Gia đình trở nên cộng đoàn Thánh Thể phục vụ sự sống muôn loài

 WGPSG — Dẫn nhập

“Sự sống” là một khái niệm thật linh thiêng và là một quà tặng thật nhiệm mầu của Tạo Hóa mà bao đời nay con người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và vẫn hằng khao khát có được vĩnh viễn, trường cửu. Thế nhưng “sự sống” của muôn loài đang bị đe dọa và có nguy cơ bị hủy diệt tận căn. Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ và phục vụ sự sống muôn loài trong vũ trụ hôm nay? Đó là một thách đố lớn cho cả xã hội loài người và cho Hội Thánh mà Đức Ki-tô đã thiết lập và trao phó sứ mạng cao cả là bảo vệ và phát triển sự sống muôn loài trong vũ trụ như Thân mình mầu nhiệm của Thiên Chúa.[1]

Là những thành phần của Hội Thánh, chính các gia đình Ki-tô được mời gọi ý thức và thi hành sứ mạng cao cả đó: trở nên cộng đoàn phục vụ sự sống muôn loài.Nhưng các gia đình được mời gọi sống theo khuôn mẫu nào để có thể trở nên cộng đoàn đích thực phục vụ sự sống? Thưa, một khuôn mẫu tuyệt vời mà chính Chúa Giê-su đã thực hiện, trao ban, và mời gọi Hội Thánh nhận lãnh và sống theo khi Người thiết lập Bí tích Thánh Thể và truyền lệnh: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”[2] và “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”[3]: đó chính là khuôn mẫu “Thánh Thể.” Như vậy, để có thể bảo vệ và phục vụ sự sống một cách đúng đắn, hiệu quả và phong phú như lời mời gọi của Đức Ki-tô, các gia đình trong Hội Thánh được mời gọi trở nên cộng đoàn Thánh Thể đích thực trong thế giới hôm nay.

  1. Sự sống muôn loài đang bị đe dọa và bị hủy diệt

 

  1. Thực trạng:

Để hiểu được phần nào thực trạng sự sống của muôn loài, chúng ta cùng lắng nghe “lời cảnh báo của cô bé 12 tuổi tại Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất (ở Rio de Janeiro, Brazil, 1992) khiến cả thế giới im lặng”.

