TUẦN XVI MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN B
Mc 6,30-34
“Ra khỏi thuyền,
Đức Giêsu thấy một đám người rất đông
thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”
(Mt 6,34)
Chúng ta vừa nghe một trong những đoạn Tin Mừng đẹp nhất trong Kinh Thánh. Đẹp trong hình ảnh và đẹp cả trong ý nghĩa. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một hình ảnh rất cảm động: Chúa ở giữa dân của Người. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy lý do tại sao Chúa lại làm như thế: Vì Chúa thương. Vì yêu thương cho nên Chúa luôn ở giữa dân của Người.
A. Thiên Chúa luôn yêu thương những ai tin ở Người. Tình thương ấy rất cụ thể, được biểu lộ qua việc Người luôn lưu tâm lo lắng cho những người đó. Bài sách Thánh thứ nhất chúng ta vừa nghe chứng minh một phần nào điều đó.
Như một mục tử tốt luôn biết lo lắng, bảo vệ cũng như săn sóc cho đoàn chiên thế nào thì Chúa cũng bảo vệ, săn sóc, lo lắng cho những ai biết tin tưởng vào Chúa như thế… và có thể nói là còn hơn thế. Chúa biết thật rõ:
a. Một con chiên không có người chăn, sẽ không tìm được đường đi.
Nếu bị bỏ mặc một mình, chúng ta cũng có thể bị lạc lõng trong cuộc sống như thế. Thi sỹ Dante có lần đã nói: “Tôi tỉnh dậy giữa rừng và trời tối đen, trước mặt tôi chẳng thấy có con đường nào trống trải cả”. Cuộc đời có thể có những lúc khiến chúng ta bối rối lạc lõng như vậy. Chúng ta có thể gặp những ngã tư đường mà không biết phải đi lối nào. Chỉ khi được Chúa hướng dẫn, chúng ta mới biết rõ con đường phải đi.
b. Một con chiên không người chăn sẽ không tìm được đồng cỏ và thức ăn.
Sống trên đời này chúng ta phải tìm kế mưu sinh. Nếu chúng ta tìm nó ở một nơi nào đó ngoài Chúa, tâm trí chúng ta sẽ không bao giờ được thoả mãn, tấm lòng chúng ta sẽ không được yên nghỉ, và linh hồn chúng sẽ không bao giờ được no đủ. Chúng ta chỉ có thể tìm được sức lực của đời sống thật từ nơi Đấng vốn là Bánh Hằng Sống của chúng ta.
c. Một con chiên không có người chăn sẽ không được ai bảo vệ chống lại với những nguy hiểm đang đe dọa nó. Nó không thể một mình tự vệ chống lại với bọn trộm cướp và đám thú rừng.
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta không thể sống một mình, không thể tự mình sống. Không ai có đủ sức để có thể tự vệ với những cám dỗ luôn tìm đủ cách tấn công ta. Chỉ khi nào chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể bước đi trong thế gian mà vẫn giữ được áo xống mình khỏi sự ô uế của đời này. Không có Ngài chúng ta sẽ không thể tự vệ, với Ngài chúng ta được an toàn. Đó là chân lý.
Sự săn sóc của Chúa thật chu đáo. Tắt một điều là Chúa muốn cho những ai theo Chúa luôn có được sự bình an và hạnh phúc. Nhưng tiếc một điều là nhiều khi con người không nhận ra được điều đó. Và chính vì thế mà nhiều khi họ cảm thấy dường như Thiên Chúa chẳng lưu tâm gì đến mình.
Đức Cha Tihamer Toth có kể một câu chuyện như thế này trong cuốn sách Ngài viết gửi cho các bạn trẻ.”Một hôm kia có một chàng thanh niên vô rừng đốn củi. Đến trưa anh ta tìm đến một gốc đa cổ thụ thật lớn để nằm nghỉ cho đỡ mệt. Nằm dưới gốc cây nhìn lên anh thấy những cành lá thì thật là rườm rà nhưng những quả đa thì trái nhỏ, anh phải cố gắng lắm mới nhìn thấy. Thấy như vậy nên anh ta ngó thầm:
“Lạ thật. Cây thì khổng lồ. Lá thì lớn mà trái thì nhỏ xíu! Thật là chẳng cân xứng tí nào”.
Rồi anh ta tự nghĩ:
– Nếu tôi mà là Chúa thì tôi sẽ cho cây đa mang trái to như trái bí, lá to như lá chuối. Như thế mới cân xứng. Tội cho cây bí! Thân thì yếu ớt mà lại phải đeo những trái lớn. Cây chuối mảnh khảnh mà lại phải mang những tấm lá to như tấm phản. Quả thật là Chúa chẳng công bằng tí nào… Hay là không có Chúa… mọi loài mọi vật đều tự nhiên mà có!.
Suy nghĩ miên man như vậy được một lát thì anh thiếp ngủ đi lúc nào mà anh cũng chẳng hay. Giữa lúc anh ngủ say như thế thì có một cơn gió lốc thổi rất mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi của anh một trái đa. Anh giật mình tỉnh dậy vừa xít xoa vừa suy nghĩ:
– May quá, phải mà trái đa lớn như trái bí thì kể như là bữa nay mình tận số rồi. Thế ra Đức Chúa Trời khôn ngoan thật. Ngài xếp đặt tất cả rồi đấy chứ. Thảo nào mà người ta thường nói: “Trái dừa rớt bao giờ cũng tránh người”. “Quả sầu riêng bao giờ cũng rơi vào ban đêm”. Công việc của Chúa thật là kỳ diệu. Bằng tình yêu thương Người luôn lo lắng cho chúng ta.
