WHĐ (23.07.2015) – Để giúp các Kitô hữu hiểu đức tin của anh chị em tín đồ Hồi giáo, các giám mục Canada đã cho xuất bản một tập sách mỏng gồm các câu hỏi đáp về các điểm chính của Hồi giáo.
Các giám mục Canada trong Uỷ ban toàn quốc Liên lạc giữa các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo (CLNCM) hy vọng việc phát hành tập sách mỏng này sẽ “tạo thuận lợi cho việc hiểu biết và đối thoại giữa các thành phần khác nhau trong dân chúng”.
Dưới hình thức hỏi đáp đơn giản, tập sách mỏng gồm vỏn vẹn tám trang lần lượt giới thiệu với người đọc: người Công giáo cần phải hiểu biết về Hồi giáo; nguồn gốc của Hồi giáo; giáo huấn và năm trụ cột của Hồi giáo; các niềm tin được người Công giáo và Hồi giáo cùng chia sẻ (một Thiên Chúa Tạo dựng duy nhất, kẻ chết sống lại…) và các sự khác biệt giữa hai bên. Người Hồi giáo tôn kính Đức Giêsu như một tiên tri, trong khi người Công giáo thờ kính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa; trong Hồi giáo, Thiên Chúa bày tỏ ý muốn của Ngài, trong khi đối với Công giáo, Thiên Chúa không chỉ truyền đạt ý muốn của Ngài, mà còn trao ban chính mình Ngài…) v.v…
Lưu ý cạm bẫy của từ ngữ
“Cảnh giác đối với cạm bẫy của từ ngữ là điều quan trọng”, tập sách mỏng này nhấn mạnh đến việc cả hai – Kitô hữu và người Hồi giáo – có thể sử dụng cùng một thuật ngữ (cầu nguyện, bố thí hay hành hương…) hay nói về cùng một nhân vật (Abraham, Môisen, Giêsu…) nhưng với một ý nghĩa khác nhau. “Do đó, trong các cuộc đối thoại, cần phải có những cuộc thảo luận rõ ràng và cởi mở để tránh những hiểu lầm”.
Tập sách của Hội đồng Giám mục Canada cũng đưa ra một bức tranh tổng quát về sự hình thành và hiện trạng của cuộc đối thoại liên tôn, qua bốn hình thức thường được gợi lên: (1) trong cuộc sống; (2) bằng hành động, (3) trao đổi thần học giữa các chuyên gia; và (4) đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo tạo thuận lợi cho tình liên đới trong cầu nguyện.
Tương lai thế giới tuỳ thuộc ở mối quan hệ hòa bình giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo
Lần lượt trích dẫn Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng chung Vatican II về quan hệ giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đặc biệt là người Hồi giáo, Đức Gioan Phaolô II, trong một diễn văn tại Kaduna (Nigeria) hồi tháng 2/1982, Đức Bênêđictô XVI trong chuyến viếng thăm Đền thờ Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006, và cả Đức giáo hoàng Phanxicô trong một diễn văn tại Ankara vào tháng 11/2014, tập sách của các Đức giám mục Canada gợi lên cho thấy rằng mỗi người đều có thể góp phần vào cuộc đối thoại giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu. “Số tín đồ của hai tôn giáo này chiếm phân nửa dân số thế giới. Nếu không có hòa bình và công lý giữa hai cộng đồng tôn giáo này, trên thế giới sẽ không thể có được nền hòa bình có ý nghĩa. Tương lai của thế giới tùy thuộc vào hòa bình giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo”.
Được thiết lập từ hơn mười lăm năm nay, Uỷ ban Liên lạc này (CLNCM) đã được biết đến qua nhiều dự án khác nhau, chẳng hạn “Gia đình gặp gỡ gia đình” (sự kết nghĩa giữa hai gia đình Hồi giáo và Kitô giáo để hiểu rõ nhau hơn qua hành động xã hội) và “Bữa ăn tối nhận biết nhau” (một người Hồi giáo và một Kitô hữu được cám ơn vì đóng góp của họ vào việc hiểu biết nhau giữa tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo). Vào tháng 3/2015, CLNCM đã tổ chức một cuộc tọa đàm công cộng về “Các quyết định trong việc chăm sóc giờ phút cuối đời”, nhằm tạo dịp để các quan điểm của Hồi giáo và Kitô giáo cọ sát nhau.
Tập sách mỏng này của Hội đồng Giám mục Canada nằm trong khuôn khổ của một loạt sách có tên gọi “Một Giáo hội đối thoại”. Hai tập sách khác đã được xuất bản có nhan đề “Dấn thân đại kết của Công giáo” và “Tiến tới việc tái lập sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”.
Có thể tải về tập sách này tại trang web của Hội đồng Giám mục Canada:
Bản tiếng Anh: www.cccb.ca/site/images/stories/pdf/CCCB_Muslim_EN_web.pdf
Bản tiếng Pháp: www.cccb.ca/site/images/stories/pdf/CCCB_Muslim_FR_web.pdf
(Nguồn: WHĐ)