đòi buộc người tông đồ phải biết Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài cách sâu xa thâm tình. Dĩ nhiên, đây không phải là mối quen biết tình cảm suông, nhưng là cuộc đời bắt nguồn từ kinh nghiệm và xác tín đức tin, thúc đẩy người tông đồ phải để cho Phúc Âm biến cải tâm thức, lối sống, tiêu chuẩn, bậc thang giá trị. Nói cách khác, đây là sự dấn thân sống mọi hoàn cảnh của cuộc đời theo ánh sáng Phúc Âm, vì “không ai có thể làm chứng cho Chúa nếu không phản chiếu hình ảnh của Ngài” (SMĐCT 87).

 

Trong chiều hướng này, Thông Điệp đã hoàn toàn xác nhận kinh nghiệm và xác tín của các giáo hội truyền giáo. Chúng ta có thể đan cử, như một ví dụ, lời tuyên bố của Hiệp Hội các Hội Đồng Giám Mục A Châu[10] trong lần tổng hội tại Bandung (Indonesia) vào tháng bảy 1990 vừa qua: “Sứ mệnh rao giảng Chúa Giêsu trong môi trường á châu đòi hỏi trước tiên các tín hữu, cá nhân và cộng đồng, phải làm chứng cho các giá trị Nước Trời qua những hành động giống như Chúa Kitô, sống giống như Ngài giữa những người thuộc các tín ngưỡng và xác tín khác”.[11] “Vì vậy, điều mà Chúa Thánh Thần đang thôi thúc đòi hỏi Giáo Hội tại Á Châu trong sứ mệnh tông đồ là trở nên giống và hoàn toàn đồng hoá với Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài”.[12]

 

Để được như vậy, người tông đồ phải là người của Thinh Lặng Và Chiêm Niệm. Thinh lặng là khả năng lắng nghe để được Chúa chinh phục. Chiêm niệm là bước đường tìm kiếm để ôn lại cuộc gặp gỡ thần bí với Chúa, để học hỏi và đồng hoá cách sống và tinh thần của Chúa, để cho cuộc đời được Mầu nhiệm của Chúa thấm nhuần và chiếu sáng trên hết mọi khía cạnh: tư tưởng, tâm thức, tiêu chuẩn sống, cách phán đoán, tâm tình, lựa chọn, hành động…

 

Bước đường thinh lặng và chiêm niệm chính là cuộc hành trình tiến tới say mến Chúa. Từ một người tông đồ không có lòng say mến Chúa, người ta không thể hy vọng có những tư tưởng thần học hay các chương trình mục vụ nhắm phục vụ Chúa Kitô và giới thiệu Ngài với thế giới. Chính vì lý do đó, Thông Điệp đã quả quyết rằng “tương lai của công cuộc tông đồ truyền giáo phần lớn tùy thuộc vào sự chiêm niệm. Nhà tông đồ truyền giáo, nếu không phải là nhà chiêm niệm, không thể rao giảng Chúa Giêsu cách đáng tin tưởng” (SMĐCT 91).

 

Sống thân tình mật thiết với Chúa Kitô, Đấng được sai đến, còn có nghĩa là phải để cho mình được uốn nắn để sống hoà hợp theo tinh thần của Ngài. Chúa Kitô, Đấng được sai đến đã để cho mình được hoàn toàn chi phối bởi chương trình cứu độ của Chúa Cha. “Đây là một sự tiêu hủy vì tình yêu nên cũng diễn tả tình yêu” (SMĐCT 86). Chính vì vậy, sự tự hủy của Chúa Giêsu lại không tiêu cực đưa đến sự chết, mà la một dâng hiến, đưa đến sự sống và sinh ra sự sống. Đối với người tông đồ truyền giáo, tinh thần của Chúa Kitô, Đấng được sai đến trở thành một đòi hỏi phải từ bỏ tất cả, từ bỏ chính mình để được hoàn toàn tự do phục vụ Phúc Âm (SMĐCT 86). Thái độ từ bỏ chở theo hai yếu tố bổ túc lẫn nhau: tính cách tuyệt đối và hạnh phúc trong dâng hiến. Dâng hiến hoàn toàn tuyệt đối là đòi hỏi của tình yêu vô điều kiện, trong khi hạnh phúc là kết quả của sự dâng hiến hoàn toàn.