B. Bước qua Bài Tin Mừng, Tình thương của Chúa được biểu lộ dưới một khía cạnh khác. Người dạy dỗ chúng ta. Chúa thực sự quan tâm đến nhu cầu của chúng ta.
Sau những ngày thực tập truyền giáo mệt nhọc, Chúa Giêsu với các môn đệ Ngài quả đã không tìm được sự nghỉ ngơi như mình mong muốn.
Đám đông thấy Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài ra đi. Từ chỗ Chúa Giêsu xuất phát đến nơi mà Chúa Giêsu với các môn đệ định tới cách xa khoảng bốn dặm đườngvượt biển bằng thuyền, nhưng nếu phải đi bộ vòng bờ hồ thì đường đi đến mười dặm. Vào ngày lặng gió hay có gió ngược thì một chiếc thuyền vượt quãng đường này phải tốn khá nhiều thời gian, còn người khoẻ chân có thể đi bộ vòng bờ hồ và đến nơi trước khi thuyền cập bến. Sự việc đã xảy ra ngay ở điểm này. Lúc Chúa Giêsu và các môn đệ vừa bước ra khỏi thuyền, thì chính đoàn dân mà Chúa và các môn đệ của Ngài muốn lánh mặt để tìm thời giờ nghỉ ngơi đã chờ sẵn đó rồi. Họ đang nóng lòng chờ đợi những điều Ngài có thể ban cho họ.
Thật là rất dễ bực bội với đám đông, dễ cảm thấy họ đã gây phiền toái cho Ngài. Họ đâu có quyền xâm phạm vào đời sống riêng tư của Ngài bằng những đòi hỏi liên tục như vậy? Ngài không có quyền được nghỉ ngơi yên tịnh và có thời giờ dành riêng cho mình sao? Nhưng Chúa Giêsu đã không màng tới điều đó, chẳng những Ngài không thấy họ gây phiền hà mà còn động lòng trắc ẩn xót thương họ.
Chúng ta hãy cám ơn Chúa. Vì nhờ Lời Người dạy dỗ mà bao nhiêu con người trên thế giới từ trước cho đến hôm nay đã tìm ra cho đời mình một ý nghĩa, một hướng đi, giúp cho họ biết sống một cuộc đời cao cả và tốt đẹp hơn.
Tôi nhớ một câu chuyện trong cuộc đời của Augustinô. Hôm ấy Augustinô vừa thực hiện xong một cuộc tranh luận. Trở về nhà bạn của mình là Alpius, ông cảm thấy tâm hồn vô cùng trống rỗng. Lúc đó tự nhiên ông nghĩ tới Chúa, ông buột miệng thưa với Ngài: “Lạy Chúa, đến bây giờ, đến bây giờ Chúa còn nổi giận sao? Chúa không xóa đi những lỗi lầm quá khứ của con ư? Bao lâu nữa? Bao lâu nữa? Ngày mai ư? Đến mãi ngày mai sao? Tại sao không lập tức ngay bây giờ.” Thế rồi ông khóc, khóc như một đứa trẻ. Một ông tiến sĩ giáo sư đại học khóc… khóc như một đứa trẻ. Tâm hồn ông bị dày vò. Bỗng nhiên ông nghe thấy từ ngôi nhà bên cạnh tiếng nói của một em bé nói vọng sang: “Hãy cầm lấy và đọc đi. Hãy cầm lấy và đọc đi.” Nét mặt ông đổi sắc. Ông không khóc nữa. Ông chạy thẳng lại chỗ Alpius cầm lấy cuốn thư của Phaolô gửi cho giáo đoàn Roma. Im lặng. Ông từ từ mở ra và đọc thấy ngay ở đầu trang những lời như thế này: “Anh em chớ sống trong say sưa, trong lạc thú dâm ô, trong cãi cọ và phân bì nữa – Nhưng hãy mặc lấy Chúa Kitô và đừng quá chăm lo về xác thịt và làm phỉ lòng nó.”
Ông gấp lại, không đọc thêm nữa. Bằng ấy thôi cũng đã đủ để ông nhận ra được ánh sáng và con đường. Ông quyết định làm lại cuộc đời. Ông cho Mẹ ông biết quyết định đó. Và bà nói đây là ngày đẹp nhất trong cuộc đời của Bà.
Vâng Augustinô đã trở lại thực sự. Ông quay hẳn một góc 180 độ. Sự trở lại của Ông đã đem lại không biết bao nhiêu lợi ích cho các linh hồn. Bằng cương vị của một Linh mục rồi một Giám mục, Augustinô đã giúp cho rất nhiều người tìm về với Chúa. Và ngày nay trên Thiên đàng với vai trò một vị Thánh, Thánh tiến sĩ của Hội Thánh hẳn là sự trợ lực của Augustinô đối với Giáo Hội và chúng ta còn tốt đẹp hơn nữa.
