5 phút Lời Chúa – Tháng 07.2015

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 07

 

Ý chung: Cầu cho các nhà chính trị: Xin cho tất cả các nhà chính trị ở mọi cấp luôn cư xử thật nhân ái.

Ý truyền giáo: Cầu cho người nghèo tại châu Mỹ Latinh: Xin cho các Kitô hữu châu Mỹ Latinh, khi đối diện với những bất bình đẳng xã hội, có thể đưa ra một chứng từ tình yêu đối với những người nghèo và góp phần giúp xã hội đầy tình huynh đệ hơn.

 

 

5 phút Lời Chúa

Tháng 07.2015

 

 

 

01.07.15

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN

Mt 8,28-34

CHÚA Ở VỚI NGƯỜI

 

Cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ. (Mt 8,34)

Suy niệm: “Quỷ ở với người” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, và cũng là thực trạng của gia đình, xã hội không còn tôn ti trật tự, nhân nghĩa khi cư xử với nhau. Ngày xưa quỷ trong bài Tin Mừng đã đẩy hai người vào sống trong ngôi mộ của người chết. Ngày nay quỷ ở với những người sống trong nền văn hóa sự chết như phá thai, nghiện tình dục, rượu bia, bạo lực… Ngày xưa quỷ xúi dục dân chúng mời Chúa rời khỏi vùng đất mình vì mất đàn heo. Ngày nay quỷ hoành hành trong tâm hồn người chuộng tiền bạc, sổ đỏ, tài khoản ngân hàng hơn tình nghĩa cha mẹ, anh em, bạn bè, nhất là việc thờ phượng Thiên Chúa, thậm chí dần dần loại Ngài ra khỏi đời sống.

Mời Bạn: Quỷ đã biến hai người ở Ga-đa-ra thành mối đe dọa người đồng loại (c.28). Hôm nay hễ khi nào bạn là mối gây mất bình an, lo lắng, buồn phiền, thậm chí là mối đe dọa, khủng bố người khác, có thể quỷ đang ở với bạn. Hãy để quyền năng của Đức Giê-su loại trừ thứ quỷ ấy ra khỏi bạn bằng ơn Chúa qua các bí tích và nghị lực của bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín cùng với thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II: “Sự hiện diện của quỷ ngày càng ghê gớm hơn khi con người và xã hội quay lưng với Thiên Chúa” (tháng 08.1986). Tôi cũng sẽ nỗ lực thờ phượng Chúa cách nhiệt thành, sốt sắng hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm phục quyền năng mạnh mẽ của Chúa trong việc trấn áp ma quỷ. Xin giúp chúng con cảnh giác với mưu mô của ma quỷ; xin cho chúng con luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa, tin rằng Chúa luôn ở với chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

02.07.15

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN

Mt 9,1-8

AI PHẠM THƯỢNG?

 

Người ta liền khiêng đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!” (Mt 9,2-3)

Suy niệm: Người bại liệt được khiêng đến với Đức Giê-su ngay khi Ngài xuất hiện. Hẳn họ đã chờ đợi Ngài từ lâu, vì tin vào khả năng chữa lành của Ngài. Thế nhưng, cũng có những kẻ chờ đợi Ngài, không phải để được chữa bệnh, mà là để kiếm cớ bắt bẻ Ngài. Vin vào câu nói “Tội con được tha” của Đức Giê-su, họ cho rằng Ngài phạm thượng. Nếu Đức Giê-su phạm thượng, thì chắc chắn lời của Ngài không đủ hiệu năng để chữa lành, đang khi lời ấy đã làm cho người bại liệt đứng dậy vác giường mà đi. Vậy mà họ vẫn cố chấp, xúc phạm đến Ngài. Họ mới đúng là những kẻ phạm thượng, vì không tin quyền năng Thiên Chúa đang hoạt động nơi Đức Giê-su.

Mời Bạn: Chúa Ki-tô đã thiết lập Hội Thánh, trao cho Hội Thánh quyền cầm buộc cũng như tháo cởi dưới đất. Quyền năng này không do Hội Thánh mà là Chúa Ki-tô hành động qua Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh cũng bao gồm những con người, vẫn còn đó những yếu đuối và lầm lỗi. Vì thế, nhiều người tỏ ra nghi ngờ quyền năng của Hội Thánh trong việc cử hành các bí tích. Liệu tôi có thuộc vào số những kẻ phạm thượng đó không?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người anh em bạn biết đang nghi ngờ, ác cảm hoặc chống đối Hội Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thường chọn những gì thế gian cho là yếu đuối để thi thố quyền năng. Xin cho chúng con hiểu được sự thật ấy, để sẵn lòng quên mình đi, trở thành dụng cụ thi thố quyền năng của Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

03.07.15

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN

Thánh Tô-ma, tông đồ

Ga 20,24-29

CẦN DẤU CHỨNG CHO NIỀM TIN

 

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20,25)

Suy niệm: Cứ mỗi lần nghe bài Tin Mừng này là Tô-ma lại bị “ném đá,” bị lên án là kẻ cứng lòng tin. Xem ra Tô-ma là người rất thực tế. Nghe các bạn kể lại, hẳn Tô-ma không khỏi thắc mắc: Các anh đã thấy Chúa sống lại rồi, tại sao phải sợ hãi, đóng cửa kỹ lưỡng? Tại sao không mở cửa, bước ra ngoài để loan báo Tin Mừng Chúa sống lại cho mọi người nghe mà tin? Đâu là bằng chứng đức tin của các anh? Tô-ma không thấy sự thay đổi đáng kể nào nơi các tông đồ, nên không tin. Con người ngày nay cũng thực tế như Tô-ma, cần bằng chứng nơi đời sống của người Ki-tô hữu. Nếu đức tin nơi ta không biểu lộ cách rõ ràng, thì làm sao con người thời đại hôm nay nhận biết Chúa được?

Mời Bạn: Dấu chứng cho thấy người Ki-tô hữu có Chúa là lòng sẵn sàng chia sẻ tiền bạc, thời giờ, công việc chung, cùng với khuôn mặt rạng rỡ, vui tươi, lời nói hiền từ ngay cả trong nghịch cảnh. Bạn đã thực hiện dấu chứng này chưa? Nếu chưa, bạn sẽ làm gì để có?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bày tỏ niềm vui có Chúa, được biết Tin Mừng Nước Trời của Ngài qua thái độ vui tươi trong mọi tình huống của cuộc sống, cũng như qua lòng quảng đại với mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con thể hiện niềm tin vào Chúa nơi gương mặt tươi vui của con, vì buồn phiền, thất vọng là điều trái ngược với niềm tin. Xin cho con biết mạnh dạn dấn thân nói về Chúa cho người khác, vì không dấn thân, đức tin của con là đức tin chết. Xin cho cuộc đời con mang nhiều dấu chứng niềm tin của con. Amen.

 

 

 

 

 

04.07.15

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN

Thánh Ê-li-sa-bét Bồ Đào Nha

Mt 9,14-17

CANH TÂN ĐỜI SỐNG

 

“Người ta không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới”. (Mt 9,17)

Suy niệm: Từ 1.1995 Việt Nam bắt đầu nộp đơn gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đến khi được chính thức kết nạp vào cuối năm 2006, đã diễn rất nhiều cuộc đàm phán gắt gao. Một thị trường lớn, một cuộc cạnh tranh lớn đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thay đổi luật lệ và cung cách cho phù hợp, không có chọn lựa nào khác. Lời Chúa đề cập đến một cuộc gia nhập khác, gia nhập vào Ngài, gắn kết như cành gắn liền vào thân cây. Sự gia nhập này đòi hỏi mọi tín hữu triệt để thay đổi đời sống như bầu da cũ phải bị thay bỏ nhường chỗ cho bầu da mới, cuộc canh tân của Chúa Giê-su. Thay vì giữ luật vụ hình thức hay theo thói quen, nay Ki-tô hữu được mời gọi sống theo Thần Khí, với Lề Luật được ghi trong trái tim, biết làm những việc phải làm do đòi hỏi của tình yêu đối với Đức Ki-tô. Một tinh thần mới, lối sống mới theo Thần Khí mới có thể giúp Ki-tô hữu sống đúng tư cách Dân mới của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Một số Ki-tô hữu có lối sống xa lạ với Tin Mừng khiến nhiều người không nhận biết Chúa. Lối sống của bạn có gây trở ngại cho ai tìm hiểu Chúa không? Lối sống ấy có diễn tả tình yêu của bạn với Chúa không?

