Có thể bạn chưa biết!

Nếu không có cặp mắt tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm và một niềm đam mê tìm kiếm, bạn sẽ không thể khám phá ra bất kỳ điều gì trong nhân gian này. Đó có thể là những điều xem ra vô cùng giản dị, nhưng lại có sức tác động kỳ lạ và đem lại cho cuộc sống con người những giá trị nhân sinh cao quý. Một trong muôn vàn những điều kỳ diệu ấy phải kể đến bức hình ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP – một kiệt tác Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, mà có lẽ đôi lần trong cuộc đời, bạn và tôi đã vô tình lãng quên. Nhân dịp Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 27/6, tác giả bài viết xin được chia sẻ đôi điều về bức hình mang tên Mẹ.

Vào năm 1855, các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (CSsR) tậu được một khu đất tại Villa Caserta và cả một mảnh đất khác – nơi nhà thờ Thánh Mathew trước kia đã từng tọa lạc. Tại đó, các Ngài đã cho xây dựng nhà thờ Thánh Anphongso – Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. Khi tìm hiểu về lịch sử khu đất này, các Tu sĩ mới biết sự thật về bức hình MẸ HẰNG CỨU GIÚP một cách tường tận và chính xác hơn. Khi đó, Michael Marchi đang là một Tập sinh của Dòng, Thầy nhớ lại những điều vị Tu sĩ già Orsetti đã kể trước đó, và Thầy đã cùng các anh em trong Dòng cố gắng tìm lại bức hình. Sau đó, Chân phúc Giáo hoàng Pio thứ IX đã ban đặc ân cho Dòng Chúa Cứu Thế được bảo quản bức hình, và có bổn phận phải cổ võ cho toàn thế giới lòng sùng kính Mẹ Maria với tước hiệu MẸ HẰNG CỨU GIÚP.

Sau đó ít lâu, vào năm 1866, bức hình đã được tôn kính tại chính địa điểm giữa hai đại Thánh đường Đức Bà Cả và đại Thánh đường Thánh Gioan Laterano. Ngoài ra, bức hình này cũng được treo trong nhiều Nhà thờ và Nhà nguyện trên khắp thế giới. Có những Thánh đường treo ảnh gỗ, hoặc in trên giấy lồng trong khung kính, hoặc cũng có thể thêu trên một tấm vải nhỏ. Bức ảnh này khác hẳn với những bức tượng Đức Mẹ người Công giáo tạc vẽ theo nét văn hóa của Tây phương. Những nét vẽ mang đậm dáng dấp nền văn hóa thần học đạo đức Đông phương –truyền thống của gia đình phụng vụ Byzantin. Đang khi nét vẽ về Đức Mẹ theo văn hóa Tây phương có màu trắng là gam màu chủ đạo, pha trộn thêm màu xanh nhạt, thì nét vẽ Byzantin lại lấy màu vàng làm màu nền pha lẫn màu xanh đậm tối và đỏ.

Khi chiêm ngắm bức hình, có lẽ chúng ta cảm thấy có cái gì đó xem ra quen thuộc và gần gũi. Trung tâm của bức hình là chân dung Đức Mẹ và Hài nhi Giêsu, với hai Tổng lãnh Thiên Thần Micae và Gabrien chầu trực hai bên. Các chữ trên bức hình được viết bằng tiếng Hy Lạp. Hai Tổng lãnh Thiên Thần trên tay đang cầm những hình cụ tử nạn là thánh giá, lưỡi đòng, mạo gai và bọt biển. Chúa Giêsu khi nhìn thấy tương lai ấy đã hoảng sợ, Ngài nép sát vào lòng Đức Mẹ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào thập giá. Đồng thời, chiếc giầy bên chân phải của Ngài bị tuột ra – một chi tiết biểu hiện việc Người vội vã chạy đến cùng Mẹ.

Trái lại, Mẹ Maria, mặc dù tay Mẹ vẫn nắm chặt tay Chúa để an ủi Người, nhưng ánh mắt của Mẹ dường như không nhìn vào Chúa Giêsu mà lại nhìn ra bên ngoài. Ánh mắt sầu thương ấy như hướng về đoàn con cái đau khổ của Mẹ đang lam lũ trên trần gian. Mẹ muốn yêu thương, chăm sóc, nâng đỡ và muốn lôi kéo tất cả nhân loại về với Mẹ. Ngôi sao sáng trên vầng trán biểu trưng cho địa vị cao sang của Mẹ trước tòa Thiên Chúa. Bởi lẽ, theo văn hóa thần học Đông phương, Mẹ Maria được sánh ví như ngôi sao dẫn đường chỉ lối, giúp nhân loại hướng về Chúa Giêsu. Do đó, Mẹ đích thực là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của toàn thể nhân loại chúng ta. Bên cạnh đó, một tay của Mẹ nắm chặt lấy bàn tay của Chúa, điều này cũng đồng nghĩa với việc Mẹ muốn đoàn con cái đang trong cuộc lữ hành trần gian này, cũng hãy luôn chạy đến nương ẩn bên trái tim nhân lành của Chúa Giêsu – Con chí ái của Mẹ. Thành ra, qua bức hình, ta khám phá ra được nét đẹp tinh tuyền, tấm lòng bao dung ẩn chứa nơi khuôn mặt khả ái của Mẹ. Mẹ đã thực hiện trọn vẹn sứ mạng ngôn sứ của mình, là đem Chúa đến cho toàn thể nhân loại.

Đôi điều mô tả về bức hình Mẹ Hằng Cứu Giúp trên đây không phải là quảng cáo cho một kiệt tác nghệ thuật, nhưng tác giả hy vọng khơi dậy trong tâm hồn bạn đọc ngọn lửa yêu mến Mẹ Maria. Bởi lẽ, Mẹ là Đấng luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp gian nan, khốn khó trên đường đời. Chúng ta hãy năng chạy đến kêu cầu Mẹ với niềm tin tưởng mãnh liệt: “Từ xưa đến nay, chưa thấy ai kêu cầu Mẹ mà Mẹ không nhận lời” để nhờ Mẹ dẫn chúng ta đến gặp Chúa Giêsu Con yêu dấu của Mẹ.

Tác giả bài viết: Nt. M. Fx. Huyền Nhiệm – FMSR FMSR