Quan sát cuộc sống hằng ngày, điều dễ nhận thấy nơi những sinh hoạt xã hội của đời sống con người, đó là: thích sung sướng hơn hy sinh, thích chiến thắng hơn nhẫn nhịn, thích được khen hơn bị chê, thích được phục vụ hơn làm người phục vụ, thích giàu có hơn khó nghèo, thích chứng tỏ hơn khiêm nhường …
Ở đây không đào sâu, bàn luận về lối sống hay những sở thích này, nhưng muốn từ những diễn biến thực tế trên, để ưu tư về đời sống tiết độ nơi con người trong xã hội hôm nay. Có phải chăng hai từ tiết độ chỉ dành riêng cho giới tu sĩ trong các tôn giáo? Cơ sở nào để đặt một câu hỏi như vậy?
Thưa: trong suy nghĩ chung của nhiều người, khi nói đến những tu sĩ, hay chức sắc trong các tôn giáo, minh nhiên hiểu rằng những con người này là những người có đời sống siêu thoát, thong dong hơn người khác. Nghĩa là, họ đã chế ngự được phần lớn những dục vọng, ham muốn tiền của, chức quyền, sắc dục, tham, sân, si … nơi bản thân của mình. Như vậy, rõ ràng đây là những người có một đời sống tiết độ.
Bởi vì, tiết độ là nhân đức giúp chúng ta kiềm chế sức lôi cuốn của những thú vui, làm chủ bản năng và sử dụng chừng mực những của cải đời này. (HĐGMVN, Bản Hỏi Thưa Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 405)
Những nhà tu hành, có đời sống tiết độ là chuyện đương nhiên, nhưng nếu nghĩ rằng: tiết độ chỉ dành cho những người tu, là sai lầm. Sai là bởi vì, tiết độ không phải là một ơn gọi mà nó là một nhân đức. Ơn gọi thì có sự chọn lựa và từ bỏ, điều mình chọn không phải là tốt hơn so với điều mình bỏ, nhưng chấp nhận bỏ là để toàn tâm toàn ý với điều mình đã chọn.
Đời sống độc thân thánh hiến, không phải là tốt hơn so với đời sống hôn nhân gia đình, nhưng khi đã chọn đời sống độc thân thánh hiến, thì phải từ bỏ đời sống hôn nhân gia đình, cũng chỉ vì để toàn tâm toàn ý sống cho ơn gọi mà mình đã tự do chọn lựa. Đối với những ơn gọi khác cũng thế, tất cả đều có sự chọn lựa và từ bỏ.
Tiết độ không phải là ơn gọi, nó là nhân đức. Đã là nhân đức, thì không có khái niệm từ bỏ ở đây, nhân đức là dành cho hết mọi người, cho dù họ đang sống trong ơn gọi nào đi chăng nữa. Tu sĩ, chức sắc, bác sĩ, kỹ sư, trí thức hay bình dân, quyền cao hay thấp hèn, nghèo khó hay sang giàu … tất cả đều phải học tập, rèn luyện và thực hành đời sống tiết độ. Tại sao sống tiết độ lại quan trọng đến như vậy?
Sở dĩ đời sống tiết độ cần thiết cho con người, là bởi vì tiết độ là hồng ân của Thánh Thần ban cho con người, nhằm mục đích nâng đỡ đời sống luân lý của họ và giúp họ sống theo tiếng mách bảo của Thánh Thần. (GLHTCG, 1830-1832). Mà Thánh Thần là tình yêu của Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An Ủi, Đấng Bảo Trợ, là Thầy dạy cầu nguyện và nguyện cầu thay cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa.
Như vậy, Thánh Thần là Đấng thánh hóa, biến đổi, giáo dục và hướng dẫn con người trở nên lành thánh trước mặt Thiên Chúa. Cho nên, một khi sống tiết độ nghĩa là đang đón nhận và sống dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Đang chọn và sống con đường tu thân, tích đức hằng ngày, để được trở nên đức hạnh nhiều hơn. Vì lẽ ấy, mà sống tiết độ là quan trọng với tất cả mọi người, không trừ một ai. Bởi vì, chung quy của đời người là trở nên thánh thiện, giống như Thiên Chúa là Đấng thánh. Vậy phải sống tiết độ như thế nào? Giáo huấn của Hội thánh nói rất rõ: kiềm chế trước những thú vui, làm chủ bản năng, sử dụng chừng mực của cải vật chất.
Kiềm chế trước những thú vui: tự bản chất từ ngữ thú vui đã hàm ý nơi đó những giải trí, vui chơi thiếu lành mạnh. Bởi vì ngay trong từ ngữ có chứa từ thú: thú tính, thú vật, thú phạt, thú tội … Nghĩa là, những dịch vụ vui chơi, tiêu khiển giải trí đi ngược lại với những giá trị, quy định của hệ thống đạo đức, luân lý tốt đẹp của xã hội loài người. Đứng trước cám dỗ của những thú vui này, đòi bản thân cần ý thức, kiềm chế để chớ sa chước cám dỗ. Đó gọi là tiết độ.
Còn đối với những nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh thì như thế nào? Trước hết cần hiểu rõ lành mạnh là gì? Lành mạnh là có ích cho thể xác và tâm hồn (Nguồn: vi.wiktionary.org). Vậy những vui chơi giải trí đem lại lợi ích tốt đẹp cho thể xác cũng như tâm hồn con người, thì đó gọi là vui chơi, giải trí lành mạnh. Vậy đã là vui chơi giải trí lành mạnh, mang lại ích lợi cho thể xác và tâm hồn, thì được phép thỏa mãn một cách tối đa? Không! Không phải như thế. Đã nói là giải trí, vui chơi thì không thể chiếm hết thời gian của cuộc sống con người, nó chỉ là những tô điểm làm cho cuộc sống thêm phần thi vị, phong phú, mà không phải là toàn thời gian của cuộc sống chỉ dành cho việc vui chơi giải trí lành mạnh.