Chia sẻ: Sinh hoạt trong nhóm của bạn có điều gì phải thay đổi trước hết cho phù hợp với đỏi hỏi của Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Xét mình, chọn một tội thường phạm và quyết tâm chừa bỏ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa biến đổi con, dù sự biến đổi đó có làm con đau đớn, để con có được tinh thần mới phù hợp với Tin Mừng của Chúa.

 

 

 

 

05.07.15

CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – B

Mc 6,1-6

ẨN SỐ GIÊ-SU

 

“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,2)

Suy niệm: Những lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giê-su đã gây ra cho những người đồng hương của Ngài nhiều thắc mắc không có lời giải đáp. Trước mắt họ, Ngài chỉ là “con bác thợ Giu-se,” mà sao Ngài nói năng khôn ngoan như vậy? Ngài cũng là bà con lối xóm với họ, giống hệt như những người bình thường khác, mà sao Ngài làm được những phép lạ như thế? Nhìn vào cuộc sống quá bình thường của Đức Giê-su tại quê nhà, người ta không thể chấp nhận được Ngài là Đấng Thiên Sai. Ngài quả là một ẩn số.

Mời Bạn: Dù bị hiểu lầm, bị chối bỏ, Chúa Giê-su vẫn muốn cứu chuộc chúng ta bằng cách chia sẻ thân phận con người với chúng ta trong mọi ngóc ngách đời thường và cả đến những cảnh ngộ bi đát nhất, như một con người bình thường nhất trong nhân loại. Nhờ đó mỗi hành vi của chúng ta đều trở nên có ý nghĩa, có giá trị trước mặt Thiên Chúa nếu được kết hợp với Ngài, được làm trong Ngài, với Ngài. Để khám phá ẩn số Giê-su trong cuộc sống của bạn, của những người anh chị em bình thường bé mọn nhất, chúng ta cần đóng lại cặp mắt đầy thành kiến của mình và mở ra cặp mắt đơn sơ của trẻ thơ để nhìn thấy những ưu điểm của anh chị em mình.

Sống Lời Chúa: Trong ngày, nhiều lần nhớ tới Chúa và kết hiệp với Ngài trong suy nghĩ và công việc của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chấp nhận sống trọn kiếp con người để cứu độ chúng con. Xin cho con biết sống với Chúa, trong Chúa và cùng Chúa để mọi việc con làm trở nên có ý nghĩa và sinh ích lợi cho anh chị em con. Amen.

 

 

 

 

 

06.07.15

THỨ HAI TUẦN 14 TN

Thánh Ma-ri-a Gô-rét-ti, trinh nữ, tử đạo

Mt 9,18-26

PHỤC SINH: NIỀM AN ỦI LỚN LAO

 

Người nói: “Lui ra! con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. (Mt 9,24)

Suy niệm: Có chứng kiến, cảm nghiệm nỗi mất mát, đau buồn khi người thân qua đời mới thấy được giá trị của niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giê-su. Lúc ấy chỉ có niềm hy vọng vào sự sống lại của thân xác mới giúp chúng ta vượt qua được nỗi đau của thời khắc chia ly. Trong bài Tin Mừng, lúc đầu người ta chế nhạo Chúa Giê-su khi Người nói cô bé đang ngủ, nhưng sau đó đã phải đổi sang thái độ thán phục khi tận mắt chứng kiến Chúa cho em sống lại. Cũng vậy, niềm tin Phục Sinh của ta có thể bị người đời chê cười, nhưng lại là niềm an ủi lớn nhất giúp ta vơi đi nỗi đau mất người thân, không ngôn từ nào làm được điều này. Rồi cũng vì dựa trên niềm tin Phục Sinh ấy mà ta tiếp tục cầu nguyện cho người thân đã qua đời.

Mời Bạn: Trong thánh lễ an táng, bạn thường được nghe lời bài hát: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi… nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui”. Niềm tin đó đang chờ bạn thể hiện trong những hoàn cảnh khó khăn, để mọi người nhìn thấy cũng sẽ thốt lên: “Quả thật, người này là Ki-tô hữu.”

Chia sẻ: Bạn và tôi đã không ít lần chứng kiến những người thân ra đi. Chính đó là lúc chúng ta được mời gọi sống một cách mãnh liệt niềm tin vào sự phục sinh. Bạn đừng để nỗi đau lấn át niềm hy vọng lớn lao mà không phải ai cũng có bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Tin tưởng mạnh mẽ Chúa sẽ cho kẻ chết sống lại để siêng năng cầu nguyện và hy sinh cho những người đã qua đời.

Cầu nguyện: Hát bài: “Sự sống thay đổi mà không mất đi.”

 

 

 

 

 

07.07.15

THỨ BA TUẦN 14 TN

Mt 9,32-38

CON TIM CHÂN THÀNH

 

Đám đông kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” (Mt 9,33)

Suy niệm: Cũng một phép lạ cho người câm nói được của Đức Giê-su, nhưng ta nhận thấy hai phản ứng trái ngược nhau: đám đông dân chúng kinh ngạc ca ngợi, còn người Pha-ri-sêu lại ghen ghét vu oan. Một bên, “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” còn bên kia, “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Tại sao lại có tình trạng ấy? – Đám đông là những con người đơn sơ, đôi mắt trong sáng, không bị thành kiến nào làm “khúc xạ,” nên dễ dàng đón nhận con người và hành động của Đức Giê-su, vị Thầy luôn “chạnh lòng thương” trước sự lầm than của họ. Trái lại, người Pha-ri-sêu tự mãn về công trạng, điều kiện sống đầy đủ của mình, không cảm thấy nhu cầu cần đến Đức Giê-su, cũng như cần hoán cải để đón nhận Ngài.

Mời Bạn: Con người và sứ điệp của Chúa Giê-su đi vào lòng của những ai chân thành và khiêm cung. Chúa Giê-su không “lôi cuốn” đám đông đi theo mình để tạo một cuộc cách mạng nào đó, nhưng Ngài muốn quy tụ tất cả về một mối trong tình thương, tin nhận một Thiên Chúa luôn gần gũi, thông cảm, và chạnh lòng thương. Một con tim chân thành và thái độ cởi mở để đón nhận Ngài, cần lắm bạn à!

Sống Lời Chúa: Tôi suy niệm câu Lời Chúa: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!” (Ga 20,27), và niềm tin ấy phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin nhưng xin thêm lòng tin còn non yếu của con. Xin cho ánh mắt và lòng trí con chạm được đến vẻ đẹp của tình thương Chúa bằng sự chân thành và cởi mở, để trong mọi sự, con thấy Chúa luôn hiện diện và yêu thương, nâng đỡ từng bước đi trong đời con. Amen. 

 

 

 

 

 

08.07.15

THỨ TƯ TUẦN 14 TN

Mt 10,1-7

KHỬ TRỪ THẦN Ô UẾ

 

Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (Mt 10,5)

Suy niệm: Chúa Giê-su có quyền năng khử trừ các thần ô uế bởi vì Ngài là Chúa. Tuy nhiên, Ngài không giữ lại riêng cho mình, nhưng ban quyền ấy cho các Tông đồ và cho cả chúng ta nữa. Thần ô uế là thiên thần sa ngã, chống lại Thiên Chúa, nên cám dỗ con người phạm tội bất trung với Chúa. Chúng hiện diện khắp nơi trên thế giới qua các hình thức dối trá, tham lam, trộm cắp, giết người, gian tà, sa đọa… Khử trừ ma quỷ là một trong những dấu hiệu cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện. Thánh Am-rô-si-ô dạy rằng: “Chúa quyền năng, Đấng tẩy sạch tội lỗi và tha thứ các lỗi lầm chúng ta, Ngài che chở và gìn giữ chúng ta chống lại ma quỷ. Nhưng ai phó mình cho Thiên Chúa thì không sợ ma quỷ, bởi vì “có Thiên Chúa bênh đỡ, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31).