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta khám phá ra được những giá trị cao cả của Lời Chúa để Lời của Chúa giúp chúng ta biết sống một cuộc sống tốt đẹp xứng đáng với danh nghĩa là con Thiên Chúa hơn. Amen.
THỨ HAI TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Mt 12,38-42
“Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.
Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào,
ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.”
(Mt 12,39)
1. Những người Pharisêu và luật sĩ thách thức Chúa làm một phép lạ. Chúa thừa sức làm những phép lạ như họ yêu cầu. Nhưng như chúng ta thấy trong Tin Mừng, xem ra như Chúa muốn người ta nhận ra tình thương của Chúa qua những dấu chỉ nhiều hơn. Dấu chỉ thì kín đáo, đơn sơ, là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt, mở lòng ra là có thể thấy ngay.
Đây là một thí dụ: Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Gioan Maria Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. Rất may lúc ấy địa phận đang trải qua một thời gian thiếu linh mục nên thầy Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào cũng… trượt.
Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí … nên gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:
– Thầy có lòng đạo đức không?
– Thưa có.
– Thầy có kính mến phép Thánh Thể?
– Thưa có.
– Thầy có siêng năng lần hạt không?
– Thưa có.
Cha chính địa phận quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu khảo hạch mãi thì cũng chẳng đi đến đâu, không bao giờ đỗ được”.
Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa. Năm 1925, Đức Piô XII đã đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ.
Vâng, chẳng ai thấy được sự thánh thiện đạo đức như thế nào. Ta không cân-đo-đong-đếm được sự thánh thiện đạo đức nhưng ta có thể nhận ra được sự thánh thiện đạo đức qua các dấu chỉ bên ngoài. Thầy Vianney dốt nát, nghèo khổ nhưng thầy không bao giờ bỏ lần chuỗi, không bao giờ quên viếng Thánh Thể mỗi ngày. Những việc làm như thế là những dấu chỉ để bề trên nhận ra thầy có ơn gọi và quả thực bề trên đã không sai lầm.
2. Dấu chỉ không thiếu nhưng vấn đề là chúng ta có đọc ra được ý nghĩa của những dấu chỉ xảy ra hằng ngày ngay trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hay không. Rất nhiều khi chúng ta sống chẳng khác gì những người mà Kinh Thánh nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu”(Mt 13,13-14).
Thí dụ như khi gặp một tai nạn, khi có được một tin vui, khi được chứng kiến cảnh một người mù mới được phục hồi thị giác, khi một người mẹ mới sinh được một người con v.v… Ta có hiểu được ý nghĩa qua những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra như thế hay không? Tại sao? Và qua những điều ấy, Chúa muốn nói với ta điều gì?
Một vị Giám Mục trong một chuyến đi công tác, phải đi ngang qua một giáo xứ nhỏ ở ngoại thành. Ngài tạt xe vào thăm. Khi vừa tới nơi thì ngài thấy có một lớp Giáo lý dành cho người dự tòng đang học. Hỏi cha xứ, ngài mới biết lớp này sắp mãn khóa và các học viên lớn tuổi này sẽ được chịu Bí Tích Thánh Tẩy.
Vị Giám Mục chợt nảy ra ý muốn, muốn kiểm tra trình độ Giáo Lý của họ nên hỏi:“Theo các anh chị, dựa vào đâu mà người khác có thể nhận ra các anh chị là người Công giáo?”
Mọi người nhìn nhau, không thấy ai lên tiếng trả lời. Rõ ràng đây là một câu hỏi quá bất ngờ. Vị Giám Mục lập lại câu hỏi thêm nhiều lần nữa, và ngài đã kín đáo làm một dấu Thánh Giá nhỏ trên ngực như để muốn nhắc khéo một câu trả lời đúng đắn cho cả lớp học và cũng là để gỡ thể diện cho cha xứ…
Bất ngờ, một người dự tòng đứng dậy và mạnh dạn trả lời: “Thưa Đức Cha, theo con nghĩ, dấu chỉ để mọi người biết chúng con là người Công giáo, chính là… Tình Yêu ạ!”
Vị Giám Mục, và cả cha xứ lúc ấy đều suýt buột miệng bảo: “Sai” nhưng cả hai đều kịp dừng lại, các ngài thấm thía hơn ai hết câu trả lời của người dự tòng trẻ tuổi kia.
Vâng, người đó đã trả lời rất đúng, không những đúng bài bản mà còn đúng ý Chúa nữa.
Chắc không ai trong chúng ta quên lời của chính Chúa Giêsu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau”(Ga 15,35).
Khi người ta hỏi về nạn phá thai thì mẹ Têrêsa trả lời: “Đối với tôi, đây là dấu chỉ cho thấy hoặc là xứ sở này quá nghèo đói đến nỗi không thể chăm sóc cho những cuộc sống Chúa dựng nên, hoặc dân chúng nước này đang phạm phải một sai lầm to lớn”.
Lạy Chúa!
Tình thương không bao giờ miễn cưỡng.
Nhưng là niềm vui, tự do, sức mạnh.
Tình thương diệt sự bối rối.
Ở đâu thiếu tình thương,
ở đó sợ hãi và buồn chán xuất hiện.Tình thương là hân hoan.
Tình thương là nhiệt hứng.
Tình thương là mạo hiểm.
Tình thương là quảng đại,
Tình thương là trao đổi.
Ai cho nhiều, thì được nhiều.