 

Với thái độ dâng hiến hoàn toàn, người tông đồ có thể làm cho thế giới được biết Chúa. Quả thế, cách tốt nhất và có hiệu quả nhất để làm cho thế giới biết Chúa Kitô là ràng buộc mình với Ngài và để cho Ngài chi phối hoàn toàn cuộc sống, đến độ có thể nói như Thánh Phaolô: “Tất cả, tôi làm chỉ vì Phúc Âm” (Thư 1Cr 9,22-23; SMĐCT 88).

 

 2. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy

 

 Một yếu tố khác rất nổi bật trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ngài đóng vai chính trong tất cả việc rao giảng Tin Mừng, đặc biệt trong công cuộc truyền giáo (SMĐCT 21; 30). Chính Ngài giữ vai trò chính yếu, còn Giáo Hội và trong Giáo Hội, người tông đồ chỉ là dụng cụ để Ngài hoạt động (SMĐCT 21; 30). Chính vì vậy, khía cạnh cốt yếu thứ hai của tu đức truyền giáo là sống trung thành và vâng phục trước tác động của Chúa Thánh Thần.

 

Cũng còn một số lý do khác khiến cho sự trung thành và vâng phục Chúa Thánh Thần trở nên cần thiết. Trước tiên là những hoàn cảnh cụ thể của công việc rao giảng Tin Mừng. Cũng như nhiều lần trong quá khứ, trong thế giới hôm nay, công cuộc truyền giáo đang gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn phức tạp. Theo Thông Điệp, “chúng ta đang sống những bi kịch của Giáo Hội thời sơ khai, nhìn các quyền lực vô tín ngưỡng và thù địch tụ họp chống lại Chúa và Đấng Kitô của Ngài (TĐCV 4,26)” (SMĐCT 87). Một lý do nữa là sự hiện diện linh động của Chúa Thánh Thần rộng rãi trong thế giới: trong tâm hồn mỗi người, trong xã hội và trong lịch sử, trong các nền văn hóa và trong các tôn giáo. Theo Thông Điệp, “Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của các lý tưởng cao đẹp và các sáng kiến tốt của nhân loại trên đường lữ hành” (SMĐCT 28). Trong những hoàn cảnh này, chỉ có người tông đồ trung thành và vâng phục tác động của Chúa Thánh Thần và để cho ơn thánh của Ngài uốn nắn và hướng dẫn, mới có can đảm rao giảng Tin Mừng cách thẳng thắn không sợ sệt, và mới có đủ khôn ngoan để nhận ra những nẻo đường nhiệm mầu của Thiên Chúa để lao mình vào những viễn tượng mới của công cuộc truyền giáo và biến đổi các khó khăn thành những cơ hội mới để rao giảng Tin Mừng (SMĐCT, 87).[13]

 

Lòng vâng phục Chúa Thánh Thần đòi buộc người tông đồ phải để cho Ngài tôi luyện tâm hồn và lý trí để có thể thâm hiểu Mầu nhiệm của Chúa Kitô, trở nên giống hình ảnh Ngài và sẵn sàng theo Ngài cả trên những chặng đường mới và gập ghềnh của sứ mệnh truyền giáo để trở nên chứng nhân can trường của Chúa Kitô và người rao giảng khôn ngoan sáng suốt Lời Chúa (SMĐCT 87).

 

Đời sống vâng phục và trung thành với Chúa Thánh Thần đòi hỏi đặc biệt tinh thần lắng nghe. Lắng nghe triền miên để tìm kiếm và lần mò theo Tiếng Nội Tâm. Từ từ, lòng vâng phục và trung thành với Chúa Thánh Thần sẽ dẫn người tông đồ chuyển dần từ đời sống hoạt động sang đời sống thụ động, nhưng lại linh động hơn đời sống hoạt động. Đời sống hoạt động là mẫu sống khi người tông đồ bôn chôn thiết lập kế hoạch, chuẩn bị chương trình để phục vụ Chúa, nhưng mọi sự đều đo lường tính toán theo sự khôn ngoan và khả năng loài người.