Như thế, cho dù là vui chơi giải trí lành mạnh đi chăng nữa, thì bản thân vẫn phải có một ý thức kiềm chế, sao cho việc giải trí vui chơi lành mạnh vừa đủ, mà không phải là chiếm hết thời gian của cuộc sống hằng ngày. Đó gọi là tiết độ.
Làm chủ bản năng: khi nghe hai từ bản năng, dễ liên tưởng đến những hành vi không do lý trí kiểm soát, những hoạt động cơ bản của giống nòi. Chẳng hạn như: ăn uống, ngủ nghỉ, tự vệ, phản xạ, tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, tính dục, ham muốn … Và thậm chí khi nói đến bản năng, người nghe có cảm giác như muốn đề cập đến những vấn đề hết sức phàm nhân, trần tục. Từ đó dễ có thái độ trốn tránh, e ngại mỗi khi nói đến những điều liên quan đến bản năng của con người.
Có liên tưởng hay suy nghĩ như thế, cũng là bình thường. Bởi vì, bản năng là những điều vô cùng gần gũi, sát sườn, liên quan trực tiếp đến đời sống của mỗi người. Vậy tại sao khi có một ai đó sống theo bản năng, thì lại bị lên án, phê bình, chỉ trích? Họ phê bình bản năng, hay là phê bình đời sống theo bản năng?
Tự bản chất, bản năng là những điều đã có sẵn, mang tính kế thừa theo giống nòi, mà Đấng Tạo Hóa đã thiết lập nơi mỗi người. Đồng thời, Đấng Tạo Hóa cũng khắc ghi hình ảnh thánh thiện của Ngài nơi tâm hồn và thể xác con người. Cho nên, không thể gọi bản năng là xấu được, vì nó thuộc về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bản năng chỉ trở nên xấu xí, khi mà người ta dùng tự do của mình, để lợi dụng bản năng mà làm lưu mờ hình ảnh thánh thiện của Thiên Chúa, nơi tâm hồn và thân xác của họ.
Vì thế, nhìn ở góc độ đạo đức, tâm linh: bản năng cũng giống như một thử thách, mà Thiên Chúa đặt ra trước sự tự do của con người. Thử thách này góp phần nâng cao giá trị của tự do, cũng như thiện chí trở nên thánh thiện nơi mỗi người. Vậy mỗi khi chê bai, hoặc phê bình ai đó sống theo bản năng, không có nghĩa là phê bình bản năng, cũng không phải là phê bình đời sống theo bản năng, nhưng thực chất là chê bai, đánh giá thấp thiện chí rèn luyện đức hạnh, và sử dụng tự do chính đáng, để trở nên thánh thiện nơi bản thân của họ. Lý giải này, dẫn đến kết luận: làm chủ bản năng, là vượt qua những thử thách ngăn cản con người, trên con đường nên thánh của họ. Đó gọi là tiết độ.
Sử dụng chừng mực của cải vật chất: của cải vật chất do năng lực và sức lao động của tôi làm ra, vì cớ gì phải sử dụng có chừng mực? Chẳng lẽ tôi không có toàn quyền sử dụng tiền của theo ý của tôi muốn hay sao? Vấn đề không nhắm vào việc sử dụng của cải vật chất như thế nào? Sử dụng cho mục đích tốt hay xấu? Nhưng thực ra, lời mời gọi sử dụng chừng mực của cải vật chất, là nhằm hướng con người đến việc chế ngự những đam mê hưởng thụ cách ích kỷ cho bản thân, mà thay vào đó là thái độ sống quảng đại, rộng lượng để dễ dàng chia sẻ cho tha nhân.
Cho nên, để có thể sử dụng chừng mực của cải vật chất, đòi phải làm chủ được dục vọng ham muốn vật chất. Nói cách khác, là phải làm chủ được những đòi hỏi nơi bản thân về mặt vật chất, mà thông thường được gọi là những nhu cầu vật chất.
Nhu cầu ăn ngon mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng. Nhu cầu mua sắm, tiêu xài, thời trang, du lịch. Nhu cầu thu nhập, lợi nhuận, tiền lương … Làm chủ những nhu cầu này, nghĩa là có sự phân tích, lượng định xem nhu cầu nào là cần thiết, nhu cầu nào là ưu tiên hàng đầu, nhu cầu nào cần phải cắt giảm, nhu cầu nào phải bỏ qua, nhu cầu nào được thỏa mãn đến đâu, khi nào, ra sao? Khi đã làm chủ được những nhu cầu vật chất, thì cũng đồng nghĩa với việc làm chủ trong việc sử dụng của cải vật chất. Đó gọi là tiết độ.
Một khi hiểu được sống tiết độ là gì? Sống tiết độ như thế nào? Lợi ích của nó ra sao? Thì chắc có lẽ người ta sẽ chọn đời sống hy sinh, nhẫn nhịn, chịu đựng, phục vụ, khó nghèo, khiêm nhường … hơn là những thái độ sống ngược lại. Vì đây là những diễn tả của một đời sống tiết độ hằng ngày. Đời sống dẫn đưa con người đến đức hạnh và thánh thiện.
Lm. Pet. Trần Trọng Khương