Vì chúng ta có những gì chúng ta cho. Amen.
THỨ BA TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Mt 12,46-50
“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi,
Đấng ngự trên trời,
người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
(Mt 12,50)
1. Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay rõ ràng là nhằm đề cao những người biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chúa quý trọng họ hơn những người có liên hệ huyết nhục với Ngài.
Matthêô không nêu lên lý do tại sao mẹ và anh em Chúa Giêsu lại đến tìm Ngài. Cái đó có lẽ không cần thiết. Matthêô chỉ muốn tạo cho Chúa Giêsu một dịp để bộc lộ tư tưởng của Ngài về mối liên hệ mới, mối liên hệ đích thực của mọi người với Chúa:“Ai là mẹ tôi và anh em tôi?”(Mt 18,48).
Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa người nghe đến một sự so sánh giữa liên hệ huyết thống và liên hệ đức tin. Chúa không phủ nhận Đức Maria là thân mẫu của mình cũng như không phủ nhận anh em trong dòng họ của mình, nhưng từ dòng họ theo huyết thống, Chúa Giêsu đưa mọi người nghe đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em của Ngài: Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói:“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi”.(Mt 12,49). Và Chúa còn giải thích thêm: “Phàm ai thi hành muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên Trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”(Mt 12,50). Nói cách khác, quan hệ với Thiên Chúa phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều.
2. Suy gẫm đến đây tự nhiên một câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta là: Vậy thì tôi đã là anh em của Chúa chưa? Trong cuộc sống, tôi đã thi hành thánh ý Chúa chưa? Và ai trong chúng ta dám mạnh dạn trả lời là có?
Một lần nữa, Lời Chúa lại cật vấn chúng ta, bắt chúng ta phải suy nghĩ lại cách sống của chúng ta, ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Bởi vì, như Chúa nói: “Con cái thì mới được ở trong nhà”. (Ga 8,35)
Nhìn lại cuộc sống cụ thể của chúng ta, chúng ta phải thú nhận rằng, thường chúng ta hay làm theo ý ta hơn là ý Chúa. Có những lúc chúng ta biết đó là không hợp ýChúa vậy mà chúng ta vẫn cứ làm. Cũng có những lúc chúng ta biết Chúa muốn cho chúng ta làm thế này nhưng chúng ta vẫn lại làm thế khác.
Đây là dịp chúng ta phải điều chỉnh lại, củng cố lại mối giây liên hệ của chúng ta đối với Chúa. Cách tốt nhất vẫn là thực hành những gì Ngài muốn.
Thánh Franҫois De Sale nói: “Làm theo Thánh ý Chúa chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt tình nữa.”
Abraham Lincoln là tổng thống Hoa Kỳ lần kia vào một bệnh viện, tổng thống thấy một thương binh trẻ, chân bị bó bột trông rất đau đớn. Tổng thống thông cảm và tỏ ra lòng biết ơn đối với người lính trẻ đã hy sinh cho tổ quốc và đồng bào. Tổng thống cúi xuống hỏi:
– Bạn cần tôi giúp gì không?
Người lính không nhận ra người hỏi mình là ai, nhưng cũng khiêm tốn đáp lại rằng:
– Nhờ ông viết dùm cho tôi lá thư, gởi về thăm cha mẹ tôi.
Tổng thống đã viết theo lời đọc của người lính: Ba mẹ kính mến, con là Josepth đã bị thương nặng, nhưng may còn sống. Con gửi lời thăm mến ba mẹ, nhất là con cám ơn ba mẹ đã dạy dỗ, nên con đã biết làm trọn bổn phận của người Công giáo. Bác sĩ bảo: chắc con khó lành hẳn được. Con cầu Chúa chúc lành cho ba mẹ, xin Chúa cho ba mẹ cũng như con được lòng vâng theo thánh ý Chúa. Cho con hôn hai em con là Jean và Marie.
Ký tên: Josepth.
Tiếp đó tổng thống ghi thêm “thư này do Abraham Lincoln viết giùm”. Khi anh thương binh trẻ đọc lại lá thư, anh rất kinh ngạc, vì thấy tên tổng thống ký ở dưới, anh liền nhìn tổng thống với lòng kính phục và hỏi:
– Thưa Ngài, vậy Ngài là tổng thống nước Mỹ?
Tổng thống trả lời:
– Phải.
Rồi tổng thống nói tiếp.
– Bạn đã nhận ra tôi là tổng thống, bạn còn muốn tôi giúp gì nữa?
– Xin Ngài nâng đỡ cẳng chân đau của tôi một chút,
Tổng thống ngồi xuống giường, bên cạnh thương binh với tấm lòng biết ơn của một vị Tổng thống. Tổng thống đã nâng đỡ cẳng chân đau của người thương binh trẻ suốt đêm mà ngủ.
Vâng, một tấm gương quá đẹp.
Để kết thúc tôi xin gửi mọi người lời cầu nguyện của một người bệnh nhân:
Lạy Chúa Giêsu, cơn bệnh Chúa gởi đến con,
Con xin vâng nhận như một hồng ân từ tay Chúa.