 

Đời sống thụ động bắt đầu khi người tông đồ biết lắng nghe Tiếng Nội Tâm và để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Vì vậy, thay vì lo lắng thiết lập kế hoạch, người tông đồ chú ý lắng nghe tiếng Chúa Thánh thần và để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Do đó, người tông đồ trở nên can trường xông pha, có khả năng làm cả những điều không ưa thích, đi đến những nơi không muốn, và do đó trở nên rất linh động tích cực. Đó là ý nghĩa lời Chúa nói với thánh Phêrô: “Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mặc áo lấy, và đi tới nơi ngươi muốn; nhưng khi ngươi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra để người khác choàng áo cho, và dẫn ngươi đi nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18). Già trẻ đây không tính về tuổi tác, nhưng về sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng và “người khác” ở đây chính là Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy mà người tông đồ trở nên can đảm và tích cực hơn trước, vì không dựa theo sự khôn ngoan của loài người, nhưng trên sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó là lối sống của các tiên tri, của các thánh Tông Đồ và của các nhà đại truyền giáo. Các ngài thường làm những truyện không ai có thể làm nổi theo tiêu chuẩn nhân loại.

 

Thái độ lắng nghe đòi hỏi ba yếu tố rất quan trọng. Yếu tố thứ nhất là nỗ lực tiến tới tự do nội tâm. Không phải luôn dễ dàng biết và hiểu được Tiếng Nội Tâm, vì không phải tất cả các tiếng nói trong tâm hồn đều là tiếng của Chúa Thánh Thần. Có tiếng của tư lợi, của dục vọng, của ý thức hệ, của khôn ngoan loài người và cả tiếng của thần dữ. Điều này nói lên sự cần thiết phải thanh luyện để cho lòng mình được tự do trước tất cả mọi dục vọng và tư lợi ích kỷ trên hết mọi bình diện: vật chất, trí thức và ý thức hệ…

Cần phải thanh luyện cho lòng mình được tự do thanh thản trước tất cả thụ tạo: danh vọng, tiền bạc, chức vụ, gia đình, làng nước, văn hoá, các chương trình, cả chương trình mục vụ… Chúa Giêsu còn nói là phải từ bỏ chính bản thân mình và sự sống riêng mình. Nếu người tông đồ biết từ bỏ tất cả, coi chúng tất cả là tương đối thì không mất mát gì, mà lại tìm lại được tất cả một cách trung thực. Chúng sẽ trở lại trúng vị trí của chúng trong con tim của người tông đồ. Đó là ý nghĩa lời của Chúa trong Phúc Âm thánh Matthêo: “Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy thì không đáng thuộc về Thầy… Ai muốn bảo vệ mạng sống mình thì sẽ mất sống; còn ai thí mạng sống mình vì Thầy và vì Phúc Âm, thì lại được sống” (Mt 10,37-39).

 

Trái lại, nếu người tông đồ không biết coi tất cả là tương đối, thì chúng sẽ trở thành ngẫu tượng trong con tim, làm mờ ám tâm trí. Kết quả là người đó sẽ không nhìn thấy gì khác hơn là mấy ngẫu tượng. Nếu không có tự do nội tâm, người ta sẽ không nghe thấy tiếng Chúa, mà chỉ nghe thấy chính mình và mấy tiếng ồn ào của các ngẫu tượng. Chính vì vậy mà đời sống thiêng liêng tông đồ thường được ví von như cuộc hành trình vào sa mạc. Khách lữ hành muốn băng qua sa mạc phải lên đường với ít hành trang. Nhưng rồi trong cuộc hành trình sẽ thấy là số ít hành trang mang theo vẫn còn quá nặng, quá cồng kềnh và cản trở cho cuộc hành trình. Vì vậy, từ từ phải vất bỏ đi tất cả những gì không tối cần thiết, và sau cùng phải vất bỏ tất cả, chỉ giữ lại một vật duy nhất. Đó là Nước. Đi trong sa mạc, điều cần duy nhất là nước. Có thể thiếu tất cả, nhưng nếu thiếu nước thì sẽ chết khô trong sa mạc.

 

Yếu tố thứ hai là ý chỉ ngay lành. [14] Tất cả mọi hoạt động của cuộc đời tông đồ chỉ nhắm có một mục đích duy nhất: đem Chúa đến cho người khác; phục vụ Chúa và làm vinh danh Chúa, hay nói theo khẩu hiệu của thánh I Nhã, “ omnia ad maiorem Dei gloriam “. Trong chiều hướng này, cuộc đời tông đồ có một điểm nổi bật. Đó là rất thực với lòng mình; dám nhìn thẳng mặt các động cơ thúc đẩy làm căn nguyên cho các lựa chọn và hành động tông đồ. Vì vậy, người tông đồ luôn trở về nội tâm để dò hỏi lòng mình (Thánh vịnh 138,23) và gọi mỗi căn nguyên với chính tên của nó để khỏi lừa dối mình.

