Các Kitô hữu Pakistan tiếp tục bị bách hại

LAHORE: Trong thời gian qua, đã có thêm hai kitô hữu bị bắt bên Pakistan vì bị tố cáo chống Hồi giáo.

 

Ông Qaisar, cha của ba người con, và ông Amoon Ayub, chồng của một cô giáo dậy tại trường công giáo gần nhà thờ chính tòa Lahore, đã bị bắt vì tội công bố các bài viết xúc phạm tới Hồi Giáo trên địa chỉ Liên mạng của mình. Ông Qasair đã bị tố cáo hồi năm 2012, nhưng ông  cho biết đã đóng Website của mình từ hồi năm 2009. Tuy nhiên, một người bạn là Shahryar Gill đã lấy lại được và dùng cho mình. Hai người đã cãi nhau trong văn phòng, sau đó hai ông Qasair và Ayub đã nhận được các lời đe dọa giết, nên đã phải lẩn trốn. Khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, hai người đã phải trốn sang Thái Lan và Singapore một thời gian. Khi trở về Pakistan năm 2012, họ được báo là đã có đơn tố cáo chống lại họ. Tháng 11 năm 2014, họ bị cảnh sát bắt giam. Biết là họ bị vu khống, tổ chức phi chính quyền Trung tâm trợ giúp pháp luật đã trả tiền cho họ tại ngoại, nhưng không thành công. Trong khi Tòa Thượng Thẩm Pakistan đã quyết định ngưng án và tái xét trường hợp của bà Asia Bibi, bị vu khống phạm thương và bị kết án tử hình.

 

Trong Hiến Pháp Pakistan, có hai khoản của hình luật phạt tử hình, mọi xúc phạm tới Mahomét, ông tổ của Hồi giáo. Luật này thường bị người Hồi lạm dụng, bằng cách vu khống người khác để thanh toán các mối tư thù. Trong 25 năm qua, nó đã được áp dụng hơn 1.000 lần, thường là đối với các tín hữu kitô chiếm 2% tổng số dân Pakistan. Cha Gilbert Gill, tuyên úy Hiệp hội kitô Pakistan tại Italia, cho biết luật bị lạm dụng một cách vô lý, tới độ ai vô tình để rơi một cuốn sách Koran, cũng có thể bị tố cáo là phạm thượng chống lại Hồi giáo, và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Mới đây, chính quyền Pakistan đã minh xác là hình phạt chỉ áp dụng cho những trường hợp cố ý. (FIDES 23-7-2015)

 

(Vatican 27.7.2015)

 

Linh Tiến Khải

 

CÁC GIÁO HỘI KITÔ NEPAL KÊU GỌI TÔN TRỌNG TỰ DO TÔN GIÁO

 

KATHMANDU: Các Giáo Hội Kitô tại Nepal kêu gọi chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo để mọi công dân có thể theo và thực hành tôn giáo họ muốn, mà không bị áp lực và kỳ thị.

 

Các Giáo Hội Kitô Nepal đã đưa ra lời kêu gọi trên đây sau khi xảy ra các vụ phản đối dự luật cấm cải đạo và phạt nặng hàng giáo sĩ liên quan tới các vụ cải đạo. Thông cáo có đoạn viết: Dự luật của tân Hiến pháp nói tới việc phạt hàng giáo sĩ vì các vụ cải đạo, phải đuợc hủy bỏ. Tất cả mọi người đều có quyền tự do lự chọn tôn giáo mình muốn. Tự do tôn giáo cũng có nghĩa là mỗi người có thể thay đổi tôn giáo và không bị phạt vì điều này. Chính luật này chống lại tự do tôn giáo. Thông cáo cũng khẳng định rằng đây không phải chỉ là một biện pháp chống lại việc chiêu dụ tín đồ của các kitô hữu hoạt động hiếu chiến nhất, nhưng cũng có nguy cơ tạo khó khăn cho những kitô hữu loan báo Tin Mừng trong sự ôn hòa, tôn trọng quyền tự do lựa chọn của người nghe, mà không bắt buộc họ theo đạo.

 

Trong các ngày qua tại Nepal đã có nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại dự luật này, và đã xảy ra các vụ đụng độ khiến cảnh sát đã bắt giữ hàng trăm người. Các thành viên Quốc hội lập hiến đã gặp gỡ dân chúng và lắng nghe các ý kiến của người dân. Các đảng phái chính trị than phiền vì Nepal đang đánh mất đi tính cách Ấn giáo là tôn giáo chiếm 80% tổng số dân. Trong khi đó các nhóm kitô thiểu số yêu cầu chính quyền thay đổi luật này. Ông Kamal Thapa, chủ tịch đảng Rastriya Prajatantra, cho biết có hàng loạt các nghi ngờ đối với dự luật sẽ được trưng cầu dân ý, vì chính người dân sẽ định đoạt về tính chất đời của nhà nước. Nếu Nepal không phải là một quốc gia Ấn giáo, thì chính sách duy đời phải được thay thế bằng tự do tôn giáo. Chỉ như thế mọi người mới được tự do. Nhưng cho đến nay thì khuynh hướng duy đời cực đoan vẫn chiếm ưu thế. Tại quận Terai ở mạn nam Nepal các cộng đoàn tin lành đã bỏ cuộc họp với Ủy ban hành pháp của quốc hội, và đã có các vụ lộn xộn xảy ra. Các đảng phái địa phương âu lo trước hình thái mới của cơ cấu liên bang và hệ thống cai trị của nước này (SEDOC 24-7-2015)

 

Linh Tiến Khải