Mời Bạn: “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được” (1 Ga 5,18). Mời bạn canh tân đời sống bằng việc cầu nguyện, lãnh nhận bí tích, và sống Lời Chúa. Nhờ vậy, bạn tránh được mọi cám dỗ của ma quỷ làm bạn xa lìa Thiên Chúa, mất tình nghĩa với anh chị em trong gia đình, giáo xứ…

Sống Lời Chúa: Siêng năng cầu nguyện hằng ngày bằng việc đọc 5 phút cho Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để con có thể khử trừ mọi hình thức bất chính của ma quỷ, hầu xứng đáng là con của Chúa mãi mãi. Amen.

 

 

 

 

 

09.07.15

THỨ NĂM TUẦN 14 TN

Thánh Âu-tinh Dao Rong, linh mục và các bạn tử đạo

Mt 10,6-15

TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG

 

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”(Mt 10,8)

Suy niệm: Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy các ông cũng phải noi theo gương Ngài: cho đi vô điều kiện vì tình yêu tha nhân. Từ giờ phút này, các ông phải sắp xếp lại lối suy nghĩ, hành động của mình, phải từ bỏ cách nói, cách làm trước đây để có thể dấn thân cho sứ mạng. Sắp xếp lại là cách diễn dịch công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” mà hiện nay Giáo hội đang đề cập đến rất nhiều. Sắp xếp bao hàm sự chọn lọc: cái gì nên giữ, cái gì nên bỏ dựa trên những giá trị của Tin Mừng. Các ông phải rao giảng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỷ cách vô điều kiện, dám cho không như chính mình đã được cho không. Đó chính là tình yêu, là khởi điểm cho một tình yêu sâu xa và tận căn nơi các sứ giả Tin Mừng.

Mời Bạn: Là linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân… bạn đã cho không thế nào? Cho không là không nhắm đến một “hòn chì ném lại” cho mỗi “hòn đất ném đi,” dù đó là tình cảm, tiền bạc, đồ vật hay một mối tương quan từ người được thụ hưởng. Ai cũng có một cái gì đó tốt đẹp để cho không. Bạn cũng vậy!

Sống Lời Chúa: Động lực thúc đẩy các môn đệ ra đi theo lệnh truyền của Chúa Giê-su không gì hơn là lòng thương xót của Ngài. “Ngài chạnh lòng thương” họ như chiên bơ vơ không người chăm sóc. Động cơ thúc đẩy chúng ta đem tình cho không biếu không người anh chị em cũng không ngoài quĩ đạo ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, Chúa ban cho chúng con ơn huệ tuyệt vời là được nhận biết và yêu mến Chúa. Xin giúp chúng con biết “cho đi mà không cần tính toán,” bởi vì chúng con luôn ý thức mình không có gì mà đã chẳng lãnh nhận từ Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

10.07.15

THỨ SÁU TUẦN 14 TN

Mt 10,16-23

MỘT CHỖ CHO CHÚA THÁNH THẦN

 

“Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà Thần Khí của Cha nói trong anh em.” (Mt 10,20)

Suy niệm: Điều vẫn thường xảy ra với chúng ta là trong một số tình huống khó khăn hay tế nhị của một cuộc đối thoại nào đó, rất nhiều khi chúng ta tự nhiên “ứng đối hay hẳn lên” mà chúng ta cũng không ngờ. Sau đó, khi nhớ lại, chúng ta bảo: “Đúng là được Chúa soi sáng!” Là Ki-tô hữu, không phải chỉ trong cơn bách hại chúng ta mới phải làm chứng nhân cho Đức Ki-tô. Nhưng ai trong chúng ta cũng phải ít nhiều trải qua những nghịch cảnh, thách đố. Làm sao để làm chứng nhân trung kiên trong những hoàn cảnh đó? Chúng ta chỉ có thể “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” trong giờ phút kịch tính đó, nếu chúng ta biết để cho “Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”, tức là biết lắng nghe và hành động theo tiếng Chúa. Nhưng để Thánh Thần có thể làm việc trong chúng ta, chúng ta phải biết dọn chỗ cho Thánh Thần trước đã. Bạn đâu có muốn tâm hồn bạn ngập tràn mọi thứ đam mê, tội lỗi không có chỗ cho Chúa nữa, phải không?

Mời Bạn: Bạn thấy những đe dọa nào trong cuộc sống của chúng ta hôm nay có thể làm cho chúng ta không còn bền chí theo Chúa?

Chia sẻ: “Dĩ nhiên, không có ai ngăn cản được Chúa Thánh Thần, nhưng nếu chúng ta chuẩn bị một thái độ thích hợp, thì chắc chắn là chúng ta sẽ nhận được nhiều ơn Ngài hơn”, theo bạn điều này có mâu thuẫn không?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian thích hợp để tâm hồn thinh lặng, để những ưu tư thường ngày lắng xuống và xin mời Chúa đến ngự vào bạn.

Cầu nguyện: Hát một bài kính Chúa Thánh Thần.

 

 

 

 

 

11.07.15

THỨ BẢY TUẦN 14 TN

Thánh Bê-nê-đi-tô, viện phụ

Mt 10,24-33

YÊU CHÚA VƯỢT QUA SỢ HÃI

 

“Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta không biết.”(Mt 10,26)

Suy niệm: Nỗi sợ hãi làm con người không dám nhìn nhận sự thật, đối diện với sự thật và nói sự thật. Chẳng hạn, sợ bị kỳ thị, nhiều Ki-tô hữu không dám nhìn nhận căn cước của mình; sợ bị mất chức quyền, nhiều Ki-tô hữu không dám công khai sống đạo; sợ phải sống như lời Chúa dạy, nhiều Ki-tô hữu không dám đọc và suy niệm Lời Chúa, không dám dấn thân, không dám chịu thiệt thòi. Chúa Giê-su bảo chúng ta “đừng sợ”, bởi không gì có thể che giấu sự thật, mà sự thật lớn lao nhất là sự hiện diện của Chúa. Theo thánh Gio-an, sở dĩ người ta sợ hãi không dám nhìn nhận sự thật, bởi người ta thiếu tình yêu  Chúa. “Tình yêu thì không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18). Một khi tin yêu Chúa, Ki-tô hữu sẽ mạnh dạn xác nhận căn cước Ki-tô hữu của mình, sẽ can đảm sống lời Chúa dạy và sẽ dùng đời sống của mình minh chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Sự sợ hãi hiện nay của bạn là gì? Sự sợ hãi đó có làm bạn xa sự thật không? có làm bạn xa cách Thiên Chúa không? Nếu có như thế, Chúa mời bạn hãy can đảm sống tình thân với Chúa, chính tình thân này sẽ giúp bạn loại trừ mọi sợ hãi.

Sống Lời Chúa: Trình bày với Chúa nỗi sợ hãi hiện nay của bạn và xin Ngài ban ơn giúp bạn vượt qua nỗi sợ ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, điều con phải sợ hãi nhất là sợ làm buồn lòng Chúa. Xin cho con luôn tìm làm đẹp lòng Chúa, vượt thắng mọi thiệt thòi, thiệt thân, để chỉ tìm làm vui lòng Chúa mà thôi.

 

 

 

 

 

12.07.15

CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – B

Mc 6,7-13

BẠN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

 

Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai từng hai người một. (Mc 6,7)

Suy niệm: Khi sai các môn đệ lên đường vào sứ vụ, Đức Giê-su “chỉ thị các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được di dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6,8-9). Thế nhưng có một “hành trang” họ không thể thiếu, đó là một người bạn đường: Ngài sai các ông đi từng hai người một. Chúa Giê-su đặt các nhu cầu vật chất xuống hàng thứ yếu, và đưa sự hiện diện của một người bạn đồng hành trên đường truyền giáo lên hàng ưu tiên. Ngài không muốn họ đi một mình, mạnh ai nấy làm. Không! Ngài muốn các môn đệ của Ngài cộng tác với nhau trong việc truyền giáo, cùng đồng hành, cùng sống bên nhau, chia sẻ bàn bạc để nhận ra được điều Chúa muốn, nâng đỡ nhau về tinh thần, vật chất, cùng nhau đương đầu với những rủi ro, những thất bại, những bất trắc. Các tông đồ ngay từ đầu đã làm theo mệnh lệnh này của Chúa: các ông cùng đi với nhau trong các chuyến đi truyền giáo.