 

Yếu tố thứ ba là chết cho chính mình. Chính vì có can đảm nhìn thẳng sự thật để khỏi tự dối mình và để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mà người tông đồ dần dần tiến từ đời tông đồ trong đó mình là trung tâm điểm để bước sang đời tông đồ trong đó Chúa Giêsu là trung tâm. Nhiều khi người ta nói là tất cả vì Danh Chúa, tất cả chỉ để phụng sự Phúc Âm, nhưng rồi lại đi bực bội khó chịu, có khi còn dèm pha phá thối khi thấy người khác làm tốt, làm đẹp cho Phúc Âm. Tất cả cho Phúc Âm, nhưng chỉ có mình mới được làm tốt cho Phúc Âm. Thái độ và tâm tình này là một dấu tỏ hiển nhiên của đời tông đồ trong đó trung tâm vẫn còn là chình mình chứ chưa phải Chúa Giêsu. Vì vậy, cuộc đời theo Chúa Thánh Thần là một cuộc chiến đấu liên lỉ và gay go, và cuộc chiến này sẽ đưa dến cái chết thực sự cho chình bản thân mình. Chỉ khi người tông đồ biết chấp nhận chết cho chính mình, mới có thể nghe được tiếng Chúa Thánh Thần và phục vụ Chúa thực sự.

 

 3. Trong tình Chúa yêu Giáo Hội

 Việc tông đồ truyền giáo không phải là việc của một cá nhân riêng rẽ, nhưng là công việc của Giáo Hội phó thác cho người tông đồ thực hiện. Vì vậy, công việc tông đồ luôn luôn là công việc của Giáo Hội và phải được thực hiện trong chiều kích Giáo Hội.[15] Do đó, lòng yêu Giáo Hội là một yếu tố căn bản của tu đức truyền giáo. Theo Thông Điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế, tình yêu đối với Giáo Hội còn có một lý do nữa: yêu ai thì đồng hóa mình với người đó. Tình yêu đối với Chúa Giêsu đòi người tông đồ phải trở nên giống Ngài là Đấng đã yêu Giáo Hội và thí mạng sống mình vì Giáo Hội (SMĐCT 89). Vì vậy, thiếu lòng yêu mến Giáo Hội là một triệu chứng chưa yêu Chúa Giêsu cho đủ. Trong chiều hướng này, lòng yêu mến Giáo Hội diễn tả, đồng thời, nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của người tông đồ (SMĐCT 89).

 

Lòng yêu mến Giáo Hội cần phải cụ thể. Trước tiên, tình yêu đòi buộc phải sống hòa hợp với người mình yêu để cùng tiến, để chia vui sẻ buồn, để cùng có một cách nhìn như nhau, để hòa một nhịp trong cuộc sống, v.v. Do đó, muốn yêu mến Giáo Hội phải sống hòa nhịp với truyền thống của Giáo Hội, với cách suy tưởng của Giáo Hội. Đó là ý nghĩa lời mời gọi của Thông Điệp: “hãy cảm nghĩ hòa nhịp cùng với Giáo Hội” (SMĐCT 36).

 

Tình yêu phải bị thử thách và làm chứng bằng sự trung thành. Cũng như tình yêu đối với Chúa, tình yêu đối với Giáo Hội cần phải được diễn tả bằng lòng trung thành (SMĐCT 89). Trung thành với Giáo Hội có nghĩa là chấp nhận cách ý thức trách nhiệm và chỗ đứng trong Giáo Hội theo ơn kêu gọi của mình; đồng thời, cũng tôn trọng và quí hóa những phần tử khác trong Giáo Hội để cộng tác cách chân thành và chấp nhận phần đóng góp của họ theo ơn gọi và trách nhiệm của họ trong Giáo Hội.[16] Nhiều sự lộn xộn và xung khắc sinh ra vì thiếu kính trọng các vai trò và trách nhiệm riêng biệt của các phần tử khác nhau trong Giáo Hội. Đây chính là ý nghĩa đầu tiên của tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội. Tinh thần này đòi hỏi phải có khả năng tin tưởng người khác, nhưng đòi hỏi đặc biệt biết nhìn Giáo Hội dưới con mắt đức tin. Trong Giáo Hội có nhiều đặc sủng, nhưng đặc sủng hướng dẫn Dân Chúa là đặc sủng của các chủ chăn. Vì vậy, điểm tựa để sống trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm của Chúa là Đức Thánh Cha và các Giám mục sống hợp nhất với Ngài.