“Xin chào, tôi là Severn Suzuki, đại diện cho ECO (tổ chức trẻ em vì môi trường). Chúng tôi là nhóm đến từ 12, 13 tuổi đang cố gắng tạo ra vài thay đổi. Vanessa Suttie, Morgan Geisler, Michelle Quigg và tôi, chúng tôi đã tự quyên góp tiền đi hơn 8000 km đến đây, để nói với người lớn các vị rằng các vị phải thay đổi. Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình. Đánh mất tương lai không giống như đánh mất chiếc ghế trong bầu cử hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi ở đây lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho các trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới, tiếng khóc cầu cứu mà không ai nghe thấy, lên tiếng cho vô vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng ô-zôn. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hóa chất nào. Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi. Cho đến vài năm trước khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày, chúng ta đều nghe tin về các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng rồi biến mất mãi mãi. Tôi vẫn luôn mơ về nhũng đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được thấy chúng nữa không. Hồi bằng tuổi tôi các vị có phải lo lắng về những điều này không? Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt, nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta còn đủ thời gian và các biện pháp hữu hiệu.Tôi chỉ là đứa trẻ và không nghĩ ra được các giải pháp. Nhưng tôi mong các vị nhận ra rằng chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng ô-zôn; không biết mang cá hồi về những dòng suối đã cạn khô; không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thểbiến những cánh rừng đã sa mạc hóa xanh tươi trở lại. Một khi không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa. Các vị ở đây có thể là chính phủ, doanh nhân, nhà tổ chức, phóng viên hay chính trị gia. Nhưng thật ra, các vị là Bố Mẹ, là anh chị, cô chú. Và tất cả các vị đều là những người con. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng chúng ta đều là một phần của đại gia đình của 5 tỉ người; thực tế, là của hơn 30 triệu giống loài. Biên giới hay chính phủ cũng không thể thay đổi được.Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng chúng ta đều có phần trách nhiệm, và nên hợp tác hành động hướng về mục tiêu chung. Giận dữ không làm tôi mù quáng. Dù sợ hãi, tôi cũng không ngại nói với cả thế giới những gì mình nghĩ. Ở đất nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác. Chúng tôi mua rồi lại vứt đi, cứ mua rồi lại vứt đi. Các nước giàu có khác cũng không bao giờ chia sẻ cho người nghèo. Ngay cả khi thừa thãi, chúng ta vẫn không muốn chia sẻ, chúng ta sợ phải cho đi một chút của cải. Chúng tôi sống cuộc sống sung túc ở Canada, chẳng thiếu nước, thức ăn, hay nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính, tivi. Ít nhất là cho đến 2 ngày trước đây, hai ngày trước, ngay tại Brazil này, chúng tôi đã sốc khi sống cùng với những trẻ đường phố. Một bạn đã nói với tôi thế này: “Tớ ước mình thật giàu có. Nếu được vậy, tớ sẽ cho tất cả những trẻ đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở, và cả tình yêu thương nữa.” Trong khi một đứa trẻ đường phố chẳng có gì trong tay lại sẵn sàng chia sẻ với người khác. Tại sao chúng ta – những người có tất cả lại tham lam đến thế. Tôi không thể không nghĩ tới việc “những đứa trẻ này chỉ trạc tuổi tôi.” Chỉ sinh ra ở những nơi khác nhau thôi mà cuộc sống của trẻ em lại khác biệt nhiều đến thế. Tôi đã có thể là một đứa trẻ sống ở Favellas, Rio. Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Somalia, một nạn nhân của chiến tranh Trung Đông, hay một người ăn xin ở Ấn Độ. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi hiểu rằng: nếu số tiền dùng để cung phụng chiến tranh kia được dùng cho việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, chấm dứt đói nghèo, đi tới các hiệp ước, thì trái đất này sẽ tuyệt vời tới dường nào. Ở trường học, ngay từ lớp mẫu giáo, người lớn vẫn dạy chúng tôi cách cư xử đúng mực. Các vị dạy chúng tôi không được đánh nhau, phải cố gắng tìm ra các giải pháp, tôn trọng mọi người, sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra, không làm hại các sinh vật khác, phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam. Vậy tại sao các vị lại làm những việc mà chính các vị dạy chúng tôi không nên làm? Xin đừng quên lý do các vị tham gia hội nghị này. Các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào. Lẽ ra, bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng “mọi chuyện sẽ ổn thôi”, “đây không phải ngày tận thế đâu”, và bố mẹ sẽ làm những gì tốt nhất có thể. Nhưng tôi không nghĩ giờ đây các vị còn có thể nói vậy. Chúng tôi có còn nằm trong danh sách được ưu tiên của các vị? Bố tôi luôn nói: Hành động sẽ tạo nên con người con chứ không phải lời nói”. Vâng, những gì các vị làm khiến tôi khóc hàng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi. Nhưng tôi xin thách thức các vị, hãy hành động đúng với những gì đã nói. Xin cám ơn.”[4]

Lời cảnh báo của cô bé 12 tuổi đó tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 dường như vẫn chỉ là một tiếng vang vọng không lời đáp cứu. Vì thế, cho đến nay, sự sống của bao thai nhi, của bao trẻ em, của người nghèo, của bao gia đình nghèo, của các sinh vật khác vẫn đang bị đe dọa và ngày càng có nguy cơ bị hủy diệt cao hơn. Qua những con số thống kê chúng ta sẽ nhận ra điều đó:

  • Sự sống thai nhi:

Theo thống kê, “có khoảng 46 triệu vụ phá thai trên thế giới mỗi năm, trong đó có 20 triệu vụ bị coi là bất hợp pháp. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 126.000 vụ phá thai”.[5] Tại Việt Nam, “trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thứ 5 thế giới.”[6]Trong số đó, “có tới 82% số phụ nữ có chồng, thuộc hạng sinh nở, đã từng phá thai ít nhất một lần”.[7]

  • Người nghèo:

Theo thống kê, “hiện tại, trong số 7 tỷ người sinh sống trên hành tinh, vẫn còn 1,1 tỷ người đang sống với thu nhập ở dưới ngưỡng nghèo (1,25 USD/ngày).”[8]