Mời Bạn: Loan báo Tin Mừng là sứ mệnh chung của toàn thể Hội thánh mà mỗi tín hữu phải dấn thân với người khác và nhờ người khác. Phải loại trừ chủ trương tạo “thành tích cá nhân” hay chuyên quyền độc đoán, thay vào đó là đối thoại, biết lắng nghe và mở rộng vòng tay để có thêm nhiều người cùng tham gia vào sứ mệnh của Hội thánh.

Sống Lời Chúa: Khi làm việc chung, bạn tập bàn hỏi, lắng nghe ý kiến anh em của các đoàn thể khác trong giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin gửi những người bạn đồng hành tâm phúc đến các nhà truyền giáo đang gặp thử thách khó khăn, để các ngài đứng vững trước mọi thử thách của đời truyền giáo.

 

 

 

 

 

13.07.15

THỨ HAI TUẦN 15 TN

Thánh Hen-ri-cô

Mt 10,34-11,1

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH ĐỂ THEO CHÚA

 

“Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39)

Suy niệm: Từ bỏ là qui luật của sinh tồn và phát triển. Người làm vườn phải tỉa bỏ những nhánh dại, cành khô để cây tăng truởng. Hằng ngày cơ thể chúng ta vẫn luôn hoạt động để loại bỏ những chất thải, những tế bào già nua, bệnh hoạn. Nếu những chất độc còn ứ đọng trong người, sự sống của chúng ta không những không phát triển mà còn bị đe dọa nữa. Trong đời sống siêu nhiên cũng thế. Nếu muốn tăng trưởng, chúng ta cũng phải chấp nhận qui luật từ bỏ: từ bỏ chính mình để theo Đức Kitô, sống theo mẫu gương và giáo huấn của Ngài. Can đảm từ bỏ tội lỗi, những tính xấu mê nết xấu sẽ đem lại cho ta sự tự do và giúp cho nhân đức được nảy nở không ngừng.

Mời Bạn: Nhiều khi vì vô tình, chúng ta dung dưỡng những cách ăn nết ở, những thói xấu làm hư hỏng đời sống chúng ta. Không ai có thể tự hào rằng mình đã hoàn thiện, và không còn gì để từ bỏ cả. Bao lâu còn sống, chúng ta còn phải khiêm tốn xét mình và sửa chữa. Phải kiên trì bắt đầu lại hằng ngày.

Chia sẻ: Kiểm điểm lại trong nội bộ nhóm, cộng đoàn, có điểm tiêu cực nào cần phải khắc phục không?

Sống Lời Chúa: Tôi cám ơn Chúa vì những tài năng, ơn phúc Chúa ban đồng thời nhận biết và sẵn sàng loại bỏ những gì cản trở ơn thánh hoạt động nơi tôi. Tôi cám ơn những ai đã giúp tôi nhận ra những nhược điểm của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa kêu mời chúng con “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện.” Xin cho chúng con kiên trì noi theo mẫu gương sống thánh thiện để chúng con ngày càng nên giống Chúa hơn.

 

 

 

 

 

14.07.15

THỨ BA TUẦN 15 TN

Thánh Ca-mi-lô Len-li, linh mục

Mt 11,20-24

TẬN DỤNG ƠN CHÚA BAN

 

“Đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,22)

Suy niệm: Phép lạ của Chúa không những biểu lộ quyền năng và tình yêu của Người, mà còn là lời mời gọi mọi người sử dụng ơn Chúa cho xứng đáng. Dân chúng ở Kho-ra-din, Bết-sai-đa và Ca-phác-na-um được chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm, lẽ ra, họ phải là những người tin Chúa trước hết. Thế nhưng đó lại là chính những người dân ở Tia, Xi-đôn, Sô-đôm. Vì thế, đến ngày phán xét, những người này sẽ được hưởng lòng khoan dung của Chúa hơn, vì Ngài là Đấng rất mực công bằng: “Hễ ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

Mời Bạn: Ngày hôm nay Thiên Chúa vẫn làm phép lạ. Kẻ được Chúa ban ơn này, người được Chúa ban ơn khác; có người được Chúa đặt làm những việc cao trọng, có người được Chúa đặt làm những việc xem ra tầm thường, mỗi người mỗi phận, nhưng mọi người đều được đầy ơn Chúa để chu toàn chức phận. Điều Chúa muốn là đừng để ơn Chúa ban ơn trở nên vô hiệu. Bởi đó người nhận ơn nhiều nên nhớ mình có trách nhiệm nhiều.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống để nhận ra ơn Chúa ban và dâng lời tạ ơn Ngài; đồng thời dùng ơn Chúa ban để làm việc phục vụ cho người anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con và ban cho con những ơn cần thiết để con trở thành người hữu dụng cho Chúa và cho người khác. Xin đừng để con trở nên vô ích, nhưng xin cho con biết đón nhận ơn Chúa với lòng biết ơn sâu xa và quyết tâm dùng ơn Chúa mưu ích cho phần rỗi của mình và làm sáng danh Chúa trong việc phục vụ anh chị em con.

 

 

 

 

 

15.07.15

THỨ TƯ TUẦN 15 TN

Thánh Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT

Mt 11,25-27

NẾU BIẾT MỞ LÒNG

 

“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Nghe những lời Chúa Giê-su giảng dạy, thấy những phép lạ Ngài làm, nhưng các nhà thông thái trong xã hội Do Thái bấy giờ – các Luật sĩ và Pha-ri-sêu – lại chống đối, lên án, dèm pha và tìm mọi cách để triệt hạ Ngài vì “họ có mắt như không thấy, có tai mà chẳng nghe.” Trong khi đó những người dân thường lại đón nhận được sứ điệp của Ngài và ngợi khen, tôn vinh, chúc tụng. Thật ngược đời nhưng đó là cách hành động khôn ngoan của Thiên Chúa: “mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.”

Mời Bạn: Ánh sáng vẫn đang chiếu tỏa bên ngoài, nếu bạn không mở cửa phòng mình thì căn phòng của bạn vẫn chìm trong bóng tối. Cũng vậy, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Thế nhưng, vì chạy theo trào lưu của xã hội hiện đại, vùi đầu trong mọi thứ công việc làm ăn, học hành của mình, chúng ta tưởng mình đang “thông sáng”, không cần mở cửa tâm hồn để đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa nữa: nhu cầu tâm linh bị lấn lướt bởi lý luận thực dụng tìm kiếm giàu sang, danh vọng…

Chia sẻ: Trong công việc hiện tại của bạn – học hành, làm ăn, giải trí, v.v… – bạn có dành thời gian cho Chúa không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian thích hợp để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa cơn lốc của công việc, giữa sức hút của giàu sang và tri thức, xin cho con biết sống tâm tình đơn sơ, bé nhỏ, luôn lấy ánh sáng Lời Chúa soi sáng sự lựa chọn của con. Amen.

 

 

 

 

 

16.07.15

THỨ NĂM TUẦN 15 TN

Đức Mẹ núi Cát-minh

Mt 11,28-30

HỌC Ở TRƯỜNG GIÊ-SU

 

 

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Ngày nay không khó để nhận ra rằng người ta hăm hở học văn hoá không phải để rèn luyện thành một con người có nhân cách tốt đẹp cho bằng thu thập kiến thức và kỹ năng để kiếm được một nghề nghiệp có thể đem lại địa vị cao, kiếm được nhiều tiền bạc. Khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn đó, nhưng trong thực tế, các môn học giúp rèn luyện các đức tính nhân bản bị coi thường. Ở trường học Giê-su, Ngài không dạy “kỹ năng” làm phép lạ hay trừ quỷ mà chỉ dạy về đức khiêm nhường và sự hiền hậu. Bài học chủ đạo này chính là lối sống của thầy Giêsu truyền đạt cho các môn hạ. Khuôn mẫu cho bài học là con người Đức Giê-su: nhân cách khiêm nhường và hiền hậu của Ngài thu hút các ông. Vì yêu mến Ngài, các ông nỗ lực học theo hai nhân đức ấy.