 

Theo gương Chúa Giêsu, Đấng “đã thương yêu Giáo Hội và đã dâng hiến chính mạng sống mình cho Giáo Hội” (Ep 5,25), lòng yêu mến Giáo Hội cũng phải được diễn tả qua sự dâng hiến mạng sống cho Giáo Hội (SMĐCT 89). Dâng hiến mạng sống cho Giáo Hội có nghĩa là phục vụ Giáo Hội và chấp nhận hy sinh vì lợi ích của Giáo Hội. Nhưng dâng hiến mạng sống cho Giáo Hội cũng còn đòi hỏi phải có khả năng chịu đau khổ gây ra vì những bất toàn của các phần tử trong Giáo Hội. Chỉ có tình yêu mới xây đắp. Nhưng không có tình yêu đích thực nào mà không phải trả bằng giá đắt. Không biết nhẫn nại chấp nhận những đau khổ gây ra vì người mình yêu thì chưa phải là tình yêu sâu đậm. Chính vì lý do đó, mầu nhiệm Thánh Thể như diễn tả của tình yêu dâng hiến vẹn toàn của Chúa

 

Giêsu, là nền tảng và của ăn nuôi dưỡng đời sống Giáo Hội. Vì vậy, để sống trung kiên trong tình yêu mến Giáo Hội, phải hiểu và sống sâu đậm ý nghĩa tình yêu dâng hiến của mầu nhiệm Thánh Thể. Phục vụ Giáo Hội, bênh vực Giáo Hội chưa lột hết chiều kích của lòng yêu mến Giáo Hội. Còn cần phải biết chịu đau khổ vì Giáo Hội, với tình yêu như Chúa Giêsu trên Thập Giá.

 

 4. Yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu họ

 

 Một yếu tố đặc thù nữa của tu đức truyền giáo là đức ái tông đồ, theo gương mẫu Chúa Giêsu, Đấng chăn chiên nhân lành (SMĐCT 89). Lần theo ánh sáng Chúa Kitô, Đấng chăn chiên nhân lành, đức ái tông đồ có ba khía cạnh đặc biệt. Trước tiên, Đấng chăn chiên nhân lành “biết các con chiên của mình, đi tìm kiếm và dâng hiến mạng sống cho con chiên (Ga 10)” (SMĐCT 89). Nói cách cụ thể thì tình yêu của Đấng chăn chiên nhân lành được diễn tả như “sự chú ý, lòng âu yếm, lòng thương xót, sự niềm nở đón nhận, tính sẵn sàng, sự chú tâm đến chững vấn đề của người khác” (SMĐCT 89). Tất cả các đức tính này đều liên quan trực tiếp đến tinh thần đối thoại và tinh thần này luôn đòi hỏi phải sẵn sàng chấp nhận từ bỏ danh vọng, các dễ dàng tiện nghi, các quyền lợi và tham vọng…”.[17]

 

Khía cạnh thứ hai của Đấng chăn chiên nhân lành là thái độ tích cực để cứu vớt. Đấng chăn chiên nhân lành đi tìm chiên lạc để đưa về đàn và tổ chức tiệc mừng (Lc 15,4-7). Ngài “không bẻ gẫy cây sậy đã giập, cũng không dập tắt ngọn bùi nhùi sắp tàn” (Isaia 42,3-4). Đó là thái độ tích cực để cứu vớt và để “loan báo cho mỗi người anh em là Thiên Chúa yêu thương họ và họ cũng có khả năng thương yêu” (SMĐCT, 89) để mồi lên ngọn lửa yêu thương. Trong tim mỗi người có một ngọn lửa yêu thương. Tất cả đều muốn yêu thương và muốn được yêu thương, nhưng lắm khi khả năng yêu thương bị tắc nghẽn vì nhiều sức mạnh của ích kỷ và tham vọng… Do đó, cần phải khơi dậy nguồn tình yêu còn bị lấp kín trong tim để làm cho thành một suối nước, một máng chảy triền miên, bằng cách gây lên bầu khí lạc quan, một phong trào làm việc thiện, phong trào phục vụ và dâng hiến để nâng dậy các con tim và sống hiệp thông.