Tuy nó hành hạ xác con, nhưng nó làm con nên giống Chúa hơn.Xin dạy con biết cam chịu nỗi đau đớn này như Chúa.
và xin biến những đau khổ thành lợi ích cho những người con yêu thương.Một lần nữa, con xin dâng Chúa xác thân,
ý chí, ưu tư, thao thức, những chiến đấu, và cả đời sống con.Con tin tưởng
đặt quãng đời quá khứ con trong tay Chúa,
nó là bạn con để Chúa thanh luyện,
còn hiện tại để Chúa thánh hóa
và tương lai con để Chúa uốn nắn,
chăm lo như lòng Ngài mong ước.Lạy Chúa, con chỉ còn một ý muốn đó là chu toàn Thánh Ý Chúa.
(Ludovic Giraud)
THỨ TƯ TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,1-9
“Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.”
(Mt 13,3)
1. Chúa Giêsu đã dùng việc gieo giống, tức là một sinh hoạt rất bình thường và gần gũi của cuộc sống để trình bày Giáo Lý của Ngài. Ngài có một cách nhìn và những ý nghĩ rất sâu sắc về những sự việc bình thường này.
Tất cả những sự việc bình thường hằng ngày đều có thể trở thành đề tài cho chúng ta chiêm ngưỡng và rút ra những bài học bổ ích. Xin Chúa cho chúng ta biết nhìn, biết chiêm ngưỡng và một thiện chí muốn học hỏi từ những việc bình thường trong cuộc sống hằng ngày.
Người gieo giống đã gieo hạt giống khắp nơi, một cách có thể nói là phung phí. Hằng ngày và hằng tuần, Chúa cũng ban Lời Chúa cho chúng ta một cách rất quảng đại: Khi chúng ta dự Thánh lễ, khi chúng ta nghe giảng, khi chúng ta đọc sách đạo đức, khi chúng ta nguyện gẫm, khi chúng ta nghe huấn đức, khi chúng ta học.
Cám ơn Chúa về lòng quảng đại của Người.
2. “Có những hạt rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả, hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13,8).
Tại sao lại có sự khác biệt về kết quả như thế?
Có một yếu tố quan trọng mà ít người hiểu. Đó là ngoài yếu tố của con người còn có sự can thiệp của Thiên Chúa: “Apôllô trồng, Phaolô tưới và Chúa cho mọc lên” (1 Cr 3,6). Người Việt Nam của chúng ta cũng có một ý tương tự: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Ngày mai và ngày mốt chúng ta sẽ được Chúa giải thích rõ ràng hơn. Theo tinh thần của bài Tin Mừng thì yếu tố con người cũng rất quan trọng.
Người nông dân thường nói: nhất thủy, nhì phân, tam cần, tứ giống. Phải có nước, có phân, phải cày xới thật nhiều thì hạt giống mới mọc được.
Cách đây hơn 23 thế kỷ, nhà toán học Euclide, thành Athène ở Hylạp, đến thành Alexandria để mở trường dạy học. Vua Ptolémée nước Ai Cập lúc đó dẫn hoàng tử Seronus đến xin học và nhà vua xin ông dạy môn toán sao cho thật dễ bởi vì Seronus là hoàng tử.
Euclide trả lời:
– Tâu đức vua, không có lối học đế vương. Mọi môn đồ giàu cũng như nghèo đều phải hết sức tập trung ý chí và cố gắng làm việc hăng say thì mới có kết quả. Cách ngôn nói: “Không bao giờ thời tiết làm nên một thủy thủ”. “Đại dương dễ dàng rơi ra những viên sỏi nhưng dấu kín những hạt ngọc”.
Nếu kiến thức cũng chỉ có được hiệu quả nơi những người có tim óc thuận lợi, thì Lời Chúa cũng thế. Lời Chúa cũng chỉ có kết quả nơi những tâm hồn biết đón nhận và sẵn sàng.
Trong kho tàng những câu chuyện dạy đời, người ta đọc được câu chuyện vui này: Có một người đi biển tình cờ gặp phải nạn sóng to gió lớn khi thuyền của ông đang vượt biển khơi như các môn đệ trong Tin Mừng. Và trong trận cuồng phong bão tố thập tử nhất sinh ấy, ông cũng thấy Đức Giêsu đang đi trên mặt biển tiến về phía ông. Nhớ lại đoạn Tin Mừng, ông kêu to: “Lạy Chúa, nếu thật là Ngài, xin hãy cho tôi cũng đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Đức Giêsu bảo: “Hãy lại đây”.
Nghe thế, ông vội mặc chiếc áo an toàn và phao cứu hộ, xong xuôi ông nhảy xuống nước tiến về phía Đức Giêsu bất chấp sóng to gió cả. Đức Giêsu mỉm cười đưa tay đón lấy ông và hỏi:
– Tại sao con nghi ngờ Lời Ta nói, hỡi kẻ kém lòng tin.
Nghĩ mình bị Chúa trách oan, ông vội vã cãi lại.
– Đâu có, con có nghi ngờ Lời Chúa nói bao giờ đâu.
Chúa lắc đầu hỏi:
– Thế tại sao con lại mặc chiếc áo an toàn và phao cứu hộ trước khi con tiến về phía Ta?
Nhìn hai vật vô ích trên mình, ông gãi đầu thưa:
– Cái này…, những cái này con mang theo chỉ để phòng hờ!
Đây có lẽ cũng là thái độ của rất nhiều người trong chúng ta.