Mời Bạn: Bạn cũng được mời gọi làm môn sinh dưới mái trường Giê-su để thấm nhập tính cách hiền hậu và khiêm nhường của Ngài vào nếp sống hằng ngày của bạn. Khắc ghi điều này bạn sẽ nỗ lực rèn luyện để ngày càng trở nên giống Thầy Giê-su. Ngày “tốt nghiệp” của bạn dưới mái trường này sẽ là ngày bạn trở nên hoàn toàn giống với Ngài khi bạn được kết hiệp với Ngài trên Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Học theo mẫu gương của Thầy Giê-su, tôi tập luôn giữ thái độ hiền hòa trong cách ứng xử với mọi người chung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, là mẫu gương sống động cho con về lòng khiêm nhường và hiền hậu. Xin cho con bắt chước Chúa luôn sống hiền hòa, để mỗi ngày con được trở nên giống Chúa hơn.

 

 

 

 

 

17.07.15

THỨ SÁU TUẦN 15 TN

Mt 12,1-8

LÒNG NHÂN TRỌNG HƠN LỄ VẬT

 

“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.”(Mt 12,7)

Suy niệm: Ai cũng biết lòng nhân trọng hơn lễ vật nhưng lắm kẻ vẫn thích dùng lễ vật để “khuynh đảo” lòng nhân, khiến lòng nhân phải nghiêng ngửa! Hằng ngày chúng ta nghe nói đến biết bao nhiêu vụ tham nhũng hối lộ động trời xảy ra trên mọi lĩnh vực. Tiếp theo đó là biết bao việc làm sai trái được nhắm mắt làm ngơ. Hậu quả là những người thấp cổ bé miệng phải gánh chịu những bất công. Ôi! Phải chi người ta biết trọng lòng nhân hơn lễ vật thì đâu có chuyện người vô tội bị áp bức bất công! Một khi lễ vật bị đặt sai chỗ, bị dùng để mua chuộc, lấy lòng nhau thì lòng nhân sẽ không còn là lòng nhân nữa mà chỉ còn bất nhân.

Mời Bạn: Để được việc bạn dễ bị cám dỗ dùng lễ vật để mua chuộc, lấy lòng: có thưởng mới làm; có cho tiền mới đi học, đi lễ; có quà cáp mới tiến cử, tiến thân… Kết quả là lòng nhân ái, giá trị cao quý của nhân loại vẫn tiếp tục bị xói mòn, đục khoét. Thực ra lòng nhân tự nó là tốt, nhưng lòng nhân nơi những người không biết sử dụng lại là điều đáng ngại. Như thế để làm người “biết thương người” bạn hãy cho mà không mong được báo đáp và khi đó việc làm của bạn đã trở nên chính lễ vật đẹp lòng Chúa và có sức cải thiện phong hóa thế gian.

Chia sẻ: Khi người ta tham nhũng hối lộ, ai là người hưởng lợi, ai là người bị hại? Cái lợi có bù đắp được cái hại không? Mời bạn chia sẻ!

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết xây dựng lòng nhân ái một cách vô vị lợi như Chúa đã đối xử với chúng con.

 

 

 

 

 

18.07.15

THỨ BẢY TUẦN 15 TN

Mt 12,14-21

NGÀI LÀ AI?

 

“Đây là người Tôi Trung Ta tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.” (Mt 12,18)

Suy niệm: Cha Bernard Haring, trong quyển Giáo hội Cần Loại Linh Mục Nào? (Priesthood Imperiled…), đã trình bày rất hay về phép rửa của Đức Giê-su như một định hướng cho toàn bộ sứ vụ của người. Bốn “Bài Ca Của Người Tôi Tớ” là chương trình sống và hoạt động của Đức Giê-su, Đấng trở thành “một người trong chúng ta.” Người xoá mình, chìm khuất giữa người ta, không ồn ào, không cố gây ấn tượng, nên người ta không dễ gì nhận ra người. Chính nhờ xoá mình và nên “một trong chúng ta” như vậy, người đã có thể đồng hành, đồng cảm, chia sẻ và cứu chữa chúng ta là những cây lau bị giập, những tim đèn leo lét. Chính trong cung cách sứ mạng đó, Đức Giê-su được thấy rõ là Người Tôi Trung, người được Thiên Chúa yêu dấu.

Mời Bạn sống đời môn đệ theo cung cách Thầy Giê-su: loan báo Nước Thiên Chúa trong âm thầm khiêm tốn, cùng sống, đồng hành, chia sẻ với anh chị em mình. Nhiệt tâm loan báo công lý của Thiên Chúa và đưa công lý đó đến toàn thắng; nhưng không vênh vang, không hống hách trịch thượng, mà với một thái độ đơn sơ khiêm nhường.

Chia sẻ: Tôi phải sống thế nào để xứng đáng là môn đệ của Đức Giê-su, Người Tôi Trung, Con Yêu Dấu của Chúa Cha?

Sống Lời Chúa: Học với Đức Giê-su cung cách sống khiêm nhu, điềm đạm, ôn hoà, nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh, quan tâm phục vụ anh chị em mình và gieo vào lòng họ niềm vui và hy vọng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết sống đơn sơ, khiêm tốn để loan báo Tin Mừng bằng việc làm phục vụ anh chị em. Amen.

 

 

 

 

 

19.07.15

CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – B

Mc 6,30-34

NẠP NĂNG LƯỢNG CỦA CHÚA CHƯA?

 

 

“Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)

Suy niệm: Các môn đệ trở về quây quần bên Chúa hào hứng kể những thành tích giảng dạy của mình. Bầu khí bấy giờ thật ồn ào, náo nhiệt, tiếng cười nói không ngớt, ai cũng tranh nhau kể những “thành tích” truyền giáo của mình. Ấy thế mà Chúa Giê-su chẳng có một lời nào tâng họ bay bổng lên! Thật ngạc nhiên, Ngài chẳng vui mừng vì kết quả mỹ mãn, cũng chẳng khen ngợi tài năng của các môn đệ, mà chỉ nói ngắn gọn: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Nếu khoảng lặng trong bài hát cần thiết để làm cho ý nhạc thấm vào lòng người nghe, thì lời Chúa làm chững lại câu chuyện hào hứng của các tông đồ cũng giúp các ông nhận ra ý nghĩa cuộc đời tông đồ. Cần thiết phải “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”

Mời Bạn: Lắm khi trong cuộc sống xô bồ, bận rộn vì cơm áo gạo tiền, bận rộn trong việc đạo đức, lo tập hát, lo đoàn thể, lo các công việc bác ái, xã hội…, bạn quên đi việc “nạp năng lượng” từ Thiên Chúa. Hãy cảnh giác!

Chia sẻ: Khi làm việc tông đồ, bạn nghĩ bạn đang làm việc cho Chúa hay bạn đang làm việc với Chúa?

Sống Lời Chúa: Bạn có dành ra mỗi ngày mươi phút để thưa chuyện với Chúa không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã nhắc nhở chúng con qua Tin Mừng hôm nay rằng, đừng kể lể những gì mình đã làm, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự gặp gỡ thân mật với Chúa, nơi là nguồn sống của chúng con. Xin giúp chúng con khám phá ra sự ngọt ngào của Chúa mỗi ngày. Amen.

 

 

 

 

 

20.07.15

THỨ HAI TUẦN 16 TN

Thánh A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo

Mt 12,38-42

CÁM DỖ “DẤU LẠ”

 

“Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.” (Mt 12,38-39)

Suy niệm: Thời nào người ta cũng xin những điều mới lạ. Ngày xưa các kinh sư và Pha-ri-sêu đòi Chúa Giê-su làm dấu lạ. Ngày nay, dưới nhãn hiệu “hiện đại”, “đổi mới”, nhân loại đòi Thiên Chúa và Hội Thánh làm dấu lạ. Câu trả lời của Chúa Giê-su vẫn là, và phải là câu trả lời của Hội Thánh: đối với “thế hệ gian ác và ngoại tình”, sẽ chỉ có một dấu lạ duy nhất, dấu lạ Giô-na. Đó là dấu lạ của hạt lúa phải thối đi, chết đi để có thể trổ sinh, tăng trưởng.

