Lịch sử tu đức kitô giáo (tiếp theo)
Chương I. Tu đức của thời kỳ đầu Ki-tô giáo (TK 1-6)
Thời kỳ đầu của Giáo Hội đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tu đức của thế giới ki-tô. Nó như một kỷ niệm gây xúc động. Sau này, người ta đã không ngừng tham khảo. Mỗi lần muốn làm mới lại đời sống tu đức, cần trở về nguồn. Cho nên, thời kỳ đầu này là hết sức quan trọng. Nó vừa tạo nên sự mới mẻ tận căn trong lịch sử tu đức, vừa dựa trên thành tựu của Do thái giáo sẽ được biến đổi.
1. Sự kế thừa của Do thái
Bây giờ chúng ta sẽ biết rõ hơn ở điểm nào của thế giới do thái thời Chúa Giê-su, thực là rất phức tạp. Nhưng, có một số cái cần phải tìm hiểu.
Thứ nhất là tính duy nhất của Thiên Chúa. Đây là mạc khải đầu tiên, mà người ta thấy trong kinh Sh’ma Israen: “Nghe đây, hỡi Israen, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất” (Đnl 6, 4). Tất cả những gì không gắn liền với Thiên Chúa Độc nhất, đều là ngẫu tượng. Từ đó, một tôn giáo theo trục đứng ra đời, một nền tu đức trong sáng từ mọi mặt, ngược với những gì là qui nhân (con người là tâm điểm), rất ngược với những gì mà dân xung quanh đang sống hình thành. Nên đọc lại Sách các vị tử đạo Israen (không sát khi gọi là Sách Ma-ca-bê) để thấy Do thái giáo sau này nghĩ gì về họ.
Thiên Chúa tuyệt đối khác không phải là Thiên Chúa câm nín. Đó là một chỗ dựa lớn của Israen: Thiên Chúa nói với con người. Ngài đã nói với Mô-sê, Ngài đã nói qua các ngôn sứ, cách nào đó qua miệng của họ. Qua đó, cách nào đó, khi mà hoàn toàn khác, ngài quá gần gũi. Không nên làm cứng nhắc tôn giáo của Israen xưa đến mức tin rằng Thiên Chúa là Đấng xa vời.
Sứ điệp mà Lời Chúa đã trao ban là: Thiên Chúa đã chọn một dân – dân Israen – và Ngài đã thiết lập giao ước với họ. Lời và ý nghĩa giao ước là tuyệt đối căn bản nơi Israen. Dân Do thái không chỉ là một dân tuyển chọn, nhưng là dân duy nhất có tương quan thật sự với Thiên Chúa duy nhất. Điều rất đúng là Thiên Chúa đã mạc khải tên của Ngài cho Mô-sê, đó là cách nói trong sâu thẳm thân mật của hữu thể Thiên Chúa. Tất cả các việc thờ phượng chỉ là giả dối. Thế nhưng, đối với những người do thái, giao ước này thiết tưởng buộc họ phải tuân giữ các giới răn vì những lý do bất biến.
Tu đức của Do thái giáo là một phần căn bản của chờ đợi và thức tỉnh. Con người chỉ tồn tại nhờ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Mọi sự đều qui hướng về Ngài. Quên Thiên Chúa, là tự đánh mất. Xa tránh Ngài là phản bội.
Yêu mến Thiên Chúa là cử hành, tức là nhận biết mọi sự đến từ Ngài, tặng cho Ngài mọi sự trên trái đất, là biết ơn Ngài. Từ đó mà việc thờ phượng là quan trọng nơi Israen. Israen thực sự là dân tư tế luôn ca tụng Đấng Vĩnh Hằng. Hành vi thờ phượng này được diễn tả qua những hy tế của Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đời sống Israen bao quanh Đền thờ, và ở chính Giê-ru-sa-lem, đời sống được tạo nhịp bởi các hy tế ngày và đêm. Nó cũng tạo nhịp bởi các đại lễ tưởng nhớ lịch sử những tương quan của dân với Thiên Chúa: vào thời Chúa Ki-tô, đó là lễ Vượt Qua và lễ Bánh không men, làm thành lễ trọng duy nhất trong tám ngày, lễ Đại xá (Youm Kippour), lễ Lều và lễ Thánh hiến Đền thờ. Chính ngày lễ và tất cả mọi hành vi của đời sống được thánh hóa bởi lời cầu chúc lành (Berakah). Hơn nữa, việc khám phá các bản viết Qumrâm đã chỉ ra cho chúng ta thấy thế giới do thái sử dụng vô vàn các lời cầu nguyện hơn là chúng ta nghĩ. Cuối cùng, việc thờ phượng tại các hội đường, mà Lời Chúa được công bố, ngày càng trở nên quan trọng hơn qua thời gian. Có một sự tiến triển: tất cả là của Chúa, tất cả được thánh hiến, và không chỉ các lễ hy tế lớn tại Giê-ru-sa-lem.
Nếu tất cả đời sống được thánh hóa, mỗi giây phút phải sống theo các giới răn của Chúa. Ngài ban lề luật cho Mô-sê. Nhưng qua suy tư của các bậc thầy, luật này sau đó đã đặt tiêu chí phân định các loại sạch và dơ. Luật này đã trở nên phức tạp và còn phức tạp hơn trong môi trường của những người Biệt phái đạo đức. Dần dần nói bị rơi vào hình thức. Dù thế nào, là một người do thái đích thực, nghĩa là phải thi hành cẩn thận rất nhiều nghi lễ mà các dân khác không biết: Một người Do thái là một người được chọn, một người tách ly.
Cũng cần phải ghi nhận một yếu tố chờ đợi, và thậm chí là chờ đợi sốt ruột, rất mãnh liệt vào thời Chúa Ki-tô: những người Do thái hy vọng Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai, Đấng Thiên Chúa sai đến. Các hình thức chờ đợi thường gắn liền với văn chương khải huyền trước đó. Người ta hình dung Ngài có những nét đáng gờm trước những kẻ hung ác và đặc biệt kẻ thù của Israen. Cũng có những truyền thống kinh thánh khác đưa ra một ý tưởng về Đấng Thiên Sai (ví dụ “Những bài ca của Người Tôi tớ” được gán cho ngôn sứ Isaia), nhưng các truyền thống này không nổi trội.
Do thái giáo thế kỷ đầu không phải là một thể thống nhất, cũng không gắn kết tuyệt đối. Ở Giu-đa, có những luồng tư tưởng khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Nhưng ngoài ra, còn một số lớn những người sống ngoài Đất thánh. Những người sống trong thế giới hy lạp luôn trung thành với đức tin do thái sau những cuộc chiến, nhưng họ cố gắng suy tư dưới ánh sáng mà văn minh hy lạp đã mang lại tốt hơn cho họ. Như thế, mọi suy tư thần học và thiêng liêng, trong đó Philon (sinh giữa năm 20 và 10 trước CGS – chết năm 40 sau CGS) xung quanh Alexandrie, đã phát triển, là một minh chứng lớn nhất. Thật vậy, ông này đã soạn ra một tổng luận mầu nhiệm lớn dựa trên việc đọc ẩn dụ Kinh Thánh, theo cách của các rabbi. Việc nghiên cứu sự Khôn ngoan này, được thiết lập trên việc đọc Kinh Thánh, nhưng sử dụng các dụng cụ khái niệm đã hoàn thiện, sẽ có ảnh hưởng lớn trên các Giáo Phụ.
Minh Sáng chuyển ngữ
Nguyên tác: Bernard Peyrous, Histoire de la spiritualité chrétienne, Editions de l’Emmanuel 2010