Ngược lại, tại một thôn của người dân tộc. Có một gia đình kia rất nghèo nhưng lại đạo đức. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên mùa màng gặt về năm nào cũng dư ăn. Ngặt một nỗi là bà con chung quanh thường hay thiếu hụt. Họ chạy đến chị K’Bông vay mượn, hẹn đến mùa sau sẽ trả. Có nhiều người mượn đã mấy mùa rồi mà vẫn chưa có để trả. Gia đình tỏ vẻ không bằng lòng. Một hôm bà mẹ của chị gọi chị lại nói:
– Sao mà mày ngu vậy? Bạ ai cũng cho mượn hết, người ta không trả cho mày thì lấy gì mà ăn?
Chị mỉm cười trả lời:
– Mẹ này, không sao đâu! Mình nghe Lời Chúa dạy: cho mượn là việc mình phải làm, còn trả lại là việc của người ta!
Như vậy, hạt giống Lời Chúa có sinh hoa kết quả hay không là tuỳ ở mỗi người. Người dám can đảm đem Lời Chúa vào cuộc sống thì kết quả sẽ thật dồi dào, còn những ai chỉ nghe không thôi thì Lời Chúa chẳng khác gì bị rơi vào chỗ đầy gai góc, sỏi đá. Tâm hồn mỗi người chúng ta như thế nào thì mỗi người chúng ta phải tự trả lời trước mặt Chúa.
Lạy Chúa, con tin Chúa, con tin Chúa hết lòng. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,10-17
“Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa;
còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.”
(Mt 13,12)
1. Chúa Giêsu giải thích cho các tông đồ về việc Ngài dùng dụ ngôn để giảng dạy. Lý do rất dễ hiểu là vì đạo của Chúa là đạo từ Trời.
Bởi vậy trong lời rao giảng, Chúa Giêsu hay sử dụng dụ ngôn để giúp cho dân chúng hiểu những mầu nhiệm cao siêu dễ dàng hơn. Thực ra khi nói về Nước Trời, một thực tại không dễ diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có cố gắng diễn tả, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hoặc nói như lời thánh Phaolô: “Đây là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm” (1Cr 2,9). Thực tại ấy, không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không” (Mt 10,11). Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin Chúa, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm Chúa mạc khải. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các luật sĩ và Pharisêu, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe” (Mt 13,13.16).
2. Vấn đề còn lại của chúng ta hôm nay là làm sao chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa những dụ ngôn của Chúa?
Như trên tôi vừa nói: Muốn hiểu được Lời Chúa, nhất là những lời được diễn tả bằng dụ ngôn thì cần phải có hai đức tính quan trọng này: Đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Không có hai đức tính đó thì có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc. Đúng như Lời Chúa quả quyết: “Họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe” (Mt 13,14).
Đây là câu chuyện tôi lấy xuống từ Internet. Câu chuyện có tựa đề là: “Những Bài Học Từ Trẻ Thơ”.
Khi đứng trên cánh đồng sau mùa thu hoạch, tôi chỉ nhìn thấy mảnh đất nứt nẻ với những gốc rạ khô cằn. Còn các con của tôi, chúng nhìn thấy những bông hoa dại rực rỡ có cánh trắng muốt, mịn màng mà chúng có thể hái tặng mẹ.
Khi có một người say rượu cười với tôi trên đường, tôi thấy đó là một gã đàn ông bẩn thỉu, hôi hám, khiến tôi có cảm giác ghê sợ nên vội nhìn đi chỗ khác. Các con tôi lại thấy nụ cười thân thiện trên môi ông và chúng cũng đáp lại bằng những nụ cười.
Khi nghe bản nhạc mình yêu thích, tôi ngồi một mình, lặng lẽ thưởng thức những giai điệu ngọt ngào của nó. Trong khi đó, các con tôi lại rủ nhau nhảy theo điệu nhạc, hát to thành tiếng và đôi khi còn tự đặt lời hát mới cho riêng mình.
Khi đang trên đường mà bị một cơn gió thốc vào mặt, tôi cảm thấy bực bội vì mái tóc rối tung, thậm chí còn phải giảm tốc độ lại. Các con tôi thì nhắm mắt, dang rộng hai tay, mơ bay theo gió, thậm chí còn ngã lăn ra đất và cười vang.
Khi cầu nguyện, tôi thường khấn xin những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mình, còn các con tôi lại thì thầm: “Cám ơn Ngài đã ban cho chúng con những người bạn tốt. Xin giúp chúng con không gặp ác mộng trong giấc ngủ đêm nay. Cảm ơn vì Ngài đã thương yêu và luôn phù hộ chúng con”.
Khi bước qua vũng sình, tôi thấy đôi giày bê bết bùn và nghĩ đến tấm thảm sẽ bị bôi bẩn. Các con tôi lại thấy một trò vui mới với những cây cầu mà chúng sẽ xây bằng bùn bắc qua dòng sông nhỏ. Mùa mưa là một mùa tuyệt vời để chúng say mê chơi đùa với những con giun dễ thương đang sống trong vũng sình bùn ấy.
Tôi thường dạy các con những điều lớn lao trong cuộc sống, mong chúng sẽ có thể thích ứng được với cuộc đời đầy rẫy những hiểm nguy và cạm bẫy này. Nhưng các con tôi lại dạy tôi những bài học bổ ích hơn. Chúng chỉ cho tôi cách hòa nhịp với cuộc sống, cách thưởng thức từng ngày bằng tâm hồn rộng mở để nhận thấy cuộc đời đáng sống hơn nhiều.