Mời Bạn: Não trạng thực dụng của nền văn minh tiêu thụ ngày nay len lỏi vào mọi lãnh vực của cuộc sống, không loại trừ cả lãnh vực thánh thiêng. Cám dỗ “dấu lạ” mê hoặc tâm hồn nhiều người, cả giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân. Hơn lúc nào hết, để đối lại với nền “văn minh sự chết” này, cần có một cái nhìn đức tin trước những cám dỗ “dấu lạ”. Thay vì những hoạt động “phi thường” những trình diễn “ngoạn mục” để thoả mãn tính hiếu kỳ, người Ki-tô hữu biết sống “dấu lạ Gio-na” là hoàn thành những cái “bình thường”, thậm chí “tầm thường” nhỏ nhoi, nhưng bằng một cách “phi thường”.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm gì về hậu quả của việc “có mới nới cũ” không? Hoặc kinh nghiệm về việc âm thầm chu toàn nhiệm vụ từng ngày không?

Sống Lời Chúa: Chu toàn việc bổn phận hằng ngày của bạn trong tinh thần khiêm tốn, vui tươi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám dỗ “dấu lạ” thật hấp dẫn đối với chúng con. Xin giúp chúng con lướt thắng nó bằng cuộc sống hy sinh quên mình để phục vụ.

 

 

 

 

 

21.07.15

THỨ BA TUẦN 16 TN

Thánh Lô-ren-xô Brin-đi-xi, linh mục, tiến sĩ HT

Mt 12,46-50

CHẮP CÁNH CHO QUAN HỆ

GIỮA THIÊN CHÚA – CON NGƯỜI

 

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: Lời Chúa hôm nay có thể được gọi là lời chắp cánh cho quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Quan hệ này ít ai dám nghĩ hay mơ tưởng, đó là quan hệ mẹ – con Chúa dành cho ai biết nghe và đem ra thực hành Lời Chúa dạy. Người Tây phương có câu ngạn ngữ “máu thì đậm đặc hơn nước.” Thật vậy, không gì khắng khít hơn quan hệ ruột thịt: cha mẹ – con cái, anh – chị – em trong gia đình. Đối với Chúa, còn có một mối dây thân tình mang tính đại đồng hơn, đó chính là thi hành ý muốn Thiên Chúa. Mấu chốt của việc thực thi ý Chúa ấy là yêu Chúa: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,15), và là cơ sở xây dựng một cộng đồng nhân loại gắn bó hơn.

Mời Bạn: Ngày nay nhân loại có nhiều phương tiện hiện đại giúp mọi người gần gũi nhau hơn, nhưng cũng có nhiều cơ hội cho các xu hướng kỳ thị tôn giáo, màu da, sắc tộc trỗi dậy, lập hàng rào bảo thủ lấy mình, loại trừ người khác. Vì lẽ đó, Phúc Âm Hóa, làm cho mọi người nhìn nhận chân lý phát xuất từ một Cha trên trời, là giải pháp tối ưu xây dựng một thế giới đại đồng, huynh đệ.

Sống Lời Chúa: Không ai là một hòn đảo, con người là những mối tương quan. Mối tương quan lý tưởng nhất là coi nhau như anh chị em, con cái cùng một Cha trên trời. Đó là tiêu chí cho công cuộc loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết cùng nhau chia sẻ và đem Lời Chúa ra thực thi mỗi ngày trong môi trường sống của chúng con.

 

 

 

 

 

22.07.15

THỨ TƯ TUẦN 16 TN

Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la

Ga 20,1-2.11-18

NIỀM VUI GẶP CHÚA

 

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,18)

Suy niệm: Bàng hoàng trước ngôi mộ trống, bà Ma-ri-a Mác-đa-la tất tả đi tìm “Thầy Giê-su”, hay đúng hơn, bà đi tìm một chút dấu vết còn lại là thi hài bất động của Ngài. Thế nhưng, đang lúc bà ràn rụa nước mắt, nước mắt của một tình yêu thống khổ và tuyệt vọng, bà nhận ra người mà bà đã tưởng lầm bác làm vườn lại là chính Thầy Giê-su yêu dấu đang gọi bà với tất cả cung giọng trìu mến: “Ma-ri-a!” Như một chiếc lò xo bung ra mạnh mẽ sau khi bị ép tới cùng cực, lời đáp lại tức khắc của bà: “Ráp-bu-ni!” là tiếng vọng hoàn hảo trước tình yêu mến của Chúa. Không chỉ dừng lại đó, mà bằng một động tác cũng nhanh nhẹn không kém, bà chạy đi báo cho các môn đệ lý do đem lại niềm vui choáng ngợp và sự biến đổi đột ngột của mình: Bà đã gặp được Chúa phục sinh.

Mời Bạn: Bạn bế tắc trong cuộc sống do buôn bán làm ăn thất bại? Bạn khủng hoảng tinh thần vì bệnh tật ngặt nghèo, vì bất ổn gia đình? Bạn than khóc vì đứa con hư hỏng, người chồng say xỉn, bỏ bê công việc? Bạn đang đau khổ vì người vợ cờ bạc, đua đòi thời trang? Có một phương cách thần diệu cho bạn. Bạn hãy tìm vị thầy Giê-su, chạy đến với Ngài và dâng hết nỗi lòng của bạn. Chúa Giê-su quyền năng sẽ biến nước mắt của bạn thành niềm vui.

Sống Lời Chúa: Quì trước Thánh Thể Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin cho con gặp Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở đây bên con, nơi những người đang sống quanh con. Xin cho con khát khao gặp Chúa nơi họ để chúng con tràn ngập niềm vui có Chúa ở cùng.

 

 

 

 

 

23.07.15

THỨ NĂM TUẦN 16 TN

Thánh Bi-ghít-ta, nữ tu

Mt 13,10-17

HẠNH PHÚC LÀ KI-TÔ HỮU

 

“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.” (Mt 13,16)

Suy niệm: Thị giác và thính giác là những giác quan hết sức cần thiết và quan trọng của một con người. Có thể nói, chúng là cửa ngõ đưa con người hòa nhập vào cuộc sống chung. Không những thế, cặp mắt và đôi tai còn đem đến hạnh phúc lớn lao, khi cho con người được nhìn ngắm khuôn mặt hiền dịu của những người thân yêu, được lắng nghe những lời đầy yêu thương của bao người gần gũi. Song, là những người Kitô hữu, những người có đức tin vào Đức Ki-tô, hạnh phúc của chúng ta không dừng lại ở chỗ dùng thị giác và thính giác chỉ để nhìn ngắm những hình ảnh của con người và lắng nghe những âm thanh của nhân loại. Chúng ta thật sự hạnh phúc nhất khi cặp mắt và đôi tai của chúng ta được nhìn ngắm chính dung nhan của Chúa và được lắng nghe chính Lời của Ngài.

Mời Bạn: Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, bạn và tôi được nhìn ngắm Chúa Giê-su hiện diện trong Phép Thánh Thể và được lắng nghe Lời Ngài. Chính lúc ấy, cặp mắt và đôi tai của chúng ta thật có phúc. Ước gì chúng ta biết giữ gìn những giác quan đó khỏi những hình ảnh và âm thanh vô bổ, để chỉ hướng nhìn Chúa Giê-su và nghe Lời Chúa.

Chia sẻ: Bạn thật sự đã biết dùng cặp mắt và đôi tai của mình để chiêm ngắm Chúa Giê-su và nghe Lời Ngài hay chưa? Nếu chưa, bạn có quyết tâm nào?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian viếng Thánh Thể và đọc Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho chúng con có cặp mắt và đôi tai để nhìn ngắm Chúa và nghe Lời Ngài. Xin cho chúng con luôn biết sử dụng những giác quan đó theo ý Chúa muốn. Amen.