Tại cuộc họp, FAO đã công bố báo cáo nhan đề “Thực trạng mất an ninh lương thực trên thế giới” cho thấy: trong giai đoạn 2011-2013 ước tính số người bị đói trên thế giới là 842 triệu người.[9]

Theo UNICEF, “mỗi ngày có khoảng 22.000 trẻ em chết do nghèo đói, không có cơm bánh để ăn, và thuốc men cần thiết. …Như thế, mỗi năm có khoảng 7,6 triệu trẻ em chết. Và từ năm 2000 cho đến 2010, có khoảng 92 triệu trẻ em chết.”[10]

  • Muông thú:

Nhân Ngày thế giới bảo vệ động vật (4/10/2013), các chuyên gia đã cảnh báo và cho biết: “Số lượng các loài động vật sinh sống trên Trái Đất đang giảm nhanh, đặc biệt là động vật có vú khi hiện khoảng 1/5 các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”.[11]

Theo Allaboutwildlife, 10 loài động vật đang gặp nguy hiểm nhất hành tinh, và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nạn săn bắt tràn lan, đó là: chim kiến gõ mỏ ngà, báo amur, tê giác Java, vượn cáo Northen Sportive, cá voi Northen Right, Sao la, rùa biển leatherback, hổ siberi, kỳ nhông khủng lồ Trung quốc, chim dodo nhỏ.[12]

Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Dăk Lăk, “do nạn săn bắn và phá rừng, trong 34 năm (1980 – 2014), số lượng voi ở Đăk Lăk đã giảm khoảng 90%. Tính đến năm 1980, tại tỉnh Đăk Lăk vẫn có tất cả 502 cá thể voi nhà và còn hơn 2000 cá thể voi hoang dã. Nhưng cho đến nay số lượng voi đã là con số ‘đau lòng’ khi toàn tỉnh Đăk La8k chỉ còn 53 cá thể voi nhà, 60 cho đến 65 cá thể voi hoang dã”.[13]

Nhiều loại chim quý hiếm đã bị đánh bẫy, tận diệt. 200 xác con chim sơn ca được phát hiện trong hành lý của một người đàn ông quốc tịch Ý tại sân bay Munich (Đức).[14] Hàng loạt chim sẻ ở miền Tây (Việt Nam) bị săn bắt theo kiểu tận diệt để bán cho các nhà hàng, quán nhậu.[15]

Hàng loạt những sự kiện cá chết đã xảy ra trên thế giới:  “Ở Trung Quốc, vụ 100 tấn cá chết phủ trắng sông Phủ Hà, tỉnh Hồ Bắc, do chất thải aminiac của một công ty hóa chất.” Ở Indonesia, khoảng 175,5 tấn cá chết trôi nổi trên mặt hồ do lưu huỳnh và rác thải của hộ gia đình. Ở Quy Nhơn, Việt nam, hơn 8000 con cá chẽm (3 tháng tuổi, trị giá khoảng 100 triệu đồng) của ngư dân nuôi đã chết do sự kiện tràn dầu tại Quy Nhơn. Hàng tấn cá chết trắng trên thượng nguồn sông Bưởi ở Thanh Hóa do nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Hòa Bình gây ra.[16]

– Thảo mộc/ rừng

Theo viện nghiên cứu kinh tế Ifo ở Munich, Đức, “từ năm 1990 đến 2005, diện tích rừng trên trái đất đã giảm 3%, tức trung bình mỗi ngày mất 20.000 hécta rừng. Đây là hiện tượng đáng báo động ở nhiều quốc gia”.[17]

Ở Cà Mau, Việt Nam, gần 100 ha rừng tràm đã bị hàng chục hộ dân tận diệt để nuôi tôm.[18]

Ở Bình Thuận, từ cuối năm 2013 đến tháng 5 năm 2014, hơn 50 ha rừng bị lâm tặc đốn hạ.[19]

– Những dòng sông

Theo thống kê của các nhà khoa học, “80% nguồn nước ngọt và 2/3 trong tổng số các con sông trên thế giới đang dần cạn nước… Nhu cầu nước trên toàn thế giới sẽ tăng tới 45% trong khi nguồn nước đang cạn kiệt ở mức báo động và ngày càng hiếm dần. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hiện tại trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người (khoảng 1/4 dân số toàn cầu) không có nước sạch và hơn 2 tỷ người không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn. Hàng năm, 3,6 triệu người chết vì các căn bệnh do nước ô nhiễm gây ra.”[20]