Khía cạnh thứ ba của Đấng chăn chiên nhân lành là chiều kích phổ quát đại đồng của tình yêu. Chúa Giêsu muốn cứu vớt tất cả và tụ hợp tất cả thành một gia đình. Trong tim của Đấng chăn chiên nhân lành, không có sự phân biệt giữa người tốt và người xấu, giữa người áp bức và người bị áp bức, mà chỉ có những người phải cứu vớt. Ngài thương xót hết mọi người, vì, trong thực tế, tất cả đều đã phạm tội và đều cần ơn cứu độ của Ngài. Theo tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng chăn chiên nhân lành, nhà tông đồ truyền giáo thường được coi như “người anh em đại đồng”, chở theo trong mình “tinh thần của Giáo Hội, rộng mở và quan tâm đối với tất cả mọi dân tộc và mọi thứ người, nhất là những người thấp bé và những người nghèo khó. Cũng trong tinh thần đại đồng phổ quát, nhà tông đồ truyền giáo thắng vượt mọi ranh giới và mọi ngăn cách về chủng tộc, giai cấp hay ý thức hệ. Ngài là biểu hiệu của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, một thứ tình yêu không loại trừ và không thiên vị” (SMĐCT 89). Một tình yêu mà không đại đồng phổ quát thì không còn phải là tình yêu đích thực và sẽ mất ngay sức mạnh và tính cách trung thực.

 

 Kết Luận

 

 Đức Thánh Cha kết thúc Thông Điệp bằng một viễn tượng rất khích lệ, và viễn tượng đó cũng là một thách đố đối với toàn thể Giáo Hội: “Tôi thấy đang manh nha một kỷ nguyên truyền giáo mới, và sẽ có ngày bừng sáng rạng rỡ và nặng trĩu hoa trái, nếu tất cả các tín hữu và nhất là các tông đồ truyền giáo và các giáo hội trẻ đáp lại những kêu gọi và thách đố của thời đại với lòng quảng đại và sự thánh thiện” (SMĐCT 92).

 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, Giáo Hội vẫn tin tưởng và hy vọng thẳng tiến trong sứ mệnh đưa Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài đến mọi nơi trên thế giới, nếu tất cả biết tụ họp chung quanh Mẹ Maria như các Thánh Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly, chờ đón Chúa Thánh Thần, khẩn cầu ơn sức mạnh và can đảm để kiện toàn sứ mệnh truyền” (SMĐCT 92), và lặp lại với Mẹ Maria lời “Xin Vâng” vô điều kiện của Ngài. Với lời “Xin Vâng” của Mẹ Maria, Thiên Chúa đã xuống thế để cứu vớt và đổi mới thế giới. Ngày nay, với lời “Xin Vâng” của các nhà tông đồ truyền giáo hợp với tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ và của bao nhiêu thế hệ các nhà tông đồ truyền giáo và của các tín hữu trong dòng lịch sử của Giáo Hội, Thiên Chúa một lần nữa sẽ thể hiện những kỳ công của tình yêu vô biên của Ngài trong lòng thế giới hôm nay.

 

Giuse Đinh Đức Đạo

 Linh mục Giuse Đinh Đức Đạo hiện làm phó giám đốc Trung Tâm Quốc Tế Sinh Hoạt Truyền Giáo – Centro Internazionale Animazione Missionaria – tại Roma. Bài viết này đã được đăng trên báo L’Osservatore Romano, trong số phát hành ngày 2 tháng 3, 1991, trang 4, dưới hình thức ngắn gọn, với tựa đề Spiritualità Missionaria. Đây là một trong loạt 25 bài do nhiều tác giả viết, bình luận về thông điệp Redemptoris Missio, và đã in thành sách: Redemptoris Missio. Reflessioni, Pont. Università Urbaniana, “Urbaniana University Press” 53, Roma, 1991). 

 

[HTTH SỐ 4, NĂM THỨ HAI (1992)]