Khi so sánh Đức Bênêđictô XVI với Đức giáo hoàng Phanxicô, có người đưa ra nhận xét: Đức Bênêđictô XVI là một bậc thầy, còn Đức giáo hoàng Phanxicô là một bà mẹ. Thật ra, Hội Thánh vừa là Thầy vừa là Mẹ, có chăng người ta khám phá nơi mỗi vị giáo hoàng một dung mạo gần gũi hơn với hình ảnh người thầy hoặc bà mẹ. Đức giáo hoàng Phanxicô hiện nay, quả thật, đã làm nổi bật khuôn mặt người mẹ và tình mẫu tử của Hội Thánh.
Ngài thể hiện điều này qua những chọn lựa mục vụ, cụ thể là những chuyến viếng thăm các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới. Những điểm đến đầu tiên được ngài chọn không phải là những quốc gia ở trung tâm châu Âu giàu có, nhưng là những đất nước ở vùng biên: Hàn Quốc, Sri Lanka, Philippines ở Viễn Đông; và Israel, Palestine ở Trung Đông của châu Á. Mới đây, trong chuyến thăm mục vụ tại Châu Mỹ La Tinh, ngài cũng chọn ba nước nghèo là Ecuador, Bolivia và Paraguay. Ngay cả Argentina là quê hương của ngài, ngài cũng không ghé thăm. Ở bất cứ nơi đâu, ngài luôn dành thời giờ đến gặp gỡ những người nghèo, các bệnh nhân, người khuyết tật, những người cần đến tình yêu thương và sự quan tâm của Hội Thánh nhiều nhất.
Đức giáo hoàng Phanxicô còn thể hiện khuôn mặt người mẹ qua cách giảng dạy, với lời lẽ đơn sơ và bình dị, cách nói mang tính đối thoại trực tiếp với người nghe. Chính vì thế, không ít lần, những bài diễn văn được soạn sẵn phải nhường chỗ cho những phát biểu mang tính ứng khẩu. Những phát biểu này có nguy cơ bị cánh truyền thông lợi dụng và giải thích một chiều, nhưng Đức giáo hoàng vẫn tiếp tục cách nói “từ trái tim đến trái tim”, giúp người nghe cảm nhận mối quan tâm ngài dành cho họ.
Phải chăng vì thế mà ngài kêu gọi các linh mục phải giảng Lời Chúa như một người mẹ nói với con cái? “Hội Thánh là Mẹ và rao giảng cho dân như một người mẹ nói với con cái mình, vì biết rằng con cái tin tưởng vào tất cả những gì mẹ dạy, vì mẹ chỉ muốn điều tốt lành cho mình và biết rõ mẹ yêu thương mình” (Niềm vui Phúc Âm, số 139). Cũng thế, khi linh mục giảng Lời Chúa, người ta mong gặp được “sự nồng ấm trong ngôn từ, êm dịu trong diễn tả, vui tươi trong cử chỉ”. Khi đó, “kể cả trong trường hợp bài giảng có chút buồn chán, vẫn sẽ mang lại kết quả, như những lời khuyên bảo buồn chán của một người mẹ dịu dàng, theo thời gian, cũng sẽ trổ sinh hoa trái trong tâm hồn con cái” (số 140).
Cũng thế, công việc mục vụ của linh mục phải phát xuất từ con tim yêu thương và thể hiện “văn hóa của tình mẫu tử” cũng như “cuộc cách mạng của sự dịu dàng”. Xin Chúa ban cho chúng ta nhiều mục tử như thế, để dung nhan Thiên Chúa giàu lòng thương xót được bừng sáng trong đời sống của Hội Thánh.
Ngày 18.07.2015
Người Mỹ Tho