  1. Những nguyên nhân từ gia đình

Như vậy, chắc hẳn đã có nhiều nguyên nhân dẫn đến hủy diệt sự sống của con người và của các sinh vật trên thế giới ngày nay. Trong số những nguyên nhân đó,một phần lớn cũng do nếp sống ích kỷ và những thói quen thiếu lành mạnh của các gia đình đã và đang gây ra. Quả thật,

+ Đối với sự sống thai nhi: phát xuất từ sự sa sút về lòng đạo đức của con người,[21] “có những người cha hèn nhát không nhận trách nhiệm đối với thai nhi, và những người mẹ ích kỷ coi các thai nhi như là gánh nặng cuộc đời mình, nên đã chọn lựa phá thai.” Hoặc “có những thai nhi bị giết vì họ muốn giữ danh giá của gia đình dòng tộc. Có khi phá thai vì cha mẹ đang phải theo đuổi danh vọng và sự nghiệp. Họ muốn trút bỏ nó đi cho rảnh nợ”.[22]

+ Đối với sự sống của trẻ em nghèo/gia đình nghèo: có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em nghèo đói và thiệt mạng. Nhưng một trong những nguyên nhân là do nhiều gia đình giàu có sống trong nhung lụa, xa hoa, hoang phí,…lại dửng dưng, ích kỷ và thiếu sự chia sẻ với những trẻ em và gia đình nghèo đói.[23]

+ Túi ni-lông và sức khỏe con người: nhiều gia đình có thói quen sử dụng túi ni-lông, nhưng lại không ý thức được những tác hại nó. “Túi ni-lông lẫn vào đất ngăn cản ô-xy đi qua đất, làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, gây xói mòn đất. Túi ni-lông lọt vào cống rãnh, kênh rạch, sẽ làm tắc nghẽn gây ngập, úng. Các hoá chất độc hại còn lại hay lẫn trong quá trình sản xuất túi nilông cũng sẽ thâm nhập vào đất, vào nguồn nước, vào đồ ăn thức uống gây tổn hại sức khoẻ con người.”[24]

+ Có những gia đình có thói quen thải khói, bụi, khí độc, chất cặn bã (phân và nước tiểu của người và động vật), mùi hôi thối gây hại vào không khí làm ô nhiễm không khí và gây hại cho sức khỏe con người (như gây bệnh giun sán, v.v).[25]

+ Có những thành viên trong gia đình có thói quen lãng phí nước sạch. Khi tắm, giặt, đánh răng, vệ sinh….họ quen mở vòi nước chảy tự do…và sử dụng một lượng nước quá mức cần thiết, trong khi nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đang thiếu nước sạch sử dụng hằng ngày để duy trì sự sống.[26]

+ Thuốc lá và sức khỏe con người: trong các gia đình, nhiều người có thói quen hút thuốc lá đã gây ra những tác hại cho sức khỏe con người. Theo thống kê, “mỗi năm, thế giới có 5 triệu người chết vì thuốc lá, nhiều hơn số tử vong do tai nạn, bị lao và AIDS cộng lại. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, sau 25 năm nữa, con số này sẽ là 10 triệu ca; 2/3 trong số đó thuộc các nước đang phát triển.”[27]

+ Đối với sự sống của muông thú: đã có những gia đình giàu có thích đãi thịt rừng trong những bữa tiệc sang trọng, thích “sưu tầm, nuôi nhốt trái phép các loài động vật với mục đích làm cảnh, tạo thú chơi tao nhã.” Hoặc có những gia đình “thích trưng bày các vật phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã như: đầu thuộc, xác thuộc, da thuộc hay các loại móng vuốt, răng nanh.” Có những người khác nữa, “từ các đại gia doanh nhân đến giới quan chức, từ trí thức tới bình dân, thích mua bán, cho tặng tràn lan sừng tê giác, cao hổ cốt, mật gấu, rắn ngâm rượu. Chính những sở thích ấy đã làm ảnh hưởng, đẩy các loài động vật hoang dã đi đến bờ vực bị tuyệt chủng.”[28]