 

 

 

 

 

24.07.15

THỨ SÁU TUẦN 16 TN

Mt 13,18-23

NGƯỜI GIEO GIỐNG LẠC QUAN

 

“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.” (Mt 13,18)

Suy niệm: Những loài cây họ đậu có một khả năng đặc biệt. Bộ rễ của nó có những nốt sần tích tụ rất nhiều chất đạm. Khi nó chết đi, chất đạm trong bộ rễ của nó biến thành một thứ phân bón giúp cải tạo đất xấu thành đất tốt. Thiên Chúa chính là người chủ ruộng này. Ngài gieo hạt giống Lời Chúa vào mọi tâm hồn, bất kể người tốt kẻ xấu. Điều Ngài mong muốn là mọi tâm hồn đều phải được đón nhận Lời Ngài, dù họ chưa sẵn sàng, dù họ trổ sinh bông hạt ít hay nhiều. Ngài có lý do để lạc quan và hào phóng như thế không chỉ vì hạt giống Lời Chúa không bao giờ sợ cạn kiệt, mà còn vì Lời Ngài có sức cải tạo những tâm hồn sỏi đá, gai góc thành những cánh đồng màu mỡ tốt tươi.

Mời Bạn: Bạn có nản lòng vì mình nghe Lời Chúa đã nhiều mà chưa sinh hoa trái gì? Hoặc bạn có bi quan vì đã đổ ra biết bao công khó trong công việc tông đồ mà kết quả chỉ là số không? Mời bạn chiêm ngắm vị Thiên Chúa đầy lạc quan và nhẫn nại qua dụ ngôn người gieo giống và bạn ghi nhớ Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…” (2 Tm 4,2-5).

Chia sẻ: Bạn có sáng kiến gì để phát triển việc Chia Sẻ Lời Chúa trong giáo xứ, gia đình, hoặc cộng đoàn của bạn?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian thích hợp để suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tâm hồn con có chai lì khô cứng, Chúa cũng không coi đó là một mảnh đất bỏ đi. Xin cho con không bao giờ nản lòng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, và cho con biết luôn quảng đại nhiệt thành rao giảng Lời Chúa cho anh chị em con.

 

 

 

 

 

25.07.15

THỨ BẢY TUẦN 16 TN

Thánh Gia-cô-bê, tông đồ

Mt 20,20-28

MUỐN GÌ VÀ XIN GÌ?

 

Bấy giờ, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su… Người hỏi bà: “Bà muốn gì?… Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì!” (Mt 20,20-22)

Suy niệm: Trong những dịp lễ hội tại các đền thánh, chùa chiền, miếu mạo, một hiện tượng đã trở thành phổ biến là rất đông người chen chúc tuôn đến cầu xin. Dù tôn giáo hay tín ngưỡng khác nhau, dù động cơ và mục đích không ai giống ai, nhưng hầu như ai cũng chung một điệp khúc “cầu được ước thấy”, “xin ơn như ý”, v.v… “Như ý” đây là như ý mình, “cầu ước” cũng là cầu ước của riêng mình. Ba mẹ con gia đình ông Dê-bê-đê cũng mang nặng thái độ đó khi họ xin cho hai quý tử được ngồi “hai bên tả hữu” trong Nước của Chúa. Chính vì thế, Chúa Giê-su lưu ý họ với giọng trách móc: “Các người không biết các người xin gì!” Điều Ngài mong muốn là thái độ sẵn sàng chung phần “chén đắng” với Ngài và để cho Thiên Chúa quyền an bài số phận của mỗi người.

Mời Bạn: Lắm khi chúng ta “lầm địa chỉ”, coi Thiên Chúa như một thứ “Thần Tài”. Mời bạn xét mình xem bạn thường cầu nguyện thế nào: Lời cầu xin của bạn có nhằm để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” không? Hay chúng đang phản ảnh những nhu cầu và ước muốn đậm màu thế tục của bạn? Ghi nhớ lời dạy của Chúa Giê-su: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Sống Lời Chúa: Trước mọi biến cố vui buồn bạn tạ ơn Chúa và Cầu nguyện: “Xin cho ý Cha thể hiện.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con ơn Thánh Thần soi sáng, để chúng con nhận biết việc phải làm và cầu xin điều Chúa muốn.

 

 

 

 

 

26.07.15

CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – B

Ga 6,1-15

CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG

 

Khi họ đã ăn no nê rồi, Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (Ga 6,12)

Suy niệm: Thế giới chúng ta đang sống rất tự hào về sự dư dật của cải và lương thực. Những phát minh khoa học cung ứng thừa mứa nhu cầu tiêu dùng của con người. Thế nhưng, giữa xã hội này lại có vô số con người đang sống nhờ những đống phế thải, không biết ngày mai sẽ ăn gì. Phải chăng chúng ta không bị mê lầm khi cho rằng hễ cứ cấm người nghèo xuất hiện trên đường phố thì sẽ hết tình trạng nghèo đói sao? Tại sao nhân loại hôm nay thành công trong những công trình táo bạo và quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa, mà lại không xóa bỏ được tình trạng nghèo đói? Phải chăng một trong những nguyên nhân vẫn còn người nghèo hôm nay là bởi lòng của mỗi chúng ta quá sức bẩn chật, nên không thấy người nghèo, không trợ giúp người nghèo? Nếu nơi mỗi chúng ta còn có một tấm lòng, thì ít nữa sau khi đã no nê rồi, chúng ta nhớ lời Chúa để “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Tối thiểu là như thế, nhưng để thực hiện điều tối thiểu đó đòi hỏi mỗi người phải có một tấm lòng rộng mở tối đa.

Mời Bạn: Ai là người nghèo chung quanh bạn? Họ đang thiếu thốn của ăn, áo mặc, thiếu niềm khích lệ, ủi an, hay thiếu niềm tin? Mời bạn quan sát, tìm kiếm câu trả lời, và có hành động cụ thể.

Sống Lời Chúa: Thực hành một nghĩa cử chia sẻ là làm vơi đi phần nào cái nghèo của người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì con quá nghèo tấm lòng, nên quanh con có nhiều người nghèo. Xin cho con giàu lòng yêu thương, để người nghèo quanh con bớt đi tủi hổ.

 

 

 

 

 

27.07.15

THỨ HAI TUẦN 17 TN

Mt 13,31-35

NƯỚC TRỜI… HẠT CẢI… NẮM MEN…

 

“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải… Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men…” (Mt 13,31.33)

Suy niệm: Chúa Giê-su không định nghĩa Nước Trời như một tổ chức chính trị ở một nơi nào đó bên ngoài thế giới này, đứng đầu là một vị vua hay tổng thống gì đó với đầy đủ cơ cấu ban bệ. Nhưng Ngài kể cho chúng ta nghe câu chuyện Nước Trời. Nước đó giống như hạt cải, nắm men, vì Nước đó thật nhỏ bé và đang ở trong giai đoạn phát triển. Nhưng Nước đó có sức sống thật mạnh mẽ như hạt cải và sức hoán cải thật sâu rộng như nắm men. Quan trọng hơn nữa, chính các tín hữu là những nhân tố làm cho Nuớc ấy phát triển, và môi trường hoạt động của những “hạt cải, nắm men” ấy bắt đầu không ở đâu xa mà ở ngay trong thế giới này, từ môi trường sống thường ngày của chúng ta.

Mời Bạn: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Đất nước thịnh hay suy, người thường dân cũng phải có trách nhiệm). Chuyện đời đã thế, chuyện Nước Trời cũng không khác. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, bạn đã là một phần tử trong Nước Trời. Bạn có trách nhiệm đối với Nước đó. Bạn đã góp phần của mình thế nào để làm cho Nước Trời lớn lên nơi khu xóm, gia đình, cộng đoàn của bạn?

Chia sẻ: Theo Niên Giám năm 2005 dân số Việt Nam năm 2004 là 82.320.147 người, trong đó dân số Công giáo là 5.667.428 người tức là 6,88%. Bạn nghĩ gì về con số này sau hơn 400 truyền giáo tại Việt Nam?