Quả thật tâm hồn rộng mở là chìa khoá giúp ta hiểu được những điều lạ lùng ngay trong cuộc sống này.
Có lần Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con đội ơn Cha vì đã không mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”(Mt 11,25).
Những kẻ bé mọn ở đây chính là các môn đệ và những người bình dân nghèo khó.
THỨ SÁU TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,18-23
“Còn kẻ được gieo trên đất tốt,
đó là kẻ nghe Lời và hiểu,
thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm,
kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
(Mt 13,23)
1. Chúa Giêsu giải thích về ý nghĩa của những loại đất. Các loại đất Chúa nói ở đây chính là hình ảnh của những người nghe Lời Chúa.
Có người chỉ nghe một cách hời hợt. Họ được ví như những mảnh đất ở vệ đường. Lời Chúa như hạt giống rơi vào chỗ đất khô, khó mà có thể bén rễ và nảy mầm.
Có những người nghe một cách thành tâm nhưng không kiên vững. Họ được ví như những mảnh đất pha lẫn đầy đá sỏi. Lời Chúa có thể nảy mầm nhưng khó mà phát triển.
Có người cũng thành tâm nghe nhưng đồng thời lại lo lắng về nhiều việc khác. Họ được ví như những mảnh đất bị gai che phủ chèn ép, nên không thể sinh hoa kết trái được.
Và cuối cùng, có những người nghe và cố gắng thi hành. Họ được ví như những mảnh đất tốt. Hạt giống Lời Chúa có đủ điều kiện để nảy mầm, phát triển và sinh nhiều hoa trái.
2. Đây là dụ ngôn được chính Chúa Giêsu giải thích. Dụ ngôn này nhắm vào hai hạng người: hạng người thứ nhất là những người nghe Lời, nhưng đồng thời dụ ngôn cũng đề cập đến những người giảng Lời. Dụ ngôn không chỉ có ý nói với đám đông đang lắng nghe, nhưng còn muốn nói cho nội bộ các môn đệ nữa.
Chúng ta tự hỏi, Chúa muốn điều gì khi kể dụ ngôn này?
* Trước hết Chúa muốn cho họ hiểu rằng, trong khi đi gieo Lời Chúa hay truyền đạo, người môn đệ của Chúa không được nản lòng. Bởi thế, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu đôi khi có sự nản lòng và thất vọng trong lòng các môn đệ. Vậy thì dụ ngôn này phải là bài học đem lại sự khích lệ cho các ngài.
* Thứ đến, họ phải luôn xác tín rằng, dù khi gieo vãi có khó khăn đến đâu đi nữa thìmùa gặt chắc chắn cũng phải đến. Không có nông gia nào lại nghĩ rằng, tất cả các hạt giống mình gieo xuống đều đơm bông kết hạt. Sẽ có một số bị gió cuốn đi,một số rơi nhằm những chỗ không thể mọc được, nhưng điều đó không thể trở thành cớ để bỏ việc gieo hạt, cũng như không vì thế mà làm cho niềm hy vọng về mùa gặt không còn. Khi gieo hạt, người nông dân phải luôn tin tưởng rằng, dầu có phải mất đi một số hạt nhưng nhất định cuối cùng, mùa gặt cũng phải đến. Những người đi gieo Lời Chúa, đi giảng đạo cũng phải có niềm tin như thế.
* Cuối cùng, dụ ngôn cũng còn ngầm dạy rằng, trong khi chờ đợi hạt giống nảy mầm và sinh hoa kết quả thì người gieo giống phải biết kiên trì:
– Khi một người ra đi gieo giống, anh không thể và không được trông đợi có kết quả tức khắc. Trong thiên nhiên, sự tăng trưởng không bao giờ vội vã, phải mất một thời gian dài để hạt giống đơm bông kết trái. Và để hạt giống được nảy mầm đem lại hoa trái trong lòng người ta thì có thể còn phải mất một thời gian dài hơn nữa. Lời Chúa có thể rơi vào lòng người ta trong thời niên thiếu và cứ nằm yên đó cho đến một ngày nó sẽ thức tỉnh và cứu vớt họ khỏi những sự cám dỗ lớn, giải thoát linh hồn họ khỏi sự hư mất đời đời.