+ Có những gia đình đại gia thích chơi, hoặc ăn thịt những loài chim quý hiếm, hảo hạng, mắc tiền. Chính những sở thích này khiến cho nhiều loại chim bị đánh bẫy, tận diệt.[29]

+ Thói quen sử dụng nhiều xe máy, xe hơi, máy lạnh, tủ lạnh trong các gia đình đã thải ra nhiều khí thải, làm cho nhiệt độ trái đất ngày càng cao và tăng nhanh hiệu ứng nhà kính, khiến cho nhiều hệ sinh thái đang bị phá hủy,[30] nhiều người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, [31] nhiều loại động vật rơi vào nguy cơ tuyệt chủng như hiện nay.[32]

+ Đối với sự sống của các loài thảo mộc/rừng xanh: có những gia đình ưa thích sử dụng những sản phẩm bằng gỗ quý hiếm, mắc tiền…dẫn đến tình trạng chặt phá rừng tràn lan.[33]

Bên cạnh những thói quen thiếu lành mạnh đó, nhiều cách ứng xử và thói quen thiếu lành mạnh khác trong nếp sống gia đình đã và vẫn đang tác động xấu đến sự sống con người và các sinh vật khác trên khắp thế giới. Thiết tưởng rằng các gia đình ngày nay cần nhìn lại thái độ sống của mình trong việc bảo vệ và phục vụ sự sống, đồng thời tìm ra một lối sống mới thích hợp để trở nên những cộng đoàn phục vụ sự sống muôn loài.

 Lối sống Thánh Thể cho các gia đình

  1. Thánh Thể: Khuôn mẫu phục vụ sự sống

 

  1. Nhờ Thánh Thể, Ngôi Lời của Thiên Chúa, sự sống muôn vật được tạo thành

Thánh Thể là chính Chúa Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, và nhờ Người mà sự sống muôn vật được tạo thành. Thánh kinh đã mạc khải cho chúng ta biết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống… và Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”[34] Hằng ngày “Lời” vẫn đang được cử hành, được công bố trong các cuộc cử hành Thánh Thể trên khắp thế giới.

  1. Thánh Thể, Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho trần gian

Chúa Giê-su đã khẳng định: “Thầy đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10: 10).[35] Lời khẳng định đó không những biểu lộ qua “Lời Hằng Sống” của Người được loan báo cho các loài thụ tạo,[36] mà còn biểu lộ qua “Bánh Hằng Sống”, Bánh Thánh Thể, mà Người đã thiết lập để ban cho thế gian được sống, như Người đã khẳng định:

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”[37]

Sự sống mà Chúa Giê-su trao ban nơi Thánh Thể chính là sự sống của Thiên Chúa Đấng là nguồn mạch sự sống. Sự sống đó cũng chính là tình yêu của Đấng đã yêu thương đến quên mình, yêu đến cùng, đến độ cúi mình xuống như một người tôi tớ rửa chân cho các môn đệ,[38] và bẻ nát cuộc đời mình ra, trao ban Thịt Máu mình cho trần gian, phục vụ sự sống cho trần gian. Sự sống đó cũng chính là “ân sủng thánh hóa” của Thiên Chúa nhằm biến đổi những ai tin và đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

  1. Trong Thánh Thể, vũ trụ vạn vật được thánh hóa, được biến đổi, được nâng cao phẩm giá.

Mỗi khi chúng ta quy tụ cử hành Thánh Thể, trong phần chuẩn bị lễ vật, linh mục cầm lấy bánh và rượu và dâng lời nguyện:

“Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường Sinh cho chúng con”. – “Lạy Chúa là Chúa cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này, là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con”. [39]

 Như vậy, bánh và rượu, tượng trưng cho toàn thể vũ trụ vạn vật, đã được Chúa Giê-su dùng và biến đổi trở nên Mình Máu Người, trở nên “Bánh Hằng Sống” do quyền năng Thánh Thần, để ban sự sống cho trần gian. Nói cách khác, nơi bí tích Thánh Thể, cả vũ trụ vạn vật đã được Thánh Thần thánh hóa, làm cho trở nên thánh thiêng và trở thành những dấu chỉ để ban ân sủng cho con người và vạn vật. Toàn thể vũ trụ vạn vật đã trở thành mối quan tâm phát triển đặc biệt của Người.