Sống Lời Chúa: Tham gia một công tác xã hội, và trước đó dành ít phút cầu nguyện xin Chúa thánh hoá việc đó.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

 

 

 

 

 

28.07.15

THỨ BA TUẦN 17 TN

Mt 13,36-43

SỰ DỮ LUÔN CÓ MẶT

 

“Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Mt 13,40)

Suy niệm: Vào đầu tháng 6 năm nay, dịch bệnh Mers-Cov (một loại bệnh viêm đường hô hấp) xuất hiện tại Hàn Quốc và trở thành dịch bệnh có lây lan nhanh chóng và gây tử vong cao. Sự lo lắng trước dịch bệnh cũng lây lan nhanh không kém như khi dịch bệnh Sars xuất hiện trong năm 2003 làm gần 1000 người thiệt mạng và dịch Ebola năm 2014 đã lấy đi hơn 3000 mạng người. Đành rằng những sự dữ như chiến tranh, tội ác… là do con người gây ra, nhưng còn những tai họa như dịch bệnh, thiên tai thì sao? Làm sao có thể lý giải? Người ta sẽ tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ lại có mặt trên đời. Qua sự dữ, Thiên Chúa cho thấy ý định nhiệm mầu của Ngài. Ngài dựng nên những quy luật tự nhiên và Ngài tôn trọng những quy luật đó cũng như tôn trọng sự tự do của con người. Thiên Chúa luôn biết cách dùng những sự dữ đó để dạy dỗ con người qua những đau khổ và sự dữ ấy.

Mời Bạn: Đời sống đức tin mời gọi bạn đón nhận những đau khổ và sự dữ trong niềm tín thác vào Chúa, vì “Không có gì xảy ra mà không do Chúa muốn, mà tất cả những gì Ngài muốn, dầu có vẻ ác hại đến đâu, cũng là điều tốt nhất cho ta” (GLHTCG 313).

Chia sẻ: Cuộc đời bạn hẳn đã từng gặp những thử thách và đau khổ? Bạn đã đón nhận điều đó với thái độ nào?

Sống Lời Chúa: Khi gặp đau khổ, thử thách, thay vì than vãn, bạn dâng lên Chúa một lời cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những gian truân và thử thách, xin cho con luôn biết sống phó thác và tìm được bình an trong Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

29.07.15

THỨ TƯ TUẦN 17 TN

Thánh Mác-ta

Ga 11,19-27

TIN THẦY LÀ ĐỨC KI-TÔ, CON THIÊN CHÚA

 

“Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.” (Ga 11,27)

Suy niệm: Qua việc cho La-da-rô sống lại, Chúa Giê-su dẫn đưa Mác-ta tiến sâu vào con đường đức tin, giúp cho cô vững tin Ngài chính “là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (c.27). Đối với Mác-ta, niềm vui này còn lớn hơn niềm vui tìm lại được người em đã chết, bởi vì niềm tin ấy đưa cô đến sự sống đời đời: “Ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (c.26). Tin vào con người Đức Ki-tô thì cũng đồng thời là tin vào Lời của Ngài, bởi vì Ngài chính là Ngôi Lời (Ga 1,1), và Lời Ngài là Lời hằng sống, Lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68).

Mời Bạn: Giữa cơn thử thách lớn lao, Mác-ta đã gặp Đức Ki-tô, và lời Ngài đã vực chị dậy để chị đứng vững trong niềm tin. Bạn đã làm gì khi gặp thử thách trong đời sống, trong đức tin? Trong năm Sống Lời Chúa, bạn được mời gọi năng đọc, suy niệm và sống Lời Chúa. Việc này phải dẫn bạn đến chỗ tin tưởng vào Ngài mỗi ngày một hơn.

Chia sẻ: Khi gặp thử thách mới thấy niềm tin của mình như thế nào! Bạn hãy cùng bạn bè, người thân chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi đối diện thử thách, dựa vào gương của Mác-ta trong câu truyện Tin Mừng hôm nay, và hãy khích lệ nhau vững tin vào Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tập thói quen khi gặp thử thách lớn nhỏ, nhớ đến một câu Lời Chúa, để tâm niệm, và xin ơn kiên vững trong niềm tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con bài học về đức tin của Mác-ta. Ước gì những thử thách con gặp phải, không đẩy con xa Chúa, nhưng giúp con thêm vững tin vào Chúa, và dẫn con đến sự sống đời đời.

 

 

 

 

 

30.07.15

THỨ NĂM TUẦN 17 TN

Thánh Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT

Mt 13,47-53

NƯỚC TRỜI NHƯ MẺ LƯỚI

 

“Nước Trời giống như chiếc lưới… người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,47-48)

Suy niệm: Để vào được đại học, phải qua bao nhiêu năm tháng chuyên cần đèn sách, bao nhiêu đêm thức trắng để có thể “chọi” được trong kỳ thi tuyển vã mồ hôi; để được đi làm cho một công ty, ứng viên phải trải qua phỏng vấn, phải thử thách trình độ, tay nghề; để đi nước ngoài, người ta cũng phải qua phỏng vấn, thị thực visa. Nói chung, cuộc sống đầy những sàng lọc, những tiêu chí, những điểm chuẩn khách quan đến mức lạnh lùng, mà chiếu theo đó sẽ có kẻ đậu người rớt. Nước Trời cũng vậy, giống như “một mẻ lưới gom đủ thứ cá” để rồi sẽ được phân loại: “cá tốt cho vào giỏ, cá xấu vứt ra ngoài.” Nước Trời có tiêu chuẩn rõ ràng. Muốn vào đó, tôi phải là “cá tốt.”

Mời Bạn: Hình dung cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình – và chính mình trong đó – như một mẻ lưới. Nếu lúc này đây, mẻ lưới được “kéo lên bãi,” liệu tôi sẽ được xếp loại “cá tốt” hay “cá xấu”? Bạn nhớ tiêu chuẩn Nước Trời không có loại cá làng nhàng nửa tốt nửa xấu đâu nhé.

Chia sẻ: “Tốt” là một tính từ quá khái quát. Theo bạn, trong cuộc sống hôm nay, “tốt” theo tiêu chuẩn Nước Trời bao hàm những gì cụ thể?

Sống Lời Chúa: Sống theo các giá trị của Tin Mừng Đức Giê-su – chứ không theo bất cứ ai khác, bất cứ chủ nghĩa hay trào lưu nào khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết đảm bảo chỗ cho mình trong Nước Trời chung cuộc, bằng cách ngay từ bây giờ, chúng con sống theo hiến chương Nước Trời, là các Mối Phúc mà Chúa đã rao giảng. Amen.

 

 

 

 

 

31.07.15

THỨ SÁU TUẦN 17 TN

Thánh I-nha-xi-ô Lô-yô-la

Mt 13,54-58

CUNG KÍNH THỜ PHƯỢNG CHÚA

 

“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13,54)

Suy niệm: Sự quen thuộc dễ phát sinh thái độ khinh thường. Có người còn nghĩ rằng cho dù nó không gây ra thái độ đó, thì nó cũng lấy đi sự thán phục. Trong bài Tin Mừng, ta gặp trường hợp ngược lại: có những người đồng hương với Chúa Giê-su thán phục sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng, điều kỳ diệu qua phép lạ Ngài làm, nhưng không chấp nhận sứ điệp triều đại Cứu thế của Ngài (x. Lc 4,18-22) chỉ vì họ quá quen thuộc với lý lịch và gia thế của Ngài. Họ đánh giá Ngài qua dòng tộc, liên hệ gia đình, chứ không dựa trên chính bản thân Ngài. Coi thường bản thân người rao giảng, nên họ đã không nhận ra sứ điệp của người ấy. Họ đánh mất cơ hội nhận được ơn cứu độ từ người đồng hương quen thuộc của mình.

Mời Bạn: “Gần chùa gọi bụt bằng anh” có thể là thái độ của bạn, ngay cả trong việc thánh thiêng nhất là thờ phượng Thiên Chúa. Cười giỡn, nói chuyện ồn ào, chưa cung kính đủ khi ở trong nhà thờ, không sốt sắng dọn mình và cám ơn mỗi khi rước vị khách cao quý nhất của vũ trụ là Chúa Giê-su Thánh Thể… là vài thí dụ tiêu biểu cho thái độ bất xứng của tạo vật dành cho Đấng Tạo Hóa của mình.

Sống Lời Chúa: Dù quen thuộc với các nghi thức phụng vụ, tôi vẫn luôn giữ thái độ cung kính ở nơi thánh thiêng, cũng như sốt sắng, tôn kính Chúa Giê-su mỗi khi rước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con xin lỗi Chúa vì sự lơ là, chưa quan tâm đến Chúa đủ mỗi khi rước Chúa. Xin tha thứ cho chúng con, và giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng, sốt sắng kết hiệp với Chúa trong giây phút trọng đại ấy. Amen.