Ông H.L.Gee có thuật lại câu chuyện sau đây. Tại nhà thờ nơi ông thường lui tới để tham dự các giờ thờ phượng, có một cụ già cô độc tên Tôma. Cụ sống rất thọ, thọ hơn bạn bè cụ, nên hầu như không còn ai biết cụ nữa. Lúc cụ Tôma qua đời, ông Gee nghĩ rằng, sẽ chẳng có ai thân thiết tiễn đưa cụ. Nghĩ thế nên ông quyết định phải đi với cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đúng là không có ai đi tiễn đưa cụ cả. Hôm đó trời lại mưa tầm tã. Người nào người nấy ướt như chuột. Khi quan tài gần đến nghĩa trang, thì ông thấy có một quân nhân đang đứng ở cổng chờ. Đó là một sĩ quan…. nhưng trên áo mưa không thấy quân hàm. Người đó đến bên huyệt dự lễ an táng. Lễ xong, ông ta tiến đến trước huyệt đưa tay lên chào theo nghi thức dành cho một vị vua. Rồi… ông Gee và quân nhân đó cùng đi về. Khi họ đang đi, gió thổi bật cái áo mưa của vị sĩ quan và ông Gee chợt nhìn thấy quân hàm của ông ta: quân hàm thiếu tướng. Vị sĩ quan nói với ông Gee: “Có lẽ ông ngạc nhiên không hiểu tôi đến đây làm gì. Nhiều năm trước đây, cụ Tôma là giáo viên dạy giáo lý ở nhà thờ tôi. Tôi là một thằng bé ngỗ nghịch và là một thứ gai nhức nhối cho cụ. Cụ không hề biết cụ đã làm gì cho tôi, nhưng cả đời tôi mang ơn cụ và hôm nay tôi phải đến để nghiêng mình chào tiễn biệt cụ lần cuối cùng”.
Đúng là cụ Tôma không biết được việc mình đã làm, không một giáo sư hay một nhà truyền đạo nào biết được những việc làm của mình sẽ ra sao. Công tác của chúng ta là gieo ra không chút nản lòng và phần còn lại hãy để cho Chúa.
THỨ BẢY TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,24-30
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt:
hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi,
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13,30)
1. Nghe dụ ngôn cỏ lùng này, ai trong chúng ta cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói đến tình trạng của Nước Trời hay nói cụ thể hơn, đó là Giáo Hội của Chúa ở trần gian. Giáo Hội này bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu.
Chúng ta hãy nghe một mẩu chuyện nhỏ sau đây:
Susan giơ tay về phía những trẻ bụi đời đang phá phách trên đường phố, nói với người bạn của mình: “Đã hai ngàn năm từ khi Chúa Giêsu đến thế gian, nhưng thế gian vẫn đầy dẫy những người xấu. Ngài chẳng thay đổi được gì”.
Người bạn của Susan nhìn qua bên trái, bên phải thấy những trẻ mặt mày lem luốc, liền nói: “Xà bông đã phát minh từ hai ngàn năm nay, vậy mà vẫn còn đầy dẫy những khuôn mặt dơ bẩn”.
Vâng! Thế giới xưa cũng như hôm nay luôn hiện hữu một thực tại chẳng mấy hoàn hảo, còn pha trộn cả tốt lẫn xấu. Đòi hỏi một thế giới hoàn toàn tốt đẹp tuyệt đối là một đòi hỏi không tưởng. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu nói đến một ruộng lúa có cỏ lùng. Nói thế, Ngài không cấm chúng ta nghĩ đến một số các loại cỏ dại khác hoặc là những cây lúa không trổ bông, hoặc chỉ là những bông lúa lép. Việc đó cho chúng ta thấy trong Giáo Hội của Chúa chẳng thiếu gì những Kitô hữu, chỉ có tên trong sổ rửa tội, có lẽ chưa đến mức độ đã trở thành “Cỏ lùng” nhưng họ là những “Cây vả không sinh trái”. Những con người như thế cũng đâu khác gì cỏ lùng trong ruộng lúa. Nhưng đây mới chỉ là giai đoạn của Nước Chúa trên trần gian.
Chính vì thế mà khi kể dụ ngôn cỏ lùng và lúa, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy tất cả rồi sẽ tới ngày kết thúc cuối cùng. Chúa dùng hình ảnh một mùa gặt để diễn tả ngày sự thật này. Trong ngày ấy, Ngài sẽ làm công việc phân định dứt khoát, sẽ không tình trạng lẫn lộn cỏ lùng với lúa tốt, người lành và kẻ dữ. Mọi sự rồi sẽ được phân định rõ ràng. Người lành sẽ được hưởng hạnh phúc ngàn thu, kẻ dữ sẽ bị quăng vào lửa đời đời.
2. Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng đó, mỗi người cần có thái độ như thái độ của ông chủ trong dụ ngôn. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu muốn dùng để ám chỉ về lòng kiên nhẫn, cảm thông của Thiên Chúa đối với loài người. Theo dụ ngôn, thì chúng ta thấy, cỏ lùng chẳng thể biến thành lúa tốt, và lúa tốt không bao giờ biến thành cỏ lùng, nhưng nơi con người thì khác, không ai bị coi là xấu mãi mãi, và cũng không ai có thể tự phụ cho mình là tốt hoàn toàn. Nơi mỗi con người chắc chắn cũng có những cỏ lùng, tức là những khuyết điểm mà chúng ta phải cố gắng chừa bỏ để trở nên tốt hơn.
Vậy thì bài học ở đây là phải biết chấp nhận thực trạng đó.
Chúng ta cần học lấy bài học cảm thông, kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa. Vinh quang, thành tựu tốt đẹp chỉ đến sau những nỗ lực cố gắng để vươn lên!
Xin được kết thúc bằng một câu chuyện.
Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác tại một xưởng dệt. Công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày dệt một phần được trao phó. Việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa. Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế, người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:
– Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.
Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau:
– Con ơi! Làm sao con thấy được công trình nghệ thuật chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi những gì con đang thấy chỉ là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.
Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của ba vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, chính là hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất, giờ đây hiện lên như một kỳ công.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.(Rabboni)