Cử hành bí tích Thánh Thể, do đó, là cử hành phẩm giá/giá trị của vũ trụ vạn vật. Bí tích Thánh Thể mặc khải cho chúng ta hiểu rằng tất cả vạn vật có nguồn gốc từ Thiên Chúa và có một giá trị nội tại cao quý do chính Thiên Chúa ban cho chúng. Bí tích Thánh Thể, do đó, có thể giúp chúng ta khám phá ra những gì là “thực,” những gì là thánh thiêng nơi vũ trụ vạn vật, cũng như trách nhiệm của chúng ta chăm sóc, phục vụ sự sống muôn loài.

  1. Gia đình sống theo khuôn mẫu Thánh Thể để phục vụ sự sống

Như vậy, Thánh Thể có một mối tương quan đặc biệt với sự sống của toàn thể vũ trụ vạn vật: nhờ Chúa Giê-su Thánh Thể, Ngôi Lời nhập thể, mà toàn thể vũ trụ vạn vật được tạo thành; Chúa Giê-su Thánh Thể chính là “Bánh hằng Sống” trao ban sự sống cho những ai tin và đón nhận Người; và nơi bí tích Thánh Thể, cả vũ trụ vạn vật đã được Chúa Giê-su thánh hóa, làm cho trở nên thánh thiêng và trở thành những dấu chỉ để ban ân sủng cho con người và vạn vật. Nói cách khác, Chúa Giêsu Thánh Thể chính là khuôn mẫu phục vụ sự sống muôn loài.

Là Ki-tô hữu, bước theo Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi sống theo khuôn mẫu phục vụ của Thánh Thể, và thực hiện lệnh truyền yêu thương của Người: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy[40] và “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.[41]

Chúng ta chỉ có thể là hình ảnh của Chúa Giê-su Thánh Thể cho thế giới khi chúng ta sống trong mối tương quan đúng đắn với nhau và với tất cả vạn vật. Vì như Chúa Giêsu dạy: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ ở đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”[42] Chỉ khi chúng ta cộng tác với Chúa Ki-tô để chữa lành – chứ không phải tiếp tục hủy diệt – những mối tương quan đổ vỡ thì chúng ta mới có thể tiến tới đón nhận Thân mình bẻ ra của Người, một Thân mình đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha.

Như Thánh Thể là Bánh ban sự sống cho trần gian và là bí tích biến đổi vũ trụ vạn vật đạt đến sự viên mãn, các thành viên trong các gia đình ki-tô cũng được mời gọi đón nhận Thánh Thể và để mình được biến đổi trở nên cộng đoàn Thánh Thể, trở nên tấm bánh Thánh Thể, bẻ ra, trao ban cho anh chị em mình, hầu nuôi dưỡng và thăng tiến sự sống muôn người, cũng như góp phần phát triển vũ trụ vạn vật tốt đẹp hơn.

Lời Kết

Theo nhận xét của linh mục Giuse Trần Hùng Việt: “Mục tiêu của đời sống văn minh nhân loại là cần nâng cao và bảo vệ sự sống. Trái lại, nhiều người hãnh diện…và tìm đủ mọi cách thế để hạn chế sự sống [con người và vạn vật như thế]… Con người xã hội đang tự tiêu diệt chính tương lai của nhân loại.”[43]

Đứng trước thực trạng sự sống của con người và vạn vật như thế, các gia đình Ki-tô được mời gọi trở nên cộng đoàn phục vụ sự sống muôn loài. Chúa Giê-su Thánh Thể chính là khuôn mẫu phục vụ sự sống mà các gia đình được mời gọi tin yêu, đón nhận và sống theo tinh thần của Người.

Đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, đón nhận Người và để quyền năng Thánh Thần biến đổi trở nên tấm bánh Thánh Thể, trở nên những cộng đoàn Thánh Thể đích thực, các gia đình Ki-tô sẽ có khả năng tôn trọng, phục vụ sự sống con người và góp phần làm cho vũ trụ vạn vật là “thân mình của Thiên Chúa” ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, phù hợp với kế hoạch yêu thương của Người đối với toàn thể vạn vật.

 sss and Lm. Giuse Đinh Đức Huỳnh